Cuộc gặp gỡ “Đức tin và Khoa học hướng đến COP26″ | Tri Khoan

560

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh3.googleusercontent.com/pWjXfM4gIQatOujoW_6RgsxKjExYsowJcKFKfuCHEm5ENqXkehejumTpFyVQVK-_7v3wSr6DElj1z0FkXAyMaXsP8OGMo1xRaPBxM97kdvEsyLdeBnX3aHzix6O67ub_zy0ARqLA=w640-h426

Cuộc gặp gỡ “Đức tin và Khoa học hướng đến COP26″
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô

Khán phòng Blessing
Thứ Hai, 4 tháng Mười, 2021
____________________________________

Thưa các nhà lãnh đạo và đại diện tôn giáo,
Thưa quý vị,
Anh chị em thân mến!

Xin cảm ơn tất cả các bạn đã họp mặt ở đây, làm nổi bật khao khát có một cuộc đối thoại sâu rộng giữa chúng ta và với các chuyên gia khoa học. Cho phép tôi đưa ra ba khái niệm để suy tư về sự hợp tác này: tầm nhìn tương thuộc và chia sẻ, động cơ của tình yêu, và ơn gọi tôn trọng.

Các bạn đã có bản in những gì tôi nói bây giờ và để tránh không làm mất thời gian cần thiết cho mọi người nói, tôi gửi bản phát biểu đến tay các bạn, các bạn có thể đọc, và chúng ta tiếp tục trong buổi gặp gỡ này. Cảm ơn các bạn.

1. Mọi thứ đều được kết nối với nhau, mọi thứ trên thế giới đều được kết nối mật thiết với nhau. Không chỉ khoa học, mà cả các tín ngưỡng và truyền thống tinh thần của chúng ta cũng làm nổi bật mối liên hệ tồn tại giữa tất cả chúng ta và với tạo vật. Chúng ta nhận biết những dấu hiệu của sự hài hòa thần thánh hiện diện trong thế giới thiên nhiên: không có sinh vật nào là tự mình tồn tại; mỗi loài đều tồn tại trong sự phụ thuộc vào những loài khác, để bổ sung cho nhau, phục vụ lẫn nhau. [1] Chúng ta gần như có thể nói điều mà Đấng Tạo hóa ban tặng cho những người khác, để trong mối tương quan yêu thương và tôn trọng, chúng có thể phát triển và được thực hiện trọn vẹn. Các loài thực vật, các dòng nước, các sinh vật được hướng dẫn bởi một quy luật do Đức Chúa ấn định trong chúng vì lợi ích của mọi tạo vật.

Thừa nhận rằng thế giới được kết nối với nhau không chỉ có nghĩa là hiểu được những hậu quả nguy hại do hành động của chúng ta gây ra, mà còn xác định các hành vi và giải pháp phải được áp dụng với cái nhìn rộng mở về sự tương thuộc và chia sẻ. Con người không thể hành động một mình, cam kết của mỗi người trong việc chăm sóc người khác và môi trường là nền tảng, một cam kết đương nhiên dẫn đến sự thay đổi cấp bách và cũng phải được nuôi dưỡng bằng đức tin và linh đạo của chính mình. Đối với người Kitô hữu, cái nhìn tương thuộc bắt nguồn từ chính mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi: “Con người càng phát triển hơn nữa, trưởng thành hơn nữa và được thánh hoá hơn nữa thì con người càng đi vào các mối tương quan, đi ra khỏi chính bản thân họ để sống trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, với những người khác và với toàn thể thọ tạo. Theo đó, trong đời sống họ mang lấy động lực Ba Ngôi mà Thiên Chúa vốn in dấu ấn trong họ khi họ được tạo dựng”. [2]

Cuộc gặp gỡ hôm nay, là nơi hiệp nhất nhiều nền văn hóa và linh đạo trong tinh thần huynh đệ, củng cố ý thức rằng chúng ta là thành viên của một gia đình nhân loại: mỗi chúng ta có niềm tin và truyền thống tinh thần riêng, nhưng không có những biên giới và rào cản thuộc văn hóa, chính trị hoặc xã hội cho phép chúng ta tự cô lập mình. Để mang đến ánh sáng cho tầm nhìn này, chúng ta cam kết hướng tới một tương lai được định hình bởi sự tương thuộc và đồng trách nhiệm.

2. Sự cam kết này phải liên tục được thúc đẩy bởi động cơ của tình yêu: “Từ sâu thẳm mỗi trái tim, tình yêu tạo ra những mối liên kết ràng buộc và mở rộng đời sống khi nó đưa con người thoát ra khỏi bản thân để hướng tới người khác”. [3] Tuy nhiên, động lực của tình yêu không được “lập trình hành động” một lần và mãi mãi, mà phải được hồi sinh từng ngày; đây là một trong những đóng góp to lớn mà các tín ngưỡng và truyền thống tinh thần của chúng ta có thể thực hiện trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho sự thay đổi rất cần thiết này.

Tình yêu là tấm gương phản chiếu của một đời sống tinh thần được thể hiện mãnh liệt. Một tình yêu mở rộng đến mọi người, vượt qua những biên giới thuộc văn hóa, chính trị và xã hội; một tình yêu hòa nhập, trên hết cũng là vì ích lợi cho những người bé mọn nhất, họ thường là những người dạy chúng ta biết vượt qua rào cản của sự ích kỷ và phá bỏ những bức tường của bản ngã.

Đây là một thách đố nảy sinh khi đối mặt với sự cần thiết phải chống lại văn hóa vứt bỏ kia, thứ văn hóa dường như đang thịnh hành trong xã hội của chúng ta, và là điều mà Tuyên ngôn chung của chúng ta gọi là “mầm mống của những cuộc xung đột: tính tham lam, sự thờ ơ, thiếu hiểu biết, sợ hãi, bất công, bất an và bạo lực”. Cũng chính những mầm mống xung đột này là nguyên nhân của những vết thương nghiêm trọng mà chúng ta gây ra cho môi trường như biến đổi khí hậu, sa mạc hóa, ô nhiễm, mất mát sự đa dạng sinh học, dẫn đến sự phá vỡ “khối liên minh giữa con người và môi trường phải là tấm gương phản chiếu tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa, là nguồn cội xuất phát của chúng ta và là đích đến chúng ta hướng tới”. [4]

Thách đố này vì ích lợi của một văn hóa chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta và cũng cho chính chúng ta có hương vị của niềm hy vọng, vì rõ ràng nhân loại chưa bao giờ có nhiều phương tiện để đạt được mục tiêu này như ngày nay. Thách đố này có thể phải đương đầu ở nhiều cấp độ khác nhau; đặc biệt tôi muốn nhấn mạnh đến cấp độ: gương mẫu và hành động, và giáo dục. Trong cả hai phương diện, được truyền cảm hứng từ các tín ngưỡng và truyền thống tinh thần, chúng ta có thể thực hiện những đóng góp quan trọng. Có rất nhiều cơ hội xuất hiện, như trong Tuyên ngôn Chung nhấn mạnh, minh họa cho các con đường giáo dục và đào tạo khác nhau mà chúng ta có thể phát triển vì ích lợi của việc chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta.

3. Sự chăm sóc này cũng là một ơn gọi tôn trọng: tôn trọng thụ tạo, tôn trọng người lân cận, tôn trọng chính mình và tôn trọng Đấng Tạo hóa. Nhưng cũng phải có sự tôn trọng lẫn nhau giữa đức tin và khoa học, để “đi vào cuộc đối thoại giữa hai lĩnh vực hướng tới việc chăm sóc thiên nhiên, bảo vệ người nghèo, xây dựng một mạng lưới tôn trọng và huynh đệ” [5]

Một sự tôn trọng không chỉ là thừa nhận cách thụ động và trừu tượng đối với người khác, mà sống theo cách đồng cảm và tích cực muốn hiểu biết người khác và đối thoại với người đó để cùng nhau bước đi trên hành trình chung, hiểu rõ rằng, như được đưa ra trong Tuyên ngôn chung, “những gì chúng ta có thể đạt được không chỉ phụ thuộc vào cơ hội và nguồn lực, mà còn phụ thuộc vào hy vọng, lòng dũng cảm và thiện chí.”

Cái nhìn tương thuộc và chia sẻ, động cơ của tình yêu và ơn gọi tôn trọng. Đây là ba cách diễn đạt mà tôi thấy dường như soi sáng cho công việc của chúng ta để chăm sóc ngôi nhà chung. COP26 ở Glasgow được kêu gọi phải gấp rút đưa ra những phản ứng hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng sinh thái chưa từng có và cuộc khủng hoảng về các giá trị mà chúng ta đang sống, và do đó mang lại niềm hy vọng cụ thể cho các thế hệ tương lai: chúng ta mong muốn đồng hành với hội nghị bằng cam kết và sự gần gũi về tinh thần của chúng ta.

_________________________________________

[1] Xem Tông huấn Laudato si’, 86.

[2] Sđd., 240.

[3] Tông huấn All brothers, 88.

[4] Đức Benedict XVI, Tông thư Caritas in veritate, 50.

[5] Tông huấn Laudato si’, 201.

 

[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/10/2021]