Đừng đặt các linh mục lên bệ thờ

1679

by phanxicovn

Chủ nghĩa giáo quyền đang làm suy yếu sứ mạng mục vụ của Giáo hội.

US Catholic | Father Donald Cozzens

Cuối cùng đã có một vấn đề mà giáo hội chia rẽ của chúng ta có thể nhất trí. Người Công giáo thuộc mọi phái, bảo thủ hay tự do hay trung dung, đều thấy khó chịu về chủ nghĩa giáo quyền. Từ Đức Giáo hoàng Phanxicô cho đến hàng ghế cuối trong nhà thờ, từ giáo sư chủng viện cho đến các thừa tác viên, chúng ta đều đồng ý rằng chủ nghĩa giáo quyền đang làm méo mó sứ mạng mục vụ của giáo hội.

Và chủ nghĩa giáo quyền còn củng cố luận điệu của những người theo chủ nghĩa thế tục rằng hàng giáo sĩ Công giáo chẳng khác gì những nhân viên của giáo hoàng để áp đặt sự kiểm soát đạo đức ngặt nghèo bóp nghẹt bản năng ham muốn tự do và vui thú của con người.

Vậy hãy chấm dứt chủ nghĩa giáo quyền trong giáo hội.

Chắc chắn là thế. Sự đồng thuận về chuyện này quá rõ ràng. Thế mà, tôi còn nghe có tiếng nói, “đừng làm quá nhanh.”

Khối ung thư này đang làm suy yếu thế giới Công giáo, từ các cộng đoàn địa phương cho đến các văn phòng Vatican, nó đã có từ trong quá khứ và hiện đang tồn tại trong giáo hội, một điều chúng ta cần xem xét thật kỹ lưỡng. Vậy thì hãy bắt tay xét nghiệm nó nào.

Chủ nghĩa giáo quyền chỉ cần nhìn là biết, dù là ở mức độ giáo xứ hay trên hình biếm họa về giáo sĩ. Nhưng dù cho chúng ta có nhận ra, cũng khó lòng mà định nghĩa nó.

Tôi thì thấy thế này. Chủ nghĩa giáo quyền là một thái độ có trong nhiều (chứ không phải tất cả) giáo sĩ, những người xem vị thế linh mục và giám mục của mình cao hơn vị thế môn đệ được rửa tội của Chúa Giêsu Kitô đang có trong họ. Khi làm thế, nảy sinh một tâm thức đặc quyền và tước vị trong suy nghĩ riêng và chung của các giáo sĩ. Điều này làm nảy sinh một nhóm những con người “ưu tú” trong giáo hội, nghĩ rằng mình không giống những tín hữu khác.

Giáo sĩ rơi vào cám dỗ này không thể thấy được việc đó đang làm tê hoại nhân cách của họ, tê hoại khả năng kết nối ở tầm mức con người với những nhóm người khác trong đoàn dân Chúa. Trong tất cả những hoa trái chua cay của chủ nghĩa giáo quyền, thì việc mất khả năng kết nối với tha nhân này, chính là thứ gây tai hại nhất. Khi một người được truyền chức thánh có thái độ bề trên với các giáo dân và những người mình gặp gỡ, thì vấn đề không còn đơn giản. Dạng mất liên kết này có thể là thứ tiêu diệt hết những nỗ lực của một linh mục muốn xây dựng tâm thức cộng đoàn trong giáo xứ.

Và thường giáo dân khó lòng thấy thoải mái với một linh mục giáo quyền. Nói đơn giản là họ không thấy được cách tiếp cận của một người “cha”. Cũng có thể nói như thế về các giám mục quá dễ dãi nghĩ mình như những quân vương một vùng được Chúa tuyển chọn. Mối liên hệ của các giám mục này với các linh mục và giáo dân không còn là cung cách của một mục tử.

Nơi họ không có mùi chiên.

Mà đó lại chính là những gì mà các giáo sĩ giáo quyền muốn. Họ tin rằng xa cách một chút với những người không có chức thánh là một việc phù hợp và đúng đắn. Dĩ nhiên, linh mục không cần phải chén thù chén tạc xuề xòa với giáo dân, mối liên hệ linh mục-giáo dân cần có sự trưởng thành và cẩn trọng. Hầu hết các giáo sĩ đều biết những đòi hỏi của đàn chiên mình. Chắc chắn, các giáo sĩ cần phải bảo vệ sự riêng tư của mình, và tìm thời gian “ở một mình.” Nhưng bản chất của chủ nghĩa giáo quyền là phóng đại nhu cầu này. Nó nảy sinh sự giả tạo và cấp bậc giữa các giáo sĩ và giáo dân. Như thế, là thiếu mất đi sự gì đó.

Các linh mục và giám mục (thậm chí là phó tế) dần thấy uy thế của mình trong việc cử hành bí tích và giảng dạy, chính là nền tảng căn tính của mình. Và khi đó, họ không còn thấy được sự thật rằng sức mạnh của Giáo hội xét tận cùng chính là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Họ nói, “Chúng tôi là giáo sĩ, anh chị em thì không.”

Nhiều năm trước, khi làm tổng đại diện, tôi có nói chuyện với một viên chức giáo dân cấp bậc cao trong giáo phận, ông sợ rằng mình đang ngày càng dấn vào hệ thống này, sợ mình trở nên “như giáo sĩ” Tôi bảo ông đừng lo. Việc ông cảm nhận được mối nguy đó, chính là cái bảo vệ cho ông rồi. Chúng tôi cũng thấy được nhiều đồng nghiệp giáo dân của ông có vẻ như không thấy được mối nguy đó. Những nhân viên mục vụ giáo dân này nghĩ mình là người trong hàng ngũ giáo sĩ. Và có thể nói đúng là thế. Như những người mục vụ được truyền chức thánh, lòng trung thành ban đầu của họ giờ hướng về giáo hội và thể chế hơn là về tin mừng và các tín hữu mà họ phục vụ. Thế nên, khối u chủ nghĩa giáo quyền, không chỉ giới hạn trong các giám mục, linh mục, phó tế.

Văn hóa giáo giáo sĩ chính là cái nôi nảy sinh căn bệnh chủ nghĩa giáo quyền. Và hai cái này là hai thứ khác biệt nhau. Chúng ta phải hiểu được chuyện này, trước khi tìm cách mổ xẻ thêm về khối u chủ nghĩa giáo quyền. Hầu hết những dân lành nghề, chuyên nghiệp, đều phát triển một dạng văn hóa, một kiểu cư xử và lời nói đặc thù thể hiện đặc tính của những người trong hội. Một nền văn hóa như thế có thể vun đắp một tinh thần đoàn thể lành mạnh.

Thế nên văn hóa giáo sĩ không phải là vấn đề. Các linh mục thường nói về “huynh đệ chức thánh.” Họ cùng chia sẻ một nền đào tạo chủng viện. Họ hiểu được niềm vui và nỗi buồn trong việc mục vụ, sự tự do và cô đơn của đời sống độc thân, và trách nhiệm lớn lao của việc rao giảng Lời Chúa.

Nhưng một văn hóa giáo sĩ lành mạnh thì vun đắp sự khiêm nhượng và lòng biết ơn trong tâm hồn các phó tế, linh mục, và giám mục. Nó dẫn đưa người linh mục nói rằng, “Tôi là linh mục, nhờ ơn Chúa. Nhưng trước hết, tôi là môn đệ được rửa tội, cũng cần được mục vụ, cần được thương xót và tình bạn của các giáo dân.” Tuy nhiên, khi văn hóa giáo sĩ thổi phòng vai trò và tầm hiểu biết của các thừa tác viên có chức thánh trong đời sống giáo hội, thì nó chính là mảnh đất màu mở để khối u chủ nghĩa giáo quyền lớn mạnh.

Vậy chúng ta có thể làm gì để chấm dứt chủ nghĩa giáo quyền? Những bước sau sẽ xử lý khối u, hay ít nhất là giảm nhẹ đi chủ nghĩa giáo quyền:

  1. Các giám mục, linh mục và phó tế được kêu gọi bởi Tin mừng, và bởi Đức Giáo hoàng Phanxicô, phải thấy được tư cách môn đệ và việc phục vụ là nền nền tảng cho mục vụ chức thánh. Phép rửa cho họ mọi phẩm giá họ cần. Nhiều linh mục hiểu điều này. Nhiều người vẫn chưa hiểu. Vậy các chủng viện cần dạy cho các chủng sinh rằng tư cách môn đệ được rửa tội bén rễ trong lời nguyện chính là nền tảng căn bản cho việc mục vụ linh mục.
  2. Một số giáo sĩ nhất quyết rằng người ta phải gọi mình là “cha” hoặc là “đức cha.” (Trong tiếng Anh, có thể gọi linh mục là Father hoặc Monsignor, có thể gọi các giám mục hồng y với những tước rất uy quyền như Excellency hoặc Eminence). Các tước hiệu có vai trò của nó, nhưng ta không cần khăng khăng phải dùng nó. Chúng ta có thể thấy buồn cười khi một giáo dân cứ khăng khăng người ta phải gọi mình là bác sĩ, tiến sĩ, giáo sư, thẩm phán. Gọi một bác sĩ là là bác sĩ, thì hợp lý khi ta ở trong phòng khám hay bệnh viện, và gọi một linh mục là cha cũng hợp lý khi ở trong bối cảnh làm việc giáo xứ. Nhưng hầu hết mọi người sẽ nhíu mày khi người ta cứ nhất quyết lúc nào mình cũng phải được gọi bằng tước danh.
  3. Xem lại đời sống độc thân khiết tịnh bắt buộc. Đúng là chúng ta cũng thấy chủ nghĩa giáo quyền trong hàng giáo sĩ không độc thân của các giáo Đông phương. Nhưng những gánh nặng kéo theo đời sống độc thân, dẫn đến việc một số giáo sĩ thấy cần tước vị và đặc quyền, những nét đặc thù của chủ nghĩa giáo quyền.
New priests lie in front of Pope Benedict XVI during a mass for the ordination of 19 new priests at St. Peter Basilica at the Vatican on May 3, 2009. AFP PHOTO / VINCENZO PINTO (Photo credit should read VINCENZO PINTO/AFP/Getty Images)

Nhưng có người sẽ lập luận, chẳng phải chỉ trích chủ nghĩa giáo quyền là công kích hàng giáo sĩ? Lập luận của chất vấn này như sau: Khó lòng cường điệu hóa phẩm giá và sức mạnh thiêng liêng của chức linh mục. Cứ nghĩ về việc giáo dân thấy hình ảnh người linh mục khi dâng thánh lễ và tha tội. Một ơn gọi quá cao cả, đòi buộc người linh mục phải là người “khác hẳn.” Và khi “khác hẳn” thì cũng đi kèm với trách nhiệm và đặc quyền.

Nói cách khác, lối nghĩ này chấp nhận chủ nghĩa giáo quyền như là bản chất tự nhiên trong người linh mục Công giáo, bởi họ thuộc về một đẳng cấp thiêng liêng cao quý. Và dù cao quý thì đi kèm với bổn phận, nhưng nó còn có sự vênh vang nữa.

Đức Giáo hoàng Phanxicô đã đáp lại lối nghĩ này bằng cách nói rằng một linh mục không phải là một người được tách riêng hẳn ra với cộng đoàn. Đức Giáo hoàng tin rằng linh mục và giám mục phải có một tâm hồn sứ mạng, một điều tương phản với kiểu tâm hồn giáo quyền. Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin mừng), Đức Phanxicô đã viết rằng “một tâm hồn sứ mạng không bao giờ khép kín trong bản thân, không bao giờ lui về nơi an toàn riêng của mình, không bao giờ chấp nhận sự khắc nghiệt và thủ thế. Tâm hồn sứ mạng nhận ra rằng nó phải lớn lên trong nhận thức Tin mừng và trong nhận thức về những đường lối của Thần Khí, và nó luôn luôn làm tốt hết sức mình, ngay cả khi dẫm vào bùn đất trên đường.”

Đúng, hãy chấm dứt chủ nghĩa giáo quyền và theo gương của Đức Giáo hoàng không giáo quyền của chúng ta. Ngài liên tục nhắc nhở các giám mục, linh mục và phó tế rằng họ là những người dẫn đường cho đoàn dân lữ hành. Họ là những mục tử của lòng thương xót, với đôi giày lấm lem bùn đất.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch

Một bộ phim về Đức Phanxicô ra mắt năm 2015 với tiêu đề Francisco: El padre Jorge – Phanxicô: Cha Jorge, trong phim chúng ta sẽ thấy ngài nhất quyết mọi người gọi mình là cha Jorge, dù là khi làm hồng y, hay cả khi làm giáo hoàng.