Lễ Giỗ 28 của Vị “Thầy Pháp” Kính Yêu… | Vo Ha

507

Lễ Giỗ 28 của Vị “Thầy Pháp” Kính Yêu
Cố Linh Mục Giáo Sư A. Nguyễn Tấn Thinh 1929-1993.

vo ha

NB: Thầy Pháp là lối chơi chữ cố ý gây ngạc nhiên mà cha Anphongsô Nguyễn Tấn Thinh hay tự gán cho Ngài, để gây chú ý và tạo thích thú cho người nói cũng như người nghe. 

“Thầy Pháp” của Cha, là Thầy dạy tiếng Pháp, không phải thầy bùa, phù thủy, phù chú đồng bóng kêu mưa gọi gió cúng tế dị đoan, có nguồn từ Lão Giáo của nước nổi tiếng đồ gốm phương Bắc. 

Khi học trò nầy vào Tiểu Chủng Viện Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, Cái Răng, 1962, gặp ngay vị Linh Mục trẻ trung, tuổi đời chừng ba mươi mấy, tóc hớt “cua” ngắn, cao, gọn như bông gáo phía trước trên đầu. Ngài là Cha Giám Học Anphongsô Nguyễn Tấn Thinh.

I. Sơ lược

  • Em bé họ Nguyễn, tên Thinh.
  • Sinh 1929 tại Họ đạo Núi Sập, Long Xuyên, An Giang.
    (theo Cha kể).
  • 1939: Nhập Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, rồi du học Đại Chủng Viện Saint Sulpice, Paris, Nước Pháp.
  • 1954:Linh Mục tại Paris, cùng hàng với Cố LM Giáo Sư gạo cội Đỗ Kim Thành (1928 – 2020)
  • 1954 – 1958: Tiếp tục Đại Học Sorbonne, Cử Nhân Sử Địa.
  • 1958: Cha Phó Họ Đạo Kinh Đức Bà, H. Long Mỹ, Tỉnh Cần Thơ.
  • 1959 – 1971: Giám Học & Giáo Sư Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý tại Sóc Trăng và Cái Răng từ 1962.
  • 1971 – 1974: Giám Đốc Tiểu Chủng Viện nhà.
  • 1974 – 1993: Cha Sở Họ Đạo Sóc Trăng

Yên nghỉ trong Chúa ngày 24.07.1993 với 39 năm Linh Mục.

Ngài là một trong những viên gạch xây nền cho Địa Phận nhà Cần Thơ và riêng Tiểu Chủng Viện trong những năm sơ khởi.

II. Một số kỷ niệm đáng nhớ

Anh em nào cũng có một số kỷ niệm riêng vớí vị Thầy kính yêu, dù có học với Ngài hay không.

1. Khi lên Đệ Ngũ (lớp 8) học trò nầy mới học thêm Pháp Văn với Vị Thầy Pháp chính danh cho tới hết Năm Đệ Nhất (L. 12). Ngài dạy học với chữ tâm và kinh nghiệm, tập cho trò nói tiếng Pha Lang Sa giọng Parisien, thêm đọc, viết, văn phạm, từ ngữ , thành ngữ của quyển III đến hết quyển V, Cours de Langue et de Civilisation Francaises. Không thiếu phần mô tả, làm luận, viết thư, làm đơn, báo cáo … cùng với văn học sử của dân Gaulois nữa.

Ngoài ra Thầy còn chia sẻ kinh nghiệm và những gì sống trãi trong thời gian du học bên Pháp.

Năm năm trước, dịp may hiếm có, học trò nầy tới được Kinh Đô Ánh Sáng Paris, liền nhớ lại những nơi chốn cùng địa danh mà Thầy đã đặt chân tới đó thời 1950: Hôtel du Palais-Royal, Viện Bảo Tàng Le Louvre, Công Trường Concorde, Nhà Thờ Đức Bà Notre Dame trên cù Lao sông Seine, Nhà thờ Thánh Tâm Sacré Coeur trên đồi Montmartre nơi chầu Thánh Thể ngày đêm, Tháp Eiffel nổi tiếng hoàn cầu…

2. Yêu lao động chân tay. Ngài kêu gọi và đi tiên phong dọn dẹp cỏ rác, san lắp mặt bằng lồi lõm để thêm chổ cho học sinh chạy nhảy giờ chơi. Ngoài ra, còn phát động phong trào trồng rau cải củ quả tự nhiên và giúp học trò có chút tiền khi bán sản phẩm cho nhà bếp Chủng Viện.

