Nguyên hậu – Nữ Vương | Từ vựng Công giáo | Lm. Stêphanô Huỳnh Trụ

215

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
______________

Giáo hội Công giáo rất kính trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa. Ngoại trừ tháng Tư, hầu như tháng nào cũng có ngày lễ kính Đức Mẹ, thậm chí một số tháng có đến hai hay ba lễ về Đức Mẹ, như tháng Hai, tháng Tám, tháng Chín. Hai lễ trong tháng Tám là: lễ Đức Mẹ Phụng Triệu[1] (Đức Mẹ Lên Trời, 15/8) và lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương (22/8), Giáo Hội tại Trung Quốc dịch là Đức Maria Nguyên Hậu. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của từ Nữ Vương và Nguyên Hậu.

1. Nguồn gốc và ý nghĩa.

1.1. Nguồn gốc.

Tước hiệu Nữ Vương được truyền thống Kitô giáo kính dâng Đức Mẹ ngay từ đầu thế kỷ IV, để tôn nhận địa vị ưu việt và quyền năng của Mẹ. Như những tước hiệu tôn quý khác, tước hiệu Nữ Vương cũng dần dần được sử dụng phổ biến trong Hội Thánh và sau đó được đưa vào Phụng Vụ Các Giờ Kinh (Kinh Salve Regina, Ave Regina caelorum, Regina caeli…) vào các việc tôn kính bình dân (Kinh cầu Đức Bà, Mầu nhiệm thứ V – Mùa Mừng trong chuỗi Môi Côi), trong nghệ thuật Kitô giáo với các hình ảnh Đức Maria Nữ Vương.

Công đồng chung Nicêa II (năm 787) đã sử dụng tước hiệu này trong một khoản định tín về vấn đề ảnh tượng[2]. Trong Thông Điệp Ad Reginam Coeli (11/10/1954), Đức Giáo tông Piô XII đã bàn đến vấn đề Đức Maria Nữ Vương dưới mọi khía cạnh[3], và Công đồng Vaticanô II cũng hoàn toàn đồng ý với Giáo Lý này khi quả quyết: “Sau khi hoàn tất cuộc đời dưới thế, Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm đã được đưa lên hưởng vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, và được Thiên Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để nên giống Con ngài trọn vẹn hơn, là Chúa các chúa (x. Kh 19,16), Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết” (GH 59).

Năm 1954, để kỷ niệm 100 năm công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Piô XII đã đưa vào phụng vụ lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương và ấn định cử hành lễ này vào ngày 31 tháng 5 để kết thúc Tháng Hoa (Tông huấn Ad Reginam coeli, số 47). Sau Công đồng Vaticanô II, theo tinh thần canh tân phụng vụ, một số lễ kính Đức Mẹ cũng được thay đổi, trong đó có lễ Trái Tim Mẹ và lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương. Lễ Trái Tim Mẹ được dời lên ngày thứ Bảy ngay sau thứ Sáu lễ Thánh Tâm Chúa trong tuần lễ kính Mình Máu Thánh Chúa thay vì ngày 22/8 và lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương được dời xuống ngày 22/8 thay vì 31/5: “Lễ trọng Đức Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác được tiếp nối bằng lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương, lễ này được cử hành một tuần sau lễ trước. Trong lễ này, người ta ngắm nhìn đấng đang ngự bên cạnh Đức Vua muôn đời, Đức Maria sáng láng như Nữ Vương và nắm giữ vai trò cầu bầu như người mẹ” (Tông huấn Marialis Cultus, số 6).

1.2. Ý nghĩa.

Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương (tiếng Latinh là Beata Vergine Maria Regina, tiếng Anh là The Blessed Virgin Mary, Queen). Chữ Regina hay Queen đều có hai nghĩa: (1) Nữ vương, nữ hoàng, vd: the Queen of England (Nữ hoàng Anh) và (2) Hoàng hậu (vợ vua).

2. Ý nghĩa của chữ nữ, hoàng, vương, nguyên, hậu.

2.1. Nữ: Có hai chữ Hán: 女,釹(钕). Ở đây là chữ này 女, có nghĩa đối lại với nam, thời xưa gọi những người chưa gả chồng là nữ, những người đã lấy chồng là phụ, nay gọi chung là phụ nữ. Nghĩa là: (dt.) (1) Phái nữ: nam nữ bình đẳng; (2) Con gái: nữ tử; (3) Phái đàn bà con gái; (4) Đứa con thuộc giống cái.

2.2. Hoàng: Có những chữ Hán này: 皇,黃,簧,潢,磺,蟥,癀,鱑,凰,偟,徨,篁,喤,蝗,煌,惶,隍,遑,鰉,鍠, Trong trường hợp này là 皇. Chữ này thay đổi rất nhiều theo thời gian, chứ không đơn thuần như người ta lầm tưởng là cấu tạo bởi bộ 白 (bạch) và chữ 王 (vương). Theo cuốn “Tìm Về Cội Nguồn Chữ Hán” của Lý Lạc Nghị (Hình):

Kim văn          Tiểu triện         Lệ thư

Hoàng là chữ gốc của 煌 (hoàng, như huy hoàng). Phần dưới chữ vốn là chân đèn; ba nét sổ phía trên là ánh sáng của đèn. Đến Tiểu triện thì phần trên viết nhầm thành chữ 自 (tự), đến Lệ thư lại biến thành chữ 白 (bạch). Còn theo cuốn “Quốc Ngữ Hoạt Dụng Từ Điển” thì chữ hoàng kết cấu theo cách “hội ý” có chữ 日 (nhật), tượng trưng cho ánh sáng chói lọi, mặt trời mọc khỏi mặt đất thì phát sáng là hoàng. Hoàng có các nghĩa sau: (dt.) (1) Họ Hoàng; (2) Vua: hoàng đế[4]; (2) Trời: hoàng thiên; (3) Đạo giáo (của Lão Tữ) tôn vị thần chính yếu của họ là Hoàng; (4) Thời kỳ quân chủ gọi cha của hoàng đế là hoàng: thái thượng hoàng[5]; (5) Người con tôn kính người cha đã qua đời cũng gọi là hoàng: hoàng khảo; (đt.) (6) Cứu giúp vua; (7) Mở rộng. (tt.) (8) To lớn, vĩ đại; (9) Trang nghiêm; (10) Rực rỡ; (11) Tốt đẹp; (12) Quang minh.

2.3. Vương: Cũng chỉ có hai chữ: 王, 迋. Trong trường hợp này là 王. Chữ này thuộc loại “chỉ sự”, có bộ 三 và một nét xuyên qua. Ba gạch ngang tượng trưng cho thiên, địa, nhân, nét xuyên qua. Cho nên người thu gom tất cả lại là vương. Nghĩa là: (dt.) (1) Vua (địa vị thua “đế”): quốc vương; (2) Nghĩa rộng: Tước cao hơn hết vào thời xưa do vua phong hoặc tự ý xưng để chống lại triều đình: vương hầu; (3) Họ Vương; (đt.) (4) Chư hầu yết kiến thiên tử: tứ di lai vương (người ngoài quốc bốn phương đến yết kiến). (tt.) (5) Lớn, có giá trị khác thường: vương bài.

Nghĩa Nôm): (đt.) (1) Dệt vòng rối: nhện vương tơ; (2) Mắc vào vòng rối: vấn vương; (3) Rơi rắc ra chung quanh: vương vãi tứ tung.

2.4. Nguyên: Có những chữ này: 元, 原, 源, 厵, 嫄, 沅, 芫, 螈, 羱, 騵, 黿, 鼋. Trong trường hợp này là chữ 元, nghĩa là: (dt.) (1) Đầu, thứ nhất: nguyên thủ; (2) Căn bản: nguyên âm; (3) Đầu người; (4) Nhà Nguyên Mông Cổ (1271-1368); (5) Đơn vị tiền tệ; (6) Năm thứ nhất của một triều đại: nguyên niên; (7) Nhân dân: lê nguyên; (8) Họ Nguyên. (tt.) (9) Bắt đầu: nguyên đán; (10) Lớn; (11) Đẹp.

2.5. Hậu: Hậu có nhiều chữ Hán 後, 厚, 后, 候, 郈, 堠, 鄇. Hậu đây là chữ 后. Chữ này thuộc loại “hội ý”. Có bộ 人 (nhân) và chữ 口 (khẩu), người dùng miệng phát lệnh là hậu, nghĩa là: (dt.) (1) Quân chủ thời Thượng cổ: Hạ hậu thị (vua Hạ); (2) Vợ chính của thiên tử triều đại Châu: thiên tử hữu hậu (vua có vợ); (3) Chư hầu; (4) Quan lớn thời Thượng cổ cũng gọi là hậu; (5) Vị thần quản lý đất đai: hoàng thiên hậu thổ; (6) Họ Hậu; (7) Vợ chính của vua: hoàng hậu; (8) Mẹ vua: thái hậu.

3. Các danh hiệu của vua.

“Tuỳ từng thời kỳ và hoàn cảnh, vua mang các tước vị khác nhau. Danh hiệu của vua cũng phản ánh vị thế cao thấp của vị vua đó. Ở các nước Đông Á, tước vị cao nhất của vua là đế, thấp hơn là vương. Đối với các nước chư hầu (lãnh chúa), tước vị của vua còn phân theo những thứ bậc: công, hầu, bá, tử, nam. Theo biến đổi của lịch sử, danh vị của các vị vua tối cao và vua chư hầu cũng có thay đổi. Như trường hợp thời nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc, vua tối cao (thiên tử) cũng chỉ mang tước vương, các vua chư hầu, tuỳ theo cấp bậc, được vua Chu phong cho chức từ công trở xuống, tới nam. Tới thời Chiến Quốc, cả bảy chư hầu cùng xưng vương, nên Tần Vương Chính diệt hết được các nước cho rằng tước “vương” không còn cao quý, bèn gộp cả danh hiệu “hoàng” và “đế” của các vua thời cổ xưa lại mà xưng là hoàng đế (Tần Thuỷ Hoàng). Nhà Tần không phong chư hầu, nhưng nhà Hán nối tiếp nhà Tần lại phong chư hầu, các chư hầu nhà Hán được phong tước vương. Từ đó, các chư hầu phương Đông thường có tước vươngVương cũng là tước vị cao nhất mà các chư hầu có thể có”.

Như vậy: Hoàng và vương đều có nghĩa là vua (dt.) và vĩ đại (tt.), nhưng thường thì danh hiệu đế, hoàng hay hoàng đế thì cao hơn danh hiệu vương, tương tự bên phương Tây, có sự phân biệt giữa các tước hiệu Emperor, Empress (Lt.: Augustus, Imperator, Imperatrix; P.: Empereur, Imperatrice; HV.: hoàng đế, nữ hoàng / hoàng hậu) với Rex, Regina (A.: King, Queen; P.: Roi, Reine; HV.: quốc vương, nữ vương / vương hậu ). Theo thói quen người ta nói hoàng thiên mà không nói vương thiên, và dùng chữ quốc vương chứ không dùng chữ quốc hoàng.

4. Nữ hoàng > nữ vương?

Hoàng đế hay quốc vương được gọi chung là quân[6] (Hán) hay vua[7] (Nôm). Nữ hoàng (đế) hay nữ (quốc) vương được gọi chung là hậu (Hán) hay vua bà[8] (Nôm).

Trong lịch sử Việt Nam: Vị vua đầu tiên là Hùng Vương thứ I (khoảng 2800 BC), còn vị hoàng đế đầu tiên thì có nhiều tranh cải tuỳ theo quan điểm [Triệu Đà (185-137 BC), Lý Bí (544-548) hay Đinh Bộ Lĩnh (968-979)?]. Nữ vương đầu tiên là Trưng Vương (Trưng Trắc) (40-43). Nữ hoàng duy nhất là Lý Chiêu Hoàng Phật Kim (1224-1225), vợ vua Trần Thái Tông Cảnh (1226-1258).

Trong Giáo Hội thường dùng chữ Regina (Nữ Vương) nhưng cũng có tác giả dùng chữ Imperatrix (Nữ Hoàng) để tôn xưng Đức Mẹ[9]. Ở Việt Nam cũng vậy, nhiều người dùng chữ Nữ Vương, nhưng cũng có người dùng chữ Nữ Hoàng để tôn xưng Đức Mẹ[10].

Thánh Albertô Cả nhận xét: Danh từ nữ vương (regina) vừa có nghĩa thương cảm, vừa có nghĩa săn sóc đến lớp người khổ thống trên đời, khác với danh từ nữ hoàng (imperatrix) có nghĩa nghiêm nghị, khắc nghiệt[11]

5. Nhận xét.

Nếu chúng ta chỉ căn cứ vào chữ nghĩa, Regina hay Queen thì dịch là Nữ Vương hay Nguyên Hậu đều đúng cả. Nhưng nếu xét về mặt Thánh Kinh thì có thể lại khác. Thánh vịnh 44,10 viết rằng: “Lạy Chúa, bên hữu Ngài, Hoàng Hậu sánh vai, mặc xiêm y dệt gấm thêu vàng, và trang điểm huy hoàng rực rỡ”. Mẹ Maria được xưng tụng như Esther trong Cựu Ước đã cứu dân ra khỏi hoạ diệt vong, Mẹ có mọi quyền hành bên Đức Vua và là Đấng bầu cử linh thiêng nhất bên cạnh Đức Vua. Đã nói là bên cạnh Đức Vua, thì không thể xưng mẹ là Nữ Vương, hay Nữ Hoàng được.

ĐTC Gioan Phaolô II trong buổi triều kiến chung thứ tư 23/07/1997 đã nói:

“Thế nhưng, trong một đoạn bài giảng được cho rằng của Giáo phụ Origen, cũng đã chất chứa lời dẫn giải này về những lời bà Elisabeth thốt lên trong biến cố Thăm viếng: “Đáng lẽ chị phải đến thăm em, vì em có phúc hơn mọi người nữ, em là người mẹ của Chúa chị, em là Vị Tôn Nữ của chị” (Fragment, PG 13, 1902 D).

Bản văn chuyển một cách tự nhiên từ lời diễn tả “người mẹ của Chúa chị sang tước hiệu Vị Tôn Nữ”.

“Mẹ Maria là Nữ Vương không phải chỉ vì Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, mà còn vì Mẹ đã cộng tác vào công cuộc cứu chuộc loài người, với tư cách là tân Evà cùng với tân Adong”.

Rõ ràng, Mẹ là vị Nguyên Hậu, nghĩa là vị Mẫu Hậu đứng đầu, trên hết mọi loài, chứ không phải là Vua, Hoàng hay Vương gì cả. Mẹ được vinh dự cao cả này là vì Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế và là Mẹ chúng ta, đã là Mẹ đương nhiên là Mẫu Hậu rồi.

6. Kết luận.

Tuy xét về mặt ngôn ngữ học thì thuật từ Nguyên Hậu đúng hơn Nữ Vươnghay Nữ Hoàng, nhưng Giáo Hội tại Việt Nam đã dùng thuật từ Nữ Vương từ lâu, rất phổ biến và được mọi người chấp nhận, nên thuật từ Nữ Vương (trừ một vài trường hợp dùng thuật từ Nữ Hoàng) là một thuật từ không thể thay thế được và chúng ta vẫn phải sử dụng thuật từ này.

__________________________________

[1] x. bài “Phụng Triệu, Mông Triệu”, tr. 447.

[2] Công đồng dạy: “Như chúng ta trọng kính hình ảnh Thánh giá thì chúng ta cũng có thể trưng bày và trọng kính các ảnh thánh khác, chẳng hạn ảnh Chúa Cứu Thế, ảnh Đức Nữ Vương, Mẹ Thiên Chúa, ảnh các thiên thần và các thánh” (Session IV).

[3] Ngài nói: “Dân Chúa hằng tin tưởng một cách hữu lý trong mọi thế hệ rằng Đức Mẹ là đấng sinh ra Con Đấng Tối Cao, Đấng sẽ hiển trị trong nhà Giacob (Lc 1,32) cho tới đời đời, Ngài chính là Vua hoà bình (Is 9,6), Vua muôn vua, Chúa các chúa (Kh 19,16), và Ngài được mọi ơn hơn tất cả bất cứ vật thụ tạo nào. Và xét theo mối liên lạc mật thiết giữa Đức Mẹ và Chúa Giêsu thì ta phải kết luận một cách chắc chắn và dễ dàng rằng Đức Mẹ cũng phải được hưởng một vương quyền trên mọi thụ tạo. Và đây cũng là lý do khiến các đấng giáo phụ hiểu lời thiên thần chào Đức Mẹ, và báo trước về Nước Con ngài sẽ tồn tại đến muôn đời, và lời bà Êlisabét khi nghiêng mình kính chào Đức Mẹ là ‘Mẹ Chúa tôi’ ám chỉ một vương quyền Đức Mẹ được thông công với Chúa Con” (Ad Reginam coeli, tr. 521).

[4] Đế (帝): (1) Vị Tối Cao: Thượng Đế; (2) Vua: hoàng đế.

[5] Thái thượng có nghĩa là rất tôn kính, vì không can dự quốc sự nên không xưng là đế.

[6] Quân (君): (1) Vua: anh quân; (2) Người đàn ông: chư quân (tiếng Việt thường gọi là quý vị).

[7] Vua (Nôm): (1) Quân, người có chức vị đế, hoàng, vương, cầm quyền trị vì một nước (thường cha truyền con nối): Vua Hùng Vươngvua Lý Nam Đếvua Đinh Tiên Hoàng. (2) Người giỏi một môn: vua cờ. Tiếng xưa là bua: việc bua (vuaquan.

[8] Vua bà (Nôm) dùng gọi nữ vương hay nữ hoàng (không nên lẫn với hoàng hậu là vợ cả của vua).

[9] Chẳng hạn Adam de Saint-Victor (Tk. XII) trong MONT-SAINT-MICHEL AND CHARTRES CỦA HENRY ADAMS, 2003 trên http://www.WorldLibrary.net, tr. 74.

[10] Chẳng hạn Nhóm PDCGKPV dịch: Salve Regina: Kính chào Đức Nữ Vương, Ave Regina caelorum: Kính lạy Bà, Vị Nữ Hoàng Thiên Quốc… (Ca vãn kính Đức Mẹ).

[11] Thánh Anphong Ligouri: “Nữ Vương tình thương” (xem: http://www.dongcong.net/MeMaria/VinhQuangDM1/02.htm, truy cập ngày 25/07/2020))