Công giáo, Thiên Chúa giáo | Từ vựng Công giáo | Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

389

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

Ngày 21/11/2009 vừa rồi, Giáo hội tại Đài Loan làm lễ bế mạc kỷ niệm 150 năm đón nhận Phúc Âm, biểu ngữ viết rõ là “Thiên Chủ giáo truyền giảng Phúc Âm 150 năm tại Đài Loan”. Tại Sở Kiện, hôm 24/11/2009 Giáo hội tại Việt Nam làm lễ trọng thể Khai mạc Năm Thánh 2010 thì ghi là “Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh 2010 Giáo hội Công giáo tại Việt Nam”. Đài Loan dùng thuật từ “Thiên Chủ giáo”, Việt Nam dùng “Công giáo” để xưng cùng một Giáo Hội. Thật ra còn có nhiều cách gọi Giáo Hội, như: đạo Đức Chúa Trời, đạo Gia Tô, đạo Cơ Đốc, đạo Hoa Lang, đạo Khirixitô, đạo Kirixitô, đạo Kitô. Ở đây chúng ta thử xem xét hai tên gọi Công giáo và Thiên Chủ (Chúa) giáo có khác biệt gì?

1. Công giáo – Thiên Chủ (Chúa) giáo.

1.1. Công giáo
Thuật ngữ Công giáo được dùng để dịch chữ Hy Lạp katholikos, từ gốc là kat’holon, với ý nghĩa đó là đạo chung, đạo phổ quát, đạo công cộng đón nhận mọi người, chứ không riêng cho dân tộc hay quốc gia nào.

Thuật ngữ này cũng được dùng để chỉ mọi Giáo hội “Công giáo về bản chất” qua việc họ tuyên bố giữ niềm tin Công giáo và có tính tông truyền, như: Chính Thống giáo Đông phương và Đông phương không Chalcedon, Công giáo Thượng cổ (Ancient Catholic), Công giáo Cổ (Old Catholic, tách khỏi Giáo hội Công giáo Rôma năm 1870), Công giáo Tự do (Liberal Catholic) hay Giáo hội Chính thức của Anh (High Church Anglicans).

Giám mục Ignatiô thành Antiochia lần đầu sử dụng từ “Giáo hội Công giáo” (Catholic Church) để chỉ mọi tín hữu Kitô, trong bức thư gửi các tín hữu ở Smyrna, năm 107.

Thuật ngữ “Công giáo” thường được dùng để nói về “Công giáo Rôma”. Từ “Rôma” dùng để chỉ vai trò trung tâm của giáo tông Rôma đối với Giáo Hội này và theo định nghĩa mọi tín đồ Công giáo Rôma hợp thông trọn vẹn với vị giáo tông này khi là thành phần của Giáo hội Latinh (Tây phương), chiếm đa số hay thuộc hơn 20 Giáo hội Đông phương nhỏ hơn, chấp nhận “quyền lực phổ quát, tối cao và trọn vẹn trên Giáo Hội hoàn vũ” của giáo tông tại Rôma (Giáo lý vấn đáp Giáo hội Công giáo, 882).

Bốn đặc tính của Giáo Hội là: “Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền”. Những Giáo Hội chấp nhận các đặc tính đó cũng có thể gọi là Công giáo. Nên thuật từ Công giáo không phải chỉ là thuật từ chuyên biệt của Giáo hội Công giáo Rôma.

1.2. Thiên Chúa giáo.
Đã có rất nhiều người lầm tưởng thuật từ Thiên Chúa giáo là dịch từ chữ Christianity, thật ra đây là cách gọi của người Hoa cho chữ Catholic.

Năm 1582, vị thừa sai nước Ý Matteo Ricci đến truyền giáo tại Trung Quốc. Thời đó đang là Vua Vạn Lịch triều Minh, là một nước lớn trung ương tập quyền, đã kế thừa tư tưởng Nho giáo gần hai ngàn năm, muốn dân nước đó đón nhận tín ngưỡng Tây phương là việc rất khó khăn. Cha Ricci không vội khuyên người ta trở lại đạo, mà trước tiên nghiên cứu bối cảnh lịch sử và văn hoá của người Trung Hoa. Ngài phát hiện kể từ đức vua đến bá tánh đều kính Thiên (Trời) là Đấng cao quý nhất. Trong niềm tin Công giáo cũng tin Đấng tạo thành trời đất là Chủ Tể trời đất, nên ngài mượn câu cổ văn Trung Quốc: “Chí cao mạc nhược Thiên, chí tôn mạc nhược Chủ” (至高莫若天,至尊莫若主: Cao nhất không gì bằng Trời, đáng kính trọng nhất không gì bằng Chúa), mà gọi Đấng dựng nên trời đất là Thiên Chủ. Tên gọi này có ý nghĩa rất sâu rộng, hợp với tư tưởng người Trung Quốc, ngài cũng đặt tên cho Giáo hội Công giáo là Thiên Chủ giáo.

Vua Trung Quốc từ thời rất xa xưa đã lấy việc tế Trời là việc quan trọng nhất, việc đó phải do vua chủ tế, mà vua tự xưng mình là Thiên Tử (con của Trời). Trong tập tục lễ cưới, việc trước hết đôi bạn phải làm là bái Thiên Địa. Người Hoa tại Việt Nam không Công giáo trong những ngày Tết luôn phải cúng Trời.

Người ta thắc mắc, tại sao người Việt không dùng thuật từ “Thiên Chủ” theo kiểu Hán Việt, mà dùng thuật từ “Thiên Chúa”. Có người giải thích vì yếu tố chính trị, “Đàng Trong thì có chúa Nguyễn, Đàng Ngoài thì có vua Lê, chúa Trịnh. Vua thì xưng hiệu là đế, là hoàng đế, còn chúa Nguyễn và chúa Trịnh, thì tuy chỉ có tước vương là vua, nhưng thực có binh quyền trong tay và tự quyết định lấy mọi việc. Vì thế khi nói về chúa Trịnh, các giáo sĩ Tây phương thời đó quen gọi là “Le roi du Tonkin”. Biết đâu vì vua là hư vị, còn “chúa” mới có thực quyền cho nên người ta phiên dịch chữ Deus là Thiên Chúa?”[1]  Chủ và chúa trên nguyên tắc có cùng một nghĩa, nhưng khi sử dụng thì hơi có phân biệt. Chúa có tính cách kính nể, như: chúa tể, chúa thánh, chúa xuân, chúa công. Còn chủ là chỉ người nắm quyền thôi, không nhất thiết được người ta kính nể. Nên người ta gọi Thiên Chúa là Chúa, không gọi là chủ, cầu xin Chúa, chứ không cầu xin chủ, nên gọi Thiên Chúa là rất tự nhiên.

Nhiều người dùng chung thuật từ Thiên Chúa giáo cho các tôn giáo theo truyền thống Abraham, vì tôn thờ cùng một Thiên Chúa, như Chính Thống, Do Thái giáo, Cơ Đốc giáo, Hồi giáo. Trên thực tế hoàn toàn không phải như thế. Về niềm tin thì các tôn giáo này tôn thờ cùng một Đấng Tạo Hoá, về cách xưng hô thì hoàn toàn khác nhau. Sở dĩ người Công giáo gọi đạo của mình là Thiên Chúa giáo, vì họ xưng Đấng Tạo Hoá là Thiên Chúa, còn các giáo hội khác, kể cả Chính Thống giáo và Tin Lành không bao giờ gọi Đấng Tạo Hoá là Thiên Chúa, mà gọi là Thượng Đế. Người ta không dùng thuật từ Thiên Chúa, làm sao có thể gọi là Thiên Chúa Giáo được, rõ ràng đó chỉ là cách nhận xét chủ quan của chúng ta, kể cả trong và ngoài Giáo Hội.

2. Nghĩa của những chữ công, giáo, thiên, chúa.

2.1. Công
Công chữ Hán là 公, thuộc loại hội ý, do hai chữ 八 (bát) và ㄙ (khư). 八 (bát) có nghĩa là nghịch với, chữ ㄙ (khư) ý cổ xưa là tư. Trái với tư là công, nghĩa là: (dt.) (1) Tổ phụ: công công; (2) Bố chồng: gia công (con dâu gọi bố chồng); (3) Quốc trưởng mà không phải là thiên tử: chúa công; (4) Tước cao nhất: công, hầu, bá, tử, nam; (5) Tôn kính người khác: Trần công (ông họ Trần); (6) Của chung: công môn (cửa quan); (7) Phổ quát: công cộng; (8) Phép đúng: công bình; (9) Khối tín đồ trung thành với đức giáo tông: Công giáo; (10) Cùng nghĩa với chữ 功 (công): công tích; (11) Họ Công. (đt.) (12) Thuộc về mọi người: công thiên hạ (thuộc về cả nước); (13) Cho mọi người biết: công bố. (tt.) (14) Con đực: công ngưu (bò đực); (15) Không thuộc về cá nhân: điện thoại công cộng.

2.2. Giáo [2]
Chữ Hán là 教, nghĩa là: (đt.) (1) Dạy cách thức: hỗ giáo hỗ học (dạy lẫn nhau và học lẫn nhau); (2) Bảo: thỉnh giáo (xin ý kiến). (dt.) (3) Nghi lễ; (4) Những người tập hợp lại bởi cùng một niềm tinCông giáo; (5) Họ Giáo.

Nghĩa Nôm: (dt.) (1) Vũ khí nhọn cán dài: giáo mác. (đt.) (2) Quay lộn đầu: đũa giáo đầu đuôi; (3) Lật lọng: giáo giở; (4) Quấy trộn: giáo bột làm bánh.

2.3. Thiên [3].
Chữ Hán là 天, nghĩa là: (dt.) (1) Trời: thiên không; (2) Chúa tể vạn vậtThiên hữu hạ dân (Trời phù hộ dân chúng); (3) Tự nhiên: thiên nhiên; (4) Ngày: mỗi thiên (mỗi ngày); (5) Thời gian trái đất tự xoay một vòng: nhất thiên (một ngày); (6) Mùa: xuân thiên (mùa xuân); (7) Những vật không thể thiếu: dân dĩ thực vi thiên (dân cho thức ăn là điều căn bản để sinh tồn); (8) Trên đầu: thiên kiều (cầu vượt); (9) Mệnh trời: Thiên niên (số năm Trời cho); (10) Lương tâm: thiên lương; (11) Vua: thiên tử; (12) Họ Thiên. (tt.) (13) Bởi tự nhiên: thiên tai.

Nghĩa Nôm: (dt.) Bửng đậy quan tài.

2.4. Chúa
Đây là tiếng Nôm, nghĩa là: (dt.) (1) Chúa tể trời đất: Thiên Chúa; (2) Vị cầm đầu một nước (địa vị dưới thiên tử): Chúa Trịnh; (3) Người làm chủ: chúa tàu (chủ tàu). (pt.) (4) Rất mực (nói về mấy loại dở): tôi chúa ghét thứ người đó.

3. Nhận xét.

Thuật từ Công giáo tuy dùng chung cho nhiều tôn giáo tuyên xưng đức tin Công giáo và tông truyền, nhưng lâu nay người ta thường dùng riêng cho Công giáo Rôma nhiều hơn. Thuật từ này rất thích hợp với Hội Thánh chúng ta. Nhưng Giáo Hội tại Trung Quốc không được may mắn như vậy, vì bên Trung Quốc cả đại lục và Đài Loan, chính quyền cấm dùng thuật từ Công giáo, vì người ta hiểu chữ công là thuộc về nhà nước, Công giáo nghĩa là đạo của công quyền, của nhà nước.

Thiên Chúa giáo là thuật từ dùng riêng cho Giáo hội Công giáo Rôma, vì chỉ có Công giáo Rôma mới dùng thuật từ Thiên Chúa cho Đấng Tạo Hoá.

4. Kết luận

Chúng ta muốn hiểu rõ thuật từ Hán – Việt thì không những cần có một số vốn liếng về chữ Hán, còn phải nắm vững ý nghĩa của chữ đó. Như rất nhiều người giải thích chữ giáo trong thuật từ “tôn giáo” là dạy. Trong thuật từ “tôn giáo” chữ giáo rõ ràng là danh từ, mà danh từ của chữ giáo hoàn toàn không có nghĩa là dạy, động từ mới có nghĩa dạy mà thôi. Rất tiếc, nhiều từ điển tiếng Việt lại không ghi rõ từ loại của từng chữ nghĩa, làm cho nhiều người cũng hiểu sai. Vì hiểu không đúng thì giải thích cũng sai. Nhất là trong những trường hợp liên quan đến giáo lý và thần học cần phải chính xác hơn.

___________________________

[1] Gs. Trần Văn Toàn, “Đạo Thiên Chúa, đạo Gia Tô, đạo Cơ Đốc, đạo Công Giáo? Nên gọi thế nào cho chính danh?” (http://www.dunglac.org).

[2] x. về nghĩa chữ giáo ở các trang 183, 192, 200, 473.

[3] x. về nghĩa chữ thiên ở các trang 433, 597, 600, 626, 636, 709.