vô hạ
1. Hôm nay, toàn thể Giáo hội Công giáo gồm mọi thành phần dân Chúa chúng con mừng kính Chúa lên trời, còn gọi là lễ Thăng Thiên. Theo Thánh kinh, Chúa Giêsu Ngôi Con từ Cha Trời xuống thế làm người để chịu khổ hình, chịu chết thay, mà chuộc tội đời. Khi xong nhiệm vụ thì Người trở về Trời cùng Cha.
Sách Công vụ Tông đồ, Thánh Luca 1:3-11 viết rõ, Chúa vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Và trong 40 ngày, thời gian ắc có và đủ cho khóa tu nghiệp, học tập thời Chúa Giêsu. Ngài đã hiện ra nói chuyện với các ông về nước Thiên Chúa. Coi như Thầy Giêsu dạy riêng cho học trò nhiều điều không ghi ra trong Tân Ước như hai câu kết của Phúc Âm Thánh Gioan (21:24-25). Và tôn giáo bạn, cũng có câu lưu truyền về vị giáo chủ Cồ Đàm hơn 2500 năm trước như vậy: “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm … Con hiểu, tâm con ở đây, xin được uốn nắn ít nhiều theo tâm chân như, chân thực, chân thể của Chúa dưới sự phù trợ của Thánh Thần.
2. Như đã biết, Bài đọc 1 và Phúc Âm Chúa Nhật, lúc nào cũng cùng một đại ý. Hôm nay sách Công vụ Tông đồ của Thánh Luca 1:3-11 và trích đoạn Tin Mừng của Matthêu 28:16-20, ngắn gọn 4 câu, bao hàm ý chính giống nhau: Trước khi về với Cha Trời, Đức Giêsu đặn dò môn đệ ở lại Giêrusalem chờ đợi Thánh Thần và đã trao sứ mệnh cho các các ông: Anh em hãy đi đến với muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
3. Mấy lời di chúc và những giây phút hữu hình cuối cùng tại thế, trước khi tiến lên cõi vô hình, theo sách Thánh, Chúa Giêsu đã dặn dò đệ tử nhiều lần, chờ đợi Đấng Phù Trợ. Đó là cũng giới thiệu vai trò của Thánh Thần, là Đấng sẽ nhắc nhớ cho đồ đệ các điều Thầy đã truyền ban. Cùng lúc, Chúa cũng bàn giao, để đệ tử bàn lảnh sứ mệnh tiếp tục công cuộc cứu chuộc cho các tông đồ và con cái của Chúa về sau.
4. Trong nhãn quan của hầu hết các dân tộc xưa nay, đã hình thành và còn lưu lại trong văn hóa, rằng trời cao là nơi ở của Thần Thánh. Thánh Kinh còn ghi nhận rõ ràng và rất nhiều lần trong Cựu Ước, như trong Sách Công vụ Sứ đồ 7:49a ghi rõ: “Trời là ngai của Ta”. “Vì chưng Chúa của chúng ta ngự trên trời. Trời là của Chúa (Tv.113:11 và 25). Vì ban ngày ánh sáng rực rỡ chiếu qua các tầng mây nhất là khi cầu vòng xuất hiện với muôn màu quang phổ. Ban đêm thì tinh tú lấp lánh lập lòe đầy trời… Những cảnh sắc huy hoàng nầy, theo nhản quan con người, là thiên giới của những Bậc Siêu Phàm.
5. Nhưng quan niệm trên, thiên đàng ở trên trời, làm cho một số khoa học gia trước và sau, cùng với một số người thời nay, cố ý hiểu lầm, mà còn tự nguyện tuyên truyền theo nghĩa đen. Khoảng chừng bốn năm chục niên trước kia, một vài phi hành gia của một liên bang nọ, sau khi bay cao chỉ vài trăm km quanh trái đất một số vòng, thì tuyên bố đã tìm kiếm thật kỷ trong không gian, mà không thấy Chúa đâu hết.
6. Cũng có những thời người ta hiểu và áp dụng lời Chúa theo mặt chữ câu: Thầy đã được trao toàn quyền trên trời DƯỚI ĐẤT … (Mt. 28:18). Nên trong lịch sử đạo và đời, sau Hiệp ước Milan năm 313, Hoàng Đế Constantin (274-337) của Đế quốc Roma cho Đạo Chúa tự do, ban bố nhiều bỗng lộc cho giới tu hành. Từ đó có nhiều thời kỳ nhà nước dưới quyền hoặc phải nghe theo lời chỉ dạỵ của Nhà Thờ, kéo dài cho tới Cách Mạng Pháp 1789. Cố LM Giáo Sư Nguyễn Tấn Thinh (1929-1993) của Cần Thơ chuyên dạy Pháp văn, trong lớp cũng có nói nhiều về tình hình quyền dưới đất của đạo Chúa tại Pháp quốc. Cách mạng Pháp đã tịch thu 2/3 bất động sản, nhà cửa ruộng đất trong tay Nhà Thờ tại Pháp. Theo Cha, trong cái rủi có cái may, coi vậy mà hay, từ đó Giáo hội Pháp sống về tinh thần nhiều hơn.
7. Vậy Thìên dàng hay cõi trời ở đâu? Tùy theo căn cơ trình độ của từng thời từng miền mà Thiên đàng được ví như trong sách Ngôn Sứ Isaia (Is 25:6-9): Ngày ấy, trên núi này, Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: Thịt thì béo, rượu thì ngon; thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế… Thánh Augustino (354-430, Giám Mục Hippo, Algêria hiện nay): Chúa sâu thẳm hơn chính con. Tâm hồn con luôn xao xuyến cho tới khi được yên nghỉ trong Chúa, là khi vào thiên đàng. Trong kinh Vêđa của Ấn Độ giáo có diển tả tình trạng thiên đàng ví như khi đạt Brahma (Vua Các Thần, Chúa, Đại hồn, Đại ngã) thì y như một em bé no sữa, đang ngủ say.
8. Bên trên là những cách thế mà nền văn hóa đó đây diển tả phần nào tình trạng chân như của Trời cao là nơi Chúa ngự, mà lòng con hằng mong ước. Nhưng thời nầy con không được hiểu Thiên đàng là chốn hữu hình như cung đình vua chúa đang triều yết hay đang nhóm họp tiệc tùng đàn ca xướng hát linh đình, muốn gì được nấy. Mà quả thực, Cõi Trời hay thiên đàng là tình trạng sung mãn tuyệt đối của tâm linh khi có Chúa là gia nghiệp.
9. Chúa về trời hay thiên đàng, ý nói đến trạng thái no đầy ơn phúc nhất khi “Ngài là Đấng mà Ngài là”. Trong thực tế Chúa Giêsu cũng là trong một trong Tam Vị Nhất Thể Ba Ngôi Thiên Chúa, vô sở vô tại, vô hình vô tướng, luôn trong tình trạng chân như hoàn hảo tuyệt đỉnh mà trí khôn hay lý trí con người nhận biết được, nhờ Chúa khai phá màng u mê, để bày tỏ chút chân lý nào về Chúa cho con biết mà thôi. Mừng kính Chúa về trời Chúa nhật nầy là một “sự cố” trong nghi lễ tôn giáo để con nhờ đó thăng tiến đời sống tâm linh, tinh thần.
10. Chúa về trời, cũng nhắc con biết trong kiếp sống nầy, trần gian chỉ là cõi tạm như khách sạn, chỉ để tạm trú vài hôm. Rồi thân xác sẽ về lòng đất mẹ, còn linh hồn mới hướng về quê vỉnh hằng là cõi trời như ý chính của ngày lễ hôm nay. Do đó phải sống sao cho nhờ nhân trước để được quả sau, như trong Matcô 9:41. “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Ðấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.
11. Xin trở lại, Lễ Chúa Thăng Thiên, là mừng kính Đức Giêsu, Đấng Thiên Nhân từ Đất lên Trời. Theo đó, trong Nền Minh Triết Việt mà những bậc Rishi, Liễu Thị, Tiên Hiền đã nhìn ra hương sắc mỹ vị của Thánh Thần hiện diện trong các nền văn hóa từ xa xưa, có mục đích qui hướng về Đức Kitô. Ở đây là Triết lý, chân lý, Tam Tài Thiên Địa Nhân, mà tổ tiên Bách Việt đã vun trồng thành vẻ đẹp trong cuộc sống gọi là văn hóa. Đó là Trời Đất Người, làba yếu tố căn bản, ba tài sản quí giá nhất trong vũ trụ. Trời và Đất được Đấng Thiên Chủ dựng nên để phục vụ con người, còn gọi là triết lý nhân sinh. Cố LM. Giáo sư Triết học Lương Kim Định (1914-1997) đã đề cao vai trò Trung Tâm Nhân Vị nầy trong suốt bộ triết lý An Vi của Ngài qua gần hơn 50 tác phẩm.
12. Ở đây có thể hiểu khi nhập thể làm người hữu hình, Chúa Giêsu là đệ nhất Tài Nhân, là trưởng tử của Gia Vê và mọi loài thụ tạo (Tv 89:28; côlôxê 1:15-20) để làm trung gian hòa giải và nối kết giữa Trời (Tài Thiên, tượng trưng Thiên Chúa) và Đất(1 Timothê 2:5). Vậy tài Nhân ở đâu lúc nầy? Xin thưa Tội Nguyên Tổ đã phá hư trật tự ban đầu, đã giết chết Tài Nhân, chỉ còn Tài Địa. Vì chưng con người mất ân sủng, chỉ sống phần xác, chết phần hồn tinh anh, và cụ thể khi hết sinh khí (thở) thì phần thể phách thành đất, địa. Nên Chúa Giêsu xuống thế làm người, qua đau khổ, vào phục sinh vinh quang và lên trời, nhờ đó Tài Nhân phục hồi. Con người được trả lại phẩm giá, quyền công dân nước trời, quí nhất là ơn phúc cứu độ (Cv 5:31, 17:31).
13. Chúa lên Trời là cách diễn tả trong dân gian. Thật ra, Chúa Giêsu phải đau khổ để vào vinh quang từ khi Ngài phục sinh. Trong con người mới, Ngài không còn bị lệ thuộc không gian và thời gian nữa. Chúa muốn đi đâu và xuất hiện lúc nào tuỳ ý. Có thể ví Ngài như tầng số giao động điện khí, vận hành siêu tốc, bao phủ khắp trái đất và không gian mà mắt trần không thấy được.
Chúa Thăng Thiên là điểm kết thúc mầu nhiệm Phục Sinh theo lịch Phụng Vụ, nhưng trong thực tế tôn giáo là chuyển tiếp qua giai đoạn khác, để các môn đệ tiếp tục cuộc sống mới của Chúa tới ngày tận thế. Cũng nhờ bị bắt hại, đàn áp mà các ông tránh né, ra đi tứ phương tám hướng, để loan báo về Thầy. Nên Tin Mừng loan truyền ra tới đâu thì Chúa Kitô phục sinh, cũng hiện diện vinh quang trong đất trời và cách riêng trong lòng người tới đó.
14. Đoạn Tông đồ Công vụ hôm nay, cũng cho biết: Lúc các ông còn đang mãi mê nhìn trời, thì có đám mây che phủ Chúa, là dấu chỉ chấm dứt giai đoạn hữu hình của Chúa tại thế. Rồi bõng có 2 người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: Hỡi người Galilê, sao còn đứng nhìn trời làm chi. Dạy con phải ra đi phục vụ xã hội theo đấng bậc mà Chúa muốn con gánh vác. Khi đáo bỉ ngạn sang bờ bên kia rồi, đừng còn lụy con thuyền hay luyến tiếc bến đò nữa.
15. Kết lại. Trong những ngày khốn khó vì dịch cúm Corona nầy, nhiều nơi trên thế gian vẫn còn trong lệnh giữ khoảng cách an toàn. Nhà thờ chưa được nhóm họp rộng rãi như trước kia. Cuộc sống đầy bấp bênh hiểm hóc nhắc con rằng, mừng lễ Chúa về với Cha, hãy nhớ quê hương con thật là quê trời, khó mà cũng dễ về biết bao với lòng tin cậy chí thành vào Chúa cho bền. xin cho con bám viền áo Chúa mà bay theo.
Hai là vững lòng cậy dựa vào Thánh Thần của Chúa qua kinh nguyện, liên kết, suy niệm và thực hành. Người là niềm hy vọng đầu đời và sau cùng của con trong mọi gian nan thử thách.
Cuối cùng, qua lời cầu: “Xin Chúa hướng lòng chúng con lên ước ao những sự trên trời” bằng cách quay trở lại nhìn xuống đất, sống cùng, sống với, sống cho như công dân bình thường của thế giới, với chút men, muối, sáng nào lan toả từ trái tim Chúa cho anh em chung quanh và cần nhất trước hết là cho chính con nữa vậy.