Chúa Xuân đến với mọi người | Tết Tân Sửu 2021 | Vô Hạ

544

vo ha

Người Việt gọi ba ngày đầu năm mới là TẾT. Tết là ngày Lễ lớn và vui mừng nhất trong năm. Tết bắt đầu từ ngày mùng 1 tới hết  mùng 3 Tháng Giêng (tháng 1, tháng đầu của năm Âm Lịch). Năm Âm Lịch được tính theo chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất. Nên Tết thường nằm trong khoảng từ 14/01 – 28 tháng 2 DL. Tết Tân Sữu năm nay 2021, rơi đúng Thứ Sáu, 12 tháng 02, 2021.

Ngày nay có hơn 1.500 triệu dân Việt và Hoa, thêm những ai chịu ảnh hưởng Văn Hóa Bách Việt, ăn Tết vào đầu mỗi chu kỳ trái đất quay chung quanh mặt trời. Theo  nhiều nhà nghiên cứu Đông Tây, đã có ít là 5000 năm Đạo Ăn Tết ra đời, kể từ khi tổ tiên dòng giống vừa nói, định canh định cư trên vùng Tam Giác Văn Hóa lúa nước trên đồng bằng phía nam sông Dương Tử, từ Thượng Hải tới Côn Minh, qua Bắc Việt. Vậy Tết là gì mà quan trọng như vậy?

Một cách tổng quát, Tết là nói tắc của hai từ ngữ Việt Nho/Hán Việt 春 節 “Xuân Tiết” thời xưa. Xuân là mùa Xuân. Tiết là khí trời, mưa, gió, nắng, hạn đổi thay hay thời tiết luân chuyển. Rồi Xuân Tiết được rút gọn và nói trại ra là TẾT theo độ dài của thời gian, dựa vào định luật ngôn ngữ của Nhà Ngữ Học Morris Swasdesh (1909-1967) “cứ một ngàn năm thì một dân tộc biến dạng, hoặc thay thế hẳn danh từ của họ một lần và lối 20% danh từ bị biến dạng” (Bình Nguyên Lộc, Lột Trần Việt Ngữ, Talawas, chương 1).

Tết còn có nghĩa là đầu mùa Xuân mới, mùa ấm áp khi vạn vật phục hồi sức sống sau mùa Đông dài ảm đạm buồn thảm. Trong văn chương, Tết đã được nhân cách hóa thành Nàng Xuân Xinh Đẹp. Nàng đã trở thành nguồn hứng khởi cho biết bao sáng tác, kỷ niệm, gợi nhớ … của rất nhiều văn sĩ, thi sĩ, nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, kịch sĩ, nhạc sĩ, ca sĩ … nhất là cho những người xa quê hương và những anh chị em chiến sĩ xa nhà nơi tuyến đầu biên giới khi tình hình có mòi bất ổn.

Tết là còn truyền thống rất quan trọng về mặt xã hội và tâm linh. Bạn chỉ có thể hiểu trọn vẹn ý nghĩa 3 ngày Tết khi chịu đến, cùng hoà nhập xác hồn trọn vẹn vào những đất nước hay cộng đồng nào có Đạo Ăn Tết theo tập tục của giống nòi Lạc Hồng Lạc Việt.

Thuở xưa, khi đất nước còn thật sự độc lập và thanh bình, Tết kéo dài trọn một tháng: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” để bù lại cho lao động cực nhọc cả năm. Vì dân Việt phần lớn trước khi chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương, làm việc chăm chỉ trên cánh đồng bảy ngày một tuần.

Tết hôm nay, là 3 Ngày Lễ nghỉ của quốc gia, cũng là Lễ Hội Mùa Xuân, là dịp tốt để tụ họp gia đình, là chính ngày Hi Vọng tích cực cho năm mới. Nên Tết có thể so sánh với những ngày lễ tôn giáo và xã hội trên khắp thế giới: Lễ Chúa Giáng Sinh, Ngày Lễ Thánh Gia, Lễ Gia Đình, Ngày Lễ Phục sinh, Ngày Lễ Chúa Ba Ngôi/Thượng Đế,  Ngày Lễ Chư Thánh, Ngày Lễ Các Linh Hồn, Ngày Tổ Tiên, Ngày Lễ Trọng Cha, Ngày Lễ Kính Mẹ, Ngày Nhớ Ơn Thầy Cô/Ngày Nhà Giáo, Ngày Bà Mụ giúp ta chào đời, Ngày Tôn Vinh những vị Quốc Phụ, Ngày Độc Lập, Ngày Nhân Quyền, Ngày Hiếu Để, Ngày Mặt Trời, Ngày Những Vì Tinh Tú, Ngày bảo vệ Trái Đất, Ngày Vũ Trụ, Ngày Hoà Bình Thế Giới, Ngày Ăn Mừng/Thanh Tẩy sau tháng Ramađan. Nói gọn, coi như Tết của ta gom lại hết ý nghĩa trọng thể cốt lõi của những ngày lễ trọng đại khác trên thế giới.

