Bài giảng của Đức Thánh Cha tại giáo xứ Thánh Crispin Viterbo

1135

Chuyến thăm mục vụ ngày 4 tháng Ba, 2019, tại giáo xứ của Roma nằm trong vùng North Sector của Giáo phận Roma.

© Vatican Media
04 tháng Ba, 2019 18:19
Chiều Chúa nhật thứ 8 Mùa Thường niên (4 tháng Ba, 2019), Đức Thánh Cha Phanxico thực hiện chuyến thăm mục vụ đến giáo xứ Thánh Crispin Viterbo al Labaro thuộc Roma, nằm trong vùng North Sector của giáo phận Roma.
Đức Hồng y Angelo De Donatis, Tổng Đại diện Giáo phận Roma; Đức Giám mục Guerino Di Tora, Giám mục Phụ tá của North Sector; linh mục quản xứ Cha Luciano Cacciamani; linh mục phó xứ Cha Andrea Lamonaca và tất cả các linh mục phục vụ trong cộng đoàn, đã đón tiếp Đức Thánh Cha khi ngài đến lúc 3:50 chiều.
Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các thiếu nhi đang học Giáo lý chuẩn bị Rước Lễ Lần Đầu và Thêm Sức trong hội trường giáo xứ ở tầng một, nhóm thiếu niên lớp Sống đạo. Các thiếu nhi nhỏ tuổi nhất chào đón Đức Thánh Cha bằng một bài hát và đọc một lá thư, trong khi các thiếu niên hỏi ngài một số câu hỏi.
Ngay sau khi cuộc gặp với các thiếu nhi lớp giáo lý, Đức Thánh Cha gặp gỡ cha mẹ của những thiếu nhi đã hoặc chuẩn bị lãnh nhận Bí tích Rửa tội trong phòng kế cận. Sau đó Đức Thánh Cha xuống tầng trệt để gặp một nhóm những người nghèo khổ và vô gia cư, được giúp đỡ bởi hội Caritas của giáo xứ và gặp gỡ Cộng đoàn Sant’Egidio. Nhiều người thiện nguyện cũng có mặt. Sau đó Đức Thánh Cha gặp các bệnh nhân và người khuyết tật, ngài chào các linh mục của cộng đoàn và thực hiện Bí tích Hòa giải cho năm giáo dân thuộc các độ tuổi khác nhau.
Lúc 5:20 chiều Đức Thánh Cha chủ tế cử hành Thánh Lễ trong nhà thờ xứ. Sau bài Tin mừng, Đức Thánh Cha có bài giảng ứng khẩu.
Cuối Thánh Lễ và trước khi ban phép lành cuối lễ, linh mục xứ, Cha Luciano Cacciamani, có đôi lời thưa với Đức Thánh Cha, bày tỏ lòng tri ân về chuyến viếng thăm của ngài và tặng ngài một bức tranh của họa sĩ Meo Carbone, mô tả về chủ đề di cư.
Trước khi rời giáo xứ và trở về Vatican, Đức Thánh Cha chào những tín hữu đang chờ ngài ở phía ngoài nhà thờ.
Dưới đây là bản dịch văn bản ghi chép bài giảng ứng khẩu của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ.
* * *
Bài giảng của Đức Thánh Cha
Chúng ta đã nghe Tin mừng trong đó Chúa Giê-su giải thích sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu cho dân chúng bằng các dụ ngôn. Chẳng hạn, một người mù không thể dẫn dắt một người mù khác; rồi học trò thì không thể giỏi hơn thầy; không một cây tốt nào lại sinh trái xấu. Và với những dụ ngôn này, Ngài dạy bảo dân chúng.
Cha muốn dừng lại một dụ ngôn mà cha chưa đề cập đến. Bây giờ cha mới nói về nó [ngài đọc]: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” Và bằng dụ ngôn này, Chúa muốn dạy chúng ta đừng lên án người khác và nhìn vào những thiếu sót của người khác: trước hết hãy nhìn vào thiếu sót của chính minh — những thiếu sót của anh chị em. “Nhưng thưa cha, con chẳng có thiếu sót nào!” — À, chúc mừng! Cha bảo đảm rằng nếu anh chị em nghĩ là mình không có thiếu sót nào, thì anh chị em sẽ tìm ra trong Luyện tội! Tốt hơn là phải nhìn thấy chúng ở đây. Tất cả chúng ta đều có những thiếu sót — tất cả chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta trở nên quen — một phần là do tính ù lì không muốn thay đổi, một phần là do sự đè nặng của tính kiêu ngạo, luôn nhìn đến những thiếu sót của người khác. Tất cả chúng ta đều là các chuyên gia trong vấn đề này. Chúng ta ngay lập tức tìm được những sai sót của người khác, và chúng ta nói về chúng vì hạ thấp được người khác xem ra có vẻ dễ chịu, nó làm chúng ta hài lòng. Không phải vậy, có lẽ chuyện đó không xảy ra trong giáo xứ này [mọi người cười] nhưng ở những nơi khác, nó rất phổ biến. Chuyện luôn luôn xảy ra như vầy: “À, anh khỏe không?” – À, à, với thời tiết như vầy thì tôi khỏe … ? “Này, anh có nhìn thấy người kia không … ? Và ngay lập tức [người ta đi vào vấn đề này].
Cha không biết anh chị em có nghe những điều này chưa, nhưng nó là vấn đề khủng khiếp. Nhưng nó lại không phải là điều gì mới mẻ: điều này cũng đã có từ thời Chúa Giê-su. Nó là điều mà chúng ta mắc phải cùng với tội tổ tông, nó khiến chúng ta kết án người khác — kết án. Và ngay lập tức chúng ta trở thành những chuyên gia soi mói những điều xấu của người khác, mà chẳng nhìn thấy của riêng mình. Và Chúa Giê-su nói: “Ngươi kết án người đó về một điều nhỏ nhặt, và ngươi lại có những vấn đề lớn hơn, mà ngươi lại không nhìn thấy chúng.” Và điều này là đúng. Cái xấu của chúng ta không lớn lắm vì chúng ta quen với thái độ không nhìn thấy những giới hạn của mình, không nhìn thấy những thiếu sót của mình, nhưng lại là những chuyên gia trong việc săm soi những sai sót của người khác.
Và Chúa Giê-su nói một câu rất nặng với chúng ta, rất nặng: “nếu ngươi tiếp tục làm như vậy, ngươi là những kẻ đạo đức giả.” Từ đạo đức giả là rất nặng. Chúa Giê-su dùng từ đó với những người Pha-ri-sêu, các luật sĩ, là những người nói một đàng nhưng làm một nẻo. Những kẻ giả hình. Giả hình có nghĩa là một người có suy nghĩ hai mặt, phán xét hai mặt: người đó một mặt nói công khai, và mặt khác nói theo kiểu sau lưng, và đây là cách anh ta kết án người khác. Đó là một lối tạo suy nghĩ hai mặt, một con đường hai mặt để thể hiện mình. Họ ra vẻ cho mọi người thấy họ là những con người tốt, hoàn hảo, nhưng đằng sau là họ kết án. Vì vậy, Chúa Giê-su thoát ra khỏi sự giả hình này và khuyên chúng ta: “Tốt hơn là ngươi hãy nhìn vào những thiếu sót của mình và để người khác sống trong an bình. Đừng soi mói vào đời sống của người khác: hãy nhìn vào chính mình.”
Và đây là một điều không kết thúc ở đó; người buôn chuyện không dừng việc ngồi lê mách lẻo. Người buôn chuyện còn đi xa hơn, anh ta gieo sự bất hòa, anh tao gieo sự thù hằn, anh ta gieo cái ác. Hãy nghe kỹ điều này, cha không cường điệu vấn đề: chiến tranh bắt đầu từ cái lưỡi. Qua việc nói xấu người khác là anh đã bắt đầu một cuộc chiến — bước thêm một bước là đến với chiến tranh, đến với sự hủy diệt. Vì cái lưỡi nó cũng tàn phá tương tự một trái bom nguyên tử; giống như vậy. Anh tàn phá. Và cái lưỡi có sức mạnh tàn phá giống như một trái bom nguyên tử. Nó rất mạnh mẽ. Và không phải cha nói điều này, chính Thánh Tông đồ Gia-cô-bê nói trong Thư của ngài. Hãy mở Kinh Thánh ra và tìm xem. Nó rất mạnh mẽ! Nó có khả năng tàn phá. Và với sự lăng mạ, với việc nói xấu người khác, nhiều cuộc chiến tranh bắt đầu: những cuộc chiến trong nhà — khi một người bắt đầu to tiếng –, những cuộc chiến trong khu xóm, trong chỗ làm việc, trong trường học, trong giáo xứ … Vì thế Chúa Giê-su nói: “Trước khi nói xấu người khác, hãy lấy một cái gương và nhìn vào chính mình; hãy nhìn vào những thiếu sót của mình và cảm thấy xấu hổ vì những thiếu sót đó. Và rồi anh sẽ trở nên câm lặng trước những sai sót của người khác.” “Không, thưa cha, vấn đề ở chỗ rất nhiều lần có những con người xấu và họ có rất nhiều lỗi lầm …”. “À, được, vậy thì hãy can đảm, hãy can đảm và nói ngay trước mặt họ rằng: ‘Anh rất tệ vì anh đang làm điều này và điều kia.’ Hãy nói ngay trước mặt họ, đừng nói sau lưng, đừng nói ở đằng sau. Cứ nói thẳng với họ. Nhưng tốt hơn là đừng đem chuyện đi ngồi lê mách lẻo, vì buôn chuyện không giải quyết được vấn đề gì, ngược lại nó làm cho mọi việc xấu hơn và dẫn đến chiến tranh.
Chúng ta sắp bước vào Mùa Chay: thật tốt cho mỗi người chúng ta suy tư vào Mùa Chay này. Tôi cư xử với mọi người như thế nào? Tâm hồn của tôi trước mọi người ra sao? Tôi có phải là một người giả hình không, là người trước mặt thì mỉm cười nhưng sau lưng lại chỉ trích và tàn phá họ bằng cái lưỡi của tôi? Và nếu vào cuối Mùa Chay chúng ta có thể sửa chữa lại điều này một chút, là không thường xuyên chỉ trích người khác sau lưng họ, cha bảo đảm rằng Lễ Phục sinh của Chúa Giê-su sẽ đẹp hơn rất nhiều, sẽ huy hoàng hơn ở giữa chúng ta. “Ôi, cha ơi, cái đó khó lắm, vì con thích chỉ trích người khác” – có thể có người nói như vậy vì đây là một thói quen mà ma quỷ đã gieo vào trong chúng ta. Đúng như vậy, thật không dễ chút nào. Tuy nhiên, có hai loại thuốc rất có công hiệu. Trước hết là cầu nguyện. Nếu cảm thấy mình muốn “soi” một người nào đó, muốn chỉ trích ai đó, hãy cầu nguyện cho anh ta, cầu nguyện cho cô ấy, và xin Chúa giúp giải quyết vấn đề; nó làm cho anh chị em giữ mồm miệng mình lại. Liệu pháp thứ nhất: cầu nguyện. Không có cầu nguyện, chúng ta chẳng làm được gì. Và loại thuốc thứ hai, có một loại thuốc thứ hai cũng giống như cầu nguyện, nó cũng cần phải được tập luyện: khi nào anh chị em cảm thấy muốn nói xấu về một ai đó, hãy cắn lưỡi của mình. Cắn mạnh vào! Vì sau đó nó bị sưng lên và anh chị em không thể nói được [Mọi người cười]. Nó là một loại thuốc thực tế; nó rất thực tế.
Hãy suy nghĩ thật nghiêm túc về những điều Chúa Giê-su nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” Hãy suy nghĩ về nó. Hãy nghĩ rằng thói quen rất xấu này là khởi đầu cho rất nhiều sự chia rẽ, của rất nhiều cuộc chiến trong gia đình, cuộc chiến trong xóm làng, cuộc chiến trong nơi làm việc, của rất nhiều sự thù hằn. Hãy suy nghĩ về nó, và cầu nguyện với Chúa, cầu xin Người ban ơn không nói xấu về người khác. Và mỗi ngày hãy sẵn sàng bộ răng giả cho loại thuốc thứ hai!
Xin Chúa ban ơn lành cho anh chị em!
© Libreria Editrice Vatican
[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/3/2019]