Bài giảng Chúa Nhật Lễ Phục Sinh | Lm Peter Trần Thế Tuyên

987

CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Sách Công Vụ Tông Đồ 10, 34. 37-43;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Colssê 3,1-4
và Phúc Âm Gioan 20, 1-9

Diễn ý Phúc Âm

Ma-ri-a, ngày đầu tuần
Ra thăm mộ Chúa, lòng thuần nhớ thương.
Tảng đá to lớn vô phương!
Lăn ra bên cạnh! phô trương điều gì?

Quay về thông báo tức thì:
“Người ta lấy xác Thầy đi mất rồi”
Phê-rô lòng dạ bồi hồi
Rủ Gioan ra mộ xem coi thế nào?

Đến mộ, Phê-rô, bước vào:
Khăn liệm còn đó xác nào thấy đâu?
Gio-an đã tới trước lâu
Vào thấy mồ trống, nhớ câu Thầy truyền:

“Thầy phải đau khổ buồn phiền
Chết, chôn, sống lại! Nắm quyền Cứu Tinh”
Sống là tin Chúa Phục Sinh
Chết là tiếp nối phúc vinh thiên đàng. Amen.

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. 8 Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Đó là lời Chúa.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa đã sống lại ngoài ức đoán của con người: Thấy mồ trống, Bà Maria Madalêna nghĩ là người ta trộm xác Chúa. Thấy Chúa Giêsu sống lại, bà nghĩ là người làm vườn.

Chúa  đã sống lại thật:

Hiện tượng mồ trống: Khối đá lấp cửa mồ đã lăn sang một bên; Xác Chúa Giêsu không còn trong mộ, khăn liệm vải liệm xếp gọn ghẻ sang bên.

Chúa phục sinh hiện ra cho Maria Madalêna và bảo bà đi loan báo tin Chúa Phục Sinh cho các môn đệ Chúa.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

Ngày Thứ Nhất trong tuần là ngày nào trong Kinh Thánh?
Ngày Thứ Nhất trong tuần là ngày Chúa Nhật tính theo Dương Lịch? 

Ngày Thứ Nhất trong tuần theo Kinh Thánh và truyền thống của người Do Thái:

Từ “Ngày Thứ Nhất trong tuần” được xử dụng tám lần trong Kinh Thánh Tân Ước và chúng ta không  thấy đề cập đến từ Chúa Nhật:

Bốn lần “ngày thứ nhất trong tuần” được nói đến trong Matthêô 28:1; Matcô 16:2; Luca 24:1 và Gioan 20:1 như chúng ta thấy trong Phúc Âm hôm nay. Tất cả bốn Phúc Âm đều nói đến “ngày thứ nhất trong tuần” như là ngày khám phá ra việc Chúa Phục Sinh.  Chắc chắn ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath vì những người đàn bà mang thuốc thơm đến mộ Chúa ngày Thứ Nhất trong tuần vì họ không kịp làm chuyện nầy trong ngày Sabbath như trong Luca 23:56.

Hai lần khác nói đền “ngày thứ nhất trong tuần” là việc Chúa hiện ra trong cùng ngày được nói trong Phúc Âm Matcô 16:9 và Gioan 20:19. Trong Phúc Âm Gioan 10:19 nói đến việc Chúa hiện ra cho các tông đồ đang tụ họp trong phòng đóng kín cửa vì sợ người Do Thái dòm ngó. Họ tụ họp không phải để cử hành ngày Sabbath gì cả, nhưng xem chừng chỉ nói cho nhau về những tin đồn Chúa sống lại.

Thánh Phaolô giảng dạy trong “ngày thứ nhất trong tuần” như trong Công Vụ sứ Đồ 20:7 mô tả. Ai cũng hiều là chiều tối ngày Thứ Bảy sau khi mặt trời lặn theo như cách tính ngày của người Do Thái. Sau đó Phaolô đi Giêrusalem. Không thấy nói đến việc Phaolô giữ luật ngày Chúa Nhật. Trong thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gừi Giáo Đoàn Corintô 16:2 nói đến yêu cầu quyên góp giúp Hội Thánh nghèo ở Giuđêa vào ngày Thứ Nhất trong tuần. Nhưng đây là việc làm riêng tư chứ không phải là một quyên góp trong ngày nhóm họp Sabbath.

