Cha Patrick Briscoe, OP
04 tháng Mười, 2020
Tông thư thứ ba của Đức Thánh Cha Phanxicô được truyền cảm hứng bởi Thánh Phanxicô.
Hôm nay, ngày 4 tháng Mười, lễ Thánh Phanxicô Assisi, Đức Thánh Cha đã công bố một tông thư mới, gửi đến tất cả những người nam nữ thiện chí. Dưới đây là 10 điều bạn cần biết về tông thư đó.
1 – Tên của tông thư, Fratelli Tutti, có nghĩa là “Tất cả anh em” và là một lời trích dẫn trực tiếp từ tác phẩm Admonitions của Thánh Phanxicô. Lời khuyên dạy rằng: “Hỡi anh em, tất cả chúng ta hãy chiêm ngắm Người Mục Tử Nhân Lành là Đấng chịu đau khổ trên Thập giá để cứu đoàn chiên của Người” (Admonitions, 6,1)
2 – Tông thư nói về tình huynh đệ và tình bạn xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Tôi mong rằng, trong thời đại của chúng ta, bằng cách chân nhận phẩm giá của mỗi con người, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh một khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa tất cả những người nam và nữ” (Fratelli Tutti, 9).
3 – Thánh Phanxicô, nguồn cảm hứng cho tông thư Laudato Si’ của Đức Giáo hoàng về môi trường, cũng truyền cảm hứng cho tông thư Fratelli Tutti. Đức Thánh Cha khẳng định, “Thánh Phanxicô đã có thể đón nhận sự bình an đích thực trong tâm hồn, và giải thoát bản thân khỏi ý muốn nắm quyền trên người khác. Thánh nhân trở thành một trong những người nghèo khó và tìm cách sống hòa hợp với tất cả. Thánh Phanxicô đã truyền cảm hứng cho những trang này” (Fratelli Tutti, 4).
4 – Đức Thánh Cha trình bày rằng triển vọng về tình huynh đệ nhân loại được đặt trên nền tảng phẩm giá bất khả nhượng của mỗi con người. Ngài viết, “Tình bạn xã hội và tình huynh đệ phổ quát đòi hỏi sự thừa nhận giá trị của mỗi nhân vị, luôn luôn và ở mọi nơi” (Fratelli Tutti, 108). Nếu phẩm giá của những người khuyết tật, những người nghèo khó hoặc những người thiếu sự tiếp cận giáo dục bị đe dọa, thì “tình huynh đệ sẽ chỉ còn là một lý tưởng mơ hồ” (Fratelli Tutti, 109).
5 – Không nhằm mục đích phân tích toàn diện, Đức Thánh Cha đưa ra một danh sách “những đám mây đen” cản trở việc nuôi dưỡng tình huynh đệ của con người. Trong số đó là: sự trỗi dậy của văn hóa “loại bỏ”, các mối đe dọa đối với phẩm giá của người di cư, đại dịch COVID-19, sự gây hấn được thúc đẩy bởi truyền thông kỹ thuật số, và đánh mất tình yêu đối với sự khôn ngoan. (Fratelli Tutti, 9-55).
6 – Trọng tâm thần học của tông thư là suy ngẫm về dụ ngôn Người Samari nhân hậu. Đức Thánh Cha Phanxicô dạy, “Dụ ngôn trình bày một cách hùng hồn về quyết định căn bản mà chúng ta cần thực hiện để xây dựng lại thế giới bị thương tổn của chúng ta. Đứng trước quá nhiều đau đớn và đau khổ, con đường duy nhất của chúng ta là noi gương Người Samari nhân hậu” (Fratelli Tutti, 66). Đức Thánh Cha thúc giục chúng ta đừng ở trong số những kẻ cướp cũng như đừng ở trong số những kẻ bỏ rơi người cô thế, nhưng hãy “trở thành những người Samari nhân hậu, là người gánh lấy nỗi đau của những vấn đề của người khác hơn là khích động lòng căm thù và oán hận” (Fratelli Tutti, 77).
7 – Tình huynh đệ của con người được nuôi dưỡng bằng việc tái khám phá tình yêu. Tình yêu, hiệp nhất bằng cách kéo con người thoát ra khỏi bản ngã của mình, cho phép chúng ta trải nghiệm sự sâu sắc và trọn vẹn của cuộc sống. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Vì vậy, tình yêu không chỉ là một chuỗi những hành động nhân từ. Những hành động đó bắt nguồn từ sự hiệp thông ngày càng hướng tới người khác, xem họ có giá trị, đáng trọng, đẹp lòng và xinh đẹp, bất kể vẻ ngoài thân xác hay đạo đức của họ” (Fratelli Tutti, 94).
8 – Đức Thánh Cha kêu gọi một mô hình chính trị mới, một mô hình thực sự tìm kiếm ích chung cho tất cả mọi người. Ngài viết, “Sự thiếu quan tâm đến những người dễ bị tổn thương có thể ẩn nấp sau chủ nghĩa dân túy lợi dụng họ một cách phi lý cho mục đích riêng, hoặc chủ nghĩa tự do phục vụ lợi ích kinh tế của những người có quyền lực” (Fratelli Tutti, 155). Nền chính trị mới phải đặt tình bác ái ở trung tâm, được thể hiện qua việc sẵn sàng hy sinh và mở rộng cần thiết để có tình đoàn kết thật sự.
9 – Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi xóa bỏ hoàn toàn án tử hình. Ngài viết, “Hôm nay chúng tôi tuyên bố thật rõ rằng ‘án tử hình là không thể chấp nhận được’ và Giáo hội cam kết kiên quyết kêu gọi xóa bỏ hình phạt này trên toàn thế giới” (Fratelli Tutti, 263). Lập luận rằng ngay cả những kẻ sát nhân cũng không từ bỏ phẩm giá căn bản của họ, Đức Thánh Cha Phanxicô coi án tử hình là một hành vi xúc phạm đến phẩm giá bất khả xâm phạm của con người.
10 – Đức Thánh Cha cho rằng việc làm chứng tá cho Thiên Chúa góp phần vào ích chung của xã hội. Đức Thánh Cha Phanxicô viết, “Nỗ lực tìm kiếm Thiên Chúa với tấm lòng chân thành, miễn là không bao giờ bị hoen ố bởi các mục tiêu theo hệ tư tưởng hoặc nhằm phục vụ cho bản thân, giúp chúng ta nhìn nhận nhau như những người bạn đồng hành, là anh chị em thật sự” (Fratelli Tutti, 274).
Tông thư kết thúc bằng sự tôn vinh tấm gương của Chân phước Charles Foucald, cùng với Thánh Phanxicô. Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý, “Chỉ bằng cách đồng hóa mình với những người bé mọn nhất thì cuối cùng ngài mới trở thành anh em của tất cả mọi người.” Đó phải là mục tiêu của mọi người Kitô hữu.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 7/10/2020]