Giáo Lý Phúc Âm Lễ Hiện Xuống | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1117

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Sách Tông Đồ Công Vụ 2,1-11;
Thư thứ I Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,3-7,12-13;
và Phúc Âm Thánh Gioan 20,19-23

https://maryannmcsweeny.files.wordpress.com/2016/05/ed_de_guzman_pentecost.jpg

http://4.bp.blogspot.com/-P7PGJHLxKTc/TdAIQ_w6EDI/AAAAAAAABBE/XVBZfvUNvaE/s1600/peace_4766c.jpg

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con!” Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Đó là Lời Chúa.

Diễn ý:

Chiều ngày Thứ Nhất Phục Sinh,
Môn đệ kín cửa nín thinh phập phồng.
Giêsu xuất hiện giữa phòng,
Bình an chúc phúc muôn lòng mừng vui.

Bây giờ không thể trốn chui,
Nhưng phải rao giảng Tin Vui nhân trần.
Thổi hơi ban tặng Thánh Thần,
Cầm buộc tháo gỡ riêng phần thiêng liêng.

Thánh Thần sức mạnh thần thiêng,
Kẻ nào cản trở ngã nghiêng đổ nhào.
Thánh Thần sắc đỏ khoe màu,
Ngọn lửa nóng sốt sôi trào nhiệt tâm.

Giáo Hội kiên vững ngàn năm,
Qua bao bắt bớ giam cầm dã man.
Thế quyền có lúc tiêu tan,
Thần quyền bền vững nhờ ban Thánh Thần. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

https://i.pinimg.com/originals/29/6c/db/296cdb0e5010f0aeecf69c406a415009.jpg

  • Tông đồ được ban bình an, được nhận lãnh chính Chúa Giêsu Phục Sinh.
  • Tông Đồ được ban Chúa Thánh Thần để hướng dẫn thi hành sứ mệnh truyền đạo.
  • Tông Đồ được sai đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân và thành lập Giáo Hội Chúa Kitô ở trần gian.

II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:
Những biểu tượng của Chúa Thánh Thần:

Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng nước:

  • Nước thanh tẩy có sức tái sinh trong Bí tích Rửa Tội được mô tả trong I Côrintô 12,13.
  • Nước cứu độ chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu bị đâm thủng như trong Phúc Âm Gioan 19,34.
  • Nước, máu và Thánh Thần hoà nhập làm thành nguồn ơn cứu rỗi như trong Thư Thứ I Thánh Gioan 5;8.

Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng việc xức dầu Thánh:

  • Chúa Kitô được gọi là Đấng Messia, tức Đấng được xức dầu, Đấng được nhận lãnh sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Xức dầu đồng nghĩa với Thánh Thần (Thư Thứ I Thánh Gioan 2,20,27 hay Thư Thứ II của Thánh Phaolô gửi Côrintô 1,21).
  • Xức dấu tấn phong và thánh hiến trong nghi thức truyền chức thánh.
  • Xức dầu ban sức mạnh của Chúa Thánh Thần làm chứng nhân cho Chúa Kitô trong Bí tích Thêm Sức.

https://i.pinimg.com/originals/bf/c7/d0/bfc7d0c814c994093bd6343b21316f31.jpg

Chúa Thánh Thần được trưng bằng hình chim câu:

  • Trong các ảnh tượng Kitô giáo, hình chim bồ câu là biểu tượng truyền thống để chỉ Thánh Thần. Ông Nôe, sau lụt hồng thuỷ đã thả chim câu để thăm dò về sự sống trên mặt đất (Sáng Thế Ký 8,8-12). Chúa Giêsu sau khi lãnh nhận phép rửa của Gioan, Thánh Thần với hình chim bồ câu đã đáp xuống trên Ngài (Mt 3,16).

Chúa Thánh Thần được trưng bằng lửa:

  • Lửa tượng trưng cho năng lực biến đổi: Gioan Tẩy Giả loan báo Đức Kitô là Đấng “sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và trong lửa” (Lc 3,16). Đức Giêsu cũng nói “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa ấy bùng cháy lên” (Lc 12, 49). Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ nhận Chúa Thánh Thần với hình lưỡi lửa (Công Vụ 2,3-4). Hay như trong Thư I Thánh Phaolô gửi Tessalonica khuyên “Anh chị em đừng dập tắt Thánh Thần” ( I Th.5,19).

Chúa Thánh Thần được tượng trưng bằng gió:

  • Trong ngày Lễ Ngũ Tuần, khi các tông đồ đang hội họp với nhau thì nghe tiếng gió thổi mạnh, Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa xuống trên các ông và các ông đầy Chúa Thánh Thần, mở toang cửa ra đi rao giảng Tin Mừng.
  • Thánh Thần dịch từ tiếng Hy Lạp cổ Pneuma, có nghĩa là hơi thở, là thần khí, là sức sống. Sau khi nắn đúc hình người xong, Chúa thổi hơi vào mũi và hình người bằng đất sét ấy thành vật sinh linh.
  • Gió nhẹ nhàng, êm ái, có thể len lỏi vào mọi chỗ, mọi nơi. Nhưng gió cũng có thể thành bão tố phá sập tất cả những gì cản trở. Không quyền lực nào có thể cản trở sự phát triển của Giáo Hội.

III. Thực hành Phúc Âm:

 

Biểu tượng Chúa Thánh Thần: Chim bồ câu, tinh khiết và trong sáng

Chung quanh khu vực nhà thờ nơi tôi đang làm Cha Sở. Tôi xây đài Lòng Chúa Thương Xót… bên cạnh là tượng Đức Mẹ Mân Côi. Ở góc đài Lòng Chúa Thương Xót là tượng Pieta, Đức Mẹ ôm xác Chúa, rồi tượng Thánh Gia Thất, rồi tượng Tổng Lãnh Thiên Thần Micae… Đó là chưa kể tượng Thánh Tâm và tượng Đức Mẹ Hồn Xác lên trời, bổn mạng nhà thờ.

Giáo dân nói: Nhiều tượng quá! Tôi trả lời: Anh chị em không tốn tiền để nuôi những tượng nầy… Nhưng những tượng nầy giúp anh chị em hướng tâm hồn lên với Chúa. Cả ngày nhiều người vào internet để xem những hình ảnh khiêu dâm. Dọc hai bên đường thấy toàn bảng quảng cáo thức ăn, nhà hàng, fastfood hay mua bán xe hơi hay mua bảo hiểm… Toàn những chuyện làm anh chị em không sao ngẩng đầu lên được.

Không có con vật nào mà đầu ngẩng cao cả. Thú vật luôn cúi xuống đất tìm thức ăn. Con người mà chỉ biết tìm những thứ dưới đất như thức ăn, nhục dục hay mua sắm thì… cũng như con vật… chỉ biết cúi xuống đất.

Xin hãy sống là con người biết ngẩng cao đầu hướng tâm hồn lên về những gì trong sáng như chim bồ câu, trong sáng và thanh khiết.