Hội nghị Âm nhạc Quốc tế lần thứ Tư về chủ đề “Giáo hội và âm nhạc: Văn bản và Bối cảnh”

646

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô tới các tham dự viên Hội nghị Âm nhạc Quốc tế lần thứ Tư về chủ đề “Giáo hội và âm nhạc: Văn bản và Bối cảnh”

Người đăng: Giáo hội Công giáo News vào tháng 2 18, 2021

https://lh5.googleusercontent.com/8q8tXx9hddZycezwCKXEqiCU2InhzmF7T1etayUlyzAh8aguFQLYqyIwygNl45A3rNdbVwF10EuDoWGrsp6ZNCZD-wnwHQeB27saHw11Apkplp-SA_moLc84jaQS9fVzNFsCYl6S=w640-h360

Thông điệp Video của Đức Thánh Cha Phanxicô tới các tham dự viên Hội nghị Âm nhạc Quốc tế lần thứ Tư về chủ đề “Giáo hội và Âm nhạc: Văn bản và Bối cảnh”, do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa tổ chức

[Hội nghị Trực tuyến, 4-5 tháng Hai năm 2021]

Anh chị em thân mến!

Tôi vui mừng gửi lời chào đến anh chị em đang tham dự Hội nghị Âm nhạc Quốc tế lần thứ Tư, do Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa phối hợp với Viện Giáo hoàng về Thánh nhạc và Đại học Giáo hoàng Athenaeum Thánh Anselm tổ chức. Tôi xin cảm ơn Đức Hồng Y Gianfranco Ravasi, người thúc đẩy sáng kiến này.

Tôi hy vọng rằng những suy tư của anh chị em, theo chủ đề là “Văn bản và Bối cảnh”, có thể làm phong phú thêm cho các cộng đoàn hội thánh và những người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, một lĩnh vực rất quan trọng đối với phụng vụ và rao giảng phúc âm.

Trong sách tiên tri Isaia chúng ta tìm thấy lời thúc giục này:

Hát lên mừng Đức Chúa một bài ca mới,
tán tụng Người đi, từ cùng cõi địa cầu” (42: 10).

Như chúng ta biết, Thánh Kinh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều cách diễn đạt âm nhạc, gồm có một số trang nền tảng trong lịch sử âm nhạc: hãy nghĩ đến Bình ca Gregorian, Palestrina, Bach … nó đã truyền cảm hứng cho không biết bao nhiêu sáng tác trên khắp năm châu, và nhiều nhà soạn nhạc đương đại cũng chịu ảnh hưởng bởi các văn bản thánh. Trong những thập kỷ gần đây nhiều cộng đoàn hội thánh đã có thể trình bày các văn bản này bằng cách đi theo các hình thức âm nhạc mới và bằng cách tái khám phá giá trị của di sản cổ xưa. Thật vậy, di sản âm nhạc của Giáo hội rất đa dạng, và có thể hỗ trợ không chỉ trong phụng vụ mà còn hỗ trợ các buổi biểu diễn hòa nhạc, các hoạt động trường học và giáo lý, và thậm chí cả sân khấu.

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng từ khi bắt đầu đại dịch Covid, hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đã bị hạn chế nghiêm trọng. Suy nghĩ của tôi hướng đến tất cả những người đã chịu ảnh hưởng: các nhạc sĩ là những người nhìn thấy cuộc sống và sự nghiệp của họ bị gián đoạn bởi những yêu cầu giãn cách; những người bị mất việc làm và sự giao tiếp xã hội; những người đã phải đương đầu với việc đào tạo cần thiết, giáo dục và đời sống cộng đồng trong những bối cảnh khó khăn. Nhiều người đã có những cố gắng đáng kể để tiếp tục cung cấp sự phục vụ âm nhạc với tính sáng tạo mới. Đây là một cam kết giá trị không những cho Giáo hội, mà còn trong phạm vi công cộng, cho chính “mạng lưới”, cho những người làm việc trong các phòng hòa nhạc và ở những nơi khác trong đó âm nhạc phục vụ cộng đồng.

Tôi hy vọng rằng khía cạnh này của đời sống xã hội cũng có thể được tái sinh: rằng chúng ta sẽ trở lại với việc ca hát, chơi đàn và thưởng thức âm nhạc và ca hát cùng nhau. Văn hào Miguel Cervantes nói trong Don Quixote: “Donde hay música, no puede haber cosa mala” (Phần II, c. 34): “Nơi nào có âm nhạc thì không có gì là xấu”. Nhiều văn bản và sáng tác, thông qua sức mạnh của âm nhạc, khơi dậy lương tâm cá nhân của mọi người đồng thời cũng tạo ra tình huynh đệ phổ quát.

Tiên tri Isaia, trong cùng trình thuật, nói:

Từ lâu Ta đã từng nín lặng,
Ta làm thinh, Ta đã dằn lòng” (42: 14).

Một nhạc sĩ giỏi biết giá trị của sự im lặng, giá trị của khoảng lặng tạm dừng. Sự xen kẽ giữa âm thanh và sự im lặng là sinh ích lợi và cho phép việc lắng nghe, điều này có vai trò cơ bản trong mọi cuộc đối thoại. Thưa các nhạc sĩ, thách đố chung đó là biết lắng nghe lẫn nhau. Trong phụng vụ, chúng ta được mời nghe Lời Chúa. Lời là “văn bản” của chúng ta, văn bản chính; cộng đoàn là “bối cảnh” của chúng ta. Lời là nguồn mạch của ý thức, nó soi sáng và hướng dẫn hành trình của cộng đoàn. Chúng ta biết rằng điều vô cùng cần thiết là phải kể câu chuyện ơn cứu độ bằng các ngôn ngữ và thành ngữ có thể hiểu được. Âm nhạc cũng có thể giúp các văn bản Kinh thánh “nói” trong những bối cảnh văn hóa mới và khác nhau, để Lời Chúa có thể chạm đến tâm trí và tâm hồn một cách hiệu quả.

Trong cuộc họp, anh chị em đã chọn cách chú ý đến những hình thức âm nhạc đa dạng nhất: chúng thể hiện sự đa dạng của các văn hóa và cộng đồng địa phương, mỗi loại có đặc tính riêng. Tôi đặc biệt nghĩ đến những nền văn minh của người bản địa, trong đó sự tiếp cận âm nhạc được hòa trộn với các yếu tố nhảy múa và tán dương theo nghi lễ. Trong bối cảnh này, những cách tường thuật tinh tế có thể xuất hiện để phục vụ cho việc rao giảng phúc âm. Quả thật, kinh nghiệm toàn diện của nghệ thuật âm nhạc cũng bao gồm chiều kích của thực thể tính. Một mối quan hệ song song thường được tìm thấy trong truyền thống bình dân: “Khỏe thì hát tốt, và hát tốt là khỏe!”

Và tôi muốn kết thúc bằng một câu hỏi, đến một cách tự nhiên trong hoàn cảnh chúng ta gặp phải, do đại dịch gây ra: sự im lặng mà chúng ta đang trải qua là trống rỗng hay chúng ta đang lắng nghe? Nó trống không hay chúng ta đang lắng nghe? Rồi sau đó chúng ta sẽ cho phép một bài hát mới xuất hiện hay không? Ước gì văn bản và bối cảnh, giờ đây hiện diện trong một hình thức mới, kích thích chúng ta tiếp tục hành trình cùng nhau, bởi vì “sự hiệp nhất của tâm hồn đạt được sâu sắc hơn nhờ sự hợp nhất những giọng hát” (Hướng dẫn Musicam sacram, 5). Ước gì những giọng hát, các nhạc cụ và tác phẩm tiếp tục thể hiện sự hài hòa tiếng nói của Thiên Chúa, trong bối cảnh hiện tại, dẫn đến “bản giao hưởng”, tức là tình huynh đệ phổ quát.

Tôi xin dâng sự cam kết của anh chị em lên Thiên Chúa để Ngài nâng đỡ và làm cho nó có trổ hoa kết trái. Và tôi xin tất cả anh chị em cầu nguyện cho tôi. Hãy vui thú với công việc của mình. Cảm ơn anh chị em!

[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 8/2/2021]