Thông điệp Chủ nhật Biển của Vatican

1032
https://lh6.googleusercontent.com/bfgwQG9hAz_xcOiTB8SaTTI7VPsewrRIxrLCYds3N1vciAycijzE5E8XnejARRtITZI4P_-km6a7yRmOactj4w5iTvAM4zhUYTBmU_0lCAsB5eXeysJfCFGqaTDCHrIHyuoME0iU
Card. Peter Turkson, Archive Zenit

‘Người tín hữu hãy luôn nhớ và cầu nguyện cho 1,5 triệu người hành nghề trên biển là những người vượt qua lại giữa các đại dương và biển, chuyên chở gần 90% lượng hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác’

15 tháng Bảy, 2019 13:55

ZENIT STAFF

Dưới đây là thông điệp được công bố bởi Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican cho ngày “Chủ nhật Biển,” được kỷ niệm vào 14 tháng Bảy, 2019.

* * *

Thông điệp Chủ nhật Biển

(14 tháng Bảy 2019)

Anh chị em thân mến trong Đức Ki-tô,

Gửi các tuyên úy, thiện nguyện viên, bạn bè và người hỗ trợ cho Hội Tông đồ Biển thân yêu,

Dù chúng ta không nhận biết, nhưng công việc của những người hành nghề trên biển là rất quan trọng cho cuộc sống thường nhật của chúng ta vì hầu hết những thứ chúng ta sở hữu trong nhà, truyền hình, tủ lạnh, máy giặt, máy vi tính và điện thoại, chưa nói đến nhiên liệu cho xe cộ, quần áo chúng ta mặc, và nhiều thức khác tất cả được sản xuất ở những vùng xa xôi trên thế giới và được chuyển đến cho chúng ta bởi những người làm việc trên biển. Vì vậy, thật là thích đáng để chúng ta tạm lắng lại trong giây lát để suy tư và thấy rằng những người đi biển là quan trọng và cần thiết như thế nào cho sự tiện nghi và thịnh vượng của chúng ta.

Trong mùa này, trong nhiều Giáo hội Ki-tô khác nhau trên toàn thế giới thì ngày Chúa nhật thứ hai của Tháng Bảy theo truyền thống được chọn là ngày Chủ nhật biển. Người tín hữu hãy luôn nhớ và cầu nguyện cho 1,5 triệu người hành nghề trên biển là những người vượt qua lại giữa các đại dương và biển, chuyên chở gần 90% lượng hàng hóa từ quốc gia này sang quốc gia khác.

Cuộc sống của một người đi biển, dù có thể là hấp dẫn và thú vị trong con mắt của một số người vì họ được đi vòng quanh thế giới đến thăm nhiều quốc gia, nhưng trong thực tế đầy những thách thức và sự nhọc nhằn.

Theo hợp đồng của họ, người thủy thủ buộc phải sống trong một không gian nhỏ hẹp khép kín của một con tàu, suốt nhiều tháng mỗi lần, xa cách gia đình và người thân. Tiền lương của họ thường bị trả chậm và ít nhất trong một trường hợp, luật quốc gia ngăn không cho người thủy thủ được nhận tiền mặt khi đi tàu, để họ trong tình trạng không một đồng tiền trong túi trong suốt hợp đồng. Thời gian bốc dỡ hàng nhanh chóng tại các cảng không cho phép họ lên bờ để thư giãn và trút bỏ những căng thẳng của một số điều kiện lao động gian khổ nhất, hoàn cảnh còn xấu thêm trước sự đe dọa của nạn cướp biển và bây giờ có thêm nguy cơ của những vụ tấn công khủng bố. Trong trường hợp có những tai nạn hàng hải, người đi biển thường bị xử như tội phạm và bị giam giữ và không có sự bảo vệ hiệu quả của pháp luật và hưởng được sự đối xử công bằng. Trong điều kiện pha tạp của nhiều quốc tịch, nhiều văn hóa và tôn giáo thì những cơ hội để giao tiếp với con số ít ỏi người trong thủy thủ đoàn trên tàu lại càng trở nên hiếm hoi hơn. Tình trạng cô lập và chán nản, cộng với việc thiếu môi trường hỗ trợ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của những người đi biển, đôi lúc gây ra những hậu quả thảm kịch và đau đớn cho gia đình, thủy thủ đoàn và chủ tàu.

Chúng tôi công nhận rằng với việc thông qua và áp dụng một số Thỏa thuận và pháp chế quốc tế, những điều kiện sống và làm việc trên nhiều tàu thương mại đã cải thiện nhiều. Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận rằng trong nhiều vùng trên thế giới, nơi có những chủ tàu vô lương tâm lợi dụng việc thiếu sức ép thi hành luật, cho nên những vấn đề nêu trên vẫn còn ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhiều người đi biển và gia đình của họ.

Một lần nữa, tôi lên tiếng kêu gọi các Tổ chức Quốc tế cùng với các giới chức chính quyền và những nhà hoạt động khác nhau thuộc thế giới biển canh tân lại những cố gắng của họ để bảo vệ và duy trì những quyền cho tất cả những người làm việc trên biển.

Tôi xin động viên các vị tuyên úy và thiện nguyện viên của Stella Maris/Hội Tông đồ Biển trong những khi đến thăm các tàu hãy cẩn trọng và tiếp cận với từng người thủy thủ và ngư phủ với cùng tinh thần cam kết là động lực thúc đẩy như động lực và sự cam kết của những người tiên phong trong thừa tác vụ của chúng ta khi cách đây gần 100 năm, vào ngày 4 tháng Mười năm 1920, họ đã quyết định làm hồi sinh và tái cấu trúc thừa tác vụ rộng mở của Giáo hội Công giáo cho những người trên biển.

Đứng trước khuôn mặt của những người đi biển đến từ nhiều quốc gia khác nhau, tôi mời gọi anh chị em tìm thấy được dung nhan của Đức Ki-tô ở giữa chúng ta. Giữa những sự khác biệt về ngôn ngữ, tôi đề nghị anh chị em hãy nói bằng ngôn ngữ tình yêu của Ki-tô giáo chào đón mọi người và không loại trừ bất kỳ ai. Trước những sự lạm dụng, tôi thúc giục anh chị em không e ngại việc tố cáo những bất công và bảo vệ “để cùng nhau xây dựng ích chung và một tính nhân văn mới trong công việc, để thăng tiến công việc biết tôn trọng phẩm giá của con người, không chỉ nhìn đến lợi nhuận hay nhu cầu sản lượng nhưng để thăng tiến một đời sống đúng phẩm giá biết rằng ích lợi của con người và ích lợi của công ty luôn luôn song hành” (Đức Thánh Cha Phanxico, 7 tháng Chín năm 2018).

Cuối cùng, chúng ta hãy phó dâng thừa tác vụ của anh chị em cho Mẹ Maria, Mẹ Sao Biển, để Mẹ tiếp tục củng cố, thúc đẩy và dẫn dắt mọi hành động của các tuyên úy và thiện nguyện viên và với tình mẫu tử Mẹ bảo vệ và hỗ trợ tất cả những người làm việc trên biển.

Hồng y Phê-rô K. A. Turkson
Tổng trưởng

 

[Văn bản của Vatican (bản tiếng Anh)]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 16/7/2019]