Đức Phanxicô và Đức Gioan-Phaolô I, hai giáo hoàng song sinh?

1676

by phanxicovn

fr.aleteia.org, Andrea Tornielli, Vatican Insider,

“Cầu nguyện làm con chán ư? Vậy thì đừng cầu nguyện, hãy nhìn Chúa và để Chúa nhìn mình”, đó là câu nói chúng ta thường hay nghe trong các bài giảng của ngài. 

“Đối với một đồ đệ, việc đầu tiên là ở với Thầy, nghe Thầy, học ở Thầy. Và đó là điều luôn có giá trị, là tiến trình kéo dài suốt cả một đời! Ở trong sự hiện diện của Chúa, để Ngài nhìn mình. Đó cũng là một cách cầu nguyện. Hơi chán và buồn ngủ ư? Thì cứ ngủ, cứ ngủ! Chúa cũng nhìn mình! Con hãy tin chắc là Chúa đang nhìn con”. Đó là lời Đức Phanxicô nói với các các giáo lý viên khi ngài tiếp họ vào tháng 9 năm 2013. Đó cũng là lời ngài hay nhắc đi nhắc lại trong các bài giảng của ngài. Cảm hứng từ các chứng từ của các thánh đã đánh dấu trong Lịch sử Giáo hội, các câu này khuyên chúng ta để Chúa hướng dẫn chúng ta cầu nguyện.

Năm 2013, tạp chí quốc tế hàng tháng 30Ngày đăng một đoạn nói chuyện về cầu nguyện mà Đức Albino Luciani nói trong một cuộc tĩnh tâm tháng 1 năm 1965, lúc đó giáo hoàng tương lai Gioan-Phaolô I là giám mục của giáo phận Vittorio Veneta. Khi đọc lại đoạn này, điều làm nổi bật là sự giống nhau trên nhiều điểm của hai người. 

“Ngủ đi, ngủ đi, Chúa đang nhìn bạn”

Sau khi nói về “ý nghĩa của việc chầu Chúa về sự kinh ngạc khi ở trước mặt Chúa”, Đức Albino Luciani nói thêm: “Phải giúp các tín hữu biết chầu Chúa, tạ ơn Chúa. Không một ai tự cho mình là cao lớn trước mặt Chúa. Trước mặt Chúa, Mẹ Maria cũng cảm thấy mình được Chúa nhìn, cũng cảm thấy mình nhỏ. Điều quan trọng là chúng ta cảm thấy mình được Chúa nhìn. Cảm thấy mình là đối tượng của tình yêu của Chúa. Khi còn nhỏ, một đêm Noel, Thánh Bernard ngủ trong nhà thờ và nằm mơ. Chúa Giêsu Hài Đồng như nhìn mình và chỉ tay nói: ‘Em bé Bernard nè, đây là người bạn lớn của con’. Bernard thúc giấc, nhưng cảm nhận của đêm hôm đó không bao giờ xóa mờ trong đầu Thánh Bernard, cảm nhận này đã có một tác động vô cùng to lớn trong cuộc đời của ngài. Chúng ta cảm thấy mình nhỏ chỉ vì chúng ta nhỏ. Nếu chúng ta không cảm thấy mình nhỏ, thì chúng ta khó có được đức tin. Những ai ngẫng đầu lên, huênh hoang quá, họ không tin tưởng ở Chúa. Chúa là Đấng cao cả, trước mặt Chúa, con rất bé nhỏ. Con không xấu hổ để nói như vậy. Con sẽ làm tất cả những gì Chúa đòi hỏi con phải làm”. 

“Tôi không phải là một nhà thần nghiệm”

Trong buổi nói chuyện này, Đức Gioan-Phaolô I nói mình không phải là nhà thần nghiệm, ngài nói thêm: “Nhưng Thánh Têrêxa, người sành sỏi trong các chuyện này, nữ thánh nói: ‘Tôi biết có những thánh, những thánh đích thực, không phải là nhà thần nghiệm, và tôi biết có các tu sĩ thần nghiệm, họ có ơn làm hương nguyện, nhưng họ không phải là các vị thánh’. Điều này muốn nói, ‘trừ ra có một phán đoán tốt hơn’, sự chiêm ngắm không nhất thiết là thánh thiện. Như thế, tôi không thể giúp quý vị trong việc chiêm ngắm, vì thành thật mà nói, tôi cũng không làm được dù tôi đã đọc một vài quyển sách về chuyện này. Chính vì vậy, tôi làm các hương nguyện đơn giản, hương nguyện khiêm hèn, hương nguyện của những tâm hồn đơn sơ”. 

Bốn loại hương nguyện

Ngài nói tiếp: “Tôi giải thích thói quen này bằng một ví dụ rất đơn giản và cụ thể. Vào ngày lễ người cha trong gia đình, ở nhà có tổ chức một buổi vui nhỏ. Khi vào tiệc, người cha biết mình phải nói gì: “Nhìn xem, mọi người chuẩn bị cho tôi một buổi lễ vui!” Đứa con nhỏ nhất của ông lên đầu tiên, cả nhà đã dạy cho nó học thuộc lòng một bài thơ. Đứa bé đọc bài thơ cho cha nghe, người cha khen: “Hoan hô con! Cha rất vui, con giỏi quá, cha cám ơn con, con yêu quý của cha”. Bài thơ đọc thuôc lòng. Đứa bé đi xuống và đúa thứ nhì lên. A! Em không học thuộc lòng một bài thơ, em chuẩn bị một bài nói, hoàn toàn do em làm. Ngắn gọn, nhưng em trình bày rất lưu loát. Người cha khen: “Ồ cha không ngờ con biết viết một bài đọc”. Người cha rất vui, con có các tư tưởng thật hay! (…) Không phải là một tuyệt tác, nhưng… Đứa con thứ ba, một cô gái nhỏ. Em chuẩn bị một bó hoa cẩm chướng đỏ. Em không nói gì. Em đến trước mặt cha, không nói một chữ: nhưng em xúc động, em đỏ mặt mà người ta không biết má của em hay hoa cẩm chướng cái nào đỏ hơn. Và người cha nói với em: “Như thế chứng tỏ con rất thương cha, conđã rất xúc động”. Nhưng không một chữ. Người cha rất thích bó hoa, vì ông thấy con mình xúc động, đầy tình thương cho ông. Rồi đến bà mẹ, người vợ, Bà không cho gì. Bà nhìn chồng mình và người chồng nhìn bà. Họ biết nhau nhiều chuyện. Cái nhìn này gợi lên cả một quá khứ, cả một đời. Tất cả chuyện tốt, chuyện xấu, niềm vui, nỗi buồn trong gia đình. Không có gì khác hơn”.

Đó là bốn loại hương nguyện, ngài giải thích: “Hương nguyện đầu tiên là bằng lời, khi chúng ta sốt sắng lần chuỗi, khi chúng ta đọc Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng; chúng ta là những đứa trẻ con. Hương nguyện thứ nhì là bài nguyện ngắm nhỏ. Tôi suy nghĩ và tôi làm một bài nói ngắn với Chúa, những tư tưởng đẹp, những lời nói yêu thương đậm đà. Hương nguyện thứ ba là bó hoa cẩm chướng, là hương nguyện trìu mến. Cô bé cảm động và lòng tràn ngập yêu thương. Không còn cần đến các tư tưởng đẹp, chỉ để tâm hồn mình nói lên lòng trìu mến. ‘Lạy Chúa, con yêu Chúa’. nếu chúng ta chỉ làm năm phút hương nguyện yêu thương thì còn tốt hơn là suy gẫm. Hương nguyện thứ tư là hương nguyện của người vợ, là hương nguyện của sự đơn giản, của chỉ một cái nhìn. Tôi ở trước mặt Chúa và tôi không nói gì. một cách nào đó, tôi nhìn Ngài. Lời cầu nguyện này có vẻ như ít có giá trị nhưng ngược lại, lời cầu nguyện này có thể cao hơn các lời cầu nguyện khác”.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch