Lòng Trung Thực Của Người Con với Cha | Chúa Nhật 26 TN A | Vô Hạ

684

vô hạ

Chỉ còn 9 tuần lễ nữa tới Mùa Vọng, lo dọn dẹp trang hoàn tâm hồn, để dọn đường cho Chúa đến. Trong khi chờ đợi, ngay Chúa Nhật 26 thường niên năm A nầy, Giáo Hội muốn mời gọi con cái mình chuẩn bị tinh thần dần dần, từng bước trước, qua bài đọc I Sách Tiên Tri Ê-dê-ki-ên bên dưới, tập trung vào việc từ bỏ gian ác và làm thiện hảo để được sống. Tư tưởng và đường hướng nầy được Chúa Giêsu dạy rõ ràng hơn qua dụ ngôn người Cha thử thách tấm lòng trung thực của hai người con trong đoạn Tin Mừng của Thánh Mathew. Câu chuyện ra sao, diễn tiến thế nào, xin đọc 3 bài Lời Chúa bên dưới để hiểu thêm bố cục và tình cảnh, qua đó Chúa muốn mình phải tri hành như thế nào.

https://www.learnreligions.com/thmb/5jjQP0badekjt07sWEjsi4ezOxk=/1000x1000/smart/filters:no_upscale()/Book-of-Ezekiel-GettyImages-51239543-586528315f9b586e02b11579.jpgBài Ðọc I: Trích sách Tiên tri Êdêkiel 18: 25-28

Ðây Chúa phán: “Các ngươi đã nói rằng: “Ðường lối của Chúa không chính trực”. Vậy hỡi nhà Israel, hãy nghe đây: Có phải đường lối của Ta không chính trực ư? Hay trái lại đường lối của các ngươi không chính trực? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính và phạm tội ác, nó phải chết, chính vì tội ác nó phạm mà nó phải chết. Nếu kẻ gian ác bỏ đàng gian ác nó đã đi, và thực thi công bình chính trực, nó sẽ được sống. Nếu nó suy nghĩ và từ bỏ mọi tội ác nó đã phạm, nó sẽ sống chớ không phải chết”.

Bài Ðọc II: Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê 2:1-5 hoặc 1-11

Anh em thân mến, nếu có sự an ủi nào trong Ðức Kitô, nếu có sự khích lệ nào trong đức mến, nếu có sự hiệp nhất nào trong Thánh Thần, nếu có lòng thương xót nào, thì anh em hãy làm cho tôi được trọn niềm hân hoan, để anh em hưởng cùng một niềm vui, được cùng chung một lòng mến, được đồng tâm nhất trí với nhau, chớ làm điều gì bởi ý cạnh tranh hay bởi tìm hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi kẻ khác vượt trổi hơn mình, mỗi người đừng chỉ nghĩ đến những sự thuộc về mình, nhưng hãy nghĩ đến những sự thuộc về kẻ khác. Anh em hãy cảm nghĩ trong anh em điều đã có trong Ðức Giêsu Kitô.

(Người tuy là thân phận Thiên Chúa, đã không nghĩ phải dành cho được ngang hàng với Thiên Chúa; trái lại, Người huỷ bỏ chính mình mà nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình mà vâng lời cho đến chết, và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu, mọi loài trên trời dưới đất và trong hoả ngục phải quỳ gối xuống, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh quang.)

Phúc Âm: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu 21:28-32

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông nghĩ sao? Người kia có hai người con. Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!” Nó thưa lại rằng: “Con không đi”. Nhưng sau nó hối hận và đi làm. Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy. Nó thưa lại rằng: “Thưa cha, vâng, con đi”. Nhưng nó lại không đi. Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?” Họ đáp: “Người con thứ nhất”. Chúa Giêsu bảo họ: “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông. Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính và các ông không tin ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin ngài. Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin ngài”.

Vài hàng ghi chú và tự tình.

