Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang | Những điều trông thấy

3529

Lm Trần Thế Tuyên

Những điều trông thấy…

Hầu như ngày nào khi có giờ, tôi thường đi bộ dạo quanh Rôma. Rôma, thành phố cỗ kính có hơn 2500 năm lịch sử và có rất nhiều di tích lịch sử đáng ngưỡng mộ. Tôi thấy nhiều điều ở đây, nhưng không có chỗ nào tôi hay lui tới cho bằng Nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang (Santa Maria della Scala) ở trong hẽm, cách học viện Canada chừng 20 phút đi bộ. Nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang được xây cất từ những năm 1593-1610. Gọi là Đức Mẹ Cầu Thang vì tương truyền rằng có mẫu ảnh Đức Mẹ ở nhà bên cạnh ở bậc thềm cầu thang trong nhà. Bà chủ nhà mang thai và đã cầu nguyện với Đức Mẹ Cầu Thang nầy và được cho biết là đứa con dị dạng trong bụng mẹ đã được chữa lành. Khi xây nhà thờ kế bên nhà, bà mang mẫu ảnh sang dâng cho nhà thờ. Nhà thờ được đặt tên Đức Mẹ Cầu Thang kể từ đó.

Lý do tôi hay lui tới không vì nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang. Nhà thờ không có gì là nguy nga tráng lệ cả. Nhưng tôi lui tới để cầu nguyện bằng tiếng Việt với Đức Hồng y PX. Nguyễn Văn Thuận. Đây là nhà thờ hiệu toà của Ngài và có phần mộ của Ngài, chiếm một một gian bên gian cánh phụ của nhà thờ. Chúng ta biết ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Cố Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, qua đời lúc 6 giờ chiều ngày thứ hai, 16-9-2002, tại Nhà thương Piô 11 ở Roma, hưởng thọ 74 tuổi, sau 49 năm linh mục, 35 năm Giám Mục và 1 năm rưỡi làm Hồng Y. Thánh lễ an táng Đức Cố Hồng Y đã được ĐTC Gioan Phaolô II chủ tọa trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô lúc 5 giờ rưỡi chiều thứ sáu, 20-9-2002, trước sự hiện diện của 4 ngàn người, trong đó có 4 HY và 130 Giám Mục, ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Thánh lễ do ĐHY Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tế, và đồng tế với ngài có 28 Hồng Y, 5 GM Việt Nam, và Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Đến ngày 8.6.2012 – 10 năm sau khi được an táng tại nghĩa trang Verano, di hài ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được cải táng về Nhà thờ hiệu tòa của ngài, Đức Mẹ Cầu Thang, ở trung tâm Rôma.

Nói ‘trung tâm Rôma’ cho hoành tráng, chứ thực sự nằm trong đường hẽm như tôi nói. Tôi thích tới lui cầu nguyện với Đức Hồng Y bằng tiếng Việt. Hy vọng là Ngài hiểu tôi hơn mà ban cho tôi học mau thuộc bài. Tôi thấy hãnh diện về ĐHY rất nhiều. Tôi đi vào nhà thờ, gặp người Tây Âu hay Á Châu hay Phi Châu đến viếng nhà thờ, tôi mời họ đến viếng mộ Đức Hồng Y và nói om xòm trong nhà thờ là: Questo è il cardinal Vietnameta, come me così! (Ông nầy là Hồng Y người Việt Nam giống như tui vậy!)  Nếu có người nói tiếng Anh hay tiếng Pháp thì tôi “nổ” thoải mái hơn một chút. Rồi tôi nói vài câu về ĐHY. và mời họ đọc kinh cầu nguyện.

Có một chi tiết nhỏ thiết tưởng chúng ta cũng nên biết một chút là tại sao nhà thờ Đức Mẹ Cầu Thang nầy là nhà thờ Hiệu Toà của Đức Hồng Y Thuận? Làm Giám Mục phải có nhà thờ của mình. Giám Mục chánh toà thì có nhà thờ chánh toà. Chúng ta gọi là “toà”, do tiếng Latinh là sedes, tức ngai giám mục hay ghế Giám Mục. Nên khi không có Giám Mục thì chiếc ghế trong nhà thờ chánh toà để trống, gọi là sede vacante. Bây giờ thì Giám Mục phó có nhà thờ chánh toà chung với Giám Mục chánh, vì trước hay sau Giám Mục phó cũng lên làm Giám Mục chánh toà, như Đức Cha Emm. Lê Phong Thuận trước đây hay như Đức Cha Thiên Cần Thơ bây giờ. Còn Giám Mục phụ tá thì chỉ có nhà thờ hiệu toà. Tức nhà thờ có tên mà không có toà, tức không có ngai giám mục của mình hay nhiều khi cũng không còn nhà thờ mà chỉ còn “hiệu” tức còn tên thôi.

Đức Hồng Y PX. Nguyễn văn Thuận được bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa Giáo phận Nha Trang ngày 13 tháng 4 năm 1967. Ngài có nhà thờ chánh toà là Nha Trang. Ngày 23 tháng 4 năm 1975, Ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, Tổng Giám mục phó của Tổng giáo phận Sài Gòn với quyền kế vị (40 năm trước, Giám Mục phó với quyền kế vị vẫn phải có hiệu toà, chứ không được chung nhà thờ chánh toà với Đức Cha chánh) Toà Thánh vẫn trung thành với việc bổ nhiệm đã có: Đức Cha Thuận vẫn là Giám Mục phó của Sàigòn cho đến năm 1994, khi Ngài được bổ nhiệm làm Phó chủ Tịch Công Lý và hoà bình và từ chức phó tổng Giám Mục Sàigòn.  Năm 1998 Toà Thánh bổ nhiệm Đức Cha GB. Mẫn làm Giám Mục chánh toà Sàigòn.

Đức Cha Thuận được đội mũ Hồng Y ngày 21.1.2001 và được nhận nhà Thờ Đức Mẹ Cầu Thang làm hiệu toà. Dù là Hồng Y, làm chủ tịch Hội Đồng Công Lý và hoà bình, nhưng không là Giám Mục của một địa phận thỉ chỉ là Giám Mục hiệu Toà. Đức Hồng Y Thuận có thế giá lắm, nên mới có được nhà thờ hiệu toà trong thành Rôma. Còn Đức Hồng Y Mẫn thì đã là Giám Mục Chánh Toà của Sàigòn, nhưng khi làm Hồng Y, một hoàng tử của Giáo Hội, Ngài cũng có nhà thờ hiệu toà tên là nhà thờ Thánh Giustinô. Tôi chưa biết nhà thờ hiệu toà của ĐHY Mẫn ở đâu, chắc ở xa ngoại thành Rôma.

Tôi thấy một người Việt Nam, đạo đức, thông minh, nói thông thạo 7 thứ tiếng và có địa vị cao nhất ở Toà Thánh Rôma từ trước tới nay. Đáng hảnh diện cho người Việt Nam như Đức HY. Thuận. Trong tù mà còn viết sách Đường Hy Vọng. Có gì chịu bó tay cho bằng ở tù…. Vậy mà Đức Hồng Y tìm cách đưa lời hay ý đẹp, lời dạy khôn ngoan ra khỏi bốn bức tường lao xá. Ngài sống đúng khẩu hiệu “Gaudium et Spes”, Vui Mừng và Hy Vọng mà Ngài đã chọn khi làm Giám Mục Nha Trang.

Đức Hồng Y Thuận qua nét vẽ của họa sĩ ViVi

Xin cho học trò già nầy “nổ” thêm một chút nghe, dường như trúng đài rồi:

Trong sinh hoạt Giáo Hội Công Giáo, có 5 năm hệ Giám Mục khác nhau:

1. Giám Mục địa phận (Episcopus Dioecesanus – Diocesan Bishop): Ngài có toàn quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp trong địa phận của mình. Giám Mục địa phận cũng gọi là Giám Mục chánh toà. Nên chúng ta có nhà thờ chánh toà, tiếng La-tinh là Cathedra, có nghĩa là “toà” hay “seat” trong tiếng Anh. Có chánh toà nhưng không bao giờ có phụ toà. Vì “chánh” không theo nghĩa chúng ta nói “chánh và phó” hay “chính và phụ” mà chánh là chính tông, là từ “Tông Toà” (sedes apostolica) tức do Toà Thánh thiết lập. Nên địa phận phải do Tông Toà thiết lập (GL. 373) và Giám Mục phải do Đức Giáo Tông, tức Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm bằng tông thư uỷ nhiệm (pontificio mandato – Pontifical mandate) GL. 1382

2. Giám Mục phó (Episcopus coadiutor – Bishop coadjutor): Ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phó để chờ lên Giám Mục chánh toà. Nên không cần lễ nhậm chức. Bổ nhiệm Giám Mục Phó là cố ý không để cho trống toà (Sede vacante). Tuy nhiên bao lâu còn “chờ” thì vẫn còn dưới quyền Giám Mục chánh toà.

