Đức Thánh Cha khen ngợi ‘Fihavanana’ – chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tình đoàn kết

722
Đức Thánh Cha khen ngợi ‘Fihavanana’ – chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, tình đoàn kết
© Vatican Media

Diễn từ trước các nhà chức trách chính trị và dân sự

07 tháng Chín, 2019 16:02

JIM FAIR

Ngày 7 tháng Chín năm 2019, trong diễn từ trước các nhà lãnh đạo chính trị và dân sự của Madagascar, Đức Thánh Cha Phanxico sử dụng từ fihavanana của ngôn ngữ Malagasy, lời mà ngài nói được thể hiện trong văn hóa của dân tộc. Nó là một từ ngữ dường như ôm trọn lấy nhiều điểm vững tin của Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói, “Trong lời mở đầu Hiến pháp của nước Cộng hòa, quý vị mong muốn bảo tồn một trong những giá trị nền tảng của văn hóa Madagascar: fihavanana, một từ ngữ gợi lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, và tình đoàn kết. Nó cũng nêu lên tầm quan trọng của gia đình, tình bạn, và thiện chí giữa con người và với thiên nhiên. Nó thể hiện ‘linh hồn’ dân tộc của quý vị, bản sắc đặc thù của nó đã giúp nó có thể đối mặt với nhiều vấn đề và những khó khăn mỗi ngày với lòng can đảm và sự hy sinh quên mình. Nếu chúng ta công nhận, quý trọng và trân quý vùng đất được chúc phúc này vì vẻ đẹp và những nguồn tài nguyên vô giá của nó, thì chúng ta cũng phải thể hiện đúng những tinh thần đó đối với ‘linh hồn’ này, điều mà Cha Antoine de Padoue Rahajarizafy, SJ, đã nhận xét rất chí lý rằng nó đã trao cho quý vị sức mạnh để ôm lấy aina, là sự sống.”

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng khái niệm của từ fihavanana đã giúp cho Madagascar trong việc cố gắng tôn trọng những tầm nhìn và lối sống khác nhau, vẫn giữ sự phát triển kinh tế trong khi quan tâm đến nhu cầu của những người dễ bị xúc phạm, duy trì hòa bình, và thực hành dân chủ. Tuy nhiên, ngài thúc giục hãy tiếp tục trong cuộc chiến chống lại nạn tham nhũng và nhắc nhở các nhà lãnh đạo về tính cân bằng giữa sự phát triển và chăm sóc cho môi trường.

“Chúng ta cũng phải chân nhận thực tế rằng chúng ta không thể nói đến sự phát triển toàn diện mà không thể hiện sự quan tâm và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta,” Đức Thánh Cha nói. “Đảo Madagascar rất đáng yêu của quý vị giàu có về hệ sinh thái thực vật và động vật, nhưng gia tài này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự phá rừng quá mức, và việc đó mang đến lợi nhuận cho một số người. Sự suy giảm hệ sinh thái là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho tương lai của đất nước và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Như quý vị biết, những khu rừng cuối cùng bị đe dọa bởi những vụ cháy rừng, cưa trộm, tốc độ đốn hạ không thương tiếc những khu rừng quý. Hệ sinh thái động thực vật đang bị đe dọa bởi việc xuất khẩu buôn lậu và bất hợp pháp.”

Đức Thánh Cha kết luận với lời bày tỏ khát khao của Giáo hội Công giáo ở Madagascar cùng đồng hành với con người thuộc mọi tôn giáo và các giới chức dân sự để đạt được sự phát triển con người toàn diện bảo đảm rằng không ai bị loại trừ.

https://lh3.googleusercontent.com/8lWiFHTDsgR-2beDyTGjB3j90tL-u4WpYdgZOxi-ae-VXxqQ8dRwjbeam2n5fIrLCgakQgXUEC3Nks_cyKLM7knBuINfNoC8m6jXOmnI-9hZsRtmMiHfQHXWQml0rxao2JPE906Z

Dưới đây là toàn văn diễn từ của Đức Thánh Cha của Vatican cung cấp (bản tiếng Anh)

Thưa ngài Tổng thống,
Thưa ngài Thủ tướng,
Thưa các thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn,
Thưa các nhà Chức trách cao quý,
Quý vị đại diện của các nền tảng tôn giáo và xã hội dân sự,
Thưa quý ông quý bà,

Tôi xin gửi lời chào thân ái đến ngài Tổng thống của nước Cộng hòa Madagascar. Thưa ngài Tổng thống, tôi xin cảm ơn về lời mời của ngài đến thăm đất nước này, và về những lời chào mừng của ngài. Thưa ngài Tổng thống, ngài đã nói về dân tộc mình với cảm xúc mạnh mẽ và sự yêu quý. Tôi xin cảm ơn ngài vì chứng tá lòng yêu nước của ngài. Tôi cũng xin gửi lời chào đến ngài Thủ tướng, đến quý vị Thành viên của Chính phủ và Ngoại giao đoàn và quý vị đại diện xã hội dân sự. Tôi cũng xin gửi lời chào huynh đệ đến các Giám mục và các thành viên của Giáo hội Công giáo, và đại diện của các nền tảng Ki-tô giáo khác và các tôn giáo khác. Tôi xin bày tỏ lòng tri ân tới tất cả những người và tổ chức đã làm cho chuyến đi này trở thành hiện thực, và đặc biệt là dân tộc Madagascar, những người đã chào đón chúng tôi với tinh thần hiếu khách rất ấn tượng.

Trong lời mở đầu Hiến pháp của nước Cộng hòa, quý vị mong muốn bảo tồn một trong những giá trị nền tảng của văn hóa Madagascar: fihavanana, một từ ngữ gợi lên tinh thần chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, và tình đoàn kết. Nó cũng nêu lên tầm quan trọng của gia đình, tình bạn, và thiện chí giữa con người và với thiên nhiên. Nó thể hiện ‘linh hồn’ dân tộc của quý vị, bản sắc đặc thù của nó đã giúp nó có thể đối mặt với nhiều vấn đề và những khó khăn mỗi ngày với lòng can đảm và sự hy sinh quên mình. Nếu chúng ta công nhận, quý trọng và trân quý vùng đất được chúc phúc này vì vẻ đẹp và những nguồn tài nguyên vô giá của nó, thì chúng ta cũng phải thể hiện đúng những tinh thần đó đối với ‘linh hồn’ này, điều mà Cha Antoine de Padoue Rahajarizafy, SJ, đã nhận xét rất chí lý rằng nó đã trao cho quý vị sức mạnh để ôm lấy aina, là sự sống.

Kể từ khi dân tộc của quý vị giành lại được độc lập, nó đã đạt được sự ổn định và hòa bình, qua một sự chuyển đổi dân chủ đầy hiệu quả thể hiện tính tôn trọng đối với sự đa dạng của các cách sống và quan điểm. Điều này cho thấy rằng “chính trị là một phương tiện đặc thù để xây dựng cộng đồng và những tổ chức của con người” (Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2019, 1 tháng Một 2019), khi nó được thực thi như một phương tiện để phục vụ xã hội chung. Rõ ràng, nhiệm kỳ chính trị và trách nhiệm chính trị cho thấy một thách đố liên tục cho những người được trao phó sứ mạng phục vụ và bảo vệ những người công dân của họ, đặc biệt cho những người dễ bị xúc phạm nhất, cho những điều kiện ưu tiên cho một sự phát triển đầy phẩm giá và công bằng bao gồm tất cả mọi thành phần trong xã hội dân sự. Như Thánh Phaolo VI đã nhấn mạnh, sự phát triển của một dân tộc “không thể giới hạn duy nhất vào việc phát triển kinh tế. Để trở thành sự phát triển thật sự, nó phải mang tính toàn diện; nó phải thúc đẩy sự thăng tiến của mỗi con người và mọi khía cạnh của con người” (Populorum Progressio, 14).

Liên quan đến vấn đề này, tôi khuyến khích quý vị hãy chiến đấu với sức mạnh và sự quyết tâm chống lại mọi hình thức tham nhũng và đầu cơ mang tính cục bộ làm gia tăng sự chênh lệch xã hội, và đương đầu với những tình hình bất ổn lớn và sự loại trừ là những hình thức luôn tạo ra sự nghèo đói nặng nề. Đến đây chúng ta nhìn thấy nhu cầu cần phải thiết lập những sự sắp xếp theo cấu trúc để có thể bảo đảm một cách phân chia tốt hơn về lợi tức và một sự phát triển toàn diện cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo nhất. Không thể thu hẹp sự phát triển đó và những cấu trúc hỗ trợ xã hội có tổ chức, nhưng cũng đòi hỏi sự công nhận đối với các chủ thể của luật pháp có trách nhiệm chia sẻ trọn vẹn trong công cuộc xây dựng tương lai của họ (x. Tông huấn Evangelii Gaudium, 204-205).

Chúng ta cũng phải chân nhận thực tế rằng chúng ta không thể nói đến sự phát triển toàn diện mà không thể hiện sự quan tâm và chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta. Việc này kêu gọi không những phải tìm ra các con đường để bảo tồn những nguồn tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng tìm ra “các giải pháp bao hàm toàn diện là những giải pháp xem xét đến những tương tác trong chính bản thân các hệ thống thiên nhiên và với các hệ thống xã hội. Chúng ta không đương đầu với hai sự khủng hoảng riêng biệt, một về môi trường và một về xã hội, nhưng là đương đầu với một sự khủng hoảng phức tạp vừa bao gồm xã hội lẫn môi trường” (Tông huấn Laudato Si’, 139).

Đảo Madagascar rất đáng yêu của quý vị giàu có về hệ sinh thái thực vật và động vật, nhưng gia tài này đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi sự phá rừng quá mức, và việc đó mang đến lợi nhuận cho một số người. Sự suy giảm hệ sinh thái là mối nguy hiểm tiềm ẩn cho tương lai của đất nước và trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta. Như quý vị biết, những khu rừng cuối cùng bị đe dọa bởi những vụ cháy rừng, cưa trộm, tốc độ đốn hạ không thương tiếc những khu rừng quý. Hệ sinh thái động thực vật đang bị đe dọa bởi việc xuất khẩu buôn lậu và bất hợp pháp. Tuy nhiên, đây là một sự thật đối với các dân tộc quan tâm, một số hoạt động gây hại cho môi trường hiện tại bảo đảm cho sự sinh tồn của họ. Vì vậy, điều quan trọng là phải tạo ra việc làm và các hoạt động tạo nguồn thu nhập đồng thời bảo vệ môi trường và giúp người dân vươn lên từ sự túng thiếu. Nói tóm lại, không thể nào có sự tiếp cận sinh thái thật sự hay những nỗ lực hiệu quả để bảo vệ môi trường nếu không đạt được tính công bằng xã hội có khả năng tôn trọng quyền tiếp cận với sản vật chung của trái đất, không chỉ đối với các thế hệ hiện tại nhưng cả với những thế hệ tương lai.

Về vấn đề này, nó là trách nhiệm của tất cả mọi người can dự, bao gồm cộng đồng quốc tế, mà có nhiều thành viên hiện diện ở đây hôm nay. Phải thừa nhận rằng sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế cho sự phát triển của đất nước là tuyệt vời, và cho thấy sự mở rộng của Madagascar đối với thế giới. Tuy nhiên sự mở rộng đó có thể tạo nguy cơ biến thành một “văn hóa phổ quát” là văn hóa khinh miệt, nhận chìm và diệt trừ di sản của các dân tộc. Tính toàn cầu hóa về kinh tế, với những giới hạn của nó ngày càng trở nên rõ ràng, không được dẫn đến một hình thức đồng nhất về văn hóa. Nếu chúng ta tham gia vào một tiến trình tôn trọng những giá trị địa phương và những lối sống và kỳ vọng của người dân, chúng ta bảo đảm rằng sự trợ giúp của cộng đồng quốc tế sẽ không phải là một bảo đảm duy nhất cho sự phát triển của một đất nước. Chính dân tộc đó sẽ ngày càng gánh lấy trách nhiệm và trở thành người thợ thủ công cho chính văn hóa của họ.

Đó là lý do tại sao chúng ta nên thể hiện sự quan tâm và tôn trọng đặc biệt đối với xã hội dân sự địa phương, người dân địa phương. Khi hỗ trợ những sáng kiến và hoạt động của nó, tiếng nói của những người không có tiếng nói sẽ được nghe thấy, cùng với sự đa dạng và thậm chí là những ý kiến mâu thuẫn của cộng đồng quốc gia trong nỗ lực của họ để đạt được sự hiệp nhất. Tôi mời gọi quý vị hãy hình dung ra con đường này, trên con đường đó không một người nào bị gạt sang một bên, hoặc bỏ rơi hoặc trở thành lạc lõng.

Là một Giáo hội, chúng tôi mong muốn đi theo thái độ đối thoại của người dân của quý vị, Chân phước Victoire Rasoamanarivo, người mà Thánh Gioan Phaolo II đã tuyên phong chân phước trong chuyến thăm của ngài đến đây ba mươi năm trước. Chứng tá về tình yêu của nữ chân phước dành cho miền đất này và những truyền thống của nó, sự phục vụ của chân phước dành cho người nghèo như là một dấu chỉ của niềm tin của ngài vào Chúa Giê-su Ki-tô, cho chúng ta thấy con đường mà chúng ta cũng được kêu gọi để theo đuổi.

Thưa ngài Tổng thống, thưa quý vị, tôi mong muốn tái khẳng định khát khao của Giáo hội Công giáo ở Madagascar, trong cuộc đối thoại đang diễn ra với người Ki-tô hữu thuộc các nền tảng khác, các tín đồ của nhiều tôn giáo khác nhau và mọi thành phần của xã hội dân sự, để góp phần cho buổi bình minh của tình huynh đệ thật sự luôn đánh giá đúng fihavanana. Bằng cách này, một sự phát triển con người toàn diện có thể được thúc đẩy, để không một người nào bị loại trừ.

Với hy vọng này, tôi xin Chúa chúc phúc cho Madagascar và tất cả mọi người sống ở đây, để giữ gìn cho hòn đảo của quý vị hòa bình và chào đón, và xây dựng nó trở nên thịnh vượng và hạnh phúc! Cảm ơn quý vị.

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/9/2019]