  • Trước hết, trong Bài đọc I, Ngôn Sứ Êdêkiên tại miền đất lưu đày Babylon (586 – 538 BC)  kiêu gọi dân giữ vững niền tin vào Thiên Chúa. Họ than trách đường lối Chúa không chính trực, thí dụ, khi bắt họ chịu hình phạt do tội của người trước “đời cha ăn nho xanh, đời con ê răng” (18:2). Hai là họ tin Giêrusalem sẽ vĩnh cữu, vì là ngai vàng để Thiên Chúa ngự trị và cũng là bảo chứng cho dân Israel tồn tại và bá chủ thế giới. Mà nay thì hoàn toàn ngược lại, họ đang bị kiềm kẹp trong tình cảnh nô lệ. Tiếp theo, Chúa giải đáp qua Vị Sứ Giả, đường lối tin tuởng của dân không đúng, vì Chúa theo nguyên tắc có công thì thưởng có tội thì trừng từng cá nhân. Người đang tốt, bỏ tốt làm xấu thì phải chết. Còn ai gian ác, bỏ ác xấu mà làm tốt, thì sẽ sống. Hầu hết giáo lý của Vị cán Bộ Lời Chúa Êdêkiên nầy gom lại rằng những nghi thức cùng biểu tượng bên ngoài, chỉ có giá trị nhờ tâm tình bên trong. Tất cả tập trung vào việc canh tân tâm hồn.
  •  Qua bài Phúc Âm, trước hết “Con hãy đi làm vườn nho cho cha”. Xin coi đây chính là lời mời gọi của Thiên Chúa. Vườn Nho được quí bậc Thầy dạy là nước Chúa, Giáo Hội, Thiên Đàng. Nhưng hiện tại trong cuộc sống nầy, muốn tới Nước Trời bên trên, phải qua “nước đất” bên dưới trước nhất. Đó là những gì chung quanh: Cộng đồng, khu xóm, giáo xứ, họ đạo, Giáo Hội lớn nhỏ, xã hội, gia đình, thế giới gần xa, người thân và cả những người không ưa mình nữa. Mình lấy làm vinh dự vì là thành phần của nước nầy, nên quí trọng tất cả và đang sống cùng, qua lời nói và việc làm tận tâm tận lực như hôm nay là ngày cuối cùng của mình. Lý thuyết để giáo hóa thế gian là như vậy. Còn từng người làm được chút nào bao nhiêu, hay bấy nhiêu.
  • Lối nhìn thứ hai là Người con thứ nhất trả lời người Cha sai đi làm vườn nho: “con không đi” nhưng rồi lại đi, vì hối hận, từ bỏ ý tưởng “mất dạy” ban đầu mà làm theo ý Cha. Cũng vậy, Chúa không có ý cao rao việc làm cũ của người thu thuế và gái điếm, nhưng khi họ quay đầu là bến bờ, thì sẽ vào nước Chúa trước thượng tế và kỳ lão Do Thái do giống người con thứ hai bên dưới.
  • Ngoài ý nghĩa Chúa Giêsu nói trên, có những Thánh Giáo Phụ (Vị Thánh sống gần thời Chúa Giêsu) dạy rằng người con thứ nhất có thể hiểu là dân ngoại không từ nguồn gốc Do Thái, có lúc lầm lạc vì tin sai thờ quấy. Nhưng khi được nghe Tin Mừng thì chấp nhận Chúa Giêsu và gia nhập Hội Thánh của Người.
  • Còn ngưòi con thứ hai thì “Thưa cha, vâng, con đi”, nhưng rồi không đi.   Bản dịch của Nhóm Phụng Vụ các Giờ Kinh: “Thưa ngài, con đây!”. Riêng bản Anh Ngữ của Công Giáo: “Yes, sir” but did not go. (Sir, đọc là Sơ): Bẩm Ông, xin tâu Ngài là từ ngữ của cung đình vua chúa cùng hàng quí tộc. “Sir” được ký lục Thánh Kinh và Dịch Giả dùng ở đây để chỉ miệng lưỡi mồm mép lão luyện bên ngoài là thể nào của người con thứ hai, mà lòng dạ thì suông đuộc trống rỗng y như cọng hành, của nhóm Lãnh Đạo Do Thái không tin lời dạy của Thánh Gioan Tẩy Giả và cả Chúa Giêsu sau nầy.
    Theo nhiều Thánh Giáo Phụ, người con thứ hai nầy có thể coi như là những người  Do Thái cũ. Họ hứa hẹn thề thốt đủ điều qua giao ước xưa từ thời Môisen, nhưng cuối cùng không tin nhận Chúa Kitô với những  quyền năng từ Thiên Chúa qua nhiều phép lạ nhãn tiền.
  • Nên cuối đoạn Tin Mừng, Chúa Giêsu không úp mở nữa, mà trực diện, nói thẳng với nhóm lãnh đạo Do Thái mong họ cải hóa ăn năn và thực hành lời họ rao giảng. Chúa muốn việc làm quan trọng hơn lời nói, vì đức tin, không có hành động là đức tin chết (Thư Giacôbê 2:17).
  • Qua đoạn thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Philip trong bài đọc II trên: Chúa Giêsu đã khiêm hạ, tự hủy mình ra không như phàm nhân trong thân phận nô lệ khi đến trần gian, nên thánh danh của Người được Cha tôn vinh trên hết mọi hàng trên trời dưới đất và cả trong hỏa ngục. Đây là mẩu gương cho mọi người cùng chung sống và phục vụ nhau không vì hư danh, cạnh tranh cao thấp, mà hãy nhìn ra giá trị của anh em mình mà luôn bắt chước Ngài nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô nơi anh chị em khắp nơi.

Gói lại. Một Vị Thánh Thiện như Phaolô, xưa nay có lẽ chưa ai dám, riêng chỉ một mình Ngài tuyên bố: “Anh em hãy bắt chước tôi như tôi bắt chước Chúa Kitô” (1 Cr. 11:1). Nhưng có lúc Ngài cũng thấy “tôi biết rằng sự lành không ở trong tôi, nghĩa là trong huyết nhục của tôi. Vì chưng ước muốn thì tôi vẫn có, nhưng làm cho sự lành nên hoàn hảo thì không sao được. Bởi vì điều tốt tôi muốn thì tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn thì tôi lại làm. Thực ra nếu tôi làm điều tôi không muốn, thì bấy giờ không phải chính tôi làm điều đó, nhưng là sự tội ở trong mình tôi. (Rm 7:18-25a).

Nên tội lỗi đã nằm sẵn trong bản tính và xương thịt con người, Nhưng Chúa như người cha nhân hậu, lúc nào cũng muốn con cái mình được sống, nhất là mặt tinh thần, qua việc bỏ ác hành thiện. Tri hành hợp nhất. Nói và làm đi đôi.

Bằng chứng như người trộm lành, được Chúa thứ tha và lên ở  với Chúa sau lời ăn năn. Hai là Thánh Augustinô đã quay về với Chúa, lên tới Giám Mục Tiến Sĩ của Giáo Hội,  sau thời thanh niên đam mê danh sắc. Ba là Thánh Phaolô, một trí thức biệt phái nhiệt thành, đi càn quét bắt bớ Đạo Chúa nhiều nơitham gia giết Phó Tế Stêphanô, được ơn trở lại sau khi ngã ngựa trên đường Đamát.

Cùng một thể thức trên, tới đây xin ghi lại bài học đáng nhớ gần 50 năm qua của Cố Linh Mục Giáo Sư Thần Học Nguyễn Văn Khả (1928?-1978?) Giáo Phận Long Xuyên, trong một lớp về Bí Tích Giải Tội/Hòa Giải. Cha cho học sinh biết bên nước Đức có một bức tượng Chúa Giêsu, mà chỉ 1 tay neo vào thánh giá, còn tay kia buông xuôi xuống 90 độ. Kèm theo bức tượng là câu chuyện làm bài học cho ba bên mọi thời khắp nơi đó đây rất động lòng. Ba bên ở đây là Chúa, hối nhân và dụng cụ trung gian thi hành bí tích trong năng quyền tha thứ của Chúa chớ không phải làm tùy hứng theo thất tình lục dục của mình.  

Thời đó có một người yếu đuối thế nào không biết, cứ mãi phạm cái thứ tội mà vị giải tội cho là không còn có thể được chịu bí tích hòa giải nữa. Năn nỉ mãi Ngài cũng không thèm làm. Cuối cùng người đó ra giữa bàn thờ lớn trên cung thánh, xưng tội thẳng với tượng Chúa chịu nạn đang giăng hai tay trên cây thánh giá. Sau đó cánh tay mặt của Chúa bỗng tự gở đinh ra và ban ơn tha thứ cho người, rồi buông xuôi xuống để làm bằng chứng cho mọi thời về sau ráng học cho thuộc lòng Chúa thương yêu con người tội lỗi mà quay trở về, như trong bài đọc I của Tiên Tri Êdêkiên hôm nay. 

Sau hết, mỗi người dù giáo hay lương cũng đều tự hoán chiếu, thì cũng tự thấy rõ chính mình bất toàn, rất dễ phạm tội gây lỗi với trời với đất và tha nhân nữa. Điều cần là biết canh tân phục thiện, sám hối, ăn năn.

Đôi dòng kinh nguyện.

Xin chỉ cho con đường đi của Chúa. Xin dạy bảo con đường lối của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con biết những việc phải làm cho đẹp lòng Chúa.

Xin ban khôn ngoan và sáng suốt cho nhà cầm quyền các cấp, trung thực trong lời nói việc làm, hầu mang lại phúc lợi cho mọi người. 

Xin cho con ý thức mình thấp hèn tội lỗi để không xét đoán  và kết án người khác vô cớ.

Xin giúp con tránh hai thái cực tự tôn tự ti, để thấy thực chân tướng yếu đuối của mình mà  biết thông cảm và yêu thương anh em  yếu đuối ít hơn con. 

Xin cho những vị lãnh đạo tinh thần đủ sức mạnh và kiên nhẫn trong việc phục vụ đoàn chiên bá nhân bá tánh của Chúa.

Sau hết, xin giúp chúng con thấy mình có phước khi được mời gọi làm việc trong vườn nho của Chúa bằng cách âm thầm chu toàn những bổn phận nhỏ mọn hằng ngày.