3. Giám Mục phụ tá (Episcopus auxiliaris – Auxiliary Bishop). Có những Giám Mục phụ tá một thời gian rồi lên Giám Mục chánh toà, như Đức Cha Khảm… cũng có người làm Giám mục phụ tá suốt đời như Đức Cha Trần Thanh Khâm và Đức Cha Louis Nẫm của Sàigòn.  Khi Tông Toà bổ nhiệm giám mục phụ tá thì cũng nói rằng: Ngài là Giám Mục hiệu toà ở đâu đó. Thí dụ ngày 25.4.2003 Đức Cha Dom. Mai Thanh Lương được chọn làm Giám Mục phụ tá của Orange và là Giám Mục hiệu toà của Cebarrades. Ngày 6.11.2009, Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu được chọn làm phụ tá cho Toronto và là Giám Mục hiệu toà của Ammedara. Ngày 20.5.2011 Đức Cha Nguyễn Văn Long ở Úc được chọn làm phụ tá cho Tổng giáo Phận Melbourne, Úc Đại Lợi và là Giám Mục hiệu toà của Thala. Thật sự các Ngài cũng chả biết toà của mình ở đâu vì chỉ là HIỆU thôi, tức có tên thôi mà trong thực tế không còn nữa. Giáo Hội Công Giáo có hơn 2000 hiệu toà như vậy để xài.

4. Giám Mục hiệu toà (Episcopus titularis – Titular Bishop): Đó là các Giám Mục phụ tá ở các địa phận. Nhưng cũng có những Giám Mục làm sứ thần toà thánh như Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Tốt, hay Giám Mục, tổng Giám Mục đứng đầu một cơ quan trong Giáo triều Rôma, như các Hồng Y bộ trưởng chẳng hạn. Các Ngài không có địa phận, không có toà, nên chỉ có hiệu toà. Chung quanh Rôma có rất nhiều những nhà thờ được chọn làm hiệu toà cho các Hồng Y.

5. Nguyên Giám Mục hay Giám Mục danh dự hay Giám Mục hưu trí (Episcopus Emeritus – Former Bishop or retired bishop) Emeritus từ tiếng La-tinh: EX, ra khỏi  hay “out of” và MERITUS, có nghĩa công đức hay merit. Người ta cũng áp dụng emeritus cho các giáo sư hay cả thủ tướng… và cho cả Giáo Hoàng như Đức Giáo Hoàng Bênêdictô XVI được gọi là Pope Emeritus từ khi Ngài chính thức xin từ chức 28.2.2013.

……… làm tôi xét mình …………………

1/ Người Việt Nam rất hảnh diện về Đức Hồng Y PX. Nguyễn văn Thuận. Ngài đạo đức, tài giỏi, giàu lòng bác ái từ tâm và rất có ích cho Chúa, cho Giáo Hội và cho mọi người. Ngài biến mình thành hữu dụng ngay khi người ta làm Ngài thành vô dụng trong tù ngục.

Bà con Việt Nam quen biết tôi, anh chị em dòng họ nhà tôi, bạn bè thân quen của tôi, anh em cựu tu sĩ chủng sinh……. Có ai lấy làm hảnh diện vì tôi và vì việc làm của tôi không? Có khi người ta thấy xấu hỗ vì tôi có quá nhiều tính xấu như kém thành thật, sống ma giáo hay thích phô trương, nói nhiều hơn làm không?  Tôi cũng là người Việt Nam như ĐHY. Thuận, nhưng xem chừng con kém Ngài quá xa. Đúng vậy!

2/ Đức HY. Thuận viết được 9 quyển sách. Sách Ngài thơm hương nhân đức, tin cậy mến và nhất là lòng yêu mến Đức Mẹ La Vang. Tôi cũng có viết vài quyền sách… nhưng phải quảng cáo nhiều và gào to tiếng thì người ta mới thấy được điểm đáng chú ý trong sách… Nên tôi thấy mình viết sách để phô trương sự hiểu biết và kiếm tiền, nhiều hơn là rao truyền Lời Chúa và nhân đức Kitô Giáo. Sách ế là tại tôi! Đâu có ai thích đọc hay lấy làm quí giá gì với những tiếng kêu to của chiếc thùng thiếc rỗng…

Tôi cần nói ít, nói cách  chân thành và nói khiêm tốn hơn. Amen.

Linh mục Phêrô Trần Thế Tuyên