Phép lành Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha trong bối cảnh dịch Coronavirus

872

‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’

27 tháng Ba, 2020 18:57
JIM FAIR

Ngày 27 tháng Ba năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi toàn thế giới câu hỏi mà Chúa Giêsu đã đặt ra cho các tông đồ đang run sợ trên con thuyền bị phong ba vùi dập trong biển hồ Galilê: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?”

https://twitter.com/i/status/1243589939725512707Đức Thánh Cha nhắc đến câu chuyện trong chương bốn Tin mừng Thánh Máccô. Nhưng ngài giải thích rằng trận phong ba mà thế giới đang đối mặt hôm nay là đại dịch coronavirus, nó đã lây nhiễm cho hơn một nửa triệu người trên toàn thế giới và gây ra cái chết của hơn 25.000 người.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Rất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giêsu. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsu ngủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).

https://zenit.org/wp-content/uploads/2020/03/urbi3-547x275.jpg“Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.”

https://zenit.org/wp-content/uploads/2020/03/adore-518x275.jpgNhững lời dạy của Đức Thánh Cha đưa ra trong bối cảnh đặc biệt. Ngài cầu nguyện trước một Quảng trường trống không trên sagrato của Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, đó là giảng đài trên đỉnh tam cấp ngay phía trước chính điện của nhà thờ. Linh ảnh “Salus Populi Romani” và Thánh giá của Nhà thờ Thánh Marcellus được đặt trước cửa chính của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Mình Thánh Chúa được đặt trên bàn thờ trong gian ngoài của Vương cung Thánh đường Vatican. Nghi thức bao gồm các bài đọc Thánh kinh, những lời khẩn nguyện, và tôn thờ Thánh Thể. Nghi thức kết thúc với Phép lành Urbi et orbi của Đức Thánh Cha Phanxicô, và cơ hội nhận được ơn đại xá cho tất cả những người lắng nghe trực tiếp qua nhiều nền tảng truyền thông. Ơn đại xá cũng được mở rộng cho những người không thể tham dự cầu nguyện qua các phương tiện truyền thông do đau bệnh nhưng hiệp thông thiêng liêng trong lời cầu nguyện.

Đức Phanxicô nhấn mạnh, “Giữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta.”

“Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.”

Dưới đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha do Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

“Khi chiều đến” (Mc 4:35). Đó là câu mở đầu trong trích đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe. Những tuần lễ vừa qua dường như là chiều đến. Bóng tối dày đặc đã phủ bóng trên những quảng trường, những đường phố, và những đô thị của chúng ta; nó đã chế ngự cuộc sống chúng ta, nhận chìm mọi thứ trong sự im lặng lạnh lùng và một không gian lo âu, nó làm mọi thứ dừng lại khi nó đi qua; chúng ta cảm thấy nó trong không khí, chúng ta nhìn thấy trong những hành vi của con người, những ánh mắt nhìn xa lánh. Chúng ta cảm thấy sợ hãi và lạc lõng. Cũng như các môn đệ trong Tin mừng, chúng ta bị rơi vào một trận cuồng phong bất ngờ. Chúng ta nhận ra rằng chúng ta ở trên cùng một con thuyền, tất cả chúng ta đều mong manh và mất phương hướng, nhưng đồng thời lại rất quan trọng và cần thiết, tất cả chúng ta được kêu gọi để cùng nhau chèo chống, mỗi chúng ta cần phải an ủi người khác. Tất cả chúng ta cùng ở trên con thuyền này. Cũng như các môn đệ khi xưa, họ cùng thốt lên một câu đầy lo âu rằng, “Chúng ta chết đến nơi rồi” (c. 38), cũng vậy, chúng ta nhận thấy chúng ta không thể tiếp tục nghĩ riêng cho bản thân, nhưng chỉ cùng chung sức với nhau chúng ta mới có thể làm được điều này.

https://zenit.org/wp-content/uploads/2020/03/vacant-square-367x275.jpegRất dễ nhận ra chúng ta trong câu chuyện này. Điều khó hiểu hơn là thái độ của Chúa Giê-su. Trong khi các môn đệ của Ngài vô cùng hoảng sợ và tuyệt vọng, Ngài đứng ở phần đuôi thuyền, ở vị trí của con thuyền sẽ bị chìm trước. Và Ngài làm gì? Mặc kệ cơn phong ba gào thét, Ngài ngủ thật ngon, tin tưởng vào Chúa Cha; đây là lần duy nhất trong các Tin mừng chúng ta thấy Chúa Giêsungủ. Khi Ngài tỉnh giấc, sau khi làm gió im và biển lặng, Ngài quay sang các môn đệ với giọng quở trách: ‘Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?’ (c. 40).

