Thế giới như cột điện thoại

1309

by phanxicovn

Ronald Rolheiser, 2007-02-25

Quà Giáng Sinh năm 2006 của tôi là chiếc điện thoại di động. Trước đó, tôi vẫn luôn cự lại chưa chịu mua nó vì hai lý do.

Trước hết, như đa số chúng tôi, ai tìm gặp tôi cũng dễ. Thi sĩ Rumi có lần nói: “Tôi ở lâu một chỗ nên thế nào cũng gặp được tôi!” Thật là hay. Chúng tôi không thể nào đi ra ngoài ăn lâu, về với gia đình, có một ngày nghỉ hay đi nghỉ hè mà không có công chuyện ở nhà đang chờ. Gặp chúng tôi lúc nào cũng được, chắc chắn điều này làm cho cuộc sống chúng tôi có nhiều hiệu năng hơn, nhưng nó cũng đòi hỏi chúng tôi nhiều hơn và làm cho đa số chúng tôi khó tránh được áp lực của cuộc sống. Gặp chúng tôi quá dễ.

Ngoài ra tôi còn dị ứng với việc sử dụng điện thoại di động quá nhiều, không đúng lúc và vô bổ. Không ở đâu, không lúc nào mà không nghe một người nào đó đang nói chuyện điện thoại cầm tay. Chỉ cần liếc nhìn các nơi công cộng, phi trường, công viên, quán cà-phê là thấy gần như mọi người đang nói, đang bấm hay cầm điện thoại trên tay. Chúng ở khắp mọi nơi.

Dù gì đi nữa, tôi phải công nhận sáng chế này là một sáng chế tuyệt vời và cứu được nhiều người. Nó rất tiện lợi. Chỉ mới dùng hai tháng, nó đã cứu tôi hai lần khi tôi lái xe và xém lạc, và một lần đổi chuyến bay khi bị kẹt vì bão tuyết, nhiều lần đưa đón ở phi trường được dễ dàng hơn và giúp tôi liên lạc với đồng nghiệp, gia đình, bạn bè bất cứ đâu.

Dù vậy, tôi cũng chưa thích nó. Tôi vẫn thường dị ứng với nó. Tại sao?

Bề ngoài, tôi vẫn có cảm tưởng nhiều người trong chúng ta vẫn còn nghĩ nói chuyện điện thoại ở nơi công cộng làm cho mình có vẻ quan trọng. Tôi có thể lầm và nếu Chúa muốn, thì sự phổ biến của hiện tượng này không thôi cũng đủ để xóa tan bất cứ ảo tưởng nào thuộc loại này.

Một cách nghiêm túc hơn, tôi quan tâm đến cách mà điện thoại di động đang làm quan hệ của chúng ta thay đổi, cả về khả năng chú ý và cách dùng. Tôi xin giải thích:

Trước tiên hết về khả năng chú ý: tôi đồng ý với ký giả Thomas Friedman (Thế Giới Phẳng) khi ông cho rằng điện thoại di động, tin nhắn, điện thư và các hình thức truyền thông là những phương tiện làm chúng ta đến với mọi người nhưng, ngược lại, chúng ta lại không đến với ai. Chúng ta nói chuyện liên tục, nhưng lạ lùng thay chúng ta lại đơn độc khi nói chuyện, người này người kia càng đơn độc hơn. Các nghiên cứu cho thấy ngày nay, ngay cả khi chúng ta nói chuyện liên tục, chúng ta ít có bạn thân và đời sống gia đình trở nên căng thẳng vì kỹ thuật, kỹ thuật không làm vững mạnh gia đình. Kỹ thuật làm phân chia chúng ta nhiều hơn là nối kết.

Ngoài ra, khi chúng ta quan tâm quá độ về kỹ thuật thì chúng ta đã tạo nên cái mà Friedman gọi là chú ý một cách mất trật tự, rời rạc. Chúng ta đi ngược với đời sống chiêm nghiệm. Làm sao ngồi lại với lòng mình khi thường xuyên bị phân tâm đủ mọi hướng?

Gần đây khi ngồi bên cạnh một thanh niên trẻ ở phi trường, tôi thấy anh vừa nghe nhạc trên i-pod, vừa làm việc trên máy vi tính, vừa nói chuyện điện thoại, ba việc cùng một lúc. Tôi nghĩ anh cho mình thuộc thế hệ “đa năng.” Có thể có ngày vừa đi vừa ăn sẽ được xem là một thành tích. Nhưng tôi nghi ngại cho khả năng chiêm nghiêm của anh, tôi muốn nói cách cư xử của anh. Thường thường, khả năng “đa năng” cũng là một hình thức vô lễ và không chú tâm, kiểu chú tâm đến nhiều người cùng một lúc.

Và rồi điện thoại di động sẽ cho chúng ta hình ảnh nào ở công cộng, cách ứng xử và con người chúng ta.

Đúng là chúng ta biến đổi toàn thế giới thành cột điện thoại. Nhưng đó có phải là một chuyện xấu không? Hiệu năng thì không, nhưng thiếu lịch sự thì có.

Cột điện thoại được sáng chế vì một lý do tốt, cũng như phòng khách, phòng ngủ, văn phòng, công viên, tiệm ăn, nhà thờ, nhạc viện. Ngày nay chúng ta ngồi nơi công cộng và chúng ta nghe các câu chuyện nói về công ăn việc làm, về gia đình, những chuyện riêng tư và vô bổ mà tốt hơn nên nói trong văn phòng, phòng ăn, phòng ngủ, công viên, hay ít nhất nơi riêng tư trong phòng điện thoại. Nhưng cả thế giới bây giờ trở thành cột điện thoại di động, giống như cột này bây giờ thành văn phòng, phòng khách, phòng ngủ, nơi thiên hạ nói không ngừng đủ thứ chuyện mà theo lẽ phải nói nơi riêng tư. Điện thoại di động không tốt cho “vệ sinh” tâm lý và xã hội.

Xét cho cùng điện thoại di động lại là một chuyện tốt. Buồn thay cách dùng và cách sống của chúng ta không theo kịp tiến bộ kỹ thuật.

J.B. Thái Hòa dịch