Bài giảng Chúa Nhật II Mùa Vọng năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1243

Thơ diễn ý:

Gioan Tẩy Giả rao giảng:
Ăn năn sám hối! Đã mãn thời kỳ.
Nước Trời sẽ đến tức thì
Cây không sinh trái, chặt đi cho rồi.

Trong rừng châu chấu mật ong,
Áo lông da thú, thong dong thi hành.
Tiền hô sứ mạng rành rành,
Thanh tẩy chuẩn bị đón ngành Jessê.

Biệt Phái Sa Đốc rủ rê,
Gặp Gioan Tẩy Giả, mắng ê mặt mày.
A-bram tổ phụ xứ nầy!
Đá nầy Chúa phán thành bầy cháu con!

Đừng ỷ, đừng nghĩ mình ngon,
Búa rìu chực sẵn đi đoong dễ dàng.
Đấng đến cao trọng, huy hoàng!
Phép rửa bằng lửa! Nia sàng trần gian. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 11.1-10;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 15.4-9
và Phúc Âm Thánh Matthêô 3.1-12

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô
Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Gioan Tẩy Giả thực thi sứ mệnh làm tiền hô, dọn đường cho Đấng Cứu Thế bằng cách kêu gọi mọi người: “Hãy sám hối vì Nước Trời đã đến gần!”

Sám hối bằng cách: Lãnh phép rửa sám hối và đời sống phải sinh hoa kết trái bằng những việc thiện.

Nếu không sám hối sẽ bị triệt hạ, như cây không sinh quả sẽ bị chặt bỏ hay bị tiêu hủy như lúa lép vô ích.

II. Diễn giải Phúc Âm: 

1. Phép Rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả và bí tích Rửa tội do Chúa Giêsu thiết lập có gì giống và khác nhau?

Những điểm giống nhau giữa 2 phép Rửa:

Cả hai đều dùng nước để nói lên ý nghĩa thanh tẩy hay rửa sạch.

Cả hai đều đòi buộc người lãnh nhận phải bày tỏ lòng ăn năn sám hối tội lỗi mình đã phạm và quyết tâm sống tốt hơn.

Cả hai đều đến từ Trời cao, phép Rửa Sám Hối do Gioan Tẩy Giả thực hiện đã được Chúa Giêsu xác nhận là do Trời trong Phúc Âm Matcô 11:29-33. “Đức Giê-su đáp: “Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi. Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an là do Trời hay do người ta ? Các ông trả lời cho tôi đi!” Họ bàn với nhau: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: ‘Thế sao các ông lại không tin ông ấy?’ Nhưng chẳng lẽ mình nói : ‘ Do người ta ‘?” Họ sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an thật là một ngôn sứ. Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Đức Giê-su liền bảo họ: “Tôi cũng vậy, tôi cũng không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”

Còn Bí tích Rửa tội do chính Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa thiết lập  “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Những điểm khác nhau giữa 2 phép Rửa:

Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả là phép rửa sám hối hay là cách thức để tội nhân tỏ lòng ăn ăn hối tiếc về những tội mình đã phạm. Nó được thực hiện qua việc dìm người trong nước để nói lên ý nghĩa tẩy sạch. Tuy nhiên, không tất yếu ban ơn tha tội, tội tổ tông và tội mình làm như trong Bí tích Rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Thật ra phép rửa sám hối của Gioan Tẩy Giả cũng như bản thân Gioan Tẩy Giả chỉ là “tiền hô” hay chỉ là những việc làm chuẩn bị cho biến cố quan trọng đang đến. Vì như Gioan Tẩy Giả xác nhận về Chúa Giêsu và Phép Rửa ban ơn tha tội do Chúa thiết lập “Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa”.

Để dễ hiểu, tôi xin được phép làm một so sánh giữa phép rửa Sám Hối của Gioan và Nghi thức Sám Hối trong Thánh Lễ. Khi chúng ta đọc “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa Toàn Năng và cùng anh chị em…” không có nghĩa là mọi tội chúng ta đều được tha. Thật ra, kinh Cáo mình chỉ tha tội nhẹ hay giống như phép rửa sám hối của Gioan, chỉ là cách thức tỏ lòng sám hối. Chính vì thế, ai có tội trọng vẫn phải đi xưng tội riêng.

Trong Sách Tông Đồ Công Vụ chương 19 từ 1-6, Thánh Phaolô cũng rửa tội cho những ai đã lãnh nhận phép rửa Sám Hối của Gioan: “Trong khi ông A-pô-lô ở Cô-rin-tô thì ông Phao-lô đi qua miền thượng du đến Ê-phê-xô. Ông Phao-lô gặp một số môn đệ và hỏi họ: “Khi tin theo, anh em đã nhận được Thánh Thần chưa?” Họ trả lời: “Ngay cả việc có Thánh Thần, chúng tôi cũng chưa hề được nghe nói.” Ông hỏi: “Vậy anh em đã được chịu phép rửa nào?” Họ đáp: “Phép rửa của ông Gio-an.” Ông Phao-lô nói: “Ông Gio-an đã làm một phép rửa tỏ lòng sám hối, và ông bảo dân tin vào Đấng đến sau ông, tức là Đức Giê-su.” Nghe nói thế, họ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giê-su. Và khi ông Phao-lô đặt tay trên họ, thì Thánh Thần ngự xuống trên họ, họ nói tiếng lạ và nói tiên tri. Cả nhóm có chừng mười hai người”.

Phép Rửa của Gioan Tẩy Giả không thể là Phép Rửa tội mà Chúa Giêsu đã thiết lập như được nói trong Tin Mừng Marcô 16.15-16 hay trong Tin Mừng Matthêô 28:18-20. Bí tích Rửa tội Chúa Giêsu thiết lập đặt nền trên cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Thánh Phaolô đã xác định trong Thư gửi tín hữu Rôma 6:4 “Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới.” 

Phép Rửa Sám Hối của Gioan Tẩy Giả không còn giá trị sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, Đấng đến thiết lập Bí tích Rửa tội, để thanh tẩy chúng ta trong lửa và trong Thánh Thần, trong tình yêu mến và trong Thần Linh, Đấng đã làm cho Chúa sống lại từ cõi chết. Đó cũng là ý nghĩa tái sinh của Bí tích Rửa Tội do Chúa Giêsu thiết lập.  

2. Ông Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.

Gioan Tẩy Giả, tiên tri cuối cùng trong Cựu Ước. Ông được Chúa kêu gọi để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế, mở màn cho Tân Ước. Cả hai, Cựu Ước và Tân Ước đều phục vụ cho việc thực hiện giao ước giữa Thiên Chúa và con người: Thiên Chúa yêu thương và cứu chuộc con người, nhưng con người phải đáp trả bằng tình yêu thương và lòng trung thành thờ phượng một mình Thiên Chúa. Để thực hiện tương quan tình yêu giữa Trời và Đất nầy. Các Tiên tri thường được kêu gọi để sống và làm những việc rất gây “ấn tượng” để nói lên sứ mệnh của mình.

Thí dụ: Tiên Tri Giêrêmia nhận lệnh Chúa truyền để làm một cái ách đeo vào cổ.

Sứ điệp: Dân Do Thái mất niềm tin vào Chúa, đi liên kết và dựa vào sức mạnh của ngoại bang để rồi bị chính đồng minh bỏ rơi và bị làm nô lệ ngoại bang. Điều nầy được diễn tả trong Giêrêmia chương 27

Ngôn sứ Hôsêa nhận lệnh Chúa truyền đi lấy một cô nô lệ làm vợ để giải thoát cô. Nhưng sau đó chính cô vợ nấy lại đi phản bội người chồng đã cứu mình.

Sứ điệp: Dân Do Thái được Chúa thươnmg yêu giải thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, nhưng sau đó lại sống bất trung, phản bội Chúa đi thờ tà thần.

Thiên Chúa đã chọn gọi Gioan Tẩy Giả để dọn đường, dọn lòng cho dân Do Thái đón nhận Ðấng Mêsia. Gioan là nhịp cầu giữa Cựu Ứơc và Tân Ứơc. Ông thuộc về Cựu Ước như trong Phúc Âm Luca 16,16, nhưng tay ông đã đụng đến Ðấng lập ra Tân Ước. Ông biết mình được sinh ra vào một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ, và được sinh ra cho một sứ mạng quan trọng. Gioan thực hiện sứ mệnh mình bằng việc sống trong hoang địa và  nêu gương hãm mình khắc khổ, mặc áo lông lạc đà, ăn châu chấu và mật ong, thức ăn của người nghèo, của người từ bỏ thế tục. Nếp sống khổ hạnh của nhà ngôn sứ, từ bỏ mọi tiện nghi để trở thành người của Thiên Chúa để xứng đáng đón nhận Nước Trời đang gần đến. Con người phải từ bỏ chính mình, phải xa rời những tham vọng trần thế thì mới có chỗ cho Đấng Cứu Thế và đáng lãnh nhận ơn cứ độ. 

3. Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giuđê rằng : “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Nước Trời có nghĩa gì?

Nước Trời không phải là Nước sẽ được lập ở trên trời, nhưng là Nước Thiên Chúa sẽ được lập trên mặt đất. Nước ấy nay đã đến gần bên. Ðó là một tin vui, nhưng cũng là một đòi buộc chuẫn bị để đón nhận.

Ðể đón lấy Nước Trời, cần phải đón lấy Ông Trời, tức đón nhận Chúa. Muốn đón nhận Chúa, phải có thái độ sám hối và hoán cải tận căn: “Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông.  Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan…”  

Nước Trời là chính Thiên Chúa. Muốn có Chúa phải ăn năn sám hối, dốc lòng từ bỏ con đường bất chính và phải thanh tẩy chính mình bằng phép rửa sám hối. Ngắn gọn: Để mình hoàn toàn thuộc về Chúa và theo sự hướng dẫn của lửa và thần khí, của tình yêu và lòng yêu mến Chúa. 

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Đợi trông.

Ngày kia, một hoàng đế nọ tập trung lại tất cả các nghệ sĩ trong mọi lãnh thổ của đế quốc, để tổ chức một cuộc thi đua. Ðề tài của cuộc thi đua là: mô tả dung mạo của hoàng đế… Các nghệ sĩ Ấn Ðộ đến với đầy đủ dụng cụ và các thứ đá hoa cương qúi giá. Các nghệ sĩ người Armêni mang đến một thứ đất sét mà chỉ có họ mới biết được giá trị của nó. Những người Ai Cập thì mang đến đủ thứ dụng cụ và một khối cẩm thạch qúy giá. Sau cùng, người ta thấy xuất hiện một phái đoàn Hy Lạp. Mọi người đều ngạc nhiên, bởi vì họ chỉ mang đến vỏn vẹn một gói thuốc đánh bóng…

Người ta giam các nghệ sĩ vào trong các khu nội cấm trong cung điện. Khi thời hạn ấn định đã đến, hoàng đế cho trưng bày tất cả các tác phẩm của các nghệ sĩ. Ông trầm trồ ca ngợi bức chân dung của chính mình do các họa sĩ Ấn Ðộ vẽ. Sang đến các pho tượng của người Ai Cập và các mô hình của người Armêni, ông càng tỏ ra thán phục hơn. Sau cùng, khi đến gian hàng của người Hy Lạp, ông chỉ thấy vỏn vẹn bức tường bằng cẩm thạch của phòng khách, nhưng mặt tường được đánh bóng đến độ khi nhìn vào ông thấy nguyên khuôn mặt của mình hiện ra từng nét…Và dĩ nhiên, phái đoàn đã đoạt giải chính là những người Hy Lạp, bởi vì họ đã hiểu rằng chỉ có hoàng đế mới họa được chính khuôn mặt của mình.

Họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô: Đó là mục đích của Giáo hội. Và nói như danh họa kiêm điêu khắc gia Michelangelo: “Ðể tạc một bức tượng, điều quan trọng chính là những gì phải được gọt bỏ” Muốn họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, Giáo hội phải đánh bóng bức tường khuôn mặt của mình bằng cách gọt bỏ, đục đẽo tất cả những gì còn sần sùi, thừa thãi… Mùa Vọng là mùa của mong đợi… Hai chữ mong đợi trong ngôn ngữ Việt Nam thường được đi kèm với hai chữ khác: Mòn mỏi. Mong đợi nào cũng làm cho con người ta mòn mỏi. Nhưng chính sự hao mòn đó càng làm cho giây phút gặp nhau thêm đậm đà, thắm thiết hơn.

Mùa Vọng là trường dạy chúng ta mong đợi. Ðức Kitô đến với chúng ta qua từng biến cố, từng phút giây trong cuộc sống. Ngài chỉ được nhận diện, Ngài chỉ được họa lên nguyên hình nếu chúng ta chấp nhận đánh bóng bức tường thành rong rêu hoặc sần sùi của con người chúng ta. Càng mòn mỏi, càng được gọt đẽo, chúng ta càng thấy được Ðức Kitô và càng họa lại được Ðức Kitô cho người khác… Thật ra, không phải chúng ta là người họa lại khuôn mặt của Ðức Kitô, mà chính Ngài đến với chúng ta với những đường nét mà chỉ có Ngài mới biết đích thực là của Ngài. Bổn phận của người Kitô chính là chấp nhận cho Ðức Kitô dùng con người của mình để nhìn thấy khuôn mặt của Ngài. Phiến đá cẩm thạch của con người chúng ta càng bóng láng, khuôn mặt của Ðức Kitô càng hiện rõ… (Radio Veritas)

2. Chúng ta được kêu gọi dọn đường cho Chúa đến

Tôi rất thích coi duyệt binh ngày lễ Quốc khánh: Người ta chuẩn bị thật chu đáo tiếp đón  những chính khách và quốc khách: Lễ phục đẹp và oai phong, đi đứng đều đặn, nhịp nhàng và hùng dũng và tiếp đón thật trịnh trọng và theo lễ nghi. Những chính khách và quốc khách lần lượt đến khi bắt đầu giờ khai mạc. Người đến trước nhất là người có địa vị thấp nhất và sau cùng là Tổng thống, nhân vật số một của quốc gia.

Sau quốc nghi là quốc kỳ và quốc ca. Tiếp đến, những đoàn thể và những binh chủng duyệt binh qua lễ đài danh dự có tồng thống và quốc khách đang tham dự. Thường người ta phải mất hàng mấy tháng để làm việc chuẩn bị nầy. Tất cả phải hy sinh cho ngày độc lập của quốc gia. Tất phải chuẩn bị cho ngày Quốc khánh, cho thế giới biết quốc gia của mình. Quốc gia trên hết!

Tôi được rửa tội. Tôi được học giáo lý. Tôi thành giáo dân. Tôi thành linh mục. Tôi lãnh nhiệm vụ trong Hội đồng giáo xứ, tôi làm cha sở hay Cha xứ… tất cả làm tôi mất nhiều thời gian để đào tạo. Muốn làm linh mục, cần ít là 15 năm. Muốn làm thành viên Hội đồng Giáo xứ cần đời sống đạo đức gương mẫu và tinh thần phục vụ vì công ích….

Tất cả đều mất công sức và thời gian đầu tư. Tất cả chỉ để dọn đường cho Nước Chúa hiển trị, cho danh Cha cả sáng và để cho Chúa lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé đi. Ít ai muốn mình phải nhỏ bé đi và cho Chúa lớn lên. Nhiều người trong các cộng đoàn Công Giáo đang đòi quyền ăn nói, đang đòi chỗ đứng và đang đòi… lớn lên.

Xin hãy trở lại vai trò chuẩn bị cho Chúa đến. Xin hãy noi gương Thánh Gioan Tiền Hô, làm cho Chúa lớn lên và nước Chúa thống trị trong mọi tâm hồn. Trước khi làm việc gì, xin hãy tự hỏi: Việc nầy thực hiện xong thành công, người ta sẽ biết Chúa hay người ta sẽ biết tôi là người tài ba, khéo léo tổ chức?

b. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật II Mùa Vọng, A tại đây

Lm. Peter Trần Thế Tuyên