Thánh Anrê Kim và các bạn

1092

famillechretienne.fr, Marie-Christine Lafon, 2001-09-15

”Máu các thánh tử đạo là hạt giống của người kitô hữu”: câu này minh họa đúng cho lịch sử các Kitô hữu ở Hàn Quốc.

Vào thế kỷ 17, sách vở từ Trung quốc được đem vào Hàn Quốc và đã giúp cho những người có học ở đây thấy được chân lý Lời Chúa và một Đức tin sống động nơi Đấng Cứu Chuộc Sống Lại.

Năm 1784, họ gởi một trong các người của họ đi Bắc Kinh để học đạo và để được rửa tội, một việc mà vào thời đó rất nguy hiểm. Từ đó cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên ra đời ở Hàn Quốc, một cộng đoàn duy nhất trong lịch sử Giáo hội hoàn toàn do giáo dân xây dựng lên, những giáo dân đi tìm chân lý được Thần Khí soi sáng trực tiếp.

Từ năm 1791, Giáo hội trẻ nhưng rất mạnh này bắt đầu bị bách hại liên tục. Trong một thế kỷ, có hơn mười ngàn người tử đạo. Dù trong nửa thế kỷ đầu tiên, cộng đoàn chỉ có hai linh mục Trung quốc (và họ cũng chỉ đến tạm thời), nhưng Giáo hội vẫn liên kết chặt chẽ với Giáo hội hoàn vũ, đại diện qua giám mục Bắc Kinh.

Trong nhiều năm, cộng đoàn xin được gởi các linh mục đến cho mình: chỉ đến năm 1836 các nhà thừa sai đầu tiên của Hội Truyền giáo Nước ngoài Paris mới gởi người đến.

Linh mục Anê Kim là linh mục Hàn Quốc đầu tiên. Linh mục bị chặt đầu năm 1846 tại Séoul khi mới 25 tuổi. Giữa những năm 1791 và 1866, rất nhiều giáo dân, người lớn tuổi, phụ nữ, trẻ em, người lập gia đình, người độc thân, người đi tu đã chết để làm chứng cho đức tin của mình như “một đoàn người thật đông, không tài nào đếm nổi (Kh 7, 9).

103 người trong số họ, trong số này có ba giám mục và bảy linh mục của Hội Truyền giáo nước ngoài Paris được phong thánh ngày 6 tháng 5 năm 1984, tại Séoul.

Ngày hôm đó, Đức Gioan-Phaolô II đã nói với người Đại Hàn: “Họ là tổ tiên của anh chị em bằng máu mũ, thịt da và văn hóa. Nhưng họ cũng là tổ tiên của anh chị em trong Đức tin, một Đức tin họ đã làm chứng khi đổ máu mình ra. […] Các vị tử đạo truyền giáo đã tương thân tương ái với người Hàn Quốc trong một chứng tá duy nhất, chứng tỏ cho thấy đức ái có một giá trị không biên giới, không bị giới hạn bởi quốc tịch hay văn hóa”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch