Hợp nhất – Hiệp nhất | Từ vựng Công giáo | Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

180

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

1.

Một trong những khác biệt về việc dùng từ ngữ trong bản dịch NTTL 2005 so với hai bản dịch trước đây, đó là trường hợp thay chữ “hiệp nhất” bằng chữ “hợp nhất. Ví dụ: “Chính nhờ Người, với Người và trong Người, mà mọi danh dự và vinh quang đều qui về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời” và: “xin đoái thương ban cho Hội Thánh được bình an và hợp nhất theo thánh ý Chúa”. Đây là sự thay đổi cần thiết hay chỉ là ngẫu hứng? Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của hai từ này.

2. Hiệp và hợp.

HIỆP: Có rất nhiều chữ Hán như sau: 合, 協, 汁, 恊, 旪, 脅, 霅, 愜, 俠, 閤, 劦, 袷, 洽, 夾, 黠, 葉, 嗋, 冾, 狎, 柙, 烚, 陝, 郟, 裌, 蛺, 硤, 勰, 筴, 叶, 狹, 陿, 挾, 峽.
HỢP: Có những chữ Hán như sau: 合; 閤; 祫; 洽; 餄. Ở đây, chúng tôi chỉ bàn đến hai chữ có liên quan đến từ “hiệp nhất” và “hợp nhất” là 協 và 合.

2.1. 協: chữ 協 (hiệp bộ thập) này luôn luôn đọc là hiệp. Trong Giáp cốt văn, chữ 協 (hiệp bộ thập) viết là 劦 gồm ba chữ lực (力) hợp lại, thể hiện nhiều người cùng chung sức với nhau. Sau đó viết thành 協 (hiệp) (bộ thập (十) là số nhiều) hoặc 叶 (thường đọc là diệp nhưng cũng có lúc đọc là hiệp). Chữ giản thể lấy 叶 (diệp) thay cho 葉 (diệp), nhưng khi dùng với nghĩa hiệp vận thì 叶 vẫn đọc là hiệp[1]. Nghĩa gốc chữ 協 (hiệp bộ thập) là “cộng đồng”. Nghĩa mở rộng thành: (đt.) Cùng chung, giúp đỡ; phục tùng. (dt.) Nhóm thợ cùng chung nhau làm một việc. (tt.) Hợp lực, phù giúp. (pt.) Hoà hợp, điều hoà.

Hình 1: Chữ hiệp tượng hình và các dạng trong Giáp cốt văn (1), cổ tỉ văn (2), Tiểu triện (3), Lệ thư (4), Khải thư (5), Thảo thư (6), Hành thư (7) và giản thể (8).

2.2. 合: chữ 合 (hiệp bộ khẩu) này đọc là cáp, hạp, hợp hay hiệp tùy trường hợp. Có người cho rằng chữ 合 (hiệp bộ khẩu) đọc là hợp, còn hạp hay hiệp là cách phát âm khác của địa phương (variante phonétique local remplaçant)[2]. Người khác cho rằng chữ 合 (hiệp bộ khẩu) đọc là hợp, nhưng sau vì kỵ huý Vua Mạc Mậu Hợp (1562-1592) nên phải đọc trại ra hạp[3]. Tuy nhiên, chúng tôi thấy trong Khang Hy Tự Điển phiên thiết của chữ 合 (hiệp bộ khẩu) là: hậu + hạp = hạp; hay: cổ + đạp = cáp. Vậy nguyên thuỷ chữ 合 (hiệp bộ khẩu) chỉ có hai âm này. Dần dần chữ “hạp” người ta đọc thành “hợp”. Trường hợp này giống như chữ “quấc” đọc thành “quốc” vậy. Về sau chữ 合 (hiệp bộ khẩu) lại còn đọc là “hiệp”.

Trong cổ văn, chữ 合 (hiệp bộ khẩu) có phần trên là hình một chóp tròn, phần dưới là hình một cái vật đựng cũng hình tròn, chỉ chum vại. Nghĩa gốc chữ 合 (hiệp bộ khẩu) là “đóng lại”[4].

Hình 2: Chữ hợp tượng hình và các dạng trong Giáp cốt văn (1), Kim văn (2), Tiểu triện (3), Lệ thư (4), Khải thư (5), Thảo thư (6), Hành thư (7).

Nghĩa mở rộng của chữ 合 (hiệp bộ khẩu):

  • nếu đọc là “cáp[5] thì có nghĩa là: (dt.) Đơn vị đo lường, 1 cáp = 1/10 thăng hay 1 đềxilít = 1/10 lít.
  • nếu đọc là “hạp”[6] thì có nghĩa là: (đt.) Đóng kín, bịt kín lại. (tt.) Hợp: Hạp ý.
  • nếu đọc là “hiệp”[7] thì có nghĩa là: (dt.) (1) Một chặp, đợt, hiệp, từng đơn vị thời gian ngắt ra một cách đều đặn trong một cuộc đọ sức hoặc thi đấu thể thao. (đt.) (1) Cùng chung nhau. (2) Cộng. (3) Đóng, nhắm, ngậm, nối. (4) Phải, nên. (5) Tính gộp. (6) Tốn. (7) Phù hợp. (tt.) Toàn, cả.
  • nếu đọc là “hợp” thì có nghĩa là: (dt.) (1) Tập hợp gồm tất cả các phần tử của hai tập hợp khác, xét trong quan hệ của hai tập hợp ấy. (2) Hợp tác xã, nói tắt: Xã này chia thành ba hợp. (3) Ký hiệu nốt nhạc cổ, một trong 10 cung bậc của nhạc Trung Quốc tương đương nốt “sol”. Ký hiệu nốt nhạc cổ Trung Quốc viết là: 合, 四, 一, 上, 尺, 工, 凡, 六, 五, 乙 tương đương: sòl. là, si, đô, rê, mi, fa, sol, la, sí. (đt.): Tập hợp, gộp chung lại: Nhiều con suối hợp thành sông. (tt.): Không trái nhau hoặc không trái với đòi hỏi.

3. Hiệp nhất và hợp nhất.

Để hiểu rõ ý nghĩa của hai từ này, chúng ta cần lưu ý:

3.1. Có nhiều từ Hán Việt, tuy cùng gốc chữ Hán, nhưng khi phát âm khác sẽ có ý nghĩa khác. Ví dụ:

  • Chữ 質 nếu đọc là “chất” thì có nghĩa là: (dt.) Vật thể, tính tự nhiên. (đt.) gạn hỏi. (tt.) Thật thà; nếu đọc là “chí” thì có nghĩa là: (đt.) Thế đồ để làm tin.
  • Chữ 惡 nếu đọc là “ác” thì có nghĩa là: (tt.) Hung dữ, xấu xa, thô kém. Nếu đọc là “” thì có nghĩa là: (đt.) Ghét, căm ghét. Nếu đọc là “ứa” thì có nghĩa là (đt.) buồn nôn.
  • Tương tự như các chữ 炮 (bào, pháo), 暴 (bạo, bộc), 乾 (can, càn, kiền), 更 (canh, cánh) hay 省 (tỉnh, sảnh) vv… và chữ 合 (hiệp bộ khẩu) ở đây cũng thuộc trường hợp này.

3.2. Có nhiều từ Hán Việt, tuy phát âm giống nhau nhưng có gốc chữ Hán khác nhau. Ví dụ:

  • Chữ “an” viết là 安 khi nói an bình, an lạc…, nếu viết 鞍 khi nói an bào (yên ngựa và áo bào), an mã (ngựa đã đặt yên để cỡi)…
  • Chữ “bình” viết là 平 khi nói bình an, bình đẳng…, nếu viết 評 khi nói bình chú (chú thích và phê bình), bình luận… và viết 屏 khi nói bình phong (che gió), bình mạc (màn hình), vv…
  • Chữ “hiệp” cũng thuộc trường hợp này:

– Hiệp viết là 協 khi nói: Hiệp biện, hiệp cẩn, hiệp điều, hiệp định, hiệp đồng, hiệp hài, hiệp hàng, hiệp hoà, hiệp hội, hiệp ý, hiệp kích, hiệp khí, hiệp loã, hiệp lĩnh, hiệp lực, hiệp mặt, hiệp nghị, hiệp nhau, hiệp quản, hiệp quần, hiệp tâm, hiệp tị, hiệp thợ, hiệp tá, hiệp tướng, hiệp thương, hiệp trấn, hiệp trợ, hiệp úy, hiệp thủ…

– Hiệp viết là 合 khi nói: Hiệp chúng, hiệp ước… hiệp lễ, hiệp thông, ngôi hiệp,…

– Hiệp viết là 俠 khi nói: Hiệp khách, hiệp nữ, hiệp sĩ, hiệp tình…

– Hiệp viết là 挾 khi nói: Hiệp cừu, hiệp đàn, hiệp quí, hiệp thế, hiệp thỉ, hiệp thư, hiệp trí…

– Hiệp viết là 柙 khi nói: Hiệp cận, hiệp cầu, hiệp công, hiệp cốt, hiệp chế, hiệp chi, hiệp đài, hiệp đàng, hiệp hảo, hiệp hận, hiệp hiềm, hiệp lẽ, hiệp oan, hiệp tai, hiệp tiết, hiệp tư, hiệp thù, hiệp vận…

3.3. Trong vài trường hợp, một từ Hán Việt có thể có hai cách viết khác nhau, có vẻ đồng nghĩa nhưng thực ra cũng có tiểu dị (nuance). Ví dụ:

  • Chữ liên viết là 連 nghĩa là nối tiếp nhau, liền với nhau, như khi nói: liên danh, liên đới, liên hoàn, liên tục… và chữ liên viết là 聯 nghĩa là nối liền nhau, hợp lại, như khi nói: liên bang, liên đoàn, liên minh, liên quan… Nhưng liên có thể viết là 連 hay 聯 khi nói liên kết, liên hợp…
  • Chữ 協 (hiệp bộ thập) có nghĩa là cùng chung, chung sức,… và chữ 合 (hiệp bộ khẩu) có nghĩa là chung nhau, gộp chung lại, cả hai đều có nghĩa là chung, nhưng 協 (hiệp bộ thập) là chung lại với nhau, còn 合 (hiệp bộ khẩu) là chung lại thành một. Hiệp có thể viết là 協 hay 合 khi nói: hiệp tác, hiệp ước,…

– Viết 協 作 (hiệp tác) có nghĩa là nhiều người liên hệ nhau trong quá trình làm việc khác nhau theo kế hoạch; phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ, phối hợp làm việc[8]. Còn 合作 (hiệp tác, hợp tác) nghĩa là chung sức cùng một mục tiêu, làm việc chung với nhau. 協 作 và 合 作 tiếng Việt đọc có thể giống nhau, nhưng ý nghĩa có một chút khác nhau: 合 作 là những người chung sức nhau không phân biệt chủ tớ, còn 協 作 thì có phân biệt, chỉ cần phối hợp làm việc thì được[9].

– Viết 協 約 (hiệp ước) có nghĩa là nhiều phía thương lượng để ký kết điều ước. Còn 合 約 (hiệp ước, hợp ước) có nghĩa là cùng chung ký thoả ước, trên hai người nhất trí với nhau viết thành văn bản, hợp đồng, ký kết đồng minh[10] .

Cho nên để ý nghĩa muốn diễn tả được chính xác và rõ ràng thì cách đọc cũng phải rõ ràng. 協 作, 協 約 đọc là hiệp tác, hiệp ước. Còn 合 作, 合 約 nên đọc là hợp táchợp ước.

3.4. Khi nói hiệp nhất hay hợp nhất thì phải viết thế nào?

  • Khi nói hiệp nhất, thì có thể viết là: (1) 合 壹 hoặc (2) 協 壹 (ít dùng).
  • Khi nói hợp nhất, thì viết: 合 壹.

3.5. Khi viết 協 壹 hay 合 壹 thì phải hiểu thế nào?

  • Khi viết 協 壹 thì hiểu là chung sức (ít dùng).
  • Khi viết 合 壹 thì có thể hiểu là (1) đợt một (2) chung lại thành một.

Hầu hết các từ điển tiếng Việt đều không có từ hiệp nhất, từ điển tiếng Hoa cũng không có từ 協 壹[11] (hiệp nhất), chỉ có HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂN[12] có ghi cách viết này và giải nghĩa là chung sức.

Đại đa số từ điển chỉ có từ 合 壹 (hợp nhất). Như đã nói ở trên (3.1), tuỳ theo cách phát âm chữ 合 (hiệp bộ khẩu) khác nhau mà chữ 合 壹 (hiệp nhất, hợp nhất) sẽ có nghĩa khác nhau: Nếu đọc là hiệp nhất có nghĩa là hiệp (chặp, đợt) thi đấu thứ nhất và nếu đọc là hợp nhất sẽ có nghĩa là “hợp nhi vi nhất” (hợp lại thành một). Như trong Kinh Cầu Các Thánh có câu: “Xin các thánh cầu cho chúng tôi… được vào cửa Thiên Đường hợp lại một nhà một nước…” hoặc Kinh Cầu Trái Tim Rất Thánh Đức Bà có câu: “được hợp một ý một lòng cùng Đức Chúa Giêsu…” trong bản Hán Nôm, hai kinh này đều dùng chữ hiệp bộ khẩu 合 và chúng ta vẫn đọc là hợp.

Nếu thử tìm từ “hiệp nhất” (合 壹) trên mạng internet bằng trình duyệt Google chẳng hạn, chúng ta sẽ thấy: (1) Rõ ràng rằng từ này được dùng với hai nghĩa khác biệt và không thể lẫn lộn: Một là hợp lại thành một (đồng nghĩa với hợp nhất) và hai là hiệp đấu thứ nhất, còn ý nghĩa chung sức (協 壹) thì ít người biết đến, nên không thấy sử dụng. (2) Dùng chữ hiệp nhất theo nghĩa hợp nhất, không chỉ riêng trong giới Công giáo hay Tin Lành, mà còn có cả bên anh em Phật giáo, Cao Đài, Hoà Hảo, Thông Thiên Học… và kể cả ngoài xã hội nữa[13].

4.

Sự phân biệt trên đây thật tế nhị, nên không ít người vẫn cho rằng chữ 合 壹 đọc là hợp hay hiệp gì thì cũng có nghĩa là hợp lại thành một cả, trừ khi ngữ cảnh của từ này thuộc lãnh vực thể thao hay một trận đấu nào đó thì mới phải đọc là hiệp nhất và hiểu là hiệp đấu thứ nhất mà thôi.

Tuy nhiên, những phân tích trên đây cho thấy rằng: Dù đọc là hiệp nhất hay hợp nhất, thường chỉ có một cách viết là 合 壹, nhưng mỗi cách đọc hàm chứa một ý nghĩa khác nhau. Như vậy, theo thiển ý chúng tôi, việc thay từ hiệp nhất bằng từ hợp nhất trong NTTL 2005 là việc cần thiết để giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt vậy.

Liên quan đến chữ hiệp bộ khẩu 合, chúng ta còn gặp những từ như: hiệp lễ (communion), ngôi hiệp (union hypostatique), hiệp thông (union, communion), Kinh “Hiệp cùng Hội Thánh…” (Communicates),… là những thuật ngữ “nhà đạo” được các bậc trí thức tiền bối xây dựng trên 40-50 năm nay[14] mà chưa từng gặp một phản ứng nào phê bình cả, có lẽ vì chưa ai để ý đến khác biệt giữa cách đọc hiệp và hợp. Những từ này được xác định tại miền Bắc, mà miền Bắc đọc chữ 合 là hiệp, không khi nào đọc hợp. Như miền Nam trước giải phóng thì chỉ nói Liên Hợp Quốc, trong khi đó miền Bắc thì đọc là Liên Hiệp Quốc. Cho nên để ý nghĩa các từ trên được rõ nghĩa hơn thì nên chăng đọc là hợp lễ, ngôi hợp, hợp thông, hợp cùng Hội Thánh?

Muốn thay đổi quá nhiều từ ngữ nhà đạo, người ta khó lòng chấp nhận được về mặt tình cảm và thói quen, nên chăng đến lúc chúng ta dùng lý trí mà xem xét lại vấn đề?

_________________________________

[1] Lý Lạc Nghị, TÌM VỀ CỘI NGUỒN CHỮ HÁN, nxb. Thế giới, Hà Nội, 1997, tr. 265.

[2] Lm. Eugène Gouin, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN-CHINOIS-FRANÇAIS, tr. 593.

[3] Theo Diệu Tần, trong bài “Cao danh quý tính” (http://www.vietnamdaily.com/index.php?c=article&p=14060, truy cập ngày 05/08/2020): “Chúa Trịnh Cương ở Đàng ngoài, nên chữ cương đổi thành cang (trung cang, cang cường, Hạ Bá Cang), Vua Mạc Mậu Hợp nên chữ hợp phải kỵ đổi thành hạp (hạp nhãn, hùn hạp)”.

[4] x. Lý Lạc Nghị, sđd, tr. 293.

[5] QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004, tr. 347; CỔ ĐẠI HÁN NGỮ TỪ ĐIỂN, Bắc Kinh, Trung Quốc, 2005, tr. 557.

[6] HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂN, Thượng Hải, Trung Quốc, tr. 809.

[7] VIỆT HÁN TỪ ĐIỂN TỐI TÂN, nhà sách Chin Hoa, tr. 357.

[8] QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004, tr. 293; HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂN, Thượng Hải, Trung Quốc, 2003, tr. 132.

[9] QUỐC NGỮ HOẠT DỤNG TỪ ĐIỂN, Đài Loan, 2004, tr. 348; HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂNThượng Hải, Trung Quốc, 2003, tr. 810.

[10] Như chú thích số 6.

[11] “Nhất” có những chữ Hán này 一, 弌, 壹 . Tuy viết khác nhau, nhưng tất cả những chữ này đều đồng nghĩa với nhau. Trong văn tự người ta thường dùng chữ 壹 . Có nghĩa (dt.)(1) Số đầu đơn vị đếm; (2) Họ Nhất; (đt.) Thống nhất; (đdt.) Một bộ phận; (tt.) (1) Đơn độc; (2) Toàn; (3) Giống nhau; (pt.) (1) Bao quát; (2) Ngẫu nhiên; (3) Mới.

[12] HÁN NGỮ ĐẠI TỪ ĐIỂN, Thượng Hải, Trung Quốc, 2004, tr. 132.

[13] Q. Tân Bình (TP.HCM) có một con đường tên là Hiệp Nhất; ở huyện Định Quán (Đồng Nai) có một ấp tên là Hiệp Nhất; ở Cần Thơ, năm 1947, có một tờ báo tên Hiệp Nhất (tờ báo của cơ quan của Đảng bộ và Mặt trận Liên Việt, Khu 9)…. CAO ĐÀI TỪ ĐIỂN của soạn giả: Hiền Tài Nguyễn Văn Hồng (bút hiệu Đức Nguyên): Hợp nhứt = Hiệp nhứt.

[14] x. DANH TỪ THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC của Ban giáo sư Trường Thần học Bùi Chu, Tủ sách Liên Chủng Viện, Bùi Chu, 1952. và NGỮ VỰNG THƯỜNG DÙNG TRONG THẦN HỌC VÀ TRIẾT HỌC của GHHV  Thánh Piô X, Đà Lạt, bản đánh máy, không ghi năm xb.