Mừng Kính Các Thánh Nam Nữ 2020 | Vô Hạ

907

vo ha

Ngày 01 tháng 11 hằng năm, năm nay là Chúa Nhật, Giáo Hội Công Giáo khắp hoàn cầu và nhiều Giáo Hội Kitô Giáo khác dành riêng, để vinh danh các Thánh Nam Nữ, có gốc gác từ đủ mọi giai cấp, phẩm trật, thứ hạng: Quân thần, phụ tử, phu phụ, sĩ nông công thương binh, kẻ tu, người phàm … hữu danh và vô danh, là những tinh hoa của đức tin vào Chúa. Quí Ngài đã ra đi. Linh hồn về với Chúa. Thân xác nên tro bụi, gởi nơi lòng đất mẹ, trong giấc ngủ bình an.

Lịch sử Giáo Hội Chúa Kitô cho biết, hơn 300 năm đầu sơ khai, là thời kỳ cấm cách, dân Chúa đã luôn hướng về và tôn kính các Tông Đồ cũng như những anh hùng tử đạo nam nữ đã làm chứng cho đức tin. Đến thế  kỷ V, Ngài Giám Mục Thần Học Maximus (sanh ? – mất 408 – 423) Thành Turin, dành riêng Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hằng năm tại miền Bắc nước Ý, để kính nhớ Các Thánh Tử Đạo và lòng nhiệt thành nầy đã lan rộng dần ra nhiều nơi. Năm 609 hay 610, Đức Giáo Hoàng Boniface IV đã thánh hiến Đền Panthêon (Đền Thờ Đa Thần tại Roma)  do Hoàng Đế Roma Phocas (547-610) cống hiến cho Giáo Hội, để dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và các Thánh Tử Đạo của 3 thế kỷ đầu. Sau đó các thánh mới khác, được thêm vào và Đức Giáo Hoàng Gregory III (731-741) ra sắc lệnh buộc mừng Đại Lễ Chư Thánh ngày 1 tháng 11 mỗi năm. Riêng tại Việt Nam hiện nay, lễ nầy mừng vào Chúa Nhật gần ngày trên nhất.

Ngày nầy, các thánh tín hữu đang chiến đấu, giảm bớt những việc không cần thiết để dự Thánh Lễ tại nhà thờ, là môi trường và khung cảnh tốt nhất để tôn thờ Chúa, đồng thời cũng  vinh danh Các Thánh thắng trận, cùng kính nhớ Các Thánh đang đau khổ nói chung.

Xin đọc 3 bài Lời Chúa bên dưới, để được Chúa chỉ đường và soi lối thêm cho biết những việc phải làm.

BÀI ĐỌC I:
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan. 7, 2-4, 9-14

Tôi là Gioan đã nhìn thấy một thiên thần khác từ phía mặt trời mọc đi lên, tay cầm ấn Thiên Chúa hằng sống, và lớn tiếng kêu gọi bốn thiên thần được lệnh tàn phá đất và biển mà rằng: “Chớ có tàn phá đất, biển và cây cối trước khi ta đóng ấn trên trán những tôi tớ của Thiên Chúa chúng ta”. Và tôi đã nghe biết số người được đóng ấn là một trăm bốn mươi bốn ngàn người, thuộc mọi chi tộc Israel. Sau đó, tôi đã nhìn thấy đoàn người đông đảo không thể đếm được, họ thuộc đủ mọi nước, mọi chi họ, mọi dân tộc và mọi thứ tiếng. Họ đứng trước ngai vàng và trước mặt Con Chiên, mình mặc áo trắng tinh, tay cầm nhành lá thiên tuế. Họ lớn tiếng tung hô rằng: “Kính lạy Thiên Chúa chúng tôi, Ðấng ngự trên ngai vàng, và Con Chiên”. Rồi tất cả các thiên thần đến đứng chung quanh ngai vàng, và các trưởng lão cùng bốn con vật sấp mình xuống trước ngai mà thờ lạy Thiên Chúa rằng: “Amen! Chúc tụng, vinh hiển, khôn ngoan, cảm tạ, vinh dự, uy quyền và dũng lực cho Thiên Chúa chúng tôi muôn đời. Amen”. Rồi một trong các trưởng lão lên tiếng hỏi rằng: “Những người mặc áo trắng này là ai vậy? Và họ từ đâu mà đến?” Tôi đáp lại rằng: “Thưa ngài, hẳn ngài đã rõ”. Và người bảo tôi rằng: “Họ là những người từ đau khổ lớn lao mà đến, họ giặt áo và tẩy áo trắng trong máu Con Chiên”.

BÀI ĐỌC II:
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.1 Ga 3, 1-3

Các con thân mến, các con hãy coi: Tình yêu của Thiên Chúa Cha đối với chúng ta thế nào, khiến chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự là thế. Vì đó mà thế gian không nhận biết chúng ta, vì thế gian không biết Người. Các con thân mến, hiện nay, chúng ta là con Thiên Chúa, còn chúng ta sẽ ra sao thì vẫn chưa được tỏ ra. Chúng ta biết rằng: khi được tỏ ra, thì chúng ta sẽ giống như Người, vì Người thế nào, chúng ta sẽ thấy như vậy. Và bất cứ ai đặt hy vọng nơi Người, thì tự thánh hoá mình cũng như Người là Ðấng Thánh. 

PHÚC ÂM:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu. Mt 5, 1-12a

Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. – Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Nước làm cơ nghiệp. – Phúc cho những ai đau buồn, vì họ sẽ được ủi an. – Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ sẽ được no thoả. – Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót thương. – Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên Chúa. – Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. – Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ. “Phúc cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời”.

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Trước hết, Bài Phúc Âm trên của thánh Matthêu, được gọi là Bài Giảng trên núi, Bài Khai Mạc nước Chúa hay Hiến chương Nước Trời, Chúa chúc phúc cho tám hạng người hiểu được và thực hành  lời Chúa theo tiêu chuẩn sau.

Đó là người có tinh thần nghèo khó không giàu có nhưng không thiếu tiền, hiền lành, đau buồn, vì 3 hạng nầy rất cần Chúa giúp.

Năm phước sau, trở thành mục đích và yêu cầu cho chương trình sống đức tin, là đói khát công chính, biết thương xót người, có lòng trong sạch, ăn ở thuận hòa, bị bách hại vì lẽ công chính là Chúa, được trở nên ít nhiều đồng hiệp đồng hành, đồng dạng đồng mệnh với Chúa.

Nhân đây, cũng nên biết từ ngữ Thánh: Saint trong nhiều tiếng Tây Phương có gốc gác từ động từ “sancire” theo mẫu chia sancio, is, sanxi, sanctum hay sancitum của Latin, nguyên thủy đơn giản nghĩa là “cắt” mọi thứ mọi đàng. Để rồi biết cắt lễ vật như chiên bò, phân biệt ra phần ngon nhất, loại tốt nhất, dành riêng ra để dâng cúng cho Thần Thánh theo văn hóa du mục pha trộn niềm tin dân gian thuộc vùng miền của nhiều ngàn năm về trước. Và danh từ của động từ Sancire trên là Sacerdos, otis, M hay F, là người cắt, thợ cắt thịt thú để cúng tế mà hôm nay là Linh Mục hay Thầy Tế Lễ của các tôn giáo.

Nếu từ ngữ “Saint Thánh” bên trời Tây có nguồn gốc từ văn hóa du mục thì Từ ngữ 聖 Thánh bên Á Đông (Việt, Hoa, Nhật, Hàn khi còn đồng văn trước kia) được Hội Ý từ văn hóa cung đình hơn 4.000 năm trước do những sắc tộc Bách Việt, theo nhiều nhà nghiên cứu Tây Phương. 聖 là tổng hợp của ba đơn tự  耳 nhĩ là tai, 口 khẩu là miệng, được xây dựng trên nền 王 vương là vua. Tai vua chỉ để nghe lời hay ý đẹp. Miệng vua chỉ phát ra những châu ngọc minh triết hầu làm ích quốc lợi dân về vật chất cũng như tinh thần. Tổng hợp tất cả những sinh hoạt cao quí nầy của Vua lại, là “Thánh” phát âm theo lối Việt Nho.

Sau nầy, trong Đạo Do Thái và Kitô Giáo, Thánh có nghĩa là dành riêng ra cho Chúa hay thuộc về Chúa. Thánh hôm nay,  rộng hơn là lành sạch, tinh anh, trọn vẹn, hoàn hảo, tinh khiết, vẹn tuyền… do đời sống siêu phàm, nhờ ơn Chúa trợ lực, thực hành được ít ra một trong tám điều mà Chúa chúc lành bên trên. Và Các Thánh Nam Nữ đã làm được trọn vẹn theo ý Chúa.

Trở lại bài Đọc I trong Sách Khải Huyền, là cuốn cuối cùng của Toàn tập Thánh Kinh, được mang tên tác giả Gioan, viết vào cuối thế kỷ thứ I, trong hoàn cảnh Giáo Hội bị bách hại nghiêm khắc, với lối văn khó hiểu để khai thị những điều ẩn dấu u minh, mà Thiên Chúa sẽ hoàn tất trong tương lai, qua Chúa Giêsu Kitô.

Thí dụ con số 12 ngàn có giới hạn, là tượng trưng cho mỗi chi tộc Do Thái tin Chúa Giêsu. Kế tiếp đoàn người đông không đếm nổi, không phân biệt – cả thế giới – thuộc về Chúa Giêsu qua đóng ấn của Thánh Linh.

Tất cả thuộc về và là tài sản của Người trong Tân Ước (Eph. 1 :13-14) để “Thầy ở đâu thì các con ở đó” (Gn. 14:1-4) .

Đây là phần thưởng lớn lao Chúa dành cho Các Thánh của Người, là ở với Chúa. Có Chúa là sung mãn đầy tràn, là Niết bàn hay Thiên đàng rồi vậy. Trong số đó, các thánh tử đạo là tiên khởi, trên tay cầm cành thiên tuế được kể ra trên đây, trong thời kỳ đầu, vì các Ngài là đúng của lễ toàn thiêu cũng như là chính hoa trái đầu mùa, đã đem cả thân mạng hiến dâng lại cho Chúa.

Trong Bài Đọc II, Thánh Gioan nhấn mạnh, Đạo Chúa cho ta gọi Ngài là Cha và ta là con. Quan hệ nầy có thể giải thích và hiểu phần lớn, dựa vào loại suy qua nhiều câu ca dao ngạn ngữ Việt Nam, mà trong đạo làm con, ai cũng cảm nhận được: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào”. Tình Cha cũng vậy, toả sáng hơn vầng thái dương, cao cả hơn đỉnh Thái Sơn…

Nhưng thời đó tín hữu là những người tin và sống vì Đức Kitô, bị va chạm mạnh đưa tới bách hại và trong suốt chiều dài lịch sử của Giáo Hội cũng vậy, do những kẻ không tin nắm quyền lực, như cỏ dại lấn lướt trong ruộng lúa (Mathêu 13, 24-30). Ở đây, Thánh Gioan muốn củng cố thêm lòng tin cho tín hữu bằng hình ảnh Chúa Kitô sau khi đã phục sinh: Không đau yếu bệnh tật, không chết, không sai lầm, không tội lỗi, không khổ đau … là phần thưởng trò sẽ được như Thầy, cho những kẻ đặt hi vọng vào Chúa, như Các Thánh Nam Nữ trên trời, mà Giáo Hội chiến đấu đang ở dưới đất mừng kính hôm nay.

Gói lại. Thực hành – Nên làm gì trong ngày Lễ Chư Thánh nầy.

Xin dựa vào một số chỉ dẫn của những bậc thầy có kinh nghiệm dạy tín hữu, nên mình vừa học, vừa làm và cũng  vừa cầu xin với Chúa như con với Cha.

Trước hết, cám ơn Chúa vì những ơn lành xưa nay, mà ơn lành lớn nguyên thủy là Bí Tích Rửa tội, coi như tờ Visa vạn năng băng qua cửa ải trần ai, đổi đời. Tờ Hộ chiếu linh thiêng nầy chính thức và hữu hình làm cho giấc mơ thành hiện thực, là tái “sinh phùng hưng quốc, hội ngộ minh sư”. Tức là cho mình nhập cư vĩnh viễn vào nước Chúa và gặp được chính Chúa là đệ nhất Chân Sư .

Hai là quan sát hay quán chiếu chính mình, những điểm mạnh mà tự phụ trong Đức Kitô như Thánh Phaolô (2Cr. 10:7) và những điểm yếu mà xin Chúa giúp sức.

Ba là sắp xếp đi nhà thờ dự Lễ, là nơi chốn và thời điểm thích hợp nhất để tôn thờ Chúa cùng với các thánh đang chiến đấu ở trần gian, mà vinh danh Các Thánh đã chiến thắng khải hoàn, là những mẫu gương sống đạo tích cực và hiệu quả.

Bốn là nhân ngày nầy ráng tìm thêm chút ít lương thực cho phần hồn như đọc kinh, xem thêm ít dòng Lời Chúa hay nghe bài giảng … để  qua đó Chúa nói gì với mình và thực hành ít là một điều  dễ nhất.

Năm là nghĩ tới và học kinh nghiệm Các Thánh đối nhân xử thế cách nào, mà noi theo ít nhiều. Cụ thể là nhớ lại gương sống tốt đời, đẹp đạo của những người còn sống hay đã qua đời, trong gia đình, dòng tộc, thân gần hay trên đường đời đã gặp, mà bạn thấy thích thú nhất mà bắt chước.

Sáu là nhớ câu lời Chúa: “Các con là ánh sáng thế gian” Mt. 5:14 mà cân đo coi độ Spiritual Lumen độ sáng thuộc linh của mình được tới đơn vị nào mà điều chỉnh lối sống tinh thần cho được “minh minh đức”.

Bảy là nhận Bí tích Hòa Giải để tinh luyện và Thánh Thể để gia tăng năng lực tinh thần.

Tám là xin Chúa Thánh Thần sức mạnh và hướng dẫn.

Chín là, theo nguyên văn Anh ngữ: “Fear not, ask for Grace of a happy death” Đừng sợ. Hãy xin ơn chết lành.

Thân xác phải chết nầy có ra đi, hồn mới bay bổng lên hưởng nhan thánh Chúa, cùng chung phần phước với Các Thánh Nam Nữ được.

Xin dâng lời cầu trong Sách Mục Lục xưa mà chưa cũ.

Chúng tôi thân lạy các thánh nam nữ ở trên trời. Chúng tôi là kẻ phàm hèn, còn ở dưới thế nầy, còn sợ chước ma quỉ. Các Thánh đã vượt biển hiểm thế nầy, cùng đã khỏi mười sự dữ. Nhơn vì sự ấy, xin các Thánh cầu cho chúng tôi, đặng theo ý Đức Chúa Trời mà giữ mọi sự răn cho trọn, đến ngày sau chúng tôi đặng vào cửa thiên đàng, hiệp lại một nhà một nước, xem thấy mặt Đức Chúa Trời Ba Ngôi, hưởng phúc vui vẻ vô cùng. Amen.

vo ha