Cha Phêrô Hồ Văn Mây vừa xong cuộc hành trình dương thế

484

vo ha

I. Cậu chủng sinh HỒ VĂN MÂY đã có một thời 5 năm liền ngồi dưới mái Trường Tiểu Chủng Viện Á Thánh Phêrô Đoàn Công Quý, của GP Cần Thơ, từ lúc mới thành lập tại Sóc Trăng 1958. Người học trò nầy vừa ra đi sau cuộc hành trình dương thế, hưởng thọ 78 năm tuổi đời, trong đó có 38 năm Linh Mục.

II. Em bé Hồ Văn Mây chào đời ngày 23.01.1944 tại Họ Đạo Bến Dinh, nay là xã Tân Hoà, quận Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, trong một gia đình có 5 anh em trai, 4 chị em gái. Mẹ  Công Giáo gốc. Cha theo đạo mẹ.

  • 1952, 8 tuổi, học nội trú trường Bà Phước Chúa Quan Phòng tại Cù Lao Giêng, Quận Chợ Mới, An Giang.
  • 1958–1962 Lớp Nhất – Đệ Lục, Tiểu Chủng Viện Á Thánh Quý Sóc Trăng, Giáo Phận Cần Thơ.
  • 1962-64 Á Thánh Quý Cái Răng, Lớp Đệ  Ngũ – Đệ Tứ.
  • 1965-68 Tiểu Chủng Viện Giuse Sài Gòn, Đệ Tam – Đệ Nhất. Chủng sinh Giáo Phận Vĩnh Long do Cố Giám Mục Nguyễn Văn Thiện chấp nhận.
  • 1968-1975 Đại Chủng Viện Xuân Bích Vĩnh Long.
  • 1975 Giúp Giáo Lý Họ Đạo Bến Dinh, Vàm Xáng gần quê nhà.
  • 1979 Sống tại Nam Vang
  • 1980 Trại Tị Nạn Panat Nikom, Thái Lan
  • 1981 Giáo Phận  Victoria, BC. Canada
  • Ngày 08/12/1984 Linh Mục, Phụ Tá Nhà Thờ Chính Toà, Phụ Tá và Bổ Sở họ đạo Tây Saint Patrick.
  • 2008 Hưu Trí
  • 21/02/2022 về quê thật

III. Vài kỷ niệm đáng nhớ.

Phần đất “Bến Dinh” xa xưa thuộc Địa Phận  Đàng Trong Tây 1824, Nam Vang 1850, Cần Thơ 1955 nên chú tiểu Mây đến Sóc Trăng học tập 1958. Rồi 1960, chia ra Giáo phận mới, anh thuộc  Mỹ Tho, nhập Vĩnh Long, nhưng vẫn học tại Chủng Viện Á Thánh Quý tới khi hết chữ 1964.

Thêm biết, từ 1846 có 72 Kitô hữu miền Đông Nam Phần tránh nạn bắt Đạo, tới đó vùng nầy lập nghiệp. Hôm nay họ đạo Bến Dinh, tên hành chính là Tân Hoà có hơn 4.000 giáo dân trong số 11 ngàn dân toàn xã.

Chút chuyện cũ, Thầy Hồ V Mây, khi tới trại tị nạn trên đất Thái 1980, đã viết thư cho Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Bangkok, trình bày hoàn cảnh lý lịch. Đức Khâm Sứ khuyên Thầy liên lạc với Toà Giám Mục Victoria, BC, Canada, nên sau đó Thầy đã tới Giáo Phận nầy, phục vụ tới mãn đời.

Thủ Phủ Victoria của Tỉnh Bang British Columbia, 944734.423 Km vuông, vùng Đông Bắc của Canada, là thành phố du lịch quốc tế, có khí hậu tương đối không quá lạnh mùa đông so với nội địa như Toronto và mát mẽ mùa hè. Nên tập trung nhiều giới trí thức và thành phần khá giả, giàu có khi hưu trí.

