Đức Giám mục Ioan Robu, Tổng Giám mục giáo phận Bucarest, Rumani tuyên bố: “Các quan hệ giữa tín hữu công giáo và chính thống giáo rất tốt. Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Rumani khuyến khích chúng tôi đối thoại với nhau”.
Đức Phanxicô sẽ đến thăm Rumani từ ngày 31 tháng 5 đến 2 tháng 6 – 2019. Ngài sẽ đến thăm các thành phố Bucarest, Iaşi và Blaj, đền thánh Đức Mẹ Sumuleu-Ciuc. Đức Giám mục Robu cho biết, chương trình có khoảng thời gian các tín hữu cầu nguyện cùng một lúc, nhưng người công giáo và chính thống giáo cầu nguyện trong hai ngôn ngữ khác nhau để không thực sự “cùng nhau” cầu nguyện chung.
Đâu là hoa quả cha mong đợi qua sự hiện diện của Đức Phanxicô ở Rumani?
Đức Giám mục Robu: Hoa quả đầu tiên là Đức Phanxicô ở giữa chúng tôi. Ngài được người công giáo cũng như tín hữu chính thống giáo rất kính trọng. Vai trò của giáo hoàng là xác nhận anh em mình trong đức tin. Đó là những gì các cộng đoàn chúng tôi mong đợi. Tôi còn nhớ lần Đức Gioan-Phaolô II đến thăm Bucarest, ngay lập tức các cộng đoàn công giáo được cả nước nhìn thấy. Như thế chúng tôi hy vọng, và như câu khẩu kiệu “Chúng ta cùng đi với nhau”, chuyến đi của Đức Phanxicô mời gọi chúng tôi hướng đến một đối thoại can đảm với tất cả mọi người, không phân biệt một ai, trong mục đích duy nhất vì lợi ích chung.
Chúng tôi cũng chờ ngày phong chân phước bảy giám mục tử đạo tại Blaj. Đây là hoa quả lớn lao của chuyến tông du vì đây là một sự kiện trọng đại cho toàn dân tộc. Giáo hội công giáo Rumani được biết qua giá trị của những đau khổ mà các vị tử đạo này đã hứng chịu, bằng chứng cho lòng trung tín của họ với Chúa Giêsu Kitô. Việc phong chân phước này mang lại hiệp thông cho tất cả những ai đã chịu đau khổ dưới chế độ cộng sản.
Đâu là mối quan hệ giữa người công giáo và chính thống giáo và cha mong đợi gì ở chuyến tông du này trên phương diện đại kết?
Mối quan hệ giữa người công giáo và chính thống giáo rất tốt, họ sống trong sự thanh thản sâu đậm. Vì vậy, trong giáo phận của tôi, một nửa gia đình là các gia đình hỗn hợp giữa người công giáo và chính thống giáo. Họ cùng sống, cùng làm việc chung không có vấn đề. Đôi khi trong các phát biểu chính thức giữa hai Giáo hội có khác. Nhưng các quan hệ thường được tôn trọng và trong thân tình.
Cuộc gặp của giáo hoàng với thượng phụ nằm trong chiều hướng liên tục cuộc gặp của Đức Gioan-Phaolô II với Théoctiste năm 1999. Cuộc đối thoại không được gián đoạn. Bằng cách đề nghị cùng đối thoại với Thiên Chúa, Đức Phanxicô mời gọi chúng tôi bằng mọi giá phải tăng các trao đổi với anh em mình. Ngài sẽ đến thăm tân nhà thờ chính tòa chính thống giáo Bucarest. Chương trình có một buổi cầu nguyện. Tuy nhiên tín hữu chính thống giáo đọc “Kinh Lạy Cha” bằng tiếng Rumani, còn tín hữu công giáo đọc bằng tiếng la-tinh, như thế để không cầu nguyện chung với nhau. Sự tiếp đón sẽ rất nồng hậu. Chúng tôi luôn hy vọng.
Đâu là thách thức chính của Giáo hội công giáo ở Rumani?
Việc di cư của người Rumani qua Phương Tây là thử thách lớn hiện nay của người công giáo và cũng cả toàn xã hội Rumani. Hàng triệu người Rumani ra đi khắp thế giới vì thiếu việc làm, thiếu điều kiện sống tốt là một thực tế. Nhiều người trẻ rời đất nước, đất nước đã không mang lại cho họ những gì họ mong chờ. Tôi nghĩ Đức Phanxicô ghi nhận vấn đề này trong lòng. Hiện tượng này đã tạo và liên tục tạo các vấn đề rất lớn vì rất khó để ngăn cản người dân ra đi.
Chỉ trong một ít năm, số người công giáo đã giảm đi rất nhiều. Thường là các gia đình trẻ ra đi, để lại trẻ em và người già trong giáo xứ chúng tôi. Trong các giáo xứ, các cơ quan Caritas đặc biệt chăm sóc các em bé này, đảm bảo cho các em có điều kiện sống bình thường. Các gia đình bị chia rẽ, điều này mang lại rất nhiều đau khổ cho các gia đình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch.