Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời… | Chuyện Phiếm Đạo/Đời

1024

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 14 thường niên năm C 07/7/2019

Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui

Với tình ta chan chứa, bao la trong bước đi trên đường đời.
(Văn Phụng – Vui đời nghệ sĩ)

Yêu đời cho người vui” đến mức độ biến thành khúc hát liên tu bất tận như câu tiếp, vẫn hát rằng:

“Cầm tay ta hát,
hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa,
bao la trong bước đi trên đường đời.
Ơ kìa! chàng thi sĩ đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình lời thơ và ý nhạc
Thắm thiết gieo cho người một ý niệm yêu đời
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới
trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng
ta vui ca bên nhau muôn lời thơ.”
(Văn Phụng – bđd)

“Nguồn vui phơi phới, trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa”. Ôi! Những ý/lời nơi câu nhạc như thế, nay chỉ thấy ở các bài hát trữ-tình hoặc có tình tiết rất xa xưa, mà thôi. Còn hôm nay, bạn có tìm đỏ con mắt hoặc đổ mồ hôi hột, cũng chẳng thấy ma hoặc quỷ nào, để trừ tà. Có tìm cho lắm, không đỏ con ngươi thì cũng chết tươi bầy thú, thấy được mỗi nhận-định nơi giòng chảy ở dưới, mà rằng:

“Xì căng đan tới đây của Giáo Hội sẽ là TIỀN BẠC.

“Ma quỷ luôn tìm cách len lỏi qua túi tiền”. Đó là câu nói mà Đức Phanxicô thường lập đi lập lại với sự xác tín không thua gì Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi Timothê: “Vì tham tiền là cội rễ mọi sự dữ. Cầu thỏa lòng tham, thì có kẻ đã lạc xa đức tin và bị bao nỗi đớn đau xâu xé.” (1 Timothy 6:10).

Nếu những cáo buộc chống lại Đức Giám mục Michael J Bransfield, cựu giám-quản địa phận Wheeling-Charleston ở Hoa Kỳ cùng các cáo buộc liên-quan đến một số giáo sĩ được hưởng lợi/lộc nhờ sự “hào phóng” của ngài là chính xác, thì có quá nhiều người trong hàng lãnh đạo Giáo Hội đã không tin vào lời khẳng định của thánh Phaolô.  

Washington Post là tờ báo đầu tiên tại Hoa Kỳ đưa tin về Giám Mục Bransfield, đáng lý ra phải là một chủ chăn gương mẫu, thế nhưng đã lợi dụng thế thuận lợi về mặt tài chính của giáo phận có nhiều cổ phần tại tiểu bang Texas dồi dào dầu khí – để có một cuộc sống xa hoa phung phí.  

Kết quả một cuộc điều tra cho thấy ngài đã có “một lối sống phung phí không thích hợp trong các lãnh vực như di chuyển, ăn uống, rượu, quà cáp và những mặt hàng xa xỉ”. Ngài đặt mua hoa tươi mỗi ngày cho văn phòng chưởng ấn với tổng cộng là 182.000 mỹ kim trong 13 năm. Cuộc điều tra cũng tố cáo ngài có hành vi sách nhiễu tình dục. Thế nhưng Đức Giám mục Bransfield đã phủ nhận các cáo buộc này và nói với báo Washington Post là “Tất cả đều là bịa đặt, chỉ nhằm bôi nhọ ngài”.  

Cũng vào tuần qua, tờ Washington Post đưa tin là Đức Tổng Giám Mục William E Lori thuộc Tổng Giáo Phận Baltimore – là người được Toà Thánh La Mã giao phó việc điều tra Giám mục Bransfield. Thế nhưng, điều trớ trêu là Đức Tổng Giám Mục William E Lori lại là một trong số những người từng hưởng “ơn mưa móc” của Giám mục Bransfield qua những ngân phiếu từ trương mục của ngài và sau đó lấy tiền của giáo phận bù lại.  

Tổng Giám Mục Lori đã không khai báo với Tòa thánh La Mã về những “khoản quà cáp” này khi đồng ý nhận lời điều tra. Khi vụ tai tiếng bị đổ bể, ngài mới tuyên bố trả lại cho giáo phận Wheeling-Charleston 7.500$, số tiền mà ngài nhận được từ Giám Mục Bransfield. Vụ tai tiếng có hiệu-ứng “domino” khi Đức Hồng Y Kevin Farrell, bộ trưởng Thánh Bộ Giáo-Dân, Gia-Đình và Đời Sống, tuyên bố trả lại số tiền 29.000$ nhận được từ Giám Mục Bransfield để tu bổ căn phòng của ngài ở Vatican. Nhưng, vấn đề đặt ra là: tại sao các vị chỉ công bố khi nội-vụ được đưa ra trước công-luận, hơn là từ chối số “quà cáp” ấy ngay từ đầu?  

Chi tiết về các vụ “quà cáp” này, được báo chí nói đến nhiều, không cần phải kể ra thêm. Mục đích của bài viết chỉ là tìm hiểu “lề thói xử dụng tiền bạc” trong Giáo Hội, mà thôi.  

Mùa hè năm ngoái ở Bắc bán cầu, khởi đầu bằng những tiết-lộ có liên-quan đến cựu Hồng y Theodore Edgar McCarrick – người được “thăng quan tiến chức” trở thành Tổng Giám Mục Washington DC, là nơi “ngài” có thể gặp những người giầu nhất thế giới và người có thế lực nhất tại Hoa Kỳ. Các đồn đoán vể cuộc sống đồi-truỵ của ông kéo dài rất nhiều năm. Ông biết rõ ai là những người cần tiếp xúc, bên trong cũng như bên ngoài guồng máy cai-quản của Giáo Hội. Trong khi đó, các giám mục Hoa Kỳ vẫn tiếp tục phủ nhận việc hay/biết xu hướng đồi-truỵ và tự-phụ của ông ta. Các phủ nhận này thật khó hiểu.  

Toà Thánh Vatican từng hứa sẽ duyệt xét các hồ sơ liên quan đến đương sự và sẽ báo cáo “đúng lúc” bất cứ chi tiết nào tìm thấy. Thế nhưng, lời hứa ấy cũng không thể tin được. Phải chi quyền bính Rôma có thể giải quyết trường hợp Giám Mục McCarrick thì nắm chắc rằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị đã không bao giờ tấn phong đương-sự lên bậc Tổng Giám Mục vào năm 2001 tại Thánh Đường Thánh Matthêu. Nhưng, có quá nhiều thanh danh bị đe doạ khi người ta biết là ông Giám Mục McCarrick và Bransfield có rất nhiều ảnh hưởng trên cơ quan Papal Foundation, được thành lập năm 1988 để kiếm tiền cho Toà Thánh.     

Năm 1982, Toà Thánh vỡ nợ sau khi ngân hàng Banco Ambrosiano bị phá sản. Nhưng sau đó, Toà Thánh đã điều chỉnh được sổ sách kế toán và Papal Foundation trở thành đầu máy yểm trợ cho một số dự-án từ-thiện được các Đức Giáo Hoàng lưu-tâm, tha thiết. Theo các báo cáo mới nhất, tổ chức Papal Foundation hiện sở-hữu một số tích-sản trị giá trên 200 triệu mỹ kim. Nhưng đang chìm trong một vụ “xì căng đan” kéo dài hơn năm qua liên quan đến việc chấp thuận cho kế hoạch ngoại thường cứu nguy một bệnh viện đang có khó khăn về tài chính tại Rôma.   

Giám McCarrick đã làm gì với tiền bạc quyên góp được cũng như tầm mức ảnh hưởng từ khả năng quyên góp này qua sự phê phán của những người có trách nhiệm làm điều đó cho ông. Thách đố lớn ở đây, là thấy được tiền bạc là phương tiện của thế lực. Người xưa thường nói “Thế Lực dẫn đến tham ô và Thế Lực tuyệt đối cũng dẫn đến Tham Ô tuyệt đối”.  

Việc tạo tình cảnh tuỳ thuộc về tiền bạc là phương tiện chính đối với những người có thế lực. Chúng ta thường nghe nói đến trường hợp của các giáo sĩ cấp thấp mà cuộc sống của họ tuỳ thuộc vào các giám mục. Vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống của mình mà họ phải im hơi lặng tiếng, thậm chí có khi phải âm thầm chịu đựng nhiều đau khổ nữa. 

Trong khi đó, giáo dân muốn có cải tổ thật sự, canh tân thực sự, muốn tham gia vào cuộc với tinh thần trách nhiệm. Nhưng, vẫn có bất đồng quanh vấn-nạn đâu là mục tiêu: quản trị hay quyết tâm? Thế lực và tiền bạc đều có những nguy hiểm của nó, trong khi cải tổ và canh tân đều tạo tình trạng căng thẳng. Trước thực tế đó, Giáo Hội đang cần cải tổ quản trị hơn là quyết tâm.   

