Tòa Thánh ủng hộ việc sử dụng đáy biển một cách có trách nhiệm

729
https://lh4.googleusercontent.com/38XB5lLWqWP599Bbf1vjxreVy_VCFpDiS6e6oR5auc0zyeFtRpuvUiirfl7CjLWSCrPjYmn_Kmrww2_P9_Zfhmuogv562kB2yLP1RDUbaBF0N50_KnWuJ3-V8e4kmGKENZSHgYcm
Sóng đại dương, Wikimedia Commons, Jon Sullivan, Public Domain

Cảnh báo rằng tình trạng của các đại dương tiếp tục suy giảm

29 tháng Bảy, 2019 16:16

ZENIT STAFF

Ngày 26 tháng Bảy, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, đã có bài phát biểu trong Phiên họp thứ 25 của Đại Hội đồng thuộc Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) diễn ra tại Kingston, Jamaica. Ngài nói về Chương trình Hoạt động Mục 11, là mục nói riêng về kỷ niệm lần thứ 25 của ISA. Phát biểu được đọc bởi Đức ông Tomasz Grysa.

Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza bày tỏ sự đánh giá cao về khuôn khổ pháp lý quan trọng mà Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã thiết lập trong một phần tư thế kỷ qua. Tuy nhiên, ngài nói, tình trạng của các đại dương vẫn tiếp tục suy giảm, một điều mà ngài hy vọng rằng Hiệp ước Paris, Chương trình Nghị sự 2030 về sự Phát triển Bền vững, và các cuộc đàm phán liên tục về việc bảo tồn và cách sử dụng bền vững các tài nguyên trong những khu vực nằm ngoài phạm vi quyền tài phán và quy định quốc gia về khai thác tài nguyên khoáng sản sẽ giúp khắc phục được tình hình. Tòa Thánh đưa ra ba điểm cho con đường phía trước. Điều đầu tiên là các đại dương là một phần của món quà được giao phó cho sự quản lý chung của chúng ta và chúng ta phải tiếp cận chúng một cách rất cẩn trọng và có trách nhiệm chứ không chỉ để sử dụng và khai thác. Thứ hai, chúng ta phải cân bằng giữa những lợi ích kinh tế với việc bảo tồn và tính bền vững. Thứ ba, chúng ta phải nhận thức được sự xung đột của các lợi ích trong nền Kinh tế Xanh mới nổi lên để làm hài hòa tốt hơn cho tính bền vững, lợi nhuận kinh tế và tuân thủ các quy định.

Toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục

Thưa bà Chủ tịch,

Tòa Thánh mong muốn bày tỏ sự đánh giá cao trong hai mươi lăm năm qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) đã cung cấp một khung pháp lý quan trọng để kiểm soát các đại dương của chúng ta. Nhiều thỏa thuận thực thi khác nhau, bao gồm thỏa thuận liên quan đến Phần XI, đã cố gắng sửa đổi và bổ sung các điều khoản nhằm làm cho Công ước có hiệu quả hơn, đặc biệt là bảo vệ các đại dương và sử dụng tài nguyên đại dương một cách bền vững.

Tuy nhiên, mặc dù Công ước đã có hiệu lực trong hai mươi lăm năm và cho dù đã có nhiều thỏa thuận thực thi khác nhau, nhưng bằng chứng khoa học cho thấy rằng tình trạng của các đại dương của chúng ta đã và đang tiếp tục suy giảm. Phái đoàn của tôi hy vọng rằng những đàm phán hiện tại về một thỏa thuận thực thi mới liên quan đến việc bảo tồn và sử dụng bền vững ở các khu vực nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia và các quy định về khai thác những tài nguyên khoáng sản trong khu vực, cùng với Hiệp ước Paris và Chương trình nghị sự 2030 về sự Phát triển bền vững, sẽ thay đổi được tình hình để phục hồi các đại dương của chúng ta trở lại khỏe mạnh và bền vững.

Phái đoàn của tôi muốn nhân cơ hội lễ kỷ niệm hai mươi lăm năm kể từ khi UNCLOS có hiệu lực và việc thành lập Cơ quan Quản lý Đáy biển Quốc tế (ISA) bằng cách đưa ra ba điểm để phản ánh thêm về con đường đặt ra phía trước.

Điểm đầu tiên là mối quan hệ của chúng ta với các đại dương. Hành tinh, và trên đó là các đại dương, là một món quà được giao phó cho chúng ta để thụ hưởng và quản lý. Điều này được khắc ghi trong nguyên tắc di sản chung của nhân loại. Bởi vì đó là một sự tin tưởng, mối liên hệ của chúng ta liên quan đến các đại dương đặt trên góc độ chăm sóc và trách nhiệm, chứ không phải đặt trên việc khai thác và thuần túy sử dụng. Một cách tiếp cận tập trung vào việc đảm bảo các quyền và lợi ích kinh tế mà không áp đặt đầy đủ các nghĩa vụ liên quan sẽ không đảm bảo được tính bền vững cũng như việc bảo tồn các đại dương và tài nguyên biển của chúng ta, và từ đó mang lại lợi ích kinh tế bền vững.

Điểm thứ hai là tầm quan trọng của việc đạt được cách tiếp cận cân bằng giữa những lợi ích kinh tế mà chúng ta có được từ những tài nguyên của đại dương và việc bảo tồn và sự bền vững của đại dương. Mặc dù những lợi ích kinh tế mang đến sự thịnh vượng cho các quốc gia và người dân của họ, cung cấp lương thực, nhà ở và sinh kế, nhưng những nghĩa vụ bảo vệ sức khỏe của các đại dương không được đặt xuống tầm quan trọng thứ yếu. Dữ liệu từ nghiên cứu khoa học về tình trạng đại dương của chúng ta phải cho biết mọi cách tiếp cận đối với việc khai thác tài nguyên biển. Sự cân đối lớn hơn giữa những dữ liệu khoa học và các hoạt động kinh doanh trong đại dương là bắt buộc để đạt được một cách tiếp cận cân bằng. Về vấn đề này, Phái đoàn của tôi đánh giá cao công việc của ISA trong sự hợp tác với các tổ chức và cơ quan khoa học có liên quan, trong việc cải thiện sự đánh giá đa dạng sinh học và lập bản đồ đáy biển. Dữ liệu từ các nỗ lực hợp tác của cả hai lĩnh vực khoa học và kinh doanh là cần thiết để đưa ra quyết định tốt và các quy định tốt.

Điểm thứ ba và là điểm cuối cùng, Phái đoàn của tôi muốn nêu lên để phản ánh thêm mối lo ngại về những xung đột lợi ích có thể có. Khi nền Kinh tế Xanh tiếp tục nổi bật lên thì xung đột giữa các quốc gia, những công cụ pháp lý chồng chéo, doanh nghiệp kinh doanh và những người sử dụng khác cũng sẽ phát sinh nhiều hơn. Xung đột lợi ích có thể là kết quả của việc theo đuổi ba mục tiêu là sử dụng và phát triển tài nguyên bền vững, thực thi tuân thủ các quy định về an toàn và môi trường, và tối đa hóa doanh thu. Thách thức đối với những người ra quyết định và các cơ quan quản lý là đạt được sự hài hòa giữa tính bền vững của đại dương và những tài nguyên biển, lợi nhuận kinh tế và việc tuân thủ các quy định, và khi có những xung đột lợi ích thì bảo đảm rằng chúng được giải quyết một cách công bằng và bình đẳng.

Khi chúng ta kỷ niệm hai mươi lăm năm UNCLOS bắt đầu có hiệu lực và sự thành lập ISA, Phái đoàn của tôi hy vọng rằng cả Công ước và Nhà Cầm quyền sẽ tiếp tục đối mặt một cách khôn ngoan trước những thách thức lớn hơn bao giờ hết trong việc chỉnh đốn lại các hoạt động của con người trong đại dương và biển của chúng ta.

Xin cảm ơn Bà Chủ tịch.

Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 30/7/2019]