Kinh Thánh và truyền thống Do Thái cho thấy: Ngày Thứ Nhất trong tuần không phải là ngày Sabbath của Do Thái. Ngày Sabbath là ngày thứ bảy, ngày Đấng Tạo Hoá nghỉ sau sáu ngày tạo dựng như trong Sáng Thế Ký 2:2-3 mô tả. Sau nầy ngày Thứ Bảy tức ngày Sabbath thành ngày lễ buộc phải nghỉ cho toàn dân Do Thái như được ghi trong sách Xuất hành 20:11 và cả trong hai bia đá lề luật mà Môsê nhận ở núi Sinai (Xuất Hành 16, 23-30)

“Ngày thứ nnhất trong tuần” là ngày sau ngày Sabbath, ngày nghỉ lễ mà sau nầy lịch Roma gọi là Dies Solis, ngày của Thần Mặt Trời, tức ngày Chúa Nhật bây giờ.

Ngày Thứ Nhất trong tuần là ngày Chúa Nhật tính theo Dương Lịch.

Dương lịch, lịch tính theo Thái Dương hệ tức hệ mặt Trời. Đây là lối tính lịch của La Mã. Người La Mã gọi tên các ngày trong tuần theo tên của bảy hành tinh trong Thái Dương Hệ: Mặt Trời (Sun) – Mặt Trăng (Moon) – Hoà tinh (Mars) – Thuỷ tinh (Mercury) – Mộc tinh (Jupiter) – Kim tinh (Venus) – Thổ tinh (Saturn)

Mặt trời – Sun – Sunday – Dies Solis – First Day – Ngày Chúa Nhật – Dies Dominica.
Mặt Trăng – Moon – Monday – Dies Lunae – Ngày Thứ  Hai.
Hoả  Tinh – Mars – Tuesday –  Dies Martis – Third Day – Ngày Thứ Ba.
Thuỷ  tinh – Mercury – Wednesday – Dies Mercurii – Fourth Day – Ngày thứ Tư.
Mộc Tinh – Jupiter – Thursday – Dies Jovis –  Fifth Day – Ngày Thứ Năm.
Kim Tinh – Venus – Friday – Dies Veneris – Ngày Thứ Sáu.
Thổ  tinh – Saturn – Saturday – Dies Saturni –  Ngày Thứ Bảy.

Dương Lịch, lịch theo Thái Dương hệ của La Mã rất ảnh hưởng ngay từ thời bấy giờ và ảnh hưởng mạnh mẻ trong Kitô giáo. Nó minh định rằng: Ngày Chúa Nhật, Ngày thần Mặt Trời, ngày thứ nhất trong tuần, ngày của Chúa. Đó là ngày Chúa sống lại. Đó cũng là ngày mà con người phải thờ lạy Chúa theo như Chúa dạy trong điều răn Thứ Ba. Đó cũng là ngày lễ nghỉ cho mọi người.

Như vậy ngày Chúa Nhật theo Dương lịch của La Mã đã loại bỏ hay thay thế hẵn ngày Sabbath, tức ngày lễ nghỉ của người Do Thái trong Đạo Cựu  Ước. Do Thái giáo đã cho rằng Công Giáo, vì vấn đề truyền giáo cho dân ngoại tức người La Mã và các nước Âu Châu thời bấy giờ mà loại bỏ truyền thống Cựu Ước, lấy ngày Chúa Nhật, tức ngày thứ nhất trong tuần, thay thế cho ngày Sabbath.

Nếu Chúa Nhật là ngày thứ nhất trong tuần, tại sao lại nằm trong ‘weekend’, tức những ngày cuối tuần bao gồm Thứ Bảy và Chúa Nhật? Tự Điển Webster’s Ninth New Collegiate xuất bản năm 1983 cắt nghĩa: Từ ‘weekend’ được xử dụng năm 1878 tức 132 năm trước để nói rằng: Đó là thời gian của ngày kết thúc tuần làm việc và ngày bắt đầu tuần mới. Như vậy Chúa Nhật vẫn là ngày đầu tuần, ngày Thứ Nhất trong tuần và là ngày Chúa sống lại.

Chúa Giêsu ở trong mộ đá bao lâu?
Không tìm thấy một thống nhất trong các tường thuật của Phúc Âm? 

Các Phúc Âm Matthêô 28, 1; Matcô 16, 2; Luca 24,1 và Gioan 20,1 đều thống nhất một diểm là: Việc khám phá mồ trống xảy ra vào sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, tức sáng sớm Chúa Nhật bây giờ. Cách hiểu thông thường: Chúa sống lại vào rạng sáng Chúa nhật.

Như  vậy Chúa Giêsu ở trong mồ độ chỉ dài chừng 36 tiếng đồng hồ tức chỉ có 1 ngày rưởi chứ nào có được ba ngày tức 72 tiếng đồng hồ như Chúa nói trong Matthêô 12:40 khi so sánh Chúa bị chôn trong mồ như Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm? Nếu tính đủ trọn ba ngày, tức 72 tiếng đồng hồ thì Chúa phải chết vào chiều ngày Thứ Tư, hay sáng sớm Thứ Năm chứ không thể chiều Thứ Sáu được.

Nếu chúng ta đọc các sách Tân Ước như Phúc Âm Matthêô 16:21; 17:23; 20:19; 26:61; 27:40, 64; Matcô 9:31; 10:34; 14:58; 15:29; Luca 9:22; 13:32; 18:33; 24:7, 21, 46; Gioan 2:19, 20; Tông Đồ Công Vụ 10:40; Thư Thứ Nhất Thánh Phaolô gửi Côrintô 15:4. Chúng ta sẽ không thấy nói là: bị giết chết, chôn trong mồ trọn ba ngày rồi sống lại, nhưng tất cả đều nói là “Ngày Thứ Ba, Ngài sẽ sống lại”.

Như vậy Chúa sống lại đúng như lời Ngài tiên báo:

Chúa chết vào ba giờ chiều ngày Thứ Sáu, coi như  là ngày thứ nhất. Người ta vội vả chôn cất Chúa cho xong trước khi ngày Vượt Qua, tức ngày Sabbath bắt đầu lúc sáu giờ chiều.

Chúa trong mộ suốt ngày Thứ Bảy, coi như ngày thứ hai Chúa chết.

Ngày thứ nhất trong tuần, tức ngày Chúa Nhật, ngày thứ ba sau khi Chúa chết, Chúa đã sống lại vinh quang.

Cách giải thích khác.

Trong Matthêô 12:40 Chúa chỉ có ý so sánh Chúa ở trong mồ, giống như Giôna trong bụng cá. Giôna là hình ảnh tiền trưng của Chúa Giêsu, để diễn tả việc Chúa chết, chôn trong mồ và sống lại. Chúa so sánh là so sánh sự kiện xảy ra, chứ không phải so sánh thời gian xảy ra của hai sự kiện. Hơn nữa chúng ta được cứu độ nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Chuyện Chúa Giêsu bị chôn trong mồ hai ngày, ba ngày hay 1 năm không là yếu tố quan trọng của ơn cứu độ.

III. Thực hành Phúc Âm:

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm kẻ thù ám sát mình phục sinh:

Thường ai cũng hiểu phục sinh là sống lại. Ai cũng hiểu chỉ có Phục Sinh sau khi đã chết thật về phần xác. Tôi nhìn thấy ý nghĩa sống lại hay đời sống mới nơi bản thân mình sau mỗi lần biết tha thứ cho người làm hại mình. Niềm vui phục sinh nầy tôi học được rất nhiều nơi Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II:

Vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, ĐGH đã bị một người đàn ông Hồi giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ tên là Mehmet Ali Ağca bắn trọng thương khi Ngài đang đứng trên xe chạy vòng quanh Quảng trường Thánh Phêrô như thường lệ.

Ngài lập tức quỵ xuống vì đau đớn rồi từ từ ngã trong vòng tay các cận vệ. Ngay sau đó, hung thủ thực hiện vụ mưu sát bị cảnh sát tóm gọn. Nhưng kẻ tòng phạm đứng cách đó một đoạn xa thì nhanh chóng chạy thoát.

Viên đạn chỉ đi xuyên qua ổ ruột, cách động mạch vài ly, rồi rớt ngay trong xe, khiến Ngài dù bị mất đến 2/3 số máu trong cơ thể, nhưng vẫn được cứu sống kịp thời. Các bác sĩ cho rằng nếu viên đạn cắt ngang động mạch, Ngài sẽ chết tại chỗ hoặc trên đường cấp cứu. Về phần mình, Đức Giáo Hoàng lại xem đó như một sự can thiệp lạ lùng của Ðức Mẹ Maria

Sau khi hồi phục, Ngài đã tuyên bố với mọi người rằng: “Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, người tôi đã chân thành tha thứ”. Đức Giáo Hoàng đã viết thư định gửi cho Ağca: “Tại sao anh lại bắn tôi khi mà cả hai chúng ta đều chung đức tin vào Chúa?” Nhưng thay vì gửi bức thư đó, Ngài đã quyết định đến gặp Ağca. Năm 1983, Ngài đến thăm Ağca và tha thứ cho việc ám sát Ngài. ĐGH còn cầu khẩn nhà cầm quyền Ý ân xá cho Ağca. Ngài đã giữ liên lạc với gia đình của Ağca nhiều năm sau đó và đã thăm mẹ Ağca năm 1987.

Không những Ngài tha lỗi cho người khác mà còn nhiều lần xin người khác tha lỗi cho mình và cho toàn thể Giáo Hội.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã xin lỗi những người Do Thái, Galileo, phụ nữ, những nạn nhân của Tòa án dị giáo, những người Hồi giáo bị những Thập Tự Quân tàn sát, và tất cả những người đã chịu đau khổ dưới bàn tay của Giáo hội Công giáo trong những năm tháng qua. Ngay khi chưa làm Giáo hoàng, ông đã biên soạn và ủng hộ các sáng kiến như Lá thư Hòa giải của Giám mục Ba Lan gửi Giám mục Đức vào năm 1965. Đến khi trở thành Giáo hoàng, ông đã chính thức công khai xin lỗi cho hơn 100 điều sai trái, bao gồm:

Vụ xử án nhà bác học và triết gia Galileo Galilei, một người mộ đạo, vào khoảng năm 1633 (vào ngày 31 tháng 10 năm 1992).

Những dính líu của Công giáo trong những cuộc buôn bán nô lệ Châu Phi (vào ngày 9 tháng 8 năm 1993).

Vai trò của Giới tăng lữ Giáo hội trong những vụ hỏa thiêu và chiến tranh tôn giáo sau cuộc Cải cách Kháng cách (vào tháng 5 năm 1995, tại Cộng hòa Séc).

Các đối xử bất công đối với phụ nữ, vi phạm quyền phụ nữ và sự phỉ báng trước đây đối với phụ nữ (vào ngày 10 tháng 7 năm 1995, trong thư gửi “mọi phụ nữ”).

Sự im lặng và làm ngơ của nhiều người Công giáo trong cuộc Diệt chủng người Do Thái (ngày 16 tháng 3 năm 1998).

Thường người ta hiều: Chiến thắng có nghĩa là đánh bại kẻ thù hay tiêu diệt kẻ thù. Không bao giờ thành công! Giết chết kẻ thù, nhưng còn bạn bè, dòng họ, con cháu của kẻ thù… Chúa đã chọn cách chiến thắng hay nhất: Biến thù thành bạn. Người ta có thề thù ghét mọi người trừ người thương mình.

Hãy sống như người mang sự sống mới, mang niềm vui phục sinh chiến thắng. Hãy sống như Chúa Kitô Phục Sinh: Quên đi những người đánh đập, xỉ nhục và giết chết mình và hướng về tương lai cứu độ. Hãy sống như Chân Phước Gioan Phaolô II, sống sót sau lần bị ám sát và mang sự sống mới và ơn tha thứ đến cho người khác.

Kính lạy Thánh Gioan Phaolô II, xin ban cho chúng con lòng quảng đại biết tha thứ và sống niềm vui phục sinh như Ngài. Amen.