3. Giờ chơi, cha thường nhập phe đá banh chung với chủng sinh, không ngại mạt-kê rôm rốp.

4. Có những buổi chiều, trên tay sẵn bộ tông đơ, Cha gọi anh em tóc dài tới hớt và cũng tập nghề cho anh em nào muốn học.

Đặc biệt, Cha giáo dục lịch sự và sống văn minh bằng cách “sửa lưng chọc quê” mà không anh em nào giận hờn, trái lại còn thêm nhớ mãi kỷ niệm nầy.

Ngoài ra, cỡ 1965, Cha cho phát động phong trào xưng hô lịch sự, không dùng lời thô lỗ “mầy tao” chói tai, tìm lời nói thanh tao, nghe dễ thương, êm lỗ tai … Rồi cũng cho đọc quyển Người Lịch Sự của Phạm Cao Tùng trong giờ cơm mấy năm đó.

5. Cha phụ trách đọc sách giờ cơm sáng trưa chiều. Anh em Đệ Ngũ trở lên và học trò khác cả nhà, tuần tự lên diễn đàng đọc sách, vừa rèn luyện kỷ năng đọc vừa tập tự chủ bình tĩnh trước công chúng. Lợi điểm thứ ba, là cả nhà lợi dụng giờ cơm để thêm kiến thức. Một công đôi chuyện, ba bốn mối lợi.

Riêng giờ cơm trưa, đọc sách tiếng Pháp một thời gian dài. Có những lần, đang cầm dao nĩa mà Cha Giám Học gạn hỏi và bắt đọc lại câu văn trúc trắc tối nghĩa, trong khi trên tay cha không có sách đó.

6. Niên khóa 1968-69, lần đầu tiên Chủng viện nhà mở lên Lớp Đệ Nhị (L. 11). Anh em lớp nầy thi đậu 100% Tú Tài Phần Thứ I, cũng do công lao của Cha góp vào phần lớn. Vì Pháp Văn hệ số 3 rất nặng ký, yếu tố chính nâng lên đẳng cấp trên là hàng đỗ đạt hoặc trì xuống hạ giới, thất bại. Tiếp tục năm sau 1969-70, số anh em nầy lên Lớp Đệ Nhất, cũng đậu Tú Tài Phần Thứ II 100%. Niềm vui và hãnh diện hiện rõ trên mặt Cha và cùng toàn ban giáo sư nhà trường thêm nữa.

* Trước khi TV/máy thu hình vào VN và phổ cập cho dân chúng năm 1966, thì Cha Nguyễn Tấn Thinh mỗi tháng một tối, chiếu phim (sliding show) Tintin & Milou cho học trò các lớp xem giải trí.

Hài hước và sinh động nhất là lối phiên dịch pha trò vui nhộn của Cha qua những từ bình dân như Mille sabords, Tonnerre de Brest với đại uý Haddock, Tournesol, Monsieur Dupont (T) và Dupond (D). Cha cũng dùng dịp nầy, để nhắc mấy anh lớn Đệ Ngũ, Đệ Tứ chú ý thêm thành ngữ Pháp Văn nào hay ho, được Mr Hergé dùng trong phim.

7. Từ niên khóa 1967, tiếng Anh trở thành sinh ngữ chính trong giáo dục tại Chủng Viên và thi cử ngoài đời sau đó, nên vai trò của Cha Thinh giảm dần khi có Ban giáo sư trẻ mới.

Mùa hè 1974, Vị Thầy được bổ nhiệm làm Bổn Sở Sóc Trăng, một họ đạo lớn và trí thức của Giáo Phận, nhờ Trường Trung Học Lasan các cấp tới đây từ 1917.

8. Tại Sóc Trăng cha bắt đầu canh tân họ đạo với bầu khí mới bằng những lớp Giáo lý Thánh Lễ và Thánh Kinh tổng quát, cùng làm thêm cho mới phần nhà thờ cũ còn lại gần mặt gió nhà thờ.

Cũng nên nhớ lại, do “biến cố thay đổi cả thể” mà Cha Nguyễn Văn Đầy được bổ nhiệm làm Phó Xứ Sóc Trăng từ 1975. Khổ một nổi và oan ức lớn, là Cha phó nầy bị trùng tên với một sĩ quan cũ có tiếng không tốt trong vùng. Nên “người ta” cho rằng ông lính hết thời nầy vận áo nhà tu để núp bóng tránh né.

Cha Sở Tấn Thinh có biết dư luận hiểu lầm nầy do học trò cũ trường Họ Đạo nói nhỏ, nhưng không thể thanh minh. Thánh giá nặng nề kề vai phải vác. Tháng 3.1976,  Thầy Cả Bổn Sở và cha Phó Xứ bị buộc đi “làm việc” xa nhà vài ba tháng. Ý Chúa giúp mọi người thanh luyện nếu biết nhìn ra.

9. Năm 1991, Cha Thinh bị cơn bệnh dai dẳng. Có chữa trị, nhưng sức khỏe ngày càng suy giảm. Ngài về với Chúa 24.07.1993, 64 năm tuổi đời, 39 năm Thiên Chức Linh Mục.

Tóm lại. Cha Nguyễn Tấn Thinh là một nhà giáo dục bình dân đơn sơ dễ mến, đã để lại nơi lòng người bao kỷ niệm đẹp đáng nhớ, riêng với đám học trò chủng viện đang sinh sống rộng khắp Đồng bằng Cửu Long, và ngày nay nhiều nơi trên thế giới.

Nhớ ơn Thầy, hôm nay chúng con tiếp tục gieo rắc “sở tồn thành sở dụng” cho thế hệ mới. Theo lời Thầy răn dạy, là thổi tinh hoa văn hóa tình người rộng khắp mười phương như ảnh minh họa trên Petit Larousse mà Thầy giải thích.

Chúa đã đưa dẫn vị Thầy thân yêu của chúng con, nhưng cầu thêm không dư, xin được lên chốn bình an của Chúa. Amen.

__________________________

Phụ thêm (sửa chữa?)

Lai Nguyen, Lớp Têrêsa ATQ 1962
Mon 7/19/2021 8:19 am

CÓ THẤY CHƯA MÀ…
… Những năm 1963-1965, cha giáo Thinh làm tổng quản khu vườn phía sau [Sau này là Khu B], khuyến khích các nông gia bất đắc dĩ trồng rau xanh, cà chua… Chiều sau giờ học, cha giáo thường rủng rỉnh cây dù đi kinh lý khu vườn, nên có người gọi là Ông Cai Dù. Hôm ấy bọn tôi 4, 5 tên: Thời, Nhan, Huyên, Ký, Long… túm nhau ngồi ăn cà chua chấm muối tiêu. Cha Thinh từ cổng ra, vẫn với cây dù che nắng che mưa, tiến về phía bọn tôi. Thời nhìn thấy và cười toe toét, nói vừa đủ nghe cho bọn tôi “Ê tụi mày! Ông Cai Dù đến kìa”.

Cha Thinh càng tiến gần! Bỗng ngài dừng lại, cười cười, nắm lấy tay Thời, thoi cho Thời một phát [Chỉ vài thành công lực ((=:] vào vai, và phán:

Cái thằng này! Mày có THẤY chưa mà biết tao CAI DÙ?

Thời xanh mặt! Trong khi bọn tôi cười nghiêng ngửa.

Từ đó tôi mới biết Cai Dù là…đí gì. ((=: