Colombia, hai phụ nữ nạn nhân của bạo lực trên đường đi đến giải hòa

1491

Đức Phanxicô trong buổi hòa giải ở Villavicencio, Colombia, 8 tháng 9.

la-croix.com, Marie Malzac, ở Villavicencio, 2017-09-08

Ngày thứ sáu 8 tháng 9, Đức Phanxicô đến Villavicencio, ngài tham dự “buổi hòa giải” tổ chức tại đây. Ngài có mặt cùng với 6000 nạn nhân và 500 cựu kháng chiến quân của Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang Farc và các người trong tổ chức bán quân sự, đại diện cho 8 triệu người liên hệ đến cuộc xung đột này.

Báo Thập giá gặp hai phụ nữ đại diện cho bạo lực ở đất nước này, họ mong lật sang trang của một quá khứ hận thù để đến được với tha thứ.

Bà Paulina Mahecha: “Tôi đã có thể tha thứ với hết tấm lòng của tôi”

63 tuổi, mẹ của một nạn nhân của các tổ chức bán quân sự

Ngày 19 tháng 4-2004 là ngày in hằn trong ký ức của bà Mahecha. Ngày hôm đó bà đi chợ cùng với cô con gái 29 tuổi Maria Cristina của mình. Cô là y tá, chiều hôm đó cô phải đi xe buýt đến Calamar, một làng cách đó 300 cây số ở ven rừng Amazon để làm việc. Lần nào bà cũng chở cô ra bến xe và khóc từ giã ôm cô. Hai ngày sau, bà nhận một cú điện thoại khủng khiếp: con gái bà đã mất tích. Bà không bao giờ gặp lại con.

Ngay lập tức bà đi chuyến bay đầu tiên, đến hãng xe để hỏi xem con bà có đến đó chưa. “Họ đưa tôi cái xách đi chợ mà chúng tôi cùng đi chợ mua đồ với nhau, nhưng họ nói họ không biết gì, bà mẹ thì thào khóc sướt mướt. Luật của thinh lặng, luật của sợ hãi…” Cuộc đời bà sụp đổ khi bà nghe tin con gái mình bị chết.

Vài tuần sau, bà đọc một mục nhỏ trên báo, cho biết có một vụ đầu hàng của một dân quân bán quân sự trong vùng Calamar. Cùng chồng, bà đến dự một buổi hỏi cung của ông. Ông tả chi tiết chuyện xảy ra với Maria Cristina: trước khi chết, cô bị tra tấn, bị cắt xẻo, cô bị giết vì họ cho cô “hợp tác với phiến quân”, họ nghi ngờ cô cung cấp thuốc men cho kháng chiến quân. Bà Paulina nói: “Bà không thể tưởng tượng nỗi hận thù của tôi lúc đó: tôi có thể giết họ bằng chính tay tôi”.

Bà Paulina đi qua chứng trầm cảm, vượt qua căn bệnh ung thư vú. Để thoát ra khỏi sự hận thù của mình, bà ghi ghi tên vào lớp đào tạo quyền của con người và hiểu được cơ chế của cuộc xung đột Colombia. Bà hiểu mình có thể thấy những chuyện này trong các cuộc chiến tranh khác, ở Châu Mỹ La Tinh hay ở nơi khác.

Bà cho biết: “Tôi đã có thể tha thứ hết lòng cho những người đã giết con gái tôi, vì rất nhiều người trong số này được tuyển khi còn ở tuổi vị thành niên, họ bị cuốn vào vòng xoáy trôn ốc vượt quá sức của họ”. Năm 2014, bà vận động được trung tâm y tế, nơi Maria Cristina làm việc để trung tâm này mang tên con của bà. Bà hy vọng một ngày tìm được xác con mình.

Judy Pelilla: “Con đường tiến đến giải hòa còn dài”

38 tuổi, cựu thành viên Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang

“Tôi lên 8 tuổi khi tôi bị Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang đem đi”. Ánh nhìn tắt lịm, bà như bị lạc hồn một chút. Cách đây gần bốn năm, bà trở lại với đời sống dân sự nhờ chương trình tái hội nhập, một chương trình giúp các cựu chiến binh của các thành phần khác nhau trong cuộc nội chiến. Bây giờ bà là nhân viên kế toán ở Villavicencio, một thành phố cách thủ đô Bogotà 80 cây số.

Câu chuyện bi thảm của bà bắt đầu từ phân bộ Boyacá, vùng núi trung-đông của Colombia. Mồ côi khi mới vài tháng, bà được giao cho bà mẹ đỡ đầu. Một ngày nọ, có những người đàn ông vũ trang đến cho bà kẹo và dụ bà đi theo họ, họ hứa sẽ cho thêm kẹo. Bẫy đã xong. Một khi ở trong rừng, họ giải thích bây giờ đây là nhà của bà. “Tôi muốn về nhà, nhưng không thể…”, bà vừa nói vừa chùi nước mắt thầm lặng chảy trên gò má mờ.

Sau đó vài năm, bà bắt đầu được huấn luyện quân sự. Năm 15 tuổi, giống như nhiều cô gái trẻ trong Lực lượng Cách Mạng Vũ Trang, bà mang thai lần đầu tiên. Bà giải thích: “Vì cha đứa bé là hạ sĩ quan, tôi được quyền giữ bào thai. Khi sinh ra, người ta mang đứa bé về một làng để giao cho gia đình tôi”.

Trong những năm đánh nhau khốc liệt với tổ chức bán quân sự hay với quân đội, Judy trở thành một kháng chiến quân thật sự. “Đó là cho công chính, cho dân tộc, các người lãnh đạo nói với chúng tôi”. Sau đó, bà có một đứa con khác cũng với người đàn ông này. Bà tiếp tục sống căng thẳng trong rừng cho đến ngày bà chuyển qua một đơn vị khác. Ở đây bà gặp một người bạn đời mới, một dân quân tự vệ như bà. Khi biết mình mang thai, bà “thóp bụng lại” để tránh bị cưỡng bức phá thai. Bà kể: “Tới tháng thứ năm, một cô bạn tố cáo tôi. Ngay lập tức, người ta bắt tôi uống một lượng thuốc độc lớn để tôi mất em bé”. Sức khỏe của bà sa sút nhanh chóng. Bà bị bất tỉnh, cuối cùng họ chở bà đến một bệnh viện gần nhất. Và tại đây bà được thoát.

Khi tỉnh dậy sau ba lần mổ, bà thấy một phụ nữ cầm quyển Thánh Kinh trong tay đã săn sóc bà nhiều ngày. “Em rời hàng ngủ phiến quân và vào quân đội và nghĩ đến tương lai của em”, người săn sóc che chở đề nghị với bà.

Sau nhiều do dự, bà quyết định đi tới. Bà không trở về với phiến quân. “Tôi đã làm cho nhiều người khổ và cho cả chính tôi, bà xác nhận. con đường tiến tới hòa giải còn dài, bắt đầu hết là tha thứ cho chính mình. Nhưng tôi mong người Colombia hiểu, rất nhiều kẻ giết người hôm qua, họ cũng là nạn nhân”.

Marta An Nguyễn dịch

Thánh giá hòa giải

Trồng cây hòa giải