Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

813
Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản
© Vatican Media

Toàn văn Tiếp Kiến Chung ngày 27 tháng Mười Một

VIRGINIA FORRESTER

Buổi Tiếp Kiến Chung được tổ chức lúc 9:00 sáng nay trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và khách hành hương đến từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Trong huấn từ bằng tiếng Ý, Đức Thánh Cha tập trung nói về chuyến Tông du của ngài đến Thái Lan và Nhật Bản, chuyến đi kết thúc tối hôm qua (Trình thuật Kinh thánh: Trích Tin mừng theo Thánh Mát-thêu 28:16-20).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đặc biệt đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến chung kết thúc với bài hát Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Bài Giáo lý của Đức Thánh Cha

Anh chị em thân mến, xin chào anh chị em!
Hôm qua cha đã trở về sau chuyến Tông du đến Thái Lan và Nhật Bản, một món quà mà cha vô cùng cảm tạ Thiên Chúa. Một lần nữa tôi xin cảm ơn các nhà Chức trách và các Giám mục của hai quốc gia này, những vị đã mời tôi và tiếp đón tôi với sự nồng hậu, và tôi đặc biệt xin cảm ơn người dân Thái Lan và người dân Nhật Bản. Chuyến thăm này thắt chặt thêm sự gần gũi và tình cảm của tôi với các dân tộc này: xin Chúa ban ơn phúc thịnh vượng và bình an dồi dào cho họ.

ZENIT English was on the Papal Flight.

Thái Lan là một Vương quốc cổ xưa, nay đã trở nên hiện đại hóa rất cao. Gặp gỡ nhà Vua, Thủ tướng và các nhà Chức trách khác, cha thể hiện lòng quý trọng đối với truyền thống văn hóa và tinh thần phong phú của người dân Thái Lan, dân tộc của “nụ cười xinh đẹp”. Người dân ở đó thường nở nụ cười. Cha khuyến khích cam kết sự hòa hợp giữa các thành phần khác nhau trong quốc gia, cũng như sự phát triển kinh tế là vì lợi ích của tất cả mọi người, và chữa lành các vết thương do sự bóc lột, đặc biệt là phụ nữ và trẻ vị thành niên. Phật giáo là một phần không thể thiếu trong lịch sử và đời sống của người dân nơi đây; do đó, cha đã đến thăm Đức Tăng thống của Phật giáo, tiếp nối con đường tôn trọng lẫn nhau do các Đấng Tiền nhiệm của cha đã khởi xướng, để lòng từ bi và tình huynh đệ có thể phát triển trên thế giới. Liên quan đến vấn đề này, sự kiện rất có ý nghĩa là cuộc họp đại kết và liên tôn, được tổ chức tại Đại học lớn nhất trong nước.

Chứng tá của Giáo hội tại Thái Lan thông qua các công cuộc phục vụ bệnh nhân và người bé mọn nhất. Nổi bật trong đó là Nhà thương Thánh Louis, nơi cha đến thăm, động viên các nhân viên y tế và gặp gỡ một số bệnh nhân. Sau đó, cha dành những giây phút đặc biệt cho các linh mục và những người tận hiến, các Giám mục và anh em Dòng Tên. Cha cử hành thánh lễ ở Bangkok với tất cả Dân Chúa trong Sân vận động Quốc gia và sau đó là với giới trẻ trong Nhà thờ Chính tòa. Ở đó mọi người nhìn thấy rằng trong gia đình mới do Chúa Giê-su Ki-tô thành lập cũng có những khuôn mặt và giọng nói của người Thái.

Sau đó cha sang Nhật Bản. Khi đến Tòa Khâm sứ Tokyo, cha được chào đón bởi các giám mục của đất nước, rồi cha và các ngài chia sẻ về thách đố làm người Mục tử của một Giáo hội nhỏ bé, nhưng là người mang đến nước hằng sống, là Tin mừng của Chúa Giê-su.

Đức Thánh Cha thuật lại chuyến tông du đến Thái Lan và Nhật Bản

Phương châm của chuyến thăm Nhật Bản của cha là “Bảo vệ mọi sự sống”, là một quốc gia đã in dấu những vết thương của vụ đánh bom nguyên tử và là người phát ngôn cho toàn thế giới về quyền căn bản đối với sự sống và hòa bình. Cha dừng chân cầu nguyện tại Nagasaki và Hiroshima; cha gặp gỡ một số người sống sót và thân nhân của các nạn nhân, và cha lặp lại sự lên án mạnh mẽ đối với vũ khí nguyên tử và tính giả hình của những lời nói về hòa bình trong khi vẫn chế tạo và buôn bán vũ khí chiến tranh. Sau thảm kịch đó, Nhật Bản đã thể hiện một khả năng phi thường để chiến đấu cho sự sống; và gần đây quốc gia cũng đã làm như vậy, sau ba thảm họa của năm 2011: động đất, sóng thần và sự cố trong nhà máy nguyên tử.

Để bảo vệ sự sống thì điều cần thiết là phải yêu nó, và ngày nay sự đe dọa nghiêm trọng là sự mất đi ý thức sống ở các nước phát triển.

Nạn nhân đầu tiên của sự trống rỗng về ý thức sống là những người trẻ; do đó, một buổi gặp gỡ tại Tokyo được dành riêng cho họ. Cha lắng nghe những câu hỏi và ước mơ của họ; cha khuyến khích họ cùng nhau chống lại mọi hình thức bắt nạt học đường và vượt qua nỗi sợ hãi và khép kín, mở rộng lòng trước tình yêu của Thiên Chúa trong lời cầu nguyện và phục vụ anh em. Cha đã gặp những người trẻ khác tại Đại học Sophia, cùng với cộng đồng học thuật. Đại học này, giống như tất cả các trường Công giáo, được đánh giá rất cao ở Nhật.

Ở Tokyo, cha có cơ hội đến thăm Hoàng đế Naruhito, cha đã bày tỏ lòng tri ân với ngài; và cha đã gặp các nhà Chức trách của đất nước cùng với Ngoại giao đoàn. Cha hy vọng về một nền văn hóa gặp gỡ và đối thoại, mang nét đặc trưng của sự khôn ngoan và một chân trời rộng lớn. Bằng sự trung thành với các giá trị tôn giáo và đạo đức, và mở ra trước thông điệp rao giảng phúc âm, Nhật Bản sẽ có thể trở thành một quốc gia thúc đẩy cho một thế giới công bằng và hòa bình hơn và cho sự hòa hợp giữa con người và môi trường.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy phó thác dân tộc Thái Lan và Nhật Bản cho sự thiện hảo và sự quan phòng của Chúa. Cảm ơn anh chị em.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 28/11/2019]