Lịch sử thú vị của các loài chim và các giáo hoàng | Tri Khoan chuyển ngữ

562

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh3.googleusercontent.com/1jjlHaS1l_dJ91RYCYlCwSgL1FqnBm61XR4-Z0yp2-8Aef4XCR5k_MOr0aJbwXH9-TZJqUhc9PFyUKZDwg3CEjk64agZgn4HQN1HtDCq-7GqrzlUNyLE9YoznGiIGCiQFPLz0cxr=w640-h320
OSSERVATORE ROMANO | AFP

I.Media for Aleteia

24/08/21

Theo bước chân của Thánh Phanxicô, Đức Giáo hoàng Phanxicô đang thực hiện một truyền thống độc đáo.

Vào ngày 13 tháng Ba năm 2013. Các nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đổ dồn đôi mắt hướng về ống khói của Nhà nguyện Sistine để tìm kiếm làn khói trắng nổi tiếng. Các vị Hồng y từ khắp nơi trên thế giới đã thận trọng cân nhắc suốt hơn 20 giờ. Đột nhiên, vào khoảng 4:30 chiều, một con mòng biển trắng đậu trên nắp ống đồng đỏ. Con chim trắng nhanh chóng được thay thế bằng con thứ hai, lớn hơn một chút. Từ chỗ đậu của nó, con vật dường như nhìn xuống đám đông.

Một nhà báo trên tài khoản Twitter của mình nói vui rằng: “Chúa Thánh Thần đang ngự đến với mật nghị hồng y. Đó là tất cả những gì cần thiết để Vatican chọn con chim trở thành điềm lành cho cuộc bầu chọn này. Trong vòng vài phút, một tài khoản Twitter (@SistineSeagull) được tạo ra và ngay lập tức đã có gần 4.000 người đăng ký. Mạng xã hội “tweet” không ngừng.

Liệu sự có mặt của loài chim này vài giờ trước khi công bố việc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô, một người yêu quý Tạo vật và là tác giả của tông huấn nổi tiếng Laudato si’, thuần túy là một sự tình cờ? Một số người cảm thấy thích thú vì sự trùng hợp này. Vào tối ngày 13 tháng Ba năm 2013, AICA, một hãng thông tấn Công giáo từ quê hương của Đức Giáo hoàng, đề cập đến một mối liên hệ rất nghiêm túc giữa con chim và ngài Bergoglio. Các phương tiện truyền thông của Argentina lập luận rằng con chim của mật nghị hồng y là một con mòng biển thuộc loài Larus argentatus, giải thích rằng thuật ngữ argentatus nhắc đến tên quốc gia quê hương của vị giáo hoàng thứ 266.

Chim bồ câu, dấu hiệu của cuộc bầu cử

Câu chuyện này, mang đến một nụ cười, không thể không nhắc chúng ta về mối liên kết tồn tại — lần này đã được chứng minh rõ ràng — giữa các giáo hoàng và một loài chim cao quý hơn: đó là chim bồ câu. Trong cuốn Lịch sử Giáo hội, nhà sử học Eusebius kể câu chuyện vào thế kỷ thứ 3, khi Đức Giáo hoàng Fabian đã được loài chim trong Kinh thánh này chọn để lãnh đạo Giáo hội. Nhà sử học viết, “Đột nhiên, một con chim bồ câu từ Trời bay xuống và đậu trên đầu của Đức [Fabian], (…) tái hiện lại sự ngự xuống của Chúa Thánh Thần trên Đấng Cứu Thế dưới hình dạng một con chim bồ câu,” và nói thêm rằng, “tất cả mọi người (…) hô vang lên rằng ngài là xứng đáng, và không chút chậm trễ (…) ngài đã được chọn ngồi vào ghế giám mục.”

Đức Fabian, một con người đơn sơ đến từ vùng nông thôn, không phải là người duy nhất theo ý Đấng Quan phòng được nâng lên hàng giáo hoàng theo cách này. Trong cuốn sách The Bestiary of the Pope (“Il bestiario del papa”), nhà viết sử Agostino Paravicini Bagliani giải thích rằng, theo nhiều nguồn khác nhau, Thánh Severus, Thánh Pôlycarpô, và có thể cả Thánh Zêphyrinô có thể đã được chọn bằng cách này. Nhà sử học người Ý cũng chỉ ra rằng những báo cáo của các mật nghị đề cập đến loài chim biểu tượng của Chúa Thánh Thần đáp xuống trong trường hợp có các sự bầu chọn bất ngờ — chọn những người đơn sơ hoặc những người vẫn còn xa lạ với thế giới Rôma.

Chim bồ câu cũng là biểu tượng của một vị giáo hoàng nổi tiếng: Đức Grêgôriô I, cũng còn được gọi là “Đức Grêgôriô Cả”. Trong cuốn tiểu sử của vị thánh thuộc thế kỷ thứ 8, tu sĩ Paul the Deacon đã kể lại nguồn gốc của sự kết hợp này. Một người đang theo dõi Đức Grêgôriô khi ngài đọc những chú giải của ngài về sách Êdêkien cho người khác viết, được cho là đã nhìn thấy một trong những con chim này bay lượn trên vai của vị giáo hoàng thứ 64. Khi ngài ngừng đọc, con vật đặt mỏ của nó vào giữa hai môi của ngài để gợi ý một chú giải mới. Từ đời giáo hoàng này đến giáo hoàng khác, chim bồ câu trở thành biểu tượng của Giáo hội và giáo tông. Nhiều biểu trưng của nó có ở Quảng trường Thánh Phêrô ở Rôma — không dưới 500 — chứng thực điều này.

Đại bàng, biểu tượng quyền bính của giáo hoàng

Tuy nhiên, loài chim biểu tượng của hòa bình không phải là loài chim duy nhất chiếm vị trí trên các bức tường của thành phố Rôma. Bằng một sắc thái khác, nhà sử học thế kỷ 13 Gilles of Rome đã sử dụng chim đại bàng để xác định chức năng của giáo hoàng. Theo ông, loài chim oai phong này rõ ràng là biểu tượng cho quyền bính của giáo hoàng đối với Giáo hội hoàn vũ. Có khả năng bảo vệ “mọi thứ” nhờ đôi cánh lớn của nó, đại bàng có “đầy đủ lông vũ, nghĩa là có đầy đủ đức tính tốt,” và do đó, giống như các Giáo hoàng có quyền tối thượng, ông nói.

Được biết đến nhiều hơn vì sự huyên thuyên hơn là sự khôn ngoan, loài vẹt cũng đã có một vị trí vinh dự với các giáo hoàng. Câu chuyện về tình bạn giữa loài vật đầy màu sắc này và các giáo hoàng bắt đầu vào thế kỷ 11, khi một người cai trị — có thể là vua Stephen I, Vua của Croatia và Dalmatia — gửi một con vẹt đến cho Đức Giáo hoàng Leo IX. Con vật không những có thể lặp lại câu “Tôi sẽ đến gặp Giáo hoàng” mà còn cả tên của Đức Giáo hoàng là Leo. Khi Đức Giáo hoàng mệt mỏi và chán nản, con chim đã trao “sức mạnh nội tâm mới” cho vị giáo hoàng có lai lịch nước ngoài này, người đã lãnh đạo trong tình hình rất khó khăn.

Vào thế kỷ 13, việc tái phát hiện La Mã cổ đại và biểu tượng của nó đã thúc đẩy sự quan tâm của Giáo triều đối với loài động vật oai phong này. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ Avignon thì sự có mặt thường xuyên của loài chim này với các giáo hoàng, thậm chí trong phòng ngủ của các ngài, mới được chú ý. Hai vị giáo hoàng cuối cùng của Avignon — Đức Urban V và Đức Gregory XI — trở về Rôma với một con vẹt. Kể từ đó, truyền thống về “con vẹt của Giáo hoàng”, một con vật được mang theo trong các chuyến đi của người kế vị Thánh Phêrô, được tiếp tục cho đến thế kỷ 15.

“Căn phòng vẹt”

Vào năm 1420, lần đầu tiên một tài liệu cho biết về sự tồn tại của một “căn phòng vẹt” trong Điện Tông Tòa, trong đó giáo hoàng tập trung các hồng y trong thượng hội đồng và chuẩn bị trước khi tham gia các nghi lễ trọng thể. Là một ranh giới giữa không gian riêng tư và công cộng, căn phòng này cũng thường được sử dụng để tiếp đón các đại sứ.

Dưới thời Đức Leo X, biểu tượng con vẹt ở Vatican đạt đến đỉnh điểm của nó: để tôn vinh giáo hoàng thuộc dòng tộc Medici, họa sĩ Raphael đã vẽ Thánh Gioan Tẩy Giả đang nhìn một con vẹt Nam Mỹ nhỏ. Lấy truyền thống của La Mã và trung cổ mô tả con chim báo tin cho hoàng đế, họa sĩ đã liên kết Thánh Gioan với một con vẹt để công bố giáo hoàng là vị đại diện của Chúa Kitô trên Trái đất.

Chim Hoàng yến của Đức Piô XII

Rất lâu sau đó, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đưa những con chim trở lại khung ảnh trong một buổi tiếp kiến vào năm 2014. Khi đi qua đám đông ở Quảng trường Thánh Phêrô, một con vẹt đã bay đến đậu trên ngón tay của ngài. Bức ảnh huyền thoại đã lan truyền đi khắp thế giới và tạo ra những bình luận trìu mến. Là một người con tinh thần của Thánh Phanxicô, vị giáo hoàng thứ 266 đã nói với chủ nhân của con vật: “Đó là một món quà rất đẹp của Chúa”. Sự dịu dàng này đối với con chim cũng không ngăn cản ngài đưa ra lời cảnh báo với các tín hữu trước nguy cơ cầu nguyện như vẹt, tức là một cách máy móc.

Trong lịch sử của triều đại giáo hoàng gần đây, đấng kế vị Thánh Phêrô yêu thích loài chim là Đức Piô XII. Đức Giáo hoàng trong Đệ Nhị Thế chiến có một tình cảm đặc biệt với một con chim hoàng yến nhỏ mà ngài thích cho đậu trên ngón tay của mình. Và nếu các thành viên của Giáo triều La Mã đôi khi có thể chọc ghẹo con chim nhỏ này — một con thú cưng khác lạ đối với một giáo hoàng — thì vị thư ký của ngài, Sơ Pascalina, chăm sóc rất kỹ con chim này để mang lại cảm giác thoải mái cho một người với gánh nặng rất lớn trên vai.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/8/2021]