Chúa Nhật thứ III Phục Sinh năm A nầy bám sát dấu chân hai Môn đệ E-mau xem sao

888

Vô Hạ

Đường Emmaus

1. Người Công giáo tin tưởng vào Thiên Chúa và vui mừng kỷ niệm hằng năm Lễ Chúa Giêsu Phục Sinh đêm thứ bảy tuần thánh tại Nhà Thờ. Vì hoàn cảnh đặc biệt nên phải ở tại gia năm nay, nên mừng Lễ online Ngày Chúa Sống Lại. Tới nay đã 15 hôm rồi. Cũng đã nghe những bài tường thật Chúa sống lại và hiện ra. Niềm vui Lễ Thánh Thuỷ lớn lao vẫn còn đó, nên Chúa Nhật thứ III Phục Sinh năm A nầy, cũng ráng sưu khảo ngắn gọn thêm vài dấu chân của hai Môn Đệ E-mau, xem cớ sự ra làm sao.

2. Trước hết mở Phúc Âm Luca 24:13-35 đọc tỉ mỉ vài ba lần, rồi thử coi Chúa muốn nói gì với mình. Sau hai ngàn năm, Ngài còn có muốn thu nhận thêm đệ tử mới, yếu lòng ở tận miền xa nữa không?. Chính mỗi mình có thể đọc chi tiết từng chữ từng câu của đoạn Phúc âm nầy trong Tân Ước hoặc trên Mạng Lưới Điện Não Toàn Cầu, để kiểm chứng và thêm trực nghiệm tâm linh mà tìm cách tri hành hợp nhất tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi mình.

3. Bài Phúc Âm hôm nay được Thánh Sử thứ ba viết rất sống động, làm như Ông có mặt tại chổ. Đoạn Tin Mừng nầy dã làm cảm hứng cho nhiều nhạc sĩ và họa sĩ. Việt Nam ta có bài hát Trên Đường E-mau, hai người lữ khách bước đi bên nhau … của LM Thành Tâm từ hơn 50 năm trước mà tới nay hầu như chưa có bài hát nào thay thế được.

4. Bên trời Tây có rất nhiều tranh ảnh liên hệ, trong đó có vài chục bức tranh lừng danh về Emmaus của thiên tài hội họa Rembrandt Harmenszoon Van Rijn Hòa Lan (1606-1669) có một không hai, được bảo quản trong khung kiếng của viện Bảo tàng và được trân trọng bậc nhất trên thế gian. Có hẳn riêng một chuyên viên đứng bên cạnh, giải thích cho khách thăm viếng mọi ý nghĩa cũng như trả lời các câu hỏi.

5. Cứ vô Google.com đánh từ khóa “bức tranh Emamaus hay Emau” cũng được. Quí vị cũng nên để nhiều thời giờ thưởng ngoạn gốc cạnh đa chiều của nghệ thuật hội họa hàng trăm tranh Emau, cùng thêm suy nghĩ những ý nghĩa và tầm nhìn mà họa sĩ tài danh gói ghém trong đó. không phí giờ đâu.

6. Quay lại với chủ đề trên, Thánh Luca là người Hy-lạp ngoại giáo trở lại, là môn đệ của Thánh Phaolô, cũng là tác giả sách Phúc Âm thứ ba khoảng giữa năm 70 và 75 AD. thêm sách Tông Ðồ Công Vụ nữa. Trước kia Luca làm nghề thầy thuốc, là người học thức, có tài viết văn, thêm khiếu kể chuyện, riêng những câu chuyện có ích lợi đặc biệt cho dân ngoại và kẻ bên lề kém lòng tin như mình.

7. Cố Linh Mục Giáo Sư Nguyễn Tấn Thinh (1929-1993) của Cần Thơ, chuyên dạy tiếng Pháp nhiều năm, đã có học hay đọc được tài liệc ở đâu, mà đã nhiều lần kể lại cho cả đám học trò thời trước rằng Thánh sử Luca, nhờ có dịp gần gủi với Đức Mẹ, nên đã mần được nhiều cuộc phỏng vấn về cuộc đời Chúa Giêsu, do đó những thêm thắt tình tiết trong Tin Mừng của Ngài rất đặc biệt hấp dẩn.

8. Y Bác sĩ Luca lúc Chúa Giêsu sống lại, đang còn là lương dân, có thể đang lo chữa trị những dịch Corona nào đó như hiện nay, đâu có biết mô tê gì đến biến cố phục sinh của Chúa. Thánh nhân chỉ ghi lại câu chuyện hai môn đệ Emau ba bốn chục năm sau, dựa vào những lời kể đi thuật lại, truyền miệng trong cộng đồng. Và câu chuyện trong Phúc Âm Chúa Nhật hôm nay được sắp xếp thứ tự có chủ ý với cái kết có hậu dường ấy cho đời sau.

9. Dài dòng dẫn nhập trở lên, chỉ là đôi nét về Thánh Luca, có lợi khi đọc Ngài sau nầy, cũng giúp hiểu thêm chính chuyện bên dưới. Nhân thể, cũng xin phép thêm, ghi ra một số từ ngữ theo kiểu cập nhật hóa trước thời cuộc mà Cha Piô Ngô Phúc Hậu có những lần đã làm, kèm theo với lối văn Ben-Hur của Nhà Tiểu thuyết Kitô giáo Hoa Kỳ Lewis Wallace (1827–1905). Nói cách bạch tuộc, từ ngữ được dùng có vẻ như trong phim truyện kiếm hiệp Võ Sĩ Đạo, cùng với ý, hướng tới người chưa nghe, giúp phần dễ đọc. Mà quả thật, Chúa Giêsu cũng chính là Đạo Sĩ, Sư Phụ, Trưởng Môn, Minh Chủ đặc biệt chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Nếu có dịp được Cố Thần Phụ Giáo sư Minh Triết Đông Phương Lương Kim Định (1915-1997) viết tám từ trong ngoặc kép trên, ra chữ Vìệt Nho theo phương pháp Lục Thư, phát minh của Bách Việt, thì Ngài luôn gói ghép theo ý nghĩa thần học phong phú về Chúa, nội tại trong mỗi từ mỗi chữ.

10. Xin vào chính truyện. Số là có hai thường dân, một ông tên Clêôpas, người làng Emau, chừng 12 km Tây Bắc Giêrusalem, Do Thái, cả hai đã liều mình mà cả lòng chọn phò Ngài Giêsu làm Minh Chủ, vì thấy Sư Phụ dạy nhiều điều ngay lẽ thật, cùng làm nhiều phép lạ hay quá. Nên nhị vị nam nhân nầy theo Ngài với dụng ý chính là danh lợi trần tục, y trang như các đệ tử khác thôi.

Ai ai trong nhóm đệ tử theo Thầy cũng chỉ ước mong, chờ thời, cầu kiến ngày đẹp trời Sư Phụ của mình giải phóng xứ sở Do Thái, rồi bình định thống nhất thiên hạ. Lúc đó mình cũng được Ngài bổ nhiệm cho, còn nếu Ngài quên thì phải tự ráng đấu tranh nội bộ mưu mô mà giành giựt, để được hi sinh vào những chức vụ nhỏ nhoi như Bộ Trưởng Kinh Tế, Tài Chính hoặc thấp nhất, làm bộ Trưởng Quốc Phòng hay Nội Vụ, thì cũng ráng cam lòng mà chịu.

Rồi đùng một cái, Thầy mình bị Giuđa nội công, còn ngoại kích thì đã có từ lâu, bán ra 30 ngân lượng, với ám hiệu cái hôn, cho những Thầy Cả Thượng Tế Giu-diêu bảo căn và nhóm thường dân ngoan đạo đang phò giáo sĩ trị. Mà Sư Phụ của Tân Môn Phái mình không chịu làm điềm thiêng, phép lạ chống cự để tự giải thoát, lại còn chấp nhận chết trên thập giá như một tội nhân nô lệ. Chết vô lý quá chừng chừng, không thể hiểu nổi, vì những lẽ gì?. Có mấy vị mệnh phụ, nữ lưu ở Giêrusalem kể chuyện, đã có gặp Ngài sống lại. Nhưng hai ông thì chưa, nên thất vọng ê chề, bèn quá bộ về quê Emau trong thất bại mà chưa biết cách nào để làm lại.

Rồi bóng chiều dần xuống, kìa một khách bộ hành oai vệ nhanh chân trờ tới, làm quen, nhập nhóm, nói chuyện lu bu thiên thời địa lợi nhân hoà trên mây. Chả biết gì về biến cố quan trọng tại Giêrusalem mấy ngày qua về ông Giêsu tốt lành bị chết oan ức, bất công, do nhóm Thầy Pharisiêu quá khích với lề luật cũ, lạm dụng, núp bóng danh đạo, mượn thực dân xâm lược là Rôma giết Ngài, để tạo danh đời.

Tới đây người khách lạ bèn duyệt qua các sách có liên hệ trong Thánh Kinh, nói về Đấng Kitô phải đau khổ, chết, mới sống lại để vào vinh quang. Giảng giải mọi tình khúc rõ ràng cho hai ông.

Khi gần tới cây đa (ôliu) đầu làng, hai ông ân cần mời vị đồng hành ở lại, vì ngày sắp tàn. Tại bàn ăn, Người khách cầm lấy bánh dâng lời chúc tụng, Bẻ Ra, trao cho hai ông. Tức thì mắt hai ông bừng tỉnh, nhận ngay ra Thầy, nhưng Ngài biến đi trước mặt hai ông.

11. Câu chuyện trên đây hấp dẫn nhất đối với thế giới mới, đại diện là Hai Môn Đệ trên đường Emaus, để minh chứng thật chỉ có Đấng đầy đủ Quyền Năng, mới có thể sống lại từ cõi chết. Đây cũng là niềm hi vọng cho mọi thế nhân, đang mang thân xác chết tiệt, sẽ được sống lại như Thầy. Và khi đã phục sinh, Thần tính của Ngôi Hai chủ động trên nhân tính thể xác. Nên Ngài không còn bị đóng khung lệ thuộc không gian và thời gian như nữa. Mà đi đâu và biến hiện lúc nào cũng được.

12. Trước khi đạo Chúa tới Việt Nam, ông bà tổ tiên ta đã có khái niệm về Đấng Quyền Uy trong nền văn hóa cao đẹp của giống nòi, được gọi là Trời, Ông Thiên làm gì cũng được. Từ đó để thấy ánh sáng Thánh Thần hiện diện soi dẩn qua văn hóa, giúp cho hiểu thêm đôi nét chân phương về Chúa của đạo mình. Và Ông rất than thương gần gủi loài người như cha với con qua câu ca dao:

“Ngọc Hoàng ngồi tựa ngai vàng, thấy con uống rượu hai hàng lệ rơi”.

Người cha đời thường, khi cần cứu con, luôn dám hi sinh chết thế cho con. Ông Trời thương con còn hơn thế nữa. Rồi vì là Vị Trời, nên khi Ông hi sinh chết cho con, liền sau đó sống lại tự nhiên dễ dàng. Đó là chuyện nhỏ với Ông. Và bây giờ cả lương lẫn giáo vẫn luôn kính nể và tôn thờ Ông Trời đó, của lòng người.

13. Trở lại chính truyện, hai ông Êmau nầy, sau khi thấy Chúa chết, đã quá chán chường thất vọng, nên mờ con mắt đức tin, chết phần tinh thần. Phải chờ Chúa nhỏ thuốc cho con mắt linh hồn, mới chịu sáng lên, mà nhận ra Chúa. Thuốc đó là Bẻ Bánh, Bí Tích Thánh Thể hay Mình Thánh Chúa.

14. Bài Phúc âm cho thấy Chúa mở mắt hai môn đệ và cho của ăn linh hồn, rồi lại biến đi. Nghĩa là khi hai ông được đả thông rồi, được bổ sức nhờ Lương thực Thiên Thần nữa, thì những việc kế tiếp là bổn phận của hai ông. Hai Vị đã nhanh chóng trở về Giêrusalem gặp các Tông đồ, làm chứng và loan truyền về Thầy đã Phục sinh, thuật lại những điều mắt thấy tai nghe về Thầy. Mẫu gương nầy dạy mình, dù ở đâu đâu, cũng phải sẳn sàng làm chứng về Chúa trong mọi ngày còn sống.

15. Nhưng rồi thử nhìn phản ngược một chút chung quanh, việc Chúa biến đi, bỏ lại mình cô đơn giửa thế gian lúc nào ác xấu cũng lan tràn. Như bệnh dịch cúm vô hình Corona 19 -20 đang hoành hành khắp nơi hôm nay, làm phát sinh ra và cũng thêm con số những người vô thần. Lúc bị khổ đau quá lẽ, thì mình cũng thấy hình như không có thần thánh.

16. Nhưng nếu không có niềm tin, thì tuyệt vọng sẽ tới và việc tự hủy mình, tự tử cũng không khó. Nên tôn giáo là chổ dựa tinh thần. Với những bài học về Chúa, những kinh nghiệm được Chúa bao che giữ gìn bấy lâu, giúp mình vượt thắng gian, trong niềm hi vọng ngày mai tươi sáng.

17. Những thắc mắc suy tư về tai họa ác xấu đang phủ chụp chung quanh, đã được người xưa bàn luận không ít trong sách Ông Gióp. Nên đọc Sách Gióp khi khổ đau, giúp mình được sức mạnh tinh thần không ít.

18. Tóm lại. Câu chuyện hai Môn Đệ làng Emau, dạy mình là kẻ hay kém lòng tin, rằng: Khi thời sung mãn tới, Chúa là ánh sáng, chủ động tới để mở mắt linh hồn khi mình mù mờ thất vọng. Rồi Chúa còn để lại Thịt Máu làm lương thực cho sự sống lại và là sức sống của mình. Nói cách khác, Thánh Thể Chúa chính là lễ tế chết trên thánh giá cùng với phục sinh, cả hai hòa chung nên một, để nuôi sống linh hồn của mình. Nên Chúa luôn mời gọi: Hãy tới cầm lấy mà ăn. Đừng sợ.

Sau hết, có vẻ như Chúa biến đi trong những ngày thế giới đang khổ đau dịch cúm Corona nầy, thì niềm tin dạy rằng bám lấy Chúa là núi đá, chổ dựa tinh thần quý giá. Và mẩu gương Ông Gióp giúp mình thêm tin tưởng và nghị lực cần thiết vào lúc nầy. Đó là chấp nhận ý Trời cao xa hơn ý mình. Khi đạt tới quả vị nầy rồi, thì Ông Gióp đi trước, mình bước theo sau, với dòng tâm kinh dâng Chúa, bắt chước Sách Gióp (2:9-19; 13:15a): Xin cho con đủ lòng tin, can đảm và sức mạnh siêu phàm để chấp nhận Thiên ý của Ngài. Giúp con vẫn  ca tụng Chúa, dù trong hạnh phúc cũng như trong gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe… để tin yêu Ngài, thương người, mến mình, trong suốt cuộc sống nầy vậy.

Vô Hạ