by phanxico.vn
lefigaro.fr, 2019-09-13
Đức Phanxicô khẳng định, “tôi không sợ ly giáo”. Bị các người bảo thủ công giáo cho là “cộng sản”, ngài đảm nhận cương vị của mình, đôi khi thái độ của ngài làm cho giáo dân ngạc nhiên.
Tháng 11 sắp tới, Đức Phanxicô sẽ lên đường đi Thái Lan và Nhật, lần đầu tiên của một giáo hoàng sau gần gần bốn mươi năm nay, ngài sẽ đến thăm hai thành phố
Hiroshima và Nagasaki để thêm một lần nữa nói lên hiểm họa của chiến tranh hạt nhân.
Bản thông báo của Tòa Thánh ngày thứ sáu 13 tháng 9 cho biết giáo hoàng Argentina 82 tuổi sẽ đi Thái Lan từ ngày 20 đến 23 tháng 11 và Nhật từ 23 đến 26 tháng 11, hai nước có đại đa số người dân theo Phật giáo. Cùng một lúc, Hội đồng giám mục công giáo Thái Lan có buổi họp báo ở Bangkok để loan báo hai thánh lễ sẽ được cử hành ở nhà thờ chính tòa trong thời gian Đức Phanxicô đến Thái Lan.
Đức Phanxicô sẽ là giáo hoàng đầu tiên đến hai đất nước này sau gần 40 năm, Đức Gioan-Phaolô II đã đến Nhật năm 1981 và đến Thái Lan năm 1984. Thái Lan là nước có đại đa số người dân là phật tử, cũng như nước Nhật đại đa số người dân theo đạo shintô (Thần đạo). Cộng đồng công giáo chỉ chiếm một thiểu số rất nhỏ. Chuyến đi của Đức Phanxicô đến Nhật có tính biểu tượng cao vì ngài sẽ đến thăm hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử vào tháng 8 năm 1945, thành phố Hiroshima với 140.000 chết và thành phố Nagasaki với 74.000 chết.
Đức Phanxicô nhiều lần bày tỏ niềm đam mê của mình với nước Nhật, khi còn trẻ ngài đã mong muốn đi truyền giáo ở Nhật nhưng vì lý do sức khỏe phải mổ một lá phổi nên ngài không đi được.
Ngài cũng thường nhắc đến hiểm nguy chiến tranh nguyên tử. Tháng 1 năm 2018, trên chuyến bay đưa ngài đi Châu Mỹ La Tinh, ngài đã phát cho các ký giả tấm hình nhỏ chụp năm 1945 sau khi bom nguyên tử dội xuống Nagasaki, một em bé Nhật cõng trên lưng em trai đã bị chết. Sau tấm hình là bốn chữ chính tay ngài viết: “Thành quả của chiến tranh.” Vào lúc đó có một báo động giả về một cuộc tấn công tên lửa đã gieo kinh hoàng trên đảo Hawaï, Ngài đã tuyên bố: “Tôi nghĩ chúng ta đang ở giới hạn. Tôi thực sự sợ. Chỉ cần một tai nạn là mọi sự có thể xảy ra”.
Chuyến đi Thái Lan cũng là một biểu tượng, năm nay vương quốc Thái Lan kỷ niệm 350 năm sứ mệnh công giáo đầu tiên được Đức Clement IX thành lập ở vương quốc này. Linh mục Joseph Anucha Chaiyadej, phát ngôn viên của Hội đồng giám mục Thái Lan cho biết: “Đức Giáo hoàng đến đây bên cạnh Giáo hội công giáo Thái Lan để kỷ niệm 350 năm thành lập là điều rất quan trọng. Người công giáo không nhiều ở đất nước này, nhưng ảnh hưởng của họ rất mạnh, nhất là trong lãnh vực giáo dục và các công việc từ thiện. Như vậy chuyến đi này là điều rất tốt cho toàn dân Thái Lan”.
Còn với nữ tu Ana Rosa Sivori, một trong các chị em họ của Đức Phanxicô, sơ đi truyền giáo ở Thái Lan từ 50 năm nay, sơ cho biết “chuyến đi này cho thấy quyết tâm đối thoại với các tôn giáo khác của ngài”. Đây là chuyến tông du thứ 32 của Đức Phanxicô từ sáu năm rưỡi nay. Với Thái Lan và Nhật tổng cộng ngài đã đi thăm 51 nước. Ngài cũng cho biết ngài mong muốn được đi thăm Nam Xuđăng, kể cả Irak sang năm nếu điều kiện an ninh cho phép. Ngài cũng mong muốn đi các nước nhỏ ở châu Âu, nhưng Tây Ban Nha và Pháp chưa có trong chương trình hiện nay. Ngày thứ ba 10 tháng 9, trên chuyến bay từ Madagascar về Rôma, ngài cho biết: “Ưu tiên ở châu Âu là các nước nhỏ, sau đó mới đến các nước lớn.” Ngài vẫn chưa về thăm quê hương Argentina của mình, nơi đang mong chờ ngài về thăm.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm:
Logo và khẩu hiệu cuộc viếng thăm của ĐTC tại Thái Lan
Logo và khẩu hiệu chuyến tông du của ĐTC Phanxicô tại Nhật Bản