Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Quanh Năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

872

CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM A

Sách Tiên Tri Êzêkiel 33,7-9; 
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 3,8-10
và Phúc Âm Thánh Matthêu 18,15-20

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế. “Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất, thì trên trời cũng tháo gỡ. “Thầy lại bảo các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Nếu anh em ngươi lỗi phạm,
Sửa dạy riêng tư không chạm tới ai.
Nếu nó như kẻ điếc tai,
Thêm vài người nữa sửa sai rõ ràng.

Nếu nó dứt khoát ngang tàng,
Đem chuyện lỗi phạm trình làng xét phân.
Nếu nó bất kể phải chăng,
Thôi thì bóp bụng dứt phân đôi đường.

Quyền bính cầm buộc tỏ tường:
Đất tháo hay gỡ thiên đường Ô – kê.
Hiệp ý cầu nguyện khỏi chê,
Xin gì được nấy! Bỏ bê sao đành!

Khôn ngoan bỏ thói tranh giành,
Tị hiềm ganh ghét đành hanh hẹp hòi.
Đó là gánh lấy thiệt thòi,
Thầy không ở chỗ chuyên đòi ăn thua.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

Sửa lỗi nhau, không là lời khuyên nhưng là bổn phận của người theo Chúa phải thi hành.

Sửa lỗi để được người anh em tốt hơn. Đồng tâm hiệp nhất sẽ làm cho lời cầu nguyện được Chúa lắng nghe.

II. Diễn giải Phúc Âm:    

“Nếu người anh em của ngươi trót phạm tội, thì hãy đi sửa lỗi nó” tại sao lại “phải” sửa lỗi anh chị em mình?

Đơn giản: Tất cả là anh chị em trong một gia đình có Thiên Chúa là Cha. Anh chị em phải thương yêu nhau và sửa lỗi cho nhau? Biết rồi! Nhưng Chúa như Cha mẹ, tại sao không sửa lỗi con cái mình mà phải nhờ anh chị em của nó? Phúc Âm không nói đến việc Thiên Chúa là Cha, phải sửa lỗi con cái mình, nhưng nói đến bổn phận con cái và bổn phận anh chị em với nhau. Bình thường trong một gia đình, Cha mẹ để cho anh chị em chỉ bào nhau trước. Sau cùng, khi họ “bó tay” thì Cha mẹ mới ra tay. Hơn nữa, cùng là con người với nnhau, cùng hoàn cảnh sinh sống, cùng kinh nghiệm về những khó khăn cuộc sống, anh chị em dễ thông cảm và sửa lỗi cho nhau hơn.

Sửa lỗi nhau nhiều lần và bằng nhiều cách: Riêng tư giữa hai người – với vài người và sau cùng với cộng đoàn Dân Chúa.

Sửa lỗi nhiều lần vì người có lỗi thường không nhận ra lỗi mình ngay đâu. Bằng nhiều cách, từ riêng tư cho đến cộng đoàn, vì người có lỗi nhiều khi ngoan cố, không chấp nhận ý kiến cá nhân. Nhiều người cùng chung ý kiến sẽ dễ thuyết phục người có lỗi hơn.

Tại sao hai ba người hợp nhau cầu nguyện thì dễ được lắng nghe hơn?

Thiên Chúa là một Chúa với ba ngôi vị khác nhau. Tính duy nhất nơi Thiên Chúa hoàn hảo đến nỗi phân biệt nhưng không dị biệt hay đối chọi. Người ta thường dùng hình tam giác đều để diễn tả Ba Ngôi Thiên Chúa: Không thể thiếu và cũng không thể hơn nhau.

Lời cầu nguyện chung nói lên tình yêu thương hiệp nhất.

Lời cầu nguyện chung nói lên tính cách chính đáng của lời cầu xin.

Nghĩ thế nào về lời cầu nguyện chung không được nhậm lời? Đang khi  Chúa hứa “Hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy Đấng ngự trên trời sẽ ban cho”.

Chắc chắn Chúa không lừa dối chúng ta. Tuy nhiên lý do tại sao lời cầu nguyện chính đáng của cả cộng đoàn tha thiết dâng lên mà không được nhậm lời. Thí dụ cả giáo xứ cầu cho người kia khỏi bệnh… Trong thực tế có nhiều thắc mắc liên quan đến lời cầu xin không được nhậm lời. Không có một giải thích nào thỏa đáp cho mọi người dù Giáo Hoàng hay Giám Mục. Sau cùng thì ai cũng khuyên là “chấp nhận thánh ý Chúa!” Tôi xin được chia sẻ như thế nầy: Đâu phải tất cả mọi yêu cầu chính đáng của con cái đều buộc cha mẹ phải chìu theo. Chúa là Cha chúng ta! Chúa sẽ ban những ơn cần thiết cho chúng ta. Tuy nhiên Chúa cũng có chương trình của Chúa cho chúng ta, mà vì chương trình nầy, lời yêu cầu không được lắng nghe. Thí dụ: Cả gia đình cầu xin cho con mình thi đậu đại học, nhưng nếu gia đình khá giả và sống không tốt thì có nên cho gia đình một thử thách hay một thất bại để hồi tâm chăng?

III. Thực hành Phúc Âm:

Nhắm mắt làm ngơ

Bên nầy cảnh sát thấy khó điều tra những tội phạm về phía người Việt Nam. Vì ai cũng trả lời là: Tôi không biết hay Tôi không thấy. Càng dễ giả mù sa mưa khi nói rằng: Tôi không biết tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi không hiểu ông nói gì. Cảnh sát bó tay!

Người Việt Nam hay sống theo kiểu: Cha chung chết không ai khóc hay đèn nhà ai nhà ấy rạng. Dính vô chuyện của người thêm rắc rối. Kết quả xấu: Tội phạm vẫn được bao che. Thái độ nầy phải gọi là vô trách nhiệm, vì tội phạm trong xã hội gây đau khổ cho nhiều người. Không khai báo hay ém nhẹm thông tin là gây hại cho việc chung. Khi báo cho cơ quan công quyền về những tội phạm nầy, không là tố cáo nhưng vẫn nằm trong cách sửa lỗi của bài Phúc Âm hôm nay. Người ăn trộm, ăn cướp hay hút xì ke ma tuý không thể áp dụng chuyện khuyên răn nhỏ nhẹ giữa hai người, vì họ sẽ không để người có thiện chí sửa lỗi theo kiểu huynh đệ nầy an toàn. Nên phải đưa ra công quyền để tránh mọi hậu quả tai hại cho cá nhân.

Người Việt Nam lén lút gây tội phạm như trồng cỏ hay mua bán cần sa là vì lối sống “đèn nhà ai nhà ấy rạng” nầy. Xin tìm cách thông báo, không vì ghét họ, nhưng vì thương nhiều người khác.

Cả nể

Thường ai cũng thích được khen. Thường ai cũng không thích được người khác xây dựng.

Những người đi tu lại càng thích được khen: Cha trẻ, cha giảng hay quá, soeur có duyên quá, soeur hát hay quá… Nhiều khi đó là thật, nhưng nhiều khi cũng chỉ để lấy lòng. Biết người ta nói xạo để lấy lòng nhưng vẫn thích.

Hiện tại có nhiều bà có chút ít tiền bên nầy thì thích về Việt Nam mua danh, nhất là danh bảo trợ Đức Cha nầy, Cha nọ hay nuôi Thầy nầy, Thầy nọ. Bà đã tám mươi tuổi nhưng vẫn được Đức Cha khen là đẹp và chỉ chừng 50 tuổi là cùng… Đức Cha nói nịnh để được lòng người và nhất là để được ít trăm xin lễ béo. Chuyện có thật! Nói ra mích lòng! Nhưng xin một điều là: Nói thật! Chứ đừng nói nịnh hay nói để cầu lợi, cầu tài. Tính cả nể làm hại nhau: Anh em linh mục kia giảng không hay vì không bao giờ soạn bài giảng hay suy niệm Lời Chúa. Biết vậy chúng ta nên sửa lỗi riêng tư, chứ đừng nên khen điều không nên khen.

Có Cha kia rất được lòng giáo dân, không vì Cha có nhiệt tâm tông đồ hay yêu thương phục vụ giáo dân nhưng Cha “khéo nói!” Thí dụ: Đầu lễ, Cha đứng cuối nhà thờ, chào hỏi và khen hết bà nầy đẹp tới cô kia duyên dáng. Cha còn nói rằng: Không có chị nhà thờ mất màu tươi trẻ hẳn! Nói thật: Cha nói khéo nhưng nói xạo quá!

— — —

Xem bài liên quan: