5 điểm chính trong chuyến đi của Đức Thánh Cha đến Đảo Síp và Hy Lạp

587

Tri Khoan chuyển ngữ

Sala Stampa della Santa Sede

I.Media for Aleteia
01/12/21

Đức Thánh Cha đã đến viếng Đức Mẹ để phó thác chuyến đi của ngài cho Mẹ. Ngài mời gọi các tín hữu cầu nguyện để đem lại kết quả cho chuyến đi.

  1. Người di cư và tị nạn

Bằng việc chọn trở lại để gặp gỡ những người tị nạn sau 5 năm đến thăm đảo Lesbos, Đức Thánh Cha Phanxicô một lần nữa thể hiện mong muốn rọi ánh sáng vào những bi kịch của người nhập cư. Từ Roma, Đức Giáo Hoàng không ngừng kêu gọi Châu Âu xem người di cư là những con người chứ không phải con số, ngài sẽ dùng chuyến đi quốc tế thứ 35 này như lời kêu gọi lương tâm của mọi người, tại thời điểm khi những người di cư đang bị chết chìm ngoài khơi Calais hoặc bị dồn ứ tại biên giới Belarus.

Tại Síp, ngài sẽ tham dự một buổi cầu nguyện đại kết với những người tị nạn. Có tin nói rằng ngài có thể đưa một nhóm người di cư trở về Ý.

  1. Đại kết

Ở Síp cũng như ở Hy Lạp, Đức Giáo hoàng sẽ gặp gỡ những vị lãnh đạo các Giáo hội độc lập địa phương, Đức Chrysostom II và Đức Hieronymus II. Đức Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng thứ hai trong lịch sử đặt chân lên miền đất Síp, 11 năm sau chuyến đi của Đức Bênêđictô XVI. Tại Hy Lạp, ngài cũng sẽ theo những bước chân của Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo hoàng đầu tiên đến thăm đất nước này kể từ sau cuộc Đại Ly giáo năm 1054. Vào thời điểm đó, vị Giáo hoàng người Ba Lan đã xin tha thứ cho những sai lầm của Giáo hội Công giáo chống lại Chính thống giáo.

Cho dù có cử chỉ này, Đức Giám mục Theodore Kontidis của Athens chia sẻ rằng vẫn có “sự chia rẽ, đôi khi là sự thù địch” giữa Roma và Giáo hội Hy Lạp – là giáo hội đã từ chối một buổi gặp gỡ cầu nguyện đại kết trong chuyến đi.

Mặt khác, Giáo hội Chính thống Síp có thể cho thấy nhiều tín hiệu cởi mở hơn: thời gian cầu nguyện đại kết được lên kế hoạch trong cuộc gặp gỡ với những người di cư ở Nicosia.

  1. Tình hình chính trị ở Síp

“Vấn đề của Síp có thể được giải quyết thông qua sự đối thoại chân thành và trung thực giữa các bên liên quan, luôn hướng đến lợi ích của toàn đảo”: đây là những lời của Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết vào đêm trước chuyến đi của Đức Giáo hoàng.

Từ năm 1974, hòn đảo này đã bị chia làm hai giữa Cộng hòa Síp với đa số Chính thống giáo ở phía nam, và Cộng hòa Bắc Síp thuộc Thổ Nhĩ Kỳ, với đa số là người Hồi giáo, chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ công nhận. Một nguồn tin ngoại giao địa phương cho biết, kể từ thất bại của kế hoạch thống nhất Annan năm 2004 – bị người Síp ở miền nam từ chối – một hiện trạng nhất định dường như đã được thiết lập.

Về phần mình, Tòa thánh “ủng hộ mọi nỗ lực” đi theo hướng thống nhất là “giải pháp duy nhất” cho nền hòa bình trên đảo, ông Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa thánh giải thích.

Người ta không mong đợi Đức Giáo hoàng Phanxicô giải quyết vấn đề từ quan điểm chính trị, Đức Tổng Giám mục Selim Sfeir, Tổng Giám mục Giáo hội Maron của Síp, cho biết, nhưng “bày tỏ tình liên đới với người dân.”

  1. Địa Trung Hải

“Châu Âu không thể lãng quên Địa Trung Hải,” Đức Giáo hoàng Phanxicô nói trong một thông điệp video một tuần trước khi khởi hành.

Tháng Hai năm 2022, vị giáo hoàng người Argentina một lần nữa sẽ triệu tập tất cả các giám mục thuộc vùng Địa Trung Hải tại Florence trong một cuộc họp thượng đỉnh với các nhà hữu trách được bầu chọn.

Đức Thánh Cha Phanxicô coi Địa Trung Hải là một lưu vực trao đổi, ngày nay là điểm nóng của vấn đề di cư. Ngày 28 tháng Mười Một năm ngoái, ngài cảm thán về số phận của những người vượt biển này “để tìm kiếm một vùng đất thịnh vượng nhưng thay vào đó lại là một ngôi mộ.”

Nhưng chủ đề này cũng liên quan đến vấn đề đại kết, Carol Saba thuộc Chính thống giáo Pháp giải thích, người cho rằng Địa Trung Hải nên “kết hợp hai lá phổi của Kitô giáo lại với nhau”.

  1. Sức khỏe của Đức Thánh Cha

Mười một ngày sau khi trở về từ Athens, Đức Giáo hoàng người Argentina sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 85 vào ngày 17 tháng Mười Hai, sau một năm đánh dấu bởi những lo lắng về sức khỏe. Năm 2021 bắt đầu với sự xuất hiện trở lại của cơn đau thần kinh tọa khiến ngài phải hoãn một số cuộc yết kiến.

Nhưng chủ yếu là cuộc phẫu thuật đại tràng của ngài vào tháng Bảy năm ngoái đã buộc Đức Giáo hoàng phải nghỉ ngơi. “Tôi vẫn còn sống,” ngài nói cách châm biếm trên một đài phát thanh Tây Ban Nha vào đầu tháng Chín, để bác bỏ tin đồn về việc ngài sẽ từ chức vì lý do sức khỏe.

Kể từ đó, chương trình nghị sự của vị Giám mục Roma không trống lịch. Nhưng trong buổi tối trước khi khởi hành đến Síp và Hy Lạp, Vatican để lộ ý kiến cho biết Đức Giáo hoàng nên nghỉ ngơi.

Thông tin được đưa ra cách gián tiếp. Trong khi các bản tin báo chí đặt câu hỏi về việc hoãn buổi tiếp kiến giữa Đức Giáo hoàng Phanxicô và các thành viên của Ủy ban Pháp về lạm dụng tình dục – dự kiến vào ngày 9 tháng Mười Hai, ba ngày sau khi Đức Giáo hoàng trở lại Roma – Đức Tổng Giám mục Eric de Moulins Beaufort đã làm rõ vấn đề, giải thích rằng Văn phòng đặc trách các vấn đề nội chính của Giáo hoàng có “nhiệm vụ làm nhẹ bớt” lịch trình của Giáo hoàng khi trở về sau chuyến đi của ngài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/12/2021]