Kitô giáo có thể biến mất ở Phương Tây?

1277

by phanxicovn

Nhà báo Mỹ Rod Dreher và nhà khảo luận Pháp Jean Duchesne

famillechretienne.fr, Samuel Pruvot và Charles-Henri d’Andigné, 2017-12-19
Một lễ Giáng Sinh mới có thể còn có ở châu lục cổ Âu châu không: điều này còn tùy, dĩ nhiên là cũng còn tùy ở chúng ta. Đó là xác quyết của nhà báo Mỹ Rod Dreher và của nhà khảo luận Pháp Jean Duchesne, họ ghi nhận trong quá trình lịch sử của mình, Kitô giáo đã có những giai đoạn xuống dốc bi thảm, cũng như đã có các tiến triển nhanh như chớp.
Có thể nào Kitô giáo biến mất không? Câu hỏi đặt trước ngày lễ Giáng Sinh có vẻ như rất bất lịch sự, gây sốc và phi lý. Chắc chắn là gây sốc vì câu hỏi muốn gây sốc, nhưng phi lý thì hoàn toàn không. Chúng ta hãy nhìn lại những gì đã xảy ra ở Bắc Phi. Đây là một trong những vùng đẹp nhất của lịch sử kitô giáo Cổ đại. Vùng này đã có những khuôn mặt lớn trong đó có khuôn mặt Tertullien (người rơi vào lạc giáo Montanô, một phong trào huyền bí khắc khổ chủ trương cấm tái hôn), với các tiền nhân ở vùng Bắc Phi, chúng ta thừa hưởng khoa biện giáo, hạnh thánh Perpétue và thánh nô lệ trẻ Félicité, thánh Cyprien, giám mục giáo phận Carthage, người đương đầu với lạc thuyết Đônatô, một thuyết không nhận là thành sự các bí tích do các thừa tác viên bất xứng cử hành, thánh Fulgence, Thánh Âugutinô, giám mục giáo phận Hippone, người hết sức hết mình rao giảng Phúc Âm sau khi từng theo giáo phái Manikêô. Ngày nay, vùng này chẳng còn gì.
Vì sao?
Một trong những câu trả lời nằm ở trong các hàng trên. Các lạc giáo làm ô nhiễm vùng Bắc Phi. Chẳng hạn chủ thuyết Đônatô, sinh ra từ các giai đoạn bách hại, qua đó các tín hữu Kitô, giáo dân và tu sĩ xém phủ nhận tôn giáo của mình: các người Đônatô muốn gạt họ ra khỏi cộng đoàn Kitô. Cuối cùng những người “thanh tuyền” này thành lập một giáo hội song song. Bắc Phi còn có chủ thuyết Manikêô, theo đó thế giới tách bạch ra giữa Thiện và Ác (linh hồn từ ánh sáng, thể xác từ bóng tối); chủ thuyết lạc giáo Pêlagiô của tu sĩ Pêlagiô, theo đó con người tự cứu mình bằng chính sức lực của mình, không cần nhớ đến ơn Chúa; chủ thuyết lạc giáo Ariô, do người Vandale du nhập, họ phủ nhận thiên tính của Chúa Kitô.
Sự bành trướng này có hai hệ quả: một đức tin suy yếu, phân mảnh và dao động. Và một bầu khí nhân bản đáng ghét, luôn có các tranh chấp nội bộ mà không gì có thể làm xoa dịu. Năm 647 khi người Hồi giáo xâm chiếm lãnh thổ, rất nhiều người không thấy sự khác biệt giữa Kitô giáo và Hồi giáo. Đối với Hồi giáo, con đường đã sẵn sàng…
Nhưng cũng có những giai đoạn phục hồi. Nước Pháp thế kỷ 19 là một ví dụ. Sau bước ngoặc cách mạng (35 000 linh mục năm 1801 so với 60 000 linh mục năm 1789, 40 % linh mục hơn 60 tuổi, các xâu xé giữa các linh mục tuyên thệ và các người phản kháng, sự sụp đổ của các nhà dòng), từ từ, Giáo hội tái xây dựng lại, chú trọng vào công việc bác ái và giáo dục. Sử gia Paul Airian viết: “Dưới thời Đệ nhị Đế chế, công giáo Pháp có thể bị xem như nhượng lại cho Cách mạng. Sự năng động ở nước ngoài là bằng chứng chính yếu”. Cũng như các nhà thờ mọc lên trên toàn vùng đất.
Còn chúng ta? Qua các tấm gương này, chúng ta phải phản ứng như tất cả sẽ tùy thuộc vào chúng ta và cầu nguyện, để tất cả tùy thuộc vào Chúa…

Rod Dreher, ông nói Kitô giáo có thể biến mất ở Pháp hay ở Mỹ; điều này thật sự có thể có không?

Rod Dreher – Kitô giáo có thể biến mất khỏi Phương Tây. Quý vị có thể hỏi Thánh Âugutinô, giám mục giáo phận Hippone xem ngày nay ở Hippone có còn nhà thờ nào không. Đừng xem đức tin như một cái gì được thụ đắc và nghĩ là đức tin luôn có đó.

Ở Mỹ, chúng ta ghi nhận, một tỷ lệ khổng lồ người trẻ đã xa đức tin. Đó là trường hợp trong chính gia đình tôi, tôi 50 tuổi, tôi được nuôi dạy lớn lên trong những năm 70. Cha mẹ tôi và tôi không đi lễ thường xuyên nhưng đối với chúng tôi, chúng tôi là tín hữu kitô vì chúng tôi sống ở Mỹ. Thái độ này đã tạo ra những chuyện tàn phá.
Nơi tín hữu Kitô người Mỹ, nhất là nơi những người thuộc giáo phái Phúc âm, đôi khi họ có một thái độ hoảng lên được tái diễn lui tới, họ nghĩ thời Cánh chung đã đến. Về phần tôi, tôi không nghĩ đây là tận thế, nhưng tôi biết, đây là hồi kết của thế giới: thế giới của cách giữ đạo dễ dàng đã chết vĩnh viễn. Bây giờ là đến phần chúng ta, tín hữu Kitô, chúng ta phải lấy quyết định, mang lại cho đức tin một cơ hội sống còn. Đương nhiên, phần việc cuối cùng thuộc về Chúa, nhưng chúng ta phải sẵn sàng để hợp tác với Ngài!
Jean Duchesne – Có một khác biệt giữa nước Pháp và nước Mỹ. Người Công giáo Pháp ý thức mình bây giờ là một thiểu số. Ở Mỹ, người Công giáo từ lâu đã là thiểu số, vì có nhiều danh xưng khác nhau. Tình trạng thế tục chắc chắn đã chiếm vùng đất một cách ngoạn mục ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Đó là hướng đi đảo ngược kỳ lạ của Lịch sử, vì từ hai thế kỷ qua, nước Mỹ luôn đi trước. Nhưng lần này, trong lãnh vực thế tục, chính Âu châu lại đi trước.
Rod Dreher – Có một chuyện ở Pháp làm tôi bị đánh động: tôi gặp rất nhiều người trẻ mà đức tin của họ rất rõ ràng, họ không bịt mắt. Đức tin của họ rất mạnh, nhưng không ngây ngô. Chúng tôi không thấy các người trẻ như vậy ở Mỹ, tôi cảm thấy ở Pháp, quý vị đã có một giai đoạn thanh lọc trong đức tin.
Nếu bạn là người trẻ Công giáo ở Pháp ngày nay, thì bạn là người không ảo tưởng với những gì xảy ra vào thời buổi này của chúng ta. Trong nghĩa này, nước Pháp chắc chắn đi trước nước Mỹ hai mươi hoặc ba mươi năm. Quý vị có một cái gì để chúng tôi học, về cách mà chúng tôi có thể chịu đựng làn sóng thế tục đang lan tràn ở đất nước chúng tôi, điều mà người tín hữu Kitô nước Mỹ chưa sẵn sàng để đối phó.
Nhưng ở Pháp cũng như ở Mỹ, chúng tôi có cảm tưởng như Kitô giáo vẫn ở trong giai đoạn đòi lại các “giá trị” của mình phải không?
Rod Dreher – Trong quyển sách của tôi, tôi gọi đó là “thuyết hữu thần luân lý-trị liệu”. Đó là một hình thức ngụy-Kitô giáo chỉ có bề ngoài, không có nội dung trí thức và chỉ dựa trên tình cảm.
Jean Duchesne – Nói một cách khác: kitô giáo giảm xuống chỉ còn là các giá trị!
Rod Dreher – Đúng, nhưng là phiên bản trống rỗng của các giá trị này! Nếu chúng ta theo định nghĩa của giáo sư Christian Smith của Đại học Đức Bà ở Mỹ (Notre-Dame) của thuyết hữu thần luân lý-trị liệu thì người dân nghĩ rằng có Chúa tồn tại, Ngài đòi hỏi chúng ta phải tốt, Ngài muốn chúng ta có hạnh phúc, Ngài muốn chúng ta cảm thấy mình khỏe… Đó là phiên bản ủy mị, dịu dàng nhưng chẳng có đòi hỏi gì ở tôn giáo; đó không phải là kitô giáo! Và xin quý vị tin tôi, đó là loại bệnh ung thư, vì người dân không hiểu đây là suy đồi.
Theo tôi, luật Thánh Biển Đức là câu trả lời cho thực tế này, cho nhu cầu phải tái-dạy giáo lý lại và còn hơn nữa là tái đào tạo lại quả tim và cách giữ đạo của các người trẻ Mỹ, vì tất cả những chuyện này đã không còn ở Mỹ. Luật Thánh Biển Đức là có một đời sống ngăn nắp, thăng bằng giữa cầu nguyện, làm việc và nghỉ ngơi.
Thế tục hóa mà ông nói thì ở Âu châu cũng giống như ở Mỹ?
Rod Dreher – Các cuộc Cách mạng ở Pháp và ở Mỹ thì khác nhau. Ở Mỹ, chúng tôi không bao giờ có sự thù nghịch sâu đậm giữa Giáo hội và Quốc gia như ở Pháp hiện nay. Triết gia Tocqueville trong lần đi Mỹ của ông, ông đã quan sát Kitô giáo ở đây và ông thấy Kitô giáo rất mạnh, đòi hỏi một nền dân chủ mạnh cho một Giáo hội mạnh.
Jean Duchesne – Ngay từ đầu, chủ trương thế tục theo kiểu Pháp xuất phát từ phong trào của các nhà trí thức đưa ra và vì thế nó có các nền tảng triết học và lý thuyết, do đó có nhiều người chia sẻ cùng quan điểm này. Dĩ nhiên thời buổi chúng ta, loại triết lý kiểu khoa học, kiểu không có Chúa này cũng chịu thất bại như các chủ nghĩa toàn trị, rất nhiều người đã bỏ nó và đơn giản là chúng chẳng có một tương lai nào. Lịch sử trở nên một cánh đồng, ở đó chúng ta gặt hái những gì chúng ta muốn, hay những gì lôi cuốn chúng ta, đơn giản chỉ vì thích. Tương lai trống rỗng; người ta chỉ còn nghĩ đến ngày hôm sau, chuyến nghỉ hè sắp tới, chiếc xe hay chiếc iPhone đời mới sắp mua.
Rod Dreher – Đó là thế giới mà nhà văn Michel Houellebecq mô tả trong quyển sách Phục tùng (Soumission). Tôi đọc quyển sách này mùa hè vừa qua và tôi ngạc nhiên thấy nhà văn đã hiểu đến độ nào cái trống rỗng của thời buổi chúng ta. Tôi nghĩ đây là nhà tiên tri. Tôi ấn tượng, không phải về giá trị văn chương của quyển sách, nhưng về khả năng chẩn đoán nền văn hóa của thời buổi này. Tôi cũng có đọc Hạt Cơ Bản và Bản đồ và Lãnh thổ (Les Particules élémentaires et La Carte et le territoire). Đọc xong, tôi ái ngại cho Houellebecq và cầu nguyện cho ông, vì tôi nghĩ đây là một tâm hồn đau khổ. Có thể ông hữu ích cho tín hữu Kitô chúng ta trong cương vị người “chẩn đoán bệnh” cho chúng ta.
Khi đọc quyển Phục tùng, đặc biệt đoạn ông kể chuyến hành hương đi Rocamadour, tôi nghĩ đến kinh nghiệm của tôi khi tôi đi hành hương ở Chartres lúc tôi 17 tuổi. Tôi không chờ để gặp Chúa ở trong nhà thờ chính tòa, nhưng Chúa đã ở đó! Đó như một thần hiện, một nổ bùng nội tâm và tôi nghĩ có ngày tác giả Houellebecq sẽ cảm nhận cũng một chuyện như vậy. Ở Rocamadour có thể… và đó là một cái gì nước Pháp có thể tặng cho nước Mỹ. Quý vị có Lịch sử xưa cổ và sâu đậm, tầm cao cả thiêng liêng của truyền thống kitô giáo Pháp, và dĩ nhiên, các truyền thống này đã đập mạnh vào mắt người xem qua các thánh đường của nước Pháp.
Trên ấn bản xuất bản ở Mỹ của quyển Chọn lựa Biển Đức có tấm hình núi Thánh Micae, theo tôi, đó là thành phố Giêrusalem mới, nhưng làm sao người dân không thử khám phá Thiên Chúa, Đấng mà một đền thờ như thế đã được xây?
[…]
Marta An Nguyễn dịch