Chúng ta thử tìm hiểu. Có điều gì đó còn thiếu trong niềm tin của các môn đệ, trái ngược lại với sự tin tưởng của Chúa Giêsu? Các ông vẫn luôn tin vào Người; quả thật, họ kêu cầu Người. Nhưng chúng ta nhìn thấy cách họ gọi Người: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao?” (c. 38). Thầy chẳng lo gì sao: họ nghĩ rằng Chúa Giêsu không để ý đến họ, không quan tâm đến họ. Một trong những điều làm tổn thương chúng ta và gia đình chúng ta nhất là khi chúng ta nghe câu trách móc: “Anh chẳng quan tâm gì đến tôi sao?” Đó là một câu làm thương tổn và gây nên bão tố trong lòng chúng ta. Câu đó chắc cũng đã làm Chúa Giêsu bàng hoàng. Vì Người quan tâm đến chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Thật vậy, khi các ông kêu cầu Người, Người liền cứu các môn đệ của Người khỏi tuyệt vọng.

Bão tố cho thấy sự mong manh của chúng ta và phơi bày những sự vững chắc giả tạo và vô dụng mà chúng ta dựa trên chúng để xây dựng các kế hoạch, các dự án, thói quen, và những ưu tiên cho mình. Nó cho chúng ta thấy là chúng ta đã để mình trở nên tối dạ và chậm chạp trước những điều thật sự nuôi dưỡng, giữ gìn và bồi bổ sức mạnh cho đời sống chúng ta và cộng đồng. Cơn phong ba phơi bày tất cả những ý tưởng được định hình trước của chúng ta và quên đi những điều vun đắp linh hồn con người; tất cả những sự cố gắng đó làm chúng ta tê liệt bằng những lối suy nghĩ và hành động cho rằng nó “cứu thoát” chúng ta, nhưng ngược lại nó cho thấy không có khả năng đưa chúng ta chạm đến được những cội nguồn của mình và giữ ký ức sống động về những người đã đi trước chúng ta. Chúng ta đã đánh mất các kháng thể chúng ta cần có để đương đầu với nghịch cảnh.

Trong cơn bão tố này, hình thức bề ngoài của những khuôn mẫu mà chúng ta dùng để ngụy trang cho cái tôi của mình, chỉ chăm chút lo lắng về hình ảnh của chúng ta, đã biến đi, để một lần nữa cho thấy sự hệ thuộc phổ quát (đầy phúc lành) mà chúng ta không thể thiếu: sự hệ thuộc rằng chúng ta là anh em và chị em.

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lạy Chúa, lời của Người tối nay đánh động chúng con và nói với chúng con, tất cả chúng con. Trong thế giới này mà Chúa yêu thương hơn cả chúng con yêu thương nó, chúng con đã lao tới với một tốc độ quá nhanh, cảm thấy đầy quyền lực và có thể làm được bất kỳ điều gì. Tham lam lợi nhuận, chúng con đã để cho bản thân bị vật chất tóm lấy, và bị quyến rũ bởi sự hấp tấp. Chúng con không dừng lại trước những lời quở trách của Người, chúng con không rùng mình trước những cuộc chiến tranh và bất công trên khắp thế giới, và chúng con cũng chẳng lắng nghe tiếng khóc của người nghèo hoặc của hành tinh đang nhuốm bệnh của chúng con. Chúng con tiếp tục tiến tới bất chấp, cho rằng mình sẽ vẫn khỏe mạnh trong một thế giới đã bị bệnh tật. Giờ đây chúng con đang trên biển cả phong ba, chúng con khẩn xin Người: “Chúa ơi, xin Người thức dậy!”

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Lạy Chúa, Người đang kêu gọi chúng con, kêu gọi chúng con tin tưởng. Đó không chỉ là tin vào Người hiện hữu, nhưng là chạy đến với Người và tín thác vào Người. Mùa Chay này tiếng gọi của Người lại vang lên một cách cấp bách: “Hãy sám hối!”, “Hãy hết lòng trở về với Ta” (Ge 2:12). Người đang kêu gọi chúng con hãy nắm bắt lấy thời gian thử thách này như là thời gian để lựa chọn. Nó không phải là thời gian xét xử của Người, nhưng là thời gian xét xử của chúng con: thời gian để chọn điều gì là hệ trọng và điều gì là chóng qua, thời gian để tách bạch điều gì là cần thiết và điều gì là không. Lạy Chúa, nó là thời gian để đưa cuộc sống chúng con trở về con đường với Người, với tha nhân. Chúng con có thể nhìn đến rất nhiều người gương mẫu trên hành trình, là những người cho dù sợ hãi nhưng vẫn hành động bằng cách hy sinh đời sống của họ. Đây là sức mạnh của Thần Khí rót đổ và tạo nên qua sự hy sinh dũng cảm và quảng đại. Đó chính là sự sống trong Thần Khí để có thể chuộc lại, trao giá trị và cho thấy đời sống chúng ta được đan kết và gìn giữ bởi những con người bình thường như thế nào – thường là những người bị lãng quên – những con người không xuất hiện trên các trang nhất của báo và tạp chí, cũng không xuất hiện trên các sàn diễn thời trang lớn trong những buổi diễn mới nhất, nhưng chính là những con người trong những ngày này viết lên biến cố quyết định cho thời đại của chúng ta: những bác sĩ, y tá, nhân viên siêu thị, người lao công, người phụ chăm sóc y tế, những người chuyên chở, các lực lượng luật pháp và giữ trật tự, những thiện nguyện viên, các linh mục, nam nữ tu sĩ và rất nhiều người khác, tất cả họ hiểu rằng chẳng có ai đạt được ơn cứu độ bằng chính cá nhân mình. Trước quá nhiều đau khổ, sự phát triển đích thực của các dân tộc được đánh giá, chúng ta cảm nghiệm được lời cầu nguyện của Chúa Giêsu: “để tất cả nên một” (Ga 17:21). Không biết bao nhiêu người hàng ngày đang thực hành đức kiên nhẫn và trao tặng hy vọng, chăm chú gieo hạt giống trách nhiệm chung chứ không phải là sự hoảng loạn. Không biết bao nhiêu người cha, người mẹ, ông bà, và các nhà giáo dục, bằng những cử chỉ nhỏ bé mỗi ngày, đang chỉ cho con cái của chúng ta thấy cách thức để đối mặt và đi qua khủng hoảng bằng sự điều chỉnh những thói quen của chúng, hướng ánh mắt của chúng nhìn lên và dâng lời cầu nguyện. Không biết bao nhiêu người đang cầu nguyện, dâng lên và cầu thay nguyện giúp vì sự tốt lành cho tất cả mọi người. Cầu nguyện và phục vụ thầm lặng: đây là những vũ khí khải hoàn của chúng ta.

https://zenit.org/wp-content/uploads/2020/03/pope-1-418x275.jpg“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Niềm tin bắt đầu khi chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần được cứu rỗi. Chúng ta không thể tự mình lo cho mình; chúng ta sẽ sụp đổ nếu chỉ dựa vào riêng bản thân: chúng ta cần Chúa như những nhà hàng hải xưa kia cần các ngôi sao. Chúng ta hãy mời Chúa Giêsu lên những con thuyền cuộc đời của chúng ta. Chúng ta hãy chuyển những nỗi sợ hãi của chúng ta cho Người để Người chế ngự chúng. Cũng như các môn đệ, chúng ta sẽ có kinh nghiệm rằng có Người ở trên thuyền thì sẽ không lo bị đắm. Vì đây là sức mạnh của Chúa: biến đổi mọi điều xảy ra cho chúng ta trở nên tốt, ngay cả những điều xấu. Người mang đến sự yên bình trong những cơn bão tố của chúng ta, vì với Thiên Chúa sự sống không bao giờ chết đi.

https://zenit.org/wp-content/uploads/2020/03/monstrance-326x275.jpgGiữa cơn phong ba cuộc đời, Chúa yêu cầu và mời gọi chúng ta hãy tỉnh ngộ và thực hành tình liên đới và cậy trông để có thể trao tặng sức mạnh, sự hỗ trợ, và ý nghĩa cho những giây phút này khi mọi sự dường như đều chao đảo. Chúa thức dậy để đánh thức và làm hồi sinh niềm tin Phục sinh của chúng ta. Chúng ta có một cái neo: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát. Chúng ta có một bánh lái: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được cứu độ. Chúng ta có niềm hy vọng: nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được chữa lành và được ôm lấy để không điều gì và không ai có thể chia cách chúng ta ra khỏi tình yêu cứu độ của Người. Trong hoàn cảnh cách ly khi chúng ta đang chịu đựng cảnh thiếu thốn sự sự dịu dàng và cơ hội gặp gỡ, và chúng ta đang nếm trải sự mất mát rất nhiều thứ, một lần nữa chúng ta hãy lắng nghe lời loan báo giải thoát chúng ta: Người đã trỗi dậy và đang ở bên chúng ta. Từ trên thập giá Chúa kêu gọi chúng ta hãy tái khám phá sự sống đang chờ đợi chúng ta, để nhìn đến những người đang trông chờ chúng ta, để củng cố, nhận biết và thúc đẩy ân sủng sống trong ta. Chúng ta đừng dập tắt ngọn lửa đang chập chờn (x. Is 42:3) để không bao giờ lùi bước, và chúng ta hãy cho phép niềm hy vọng được nhen nhóm trở lại.

Ôm lấy thập giá của Người có nghĩa là tìm sự can đảm để ôm lấy tất cả những khó khăn của thời gian hiện tại, từ bỏ đam mê quyền lực và những chiếm hữu để nhường không gian cho sự sáng tạo mà chỉ Thần Khí có khả năng truyền cảm hứng. Nó có nghĩa là tìm sự can đảm để tạo ra những không gian nơi mọi người có thể nhận biết rằng họ được kêu gọi, và cho phép những hình thức mới của lòng hiếu khách, của tình huynh đệ, và tình liên đới. Nhờ thập giá của Người, chúng ta đã được giải thoát để ôm lấy hy vọng và cho phép niềm hy vọng đó củng cố và duy trì tất cả các biện pháp và những con đường khả thi để giúp chúng ta bảo vệ chính bản thân và tha nhân. Ôm lấy Chúa để ôm lấy hy vọng: đó là sức mạnh của đức tin giải thoát chúng ta khỏi nỗi sợ hãi và trao cho chúng ta niềm hy vọng.

“Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin?” Anh chị em thân mến, từ nơi thể hiện niềm tin vững như bàn thạch của Phêrô, tối nay cha xin phó dâng tất cả anh chị em lên Thiên Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, là Sức khỏe của mọi người và là Vì Sao của Biển cả giông bão. Từ hàng cột trụ ôm lấy thành Roma và toàn thế giới, nguyện xin phúc lành của Chúa đổ xuống trên anh chị em như vòng tay ôm ấp vỗ về. Lạy Chúa, xin Người chúc lành cho thế giới, xin ban sức khỏe cho thân xác chúng con và an ủi tâm hồn chúng con. Chúa nói chúng con đừng sợ, nhưng đức tin của chúng con yếu kém và chúng con đang sợ hãi. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con ở lại với phong ba bão tố. Xin hãy nói với chúng con lần nữa: “Đừng sợ” (Mt 28:5). Và cùng với Thánh Phêrô, chúng con “trút cả mọi âu lo cho Người, vì Người chăm sóc chúng con” (x. 1 Pr 5:7).

© Libreria Editrice Vatican

[00417-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Ý]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/3/2020]