Nên trước Tết cả tháng trời hay gần hơn là vài tuần, bạn thấy dân chúng đã nhôn nhịp chuẩn bị dọn dẹp, lau chùi nhà cửa sạch sẽ mừng Tết. Ai ai cũng trang trí hoa lá cây kiểng, chế biến thức ăn ngọt mặn nhiều thứ, cùng với rượu trà cho gia đình để đón chào quí khách. Và kẻ hậu sinh muôn đời về sau cũng không quên  lời dặn dò của Uy Viển Tướng Công Nguyễn Công Trứ (1778- 1859) hàng trăm năm trước: “Ba mươi Tết, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa. Sáng ngày mùng một, đưa tay bồng Ông Phúc vào nhà”.

Vào rạng ngày 23 tháng Chạp ÂL, trước Tết một tuần, lễ đưa Ông Táo về Trời. Bỏ cà ràng  đất nung cũ, mua bếp cũng đất nung mới thay thế vào thời ông bà cha mẹ  trước kia.

Theo truyền thuyết, Ông Táo mới được gọi là “cán bộ chí công vô tư” thật sự, không phải của loài người tự nhận, mà của Nhà Trời. Ngài đươc gởi tới mỗi gia đình, để theo dõi những thành bại, vui buồn, sướng khổ của mọi thành viên trong nhà, mà báo cáo cho Ngọc Hoàng vào dịp cuối năm. Gia đình nào ăn ở phải Đạo Làm Người thì được điểm song cùng với phép lành của Đấng Thiên Thượng.

Thói quen nầy có vẻ ít nhiều mê tín dị đoan vào thời buổi hôm nay, khi mà nhà nhà đều xài bếp gas hay điện,  hoặc bếp kiền sắt hoặc lò xi măng gạch men. Nhưng nhìn vào mặt tích cực theo lề thói của tổ tiên, thì mỗi lần vào bếp sáng trưa chiều tối, hãy nhớ ăn ở làm sao để trở thành “người tử tế” thật sự từ trong nội tâm ra tận ngoài thể xác, hầu xây dựng cho gia đình của mình trước hết,  sau đó mới có thể góp phần giúp đỡ người khác những gì trong tầm tay.

Rồi đến chiều xế chiều 29 hoặc 30 như năm nay, nhiều gia đình đình làm một mâm cỗ, trang trí hoa quả nhang đèn, cùng với khói hương nghi ngút, dâng cúng tổ tiên, đón rước hương linh, linh hồn ông bà cha mẹ quá vãng, trở về tụ họp, cùng với con cháu trong nhà vui ba ngày Tết.

Trước những giây phút đầu tiên giao thừa năm cũ bước qua  năm mới, có nhiều tín đồ tụ họp tại nhà thờ, đền chùa, thánh thất … cử hành nghi lễ tôn giáo, cảm tạ ơn Chúa/Trời/Phật về những phúc lành năm qua, đồng thời xin thêm những may mắn cho năm mới. Đến chiều mùng 3, gia chủ lại làm mâm cơm thịnh soạn hay thanh đạm khác, đưa tiễn linh hồn người quá cố về lại nơi yên nghỉ. Trên đây là đôi nét Đạo Ăn Tết, nếu được thánh hóa trọn vẹn, thành phương tiện văn hóa như chiếc cầu vừa tầm hướng tới mọi người, giúp dễ dàng tin nhận Đạo thật, Đạo chính.

Tết là thời điểm rất quan trọng và linh thiêng để  kính nhớ tổ tiên, biểu lộ tấm lòng con thảo, ý thức thêm công đức sinh thành dưỡng dục, dâng lên những bậc quá vãng hay hiện tiền: ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì, anh chị em có nghĩa với mình. Tết cũng là dịp tốt để thăm viếng những vị bên trên cùng với nhiều lời cầu chúc phúc lộc thọ và con đàn cháu đống sao cho vừa đủ nuôi.

Tết là cơ hội để sám hối và đổi mới chính mình về cách sống vật chất và tinh thần. Tha thứ cho nhau những xúc phạm. Bỏ qua những lầm lỗi. Hi vọng tương lai nhiều tươi sáng cho mọi người.

Đạo Ăn Tết cũng khuyên răn mọi người ráng giữ hay tránh những cấm: Không khóc lóc đau buồn, không giận dữ, không nói lời thô tục tiêu cực, không  làm hại đến người, thú, cây cảnh, môi trường … ngược lại phải giữ tâm trí thanh tịnh, lành mạnh, tích cực, giúp đỡ, hiếu hòa, lạc quan, an nhiên tự tại. Mọi nợ nần vật chất hữu hình và nợ  tinh thần vô hình, ráng trả cho xong hoặc trả tối đa trước năm mới.

Theo tập tục, Tết là lúc thêm tuổi, tức là thêm khôn ngoan nhân đức cho mọi người. Do đó, khi em bé mới sinh ra, được ngay một tuổi. Đến Tết đầu tiên, em được lên hai, dù mới chào đời trước đó vài giây phút.

Trẻ em vui nhất và luôn trông mong ngày Tết. Nhưng cha mẹ nghèo thì lo sốt gió mỗi độ Xuân về. Làm sao cho mỗi con cháu có ít nhất một bộ quần áo mới, cùng tiền lì xì, mâm cơm sao khấm khá hơn thường ngày cho gia đình và cũng tìm chút quà dâng kính tổ tiên, cộng thêm của lễ nhớ ơn ông bà cha mẹ còn sống và ân nhân đã làm ơn cho mình.

Ngày Tết, thêm vui với tiếng pháo đì đùng khắp nơi, cùng với trống Lân rộn ràng ngoài ngõ, nâng cấp niềm vui đã sẵn có trong thâm tâm mọi người. Múa Lân là một nghệ thuật điêu luyện siêu đẳng. Ông Lân tượng trưng sức mạnh, hình dáng sư tử oai vệ, xua đuổi  âm ma chướng khí ôn dịch ra khỏi nhà nhà, theo ý nghĩ bình dân. Nên năm ôn dịch Corona 2021 nầy, Ông Lân phải chịu múa ngày múa đêm, mệt xỉu mà vẫn chưa đủ.

Hai loại hoa chính Mai và Đào là biểu tượng chính cho ngày Tết. Hoa Mai – may lành, may mắn – trưng bày trên bàn thờ và những nơi trang trọng chào mời hạnh phúc đến với nhà nhà, người người.

Gom gọn, cập nhật với thời cuộc, Tết 2021 nầy trong hoàn cảnh  tê liệt, co thắt vì dịch cúm Corona hoành hành, đang gia tăng trong nước và khắp nơi. Chắc hẳn Xuân nầy kém vui về mặt giao tế xã hội với cộng đồng bên ngoài. Nhưng về mặt tôn giáo, Xuân nầy ít tội lỗi nhất. Con người cần chỗ dựa tinh thần nhất. Sốt sáng cần Chúa nâng đỡ độ trì chở che hơn lúc mạnh khỏe ăn chơi hưởng thụ trác táng.

Trong nội bộ gia đình, Xuân nầy đầm ấm nhất, ít tha hóa nhất, ít vong thân nhất, vì bị bó tay trói chân phần lớn thời gian tại gia. Nhờ vậy mà ý thức lại gia đình là nền tảng  đạo & đời, hơn mọi thứ khác trong đời sống hướng ngoại thời nay. Khi tối lửa tắt đèn, thì thân nhân ruột thịt và láng giềng gần, có giá trị nhất.

Tuy nhiên đau buồn nào rồi cũng sẽ qua đi, vì Tạo Hóa hiếu sinh theo Thánh Kinh Kitô Giáo cũng như trong Kinh điển Vêđa của Đạo Bà-la-môn. Như hi vọng năm mới sẽ vẫn mãi tươi sáng của Nhà Thơ Thôi Hộ (772-846) Hoa Quốc: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong“: Hoa đào như cũ, cười với gió xuân. Hơn nữa Thiền Sư mãn Giác (1052-1096) thời Nhà Lý nước Đại Việt còn lạc hoan hơn trong bài một kệ đậm chất nhà thiền “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận.Tiền đình tạc dạ nhất chi mai” đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết. Đêm qua, trước đình đã nở một cành mai.

Chúa Xuân hi vọng, Đào Mai sẽ mở với mọi nhà, cho muôn người trên khắp thế gian trong năm mới.