Trách nhiệm lớn trước mặt chúng ta bao gồm hai khía cạnh. Chúng ta cần “khai quang” các phòng thánh, các văn phòng chưởng ấn. Sau đó, cần tìm ra cách thức giám sát mọi thành viên làm việc trong đó mà không vi phạm hiến-chương phẩm trật trong Giáo Hội, có tính thánh thiêng.   

Có làm được tất cả những điều đó hay không, đòi ta phải có tinh thần canh tân – sám hối và đó luôn là công việc của Chúa Thánh Thần trong mỗi người chúng ta.” (Vũ Nhuận chuyển ngữ từ Catholicherald)

Đọc những giòng trên đây, người đi Đạo công-tâm và có quyết tâm hẳn sẽ tìm cho được lời Đấng Thánh Hiền trong Đạo từng thực-hiện công-cuộc thừa-tác, rao giảng Nước Trời, đã có nhận-định chắc nịch như sau:

“Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo,
mà chỉ có một lòng một ý.
Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng,
nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung.
Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban,
các Tông Đồ làm chứng Đức Giêsu đã sống lại.
Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi-dào ân-sủng.
Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn,
vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa,
đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ.
Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.”
(Công vụ 4: 32-35)

Sinh-hoạt thừa tác-vụ trong cộng-đoàn kẻ tin có dựa vào tiền-bạc hay không, là tùy mỗi tôn-giáo, mỗi giáo-phái hoặc nhóm hội, đoàn thể. Mỗi nhóm, mỗi nơi đều có đường-hướng riêng-tư để hoạt-động. Có lạo hoạt-động đem lại kết quả khả-quan, có loại lại không được thế.

Tựu trung, mọi sự và mọi việc cũng tùy từng trường-hợp, tùy mỗi nhóm/phái trong ngoài đạo. Như câu truyện kể của bạn đạo ở bên dưới cho thấy chuyện hành đạo, theo đạo và trung thành với đạo lại cũng khác.  Thôi thì, mời bạn, mời tôi ta thử đọc truyện kể “Nhà sư mà cũng yêu”, như sau:     

“Thế là cũng bắt đầu cho ngày nhập học đầu tiên tại trường trung cấp Phật học, tôi kiểm tra lại mọi thứ và tính bụng đi siêu thị Coopmart gần chùa để mua một ít đồ dùng như tập vở, bút mực, cặp sách và một số đồ dùng cá nhân, cũng như một ít đồ ăn khô. 

Thế là tôi đắp y vào và bước ra trước cổng chùa để nhờ chú xe ôm đưa đi, vừa bước đến siêu thị giữa đám đông người, tôi nhẹ nhàng bước đi để thể hiện sự oai nghi của người xuất gia khi đi vào nơi nhà thế, gởi đồ xong tôi đẩy chiếc xe mua hàng mà người ta thường sử dụng. 

Trên con đường thênh thang đó, tôi vội dừng lại ngay khu vực bán mỹ phẩm để mua chai xà-phòng Clear mát lạnh bạc hà để dành sử dụng cho những ngày hè oi bức, cũng như để giảm bớt những hạt trân châu đỏ thắm mà đã làm tôi phải “giữa đêm thức dậy đánh đàn”, nhưng trong lòng toát lên vẻ ái ngại vô biên khi bước đi thật nhanh và nhẹ nhàng lấy khẽ, thì ôi thôi! Sau lưng vọng lại tiếng nói dịu dàng đầy chua chát của một người con gái: 

– Sư mà cũng đi shopping, xài mỹ phẩm.

Thôi thế là thôi, tôi vội buông chai xà-phòng, quay lưng nhìn lại với nụ cười khả ái và bước đi trong lặng lẽ. Ôi! Người con gái kia ơi! Có hiểu chăng nỗi lòng nhà sư trẻ. 

Đôi dép tổ ong thân thương đã thấm màu sương gió, và sắp bị đứt quai theo định luật vô thường của nó mà trở về với đất mẹ thân yêu.

Thế là tôi cũng bắt đầu phải thay đôi dép mới để sử dụng, tính bụng không biết phải đi đâu cho hợp tình hợp lý, rồi chợt nghĩ:  

– Hay đi ra chợ mua cho rẻ, nhưng rồi lại thôi vì rút kinh nghiệm lần trước kẻo không thì lại vương mang nỗi sầu

– Sư mà cũng biết bon chen nơi chợ búa. 

Lòng này ai có thấu cho chăng? 

Thôi thì để hợp lòng nhân thế, tôi vội nhờ chú xe ôm chở đến tiệm buôn bán giày dép, vừa bước vào thấy cô nhân viên niềm nở đón tiếp:

– Chào sư, mời sư vào thử dép, ở đây hàng mới về đẹp lắm. Con sẽ chọn cho sư đôi nào sang trọng nhất, màu sáng nhất, sư mà mang vào thôi là sáng cả một góc trời. 

Thấy cô niềm nở đón tiếp, tôi cũng vội an tâm đáp:

– Cô kiếm giùm sư đôi dép nào dành cho nam mà bền nhất, màu tối nhất và cuối cùng là phải rẻ nhất.

Thấy cô liền đổi sắc mặt, đi vào trong mang ra đôi dép như dành cho những tù binh của thời trung cổ, rồi trong bụng chợt nghĩ: 

– Phải chăng, đây là hàng tồn kho của thập niên 90 còn sót lại. Nhưng thôi, có còn hơn không vì đây chắc là đôi dép bền nhất, màu tối nhất và rẻ nhất mà mình đã yêu cầu.  

Thử xong, tôi hỏi:

– Giá bao nhiêu vậy cô? Cô suy nghĩ một hồi rồi đáp:

– Thấy sư tu hành tội nghiệp, nên con cũng không lấy thách làm gì?

– Nghe cô nói vậy cũng thấy an lòng. Rồi cô vội nói tiếp:

– Thôi, lấy sư 100 ngàn.

Nghe xong mà giật cả mình, tôi đáp:

– Cô ơi! Cái này ngoài chợ bán 15 ngàn 2 đôi thôi cô ạ!

Đi tu làm gì có tiền mà mua đôi dép tới 100 ngàn thưa cô.  

Thương tình thì cô bán cho 20 ngàn thì sư sẽ lấy một đôi. Nói xong, cô nhìn tôi tròn hai đôi mắt long lanh sáng ngời và nói với giọng nói ngọt ngào:

– Sư mà cũng biết trả giá.

Kết quả là tôi phải lặng lẽ ra đi trong nỗi niềm sầu kín để bon chen nơi chợ đời tấp nập mà tìm mua 2 đôi 15 ngàn, mặc cho thế sự có gièm pha:

– Sư mà cũng biết đi chợ bon chen với đời.  

Vào một ngày đẹp trời, đang ở chùa hạnh phúc bên tiếng kệ lời kinh thì có một gia đình gia chủ đến chùa để nhờ Thầy trụ trì cử chư Tăng đi làm lễ An vị Phật tại tư gia. Thế là tôi được cắt đi để hướng dẫn làm lễ An vị, vừa bước tới ngôi nhà ngay trước mặt tiền đường, tôi vội đưa mắt nhìn lên thì hỡi ôi, nguyên một cái bảng hiệu quảng cáo to đùng:

– Tiệm hớt tóc Hoa Hồng Nhỏ

– Tại đây có: Nối tóc, uốn tóc, cạo mặt, nặn mụn, ráy tai, nhổ tóc bạc, làm móng.

Trọn gói thì được giảm 10%. Kính mời! 

Thôi thế là thôi, tôi lặng lẽ bước vào ngồi đợi ngay chỗ ngồi của những vị khách đợi đến lượt mình để chờ gia chủ thiết trí bàn Phật, trong màu vàng huỳnh y chói sáng đang ngồi lặng lẽ ngay một góc tiệm mà chỉ biết cầu nguyện với Phật-đà cho con được bình an trở về. Kẻo không người ta đi đường bên ngoài nhìn vào mà phán:

– Sư mà cũng đi nối tóc, nặn mụn, làm móng… hay gì gì đó.

– Thì thôi rồi, con chỉ biết khóc dòng trong nỗi oan ức đến nghẹn ngào. 

Càng đợi, càng nóng ruột mà gia đình thí chủ cứ bảo:

– Sư cứ ngồi tự nhiên dùng nước đợi con, khi nào xong con gọi.

– Mô Phật, xin thí chủ hãy nhanh chân giùm tại hạ. Chứ kẻo không tại hạ lại vương mang nỗi sầu ta oán. Khi mai này có ai lỡ chụp ngay hình ảnh thân thương của một nhà sư đang ngồi trong tiệm uốn tóc nữ với dòng chữ quảng cáo to đùng tại tiệm Hoa Hồng Nhỏ mà đăng lên Facebook với dòng tâm trạng: – Hot News: Nghi vấn về một Nhà sư tại tiệm uốn tóc? – rồi có ai đó vì một chút buồn lòng với thế sự mà vào comment: – Sư sãi thời nay là thế, hay tu hành gì mà kỳ vậy trời. Đến khi báo chí giật tít, người người share và like từ thiện, rồi phóng viên tìm đến để phỏng vấn nhà sư trong bức hình hầu tìm cho ra lẽ, tôi chỉ biết cười nhẹ đáp: 

– À! Ngồi chờ để làm lễ An vị Phật á mà.

Phóng viên hớt hải kinh hoàng, ăn năn sám hối, vội xin quy y Tam bảo với pháp danh là: Ngộ Không (Pháp danh của Tề Thiên Đại Thánh) 

Còn hình ảnh thì người người vẫn san-sẻ với nụ cười hoan hỷ.

– Lạ hỉ…

CHIA SẺ: Thay vì chúng ta vội cho rằng: “Sư mà cũng yêu”… thì hãy mở lòng ra để tập nhìn sâu với một tâm hồn tươi mát, nhẹ nhàng, bao dung để có thể hiểu sâu trong sự thương kính thì chắc rằng người con gái kia sẽ vội nhận ra vị sư này đang e ngại khi tiến tới khu vực mỹ phẩm để lấy chai xà-phòng, để rồi cô vội bước đến lấy giùm sư, cho đến cô nhân viên kia sẽ nhẹ nhàng từ chối và khuyên sư nên ra chợ để kiếm mua đôi dép như sư đã nói:

– 2 đôi 15 ngàn, và cuối cùng là gia đình gia chủ sẽ vội nhận ra sự e ngại đó mà chợt khép nhẹ cánh cửa lại khuất bóng đi hình ảnh của nhà sư thân thương hiền lành đang ngồi bên trong tiệm uốn tóc Hoa Hồng Nhỏ mà an lòng trì tụng những phẩm kinh cầu nguyện thiêng liêng. Ở đời,… cần lắm cái tập nhìn sâu và hiểu thấu – là thế.” (Thích Giác Minh Luật kể) 

Lại thêm một truyện kể để minh-họa cho vấn đề bạn và tôi, ta đang “luận phiếm” sương sương cho qua ngày đoạn tháng, rất như sau:

“Một cậu con trai than thở với bạn học:

– Tuần trước bà cô tao đưa giấy mời họp họp phụ huynh để khiển trách hạnh kiểm của tao.

– Thế ba mày có đi không?

– Có!

Đã đi rồi sao hôm nay mày còn cầm tờ giấy mời họp nữa?

Cậu con trai nhăn mặt:

– Đây là tờ giấy bà cô tao mời má tao!

Bạn học ngạc nhiên hỏi:

– Về chuyện chi vậy?

Cậu trai trả lời:

– À… yêu!… thì giấy mời họp để bà cô tao than phiền về hạnh kiểm của ba tao! 

Nói cho cùng, có kể truyện hoặc kể lể chuyện này hay bài “phiếm” nọ, cũng chỉ để mua vui một vài phút giây, như chủ đích của bài phiếm lai rai, phiếm dài dài, không hết chuyện.

Chuyện gì cũng thế, nói mãi rồi cũng phải hết. Duy, có chuyện thần học hoặc học về thần, là bạn và tôi, ta sẽ học mãi, bàn mãi rất khôn nguôi. Bởi, thần học đích thị là học về thần rất mông lung, trừu tượng, không bao giờ có dấu chấm hết.

Chấm hết đây, hay chấm và phết là chấm lại những dấu phết rồi chấm ở nhạc bản ta nghêu-ngao ở phía trước, rất như sau, rồi dùng đó làm kết đoạn cho bài phiếm hơi bị dài, hôm nay. Nghêu ngao những câu trong nhạc-bản không hề “phiếm”, mà rằng:

“Cầm tay ta hát, hát khúc ca yêu đời cho người vui.
Với tình ta chan chứa, bao la trong bước đi trên đường đời.
Ơ kìa! chàng thi sĩ đang miên man đi tìm bao vần thơ.
Ơ kìa! nàng ca sĩ đang say sưa cung đàn cho đời mơ.
Tính tính tang tang tình lời thơ và ý nhạc.
Thắm thiết gieo cho người một ý niệm yêu đời.
Còn chi vui hơn đời nghệ sĩ chúng ta?
Nguồn vui phơi phới trên đôi môi xinh hồng bên ngàn hoa.
Chứ dù mưa hay nắng ta vui ca bên nhau muôn lời thơ.”
(Văn Phụng – bđd)

Trần Ngọc Mười Hai
Và những giòng “Phiếm” rất lai rai
Chảy dài nhiều năm tháng.
Rất hôm nay và mai ngày.