Cũng từ đó Cha Mây, đã dễ nhờ giáo dân địa phương lập “Ho Mission” với mục  đích giúp lon gạo tình thương cho quê nhà, tài trợ  phần nào học phí cho một số tu sinh, chủng sinh và quí Sơ Dòng Chúa Quan Phòng vì ơn nghĩa dạy dỗ đầu đời, thêm Dòng Con Đức Bà Cần Thơ nữa.

Trong thời gian đài gần 38 năm Linh Mục giáo xứ Tây, Cha cũng thêm đặc trách cộng đồng Công Giáo Việt Nam định cư tại vùng Victoria trên, thi hành bí tích và riêng thánh lễ tiếng  Việt mỗi chiều Chúa Nhật.

Cá nhân tôi tớ nầy, luôn có dịp gặp Cha Mây từ 1990 – 2012, vào mỗi mùa hè khi Cha quá cảnh lại chỗ mình định cư.

Cha chịu rời vùng ôn đới mát mẽ Canada, bay sang Houston, Texas Hoa Kỳ, 2 tuần tắm nắng, tắm hơi?  – Thưa  không, mục đích chính chuyến đi là Cha đến thăm gia đình đồng cảnh tị nạn cũ, đã nấu cơm cho Thầy Mây lúc trong trại tị nạn tại hành lang Dongrek giữa Thái – Miên, rồi sau đó thêm tại trại Sikiêu và trại  Panat Nikhom trên đất Thái nữa,  thời 1979. Lòng nhớ ơn không phai.

Về mặt tâm lý chung, khi đã tới độ tuổi 40, 50 trở lên, người ta hay hoài niệm về quá khứ êm ấm, kể cả nóng lạnh bất thường. Riêng,  giai đoạn vị thành niên thường nằm trong ký ức suốt đời. Nên khi gặp bạn bè trường cũ hoặc những ai  có chung kỹ niệm, cùng vùng với miền quê nhà năm xưa, thì ba bên bốn phía trò chuyện không mệt mõi thâu đêm. Mỗi lần gặp nhau, Cha Mây thường hay quay lại cuốn phim cũ về Quí Cha Quí Thầy nơi mái trường xưa Sóc Trăng, Cái Răng và còn thêm Vĩnh Long quê hương của Cụ Phan Thanh Giản 1796–1867 nữa.

Có những lần Cha Mây dặn dò đàn em: “Tui với chú mà, Cha – Con cái gì. Xưng hô anh em được rồi …”. Đàn anh nầy còn đậm mùi giá sống, bông so đũa, thêm bông súng, bông điên điển của miệt Đồng Tháp quê nhà của anh. Cha con, chỉ trong đối đáp Thánh lễ. Còn mầm thiện, Chúa đặt trong mỗi người, ngang nhau.

 “Anh Mây”cũng có những lần thêm tâm tình riêng chút ít, khi nhận thấy sự đạo đó đây: Dân Tây Canada, tổ chức Họ Đạo y như một công ty, hãng xưởng. Làm việc rất đúng giờ, không thêm không bớt theo bản chỉ dẩn, mô tả công việc “job description”. Có cái hay, cũng có cái dỡ.

Thí dụ: Tới giờ ngồi tòa thì Linh Mục vào toà chờ đợi sẵn sàng. Khi hết giờ thì đứng dậy đi ra, dù có nhiều người nối đuôi xưng tội. Còn Cha Mây theo tinh thần Á Thánh Quý, ráng nán lại, làm cho hết việc hơn là hết giờ. Cha thấy rằng giáo dân còn chịu tới nhà thờ và chịu đi xưng tội. Tội, coi như cả gánh quan san nặng nề, khi bỏ xuống rồi, thì Chúa và dân đều vui mừng chung. Nên Cha, trong mục vụ, ngày càng thêm được lòng của nhiều giáo dân Tây địa phương.

Khi còn trong nhiệm vụ, vào mỗi mùa Noel và Tết Tây quay về, Cha Mây gởi tới từng gia đình Họ Đạo cánh thiệp mừng Giáng Sinh và Năm Mới. Sau đó, tới dân chúng (Tây) phúc đáp, luôn kèm theo chi phiếu tặng quà. Cộng chung, mỗi năm khoảng chừng trên dưới 40 ngày đôla, theo Cha nói. Cha Mây lại chuyển hầu hết số tiền nầy vào quỹ “Ho – Hồ – Mission” dù trong số nầy, có những món quà cho riêng ông Thầy Cả.

IV. Đôi điều đáng suy nghĩ

  1. Trong 32 năm qua, tôi tớ nầy có dịp gặp Cha Mây chừng hơn 20 lần, hầu hết vào mùa hè. Có đôi lần, cha Mây tự nhiên nhìn lên bầu trời trong xanh và tâm sự với vài đàn em đồng môn đồng hương: Làm Linh Mục, có khi khó rỗi linh hồn lắm! Tại sao?
  2. Theo cái nhìn riêng của Cha,  phần lớn, do tiền bạc tới với mình dễ dàng, nên nhiều khi làm bậy, xài không đúng chỗ, không tiếc xót công lao cực khổ của người dâng, vì tin, mà tặng cho mình, hoặc qua xin lễ, để sống mà mần việc  Chúa.
  3. Cha lại thêm thấy, có những Thầy Cả khi còn khoẻ mạnh, hay thu góp. Tới cuối đời, khi hấp hối trên giường, thì những người thân gần bu lại dành giựt, giấu đút, tranh chấp, chia rẽ, bất hoà … Làm sao tránh xa cảnh đó. Nên cần phải phân chia đâu ra đó rạch ròi, rõ ràng. Hội “Ho Mission” của Cha Mây, khi còn hoạt động, có kế toán viên, có  sổ sách, phải báo cáo chi thu cho Sở Thuế Canada mỗi năm.

4. Đó là chưa kể, theo Cha Mây, khi làm Linh Mục, hay tự ái vặt cùng thêm kiêu ngạo, nên rầy la (bắc, gọi là chửi) bổn đạo nhiều hơn rao giảng ngôn hành của Chúa.

5. Cũng thêm nữa, tại thành Phố Victoria, BC của Canada có một họ đạo Công Giáo gốc Pháp. Nhiều lần cha Sở Tây ở đây cần, thì mời Cha Mây, gốc Việt ta, tới dâng lễ bằng tiếng Pha-lang-sa. Mỗi lần vào lễ, Linh Mục học trò nầy đều nhớ tới công lao dạy dỗ từng chữ Tây đầu đời của người Thầy Nguyễn Tấn Thinh năm xưa tại Sóc Trăng, thêm Cái Răng.

6. Trong 14 năm hưu trí, Cha Mây thường dâng lễ riêng bằng tiếng Pháp mỗi tuần bốn năm lần, để giữ cho trí óc, ít  là, được y nguyên, được như thường trước thời kỳ quá độ tới xuống tuổi già dễ lú lẫn.

V. Sau hết, xin cùng cầu cho một đàn anh chung nguồn Á Thánh Quý, sau thời kỳ hỗn tạp trầy da tróc vảy 47 năm trước, đã tới được lý tưởng Linh Mục ở miền xa. Anh đã mang tới phương trời  Victoria,  cũng chung một Giáo Hội, những mùi hương đạo hương đời  ít nhiều, từ  những hột giống giáo dục mà mái trưởng xưa đã gieo vãi nơi anh.

Ngoài ra, trong thân phận con người, ai cũng bất toàn, ai cũng thiếu sót mọi mặt từ lời nói tới việc làm. Càng cao danh vọng, càng dầy gian nan. Càng có chức vụ, càng dễ bị phê phán. Càng chịu cực chịu khó làm việc, càng dễ vươn vào thiếu sót, lỗi phạm tới Chúa và với người.

Xin Chúa tính điểm trên mặt tích cực và thiện tâm của đàn anh cùng dòng dõi Á Thánh Quý, Linh Mục, Thầy Cả Phêrô Hồ Văn Mây. Cùng bỏ qua những yếu đuối sai phạm.

Xin đưa dẫn người con nầy lên chốn nghỉ ngơi với Chúa cùng các thánh muôn đời. Amen.