Kẻ ngoại người đạo đều là con Chúa | Chúa Nhật 20 TN A | Vô Hạ

1337

vô hạ

Người Kitô Giáo gọi ông Trời của niềm tin nhân gian là Thiên Chúa hay nói tắt là Chúa. Ngài dựng nên, thương yêu và thương xót mọi người. Những ai chịu tin nhận và yêu mến qua việc tuân giữ lề luật của Ngài đều trở thành con dân của riêng Ngài. Đó là ý chính của bài đọc I và Phúc Âm. Nhưng hôm nay Chúa Nhật Thường Niên năm A, ngày 16.08.2020 nầy, bài đọc II cũng cùng chung một ý trong tổng thể mà ít khi xảy ra. Xin chịu khó đọc nguyên văn Lời Chúa 3 bài bên dưới để xem Ngài soi sáng cho mình được những gì.

BÀI ĐỌC I,  Trích Sách Tiên Tri Isaia. 56:1, 6-7

Đây Thiên Chúa phán: “Hãy giữ luật và thực thi công bình, vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới, và sự công chính của Ta sẽ thể hiện. Người ngoại bang theo Chúa để phụng sự Chúa và mến yêu danh Người, để trở nên tôi tớ Chúa, tất cả những ai giữ ngày Sabbat, không hề sai lỗi, và trung thành với giao ước của Ta, Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện, Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc.”

BÀI ĐỌC II. Trích Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Rôma.11:13-15, 29-32

Anh chị em thân mến, tôi nói với anh chị em là những người gốc dân ngoại rằng: Bao lâu tôi là Tông Đồ các Dân Ngoại, tôi sẽ tôn trọng chức vụ của tôi, nếu có cách nào làm cho đồng bào tôi phân bì, mà tôi cứu rỗi được ít người trong họ. Vì nếu do việc họ bị loại ra, mà thiên hạ được giao hòa: thì sự họ được thâu nhận sẽ thế nào, nếu không phải là một sự sống lại từ cõi chết? Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh chị em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh chị em được thương xót, cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh chị em, để họ cũng được thương xót. Thiên Chúa đã để mọi người phải giam hãm trong sự cứng lòng tin, để Chúa thương xót hết mọi người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêô.15:21-28

Khi ấy, ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui về miền Tyrô và Siđon, thì liền có một bà quê ở Canaan từ xứ ấy mà kêu cùng Người rằng: “Lạy Ngài là con vua Đavid, xin thương xót tôi: Con gái tôi bị quỷ ám khốn cực lắm.” Nhưng Người không đáp lại một lời nào. Các môn đệ đến gần Người mà xin rằng: “Xin Thầy thương để bà ấy về đi, vì bà cứ theo chúng ta mà kêu mãi.” Người trả lời: “Thầy chỉ được sai đến cùng chiên lạc nhà Israel.” 

Nhưng bà kia đến lạy Người mà nói: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi.” Người đáp: “Không nên lấy bánh của con cái mà vứt cho chó.” Bà ấy đáp lại: “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống.” Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy.” Và ngay lúc đó, con gái bà đã được lành.

Vài ghi chú và tâm tình 

Trước hết Bài Phúc Âm cho thấy Chúa Giêsu ứng xử hợp lý hợp tình trước thái độ cứng lòng của quí vị lãnh đạo và nhiều người Do Thái trong đoạn (15,1-20) ngay trước câu chuyện này. Chúa đã lui về miền Tyrô và Siđon. Có thể Chúa muốn tránh xung đột với họ khi thời gian chưa tới, đồng thời cũng tiên báo ý định của Ngài hướng tới “dân ngoại” nào tin yêu Thiên Chúa.

  • Đây cũng là dịp để các tông đồ theo Thầy, tập tành đi vào thực tế hướng tới muôn dân khi Thầy còn ở cùng, để rồi sau nầy tới phiên các ông, vâng lệnh tối hậu đi giảng dạy muôn dân, sẽ nhớ lại mẩu gương của Chúa làm. Ai cũng biết có nhiều điều về vị Giáo Chủ của những tôn giáo chính, không được ghi ra trong sách vở, đã được quí Thầy của Đức Cồ Đàm của tôn giáo bạn gọi là “giáo ngoại biệt truyền”.
  • Tyrô và Siđon là 2 hải cảng giao thương sung túc nhiều thời từ hơn 2.700 năm trước thời Chúa Giêsu, tập trung nhiều sắc dân ngoại và cả một số tư bản Do Thái nữa, từ khắp nơi tới buôn bán sinh sống. Nơi đó có nền văn hóa và kinh tế cao. Cũng có đền thờ Thần Thánh riêng biệt với nghi lễ cúng tế cầu an.
  • Một bà người Canaan. Một bà: Người phụ nữ thường bị coi thấp trong xã hội Do TháiFreeBibleimages :: A Syrophoenician woman begs Jesus for help :: A ... ngày xưa, nhưng Chúa Giêsu vẫn đối thoại tự nhiên với bà, không kỳ thị. Chữ Canaan nầy cũng có  nghĩa là “dân ngoại” chỉ đề cập một lần nơi đây trong Tân Ước. Theo bản văn, không thấy nói về người cha của cô gái bị quỉ ám, mà người mẹ hết lòng thương yêu con, đã lặng lội đi tìm mọi phương cách cứu con, đưa dẫn bà  tới với Chúa.
  • Trong những hoàn cảnh ngặt nghèo, người ta thấy xuất hiện những nữ nhi anh hùng đạo và đời khắp nhiều nơi, đặc biệt 50 năm qua tại đất nước có chiến tranh rồi lại gặp phải nhiều tai họa.
  • Dân ngoại. Anh ngữ Gentile, Pháp ngữ Gentil, cả hai từ gốc tiếng Latin: Gentilis foreign, étranger xa lạ. Người Jews Giudêu cho rằng ai không Do Thái, theo nghĩa gốc, đều là người xa lạ, ngoại lai, ngoại bang, mang ý nghĩa co cụm, loại trừ, phân biệt về mặt chủng tộc và cả mặt tôn giáo nữa.
  • Khi Đạo Chúa tới Việt Nam hơn 500 năm qua (1533) đã dịch từ ngữ trên là “dân ngoại, người ngoại, kẻ ngoại” có nghĩa là người ngoài đạo mình, cũng có mang mùi vị ít nhiều ý nghĩa gốc của người Do Thái. Sau nầy, ngôn ngữ của Công Giáo Việt Nam thuộc hàng tiến bộ nhất, đã có từ “lương dân”: Người hay dân lương thiện. Từ ngữ nầy nói lên hầu hết ý chính của 3 bài Lời Chúa hôm nay.
  • Do danh tiếng của Chúa Giêsu  lan ra khắp trong vùng tới những miền bên ngoài lãnh thổ Do Thái nên người đàn bà nầy dùng tiếng Lord Lạy Ngài, để tỏ lòng kính trọng, và khi ghép chung với Con vua Đavít, là kiến thức của người Do Thái chỉ Đấng Cứu Thế, chắc hẳn bà đã được nhờ những sự “nhiều chuyện” của mấy ông và nhất là từ mấy bà Do Thái gần xa chung quanh (Mc 3:8).
  • Bà lương dân nầy tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Giêsu nên chạy đến với Ngài, mặc dù theo sử sách cho biết, thời đó có đền thờ Thần Chữa Bệnh danh tiếng Eshmun, 4,8km đông bắc thành Siđon. Bà chịu lựa Chúa hơn mọi thế lực khác.
  • Các môn đệ xin Đức Giêsu cho bà ta về, không phải xúi Chúa đuổi bà lương dân nầy như nhiều nhà phú hộ với tá điền đến cậy nhờ giúp đỡ xưa nay. Mà là xin Ngài giúp để bà về và đừng kêu xin dông dài nữa. Lời của môn đệ ở đây, giúp nhớ tới câu chuyện Chúa nói về người chủ nhà phải ngồi dậy đi lấy bánh cho người láng giềng kiên trì gỏ cửa quấy rầy giữa đêm khuya, trong Luca 11:5-8.
  • Bản văn Anh Ngữ dùng từ “dogs” chó cho cả hai câu 26 và 27. Bản văn Việt Ngữ dịch từ ngữ Hilạp kynarion của câu 27 là “chó con” làm cho Lời Chúa trở nên êm dịu và thân tình hơn.
  • Người Do Thái thường xỉ nhục dân ngoại là chó, coi như thú ăn xác thúi hoang dã, dơ bẩn, hèn hạ, bị khinh khi. Người Hồi giáo hiện nay cũng còn quan niệm nầy. Khi rủi bị chó đụng chạm, phải tắm ít là 7 lần mới sạch; mà 7 là con số hoàn hảo trong văn hóa Hi Lạp, có nghĩa là càng tắm nhiều bao nhiêu sạch bấy nhiêu. Hình thức nầy đã trở thành hủ hóa thay vì văn hóa, mà lãnh đạo tôn giáo và cả dân chúng nữa, chưa hoặc không dám canh tân. Chỉ khi Chúa Giêsu đến, đề cao tinh sạch về tinh thần là quí giá nhất. Mt. 12:1-8.
  • Người miền Bắc VN có dùng từ “đồ chó má”: Chó mẹ, với ý khinh khi nặng nề hơn khi dùng từ “chó” thường hay “chó con”. Mặt khác, từ “má” cũng có thể là tiếng đệm cho êm xuôi.
  • Nhưng quan niệm của Âu Mỹ lại khác. Chó là giống vật quí mến được chủ thú và cả xã hội cưng chiều. Khi mang thai  Ngài, Bà Mẹ Thánh Đaminh (1170-1221) bên Tây Ban Nha, đã mơ thấy có con chó ngậm cây đuốc. Nên sau nầy trên bức chân dung của vị thánh, thường có logo biểu tượng nầy kèm theo. Do đó mà có những vị cao cấp trong Đạo ta xưa nay, có lúc tự nhận là con chó canh giữ Giáo Hội. Cố Linh Mục Nguyễn Thanh Đàng  (1889-1985) của GP Cần Thơ thường ví ‘Tao là con chó của Đức Chúa Trời. Tao không phải là chó câm. Tao phải sủa để canh giữ nhà Chúa …’.
  • Người phụ nữ lương dân chịu khiêm tốn chấp nhận làm chó 2.000 năm trước theo quan niệm của Do Thái, chỉ vì vì tin tưởng vào Chúa và cũng vì quá thương con của bà. Dám liều chịu đựng dư luận tồi tệ để đạt mục đích là cứu con bà. Một người mẹ đáng quí và đáng  phục.
  • Trở lại Bài đọc II, Thánh Phaolô, như con em Việt Kiều hiện nay, là người Do Thái, nhưng  được sinh ra trên xứ Tarsê, đất Hi Lạp bên ngoài lãnh thổ Do Thái. Ông có lòng nhiệt thành với đạo Do Thái cũ, tôn trọng lề luật trong Cựu Ước. Nhưng sau khi được Chúa chinh phục, ông đã dùng tài năng thiên phú nhờ am tường văn hoá Do Thái và Hi Lạp, tạo tạo nên những  chiếc cầu vừa tầm mở rộng đạo Chúa cho hết mọi  người Do Thái là nước ngoài. Từ đó mà Ngài được gọi là Tông Đồ dân ngoại, nay là lương dân.
  • Đoạn Phúc Âm trên cũng cho thấy Chúa Giêsu được Cha sai tới trước hết cho nhà Israel (10:6) rồi mới cho mọi người, qua đức tin của lương nữ khiêm tốn. Nhưng vì người Do Thái không tin, nên Chúa mời gọi muôn dân muôn nước tới bàn tiệc nước trời, nhân cơ hội giúp đỡ gia đình lương dân nầy nầy, mà vẫn còn luôn trông chờ và mở rộng cửa cho con cháu Abraham.

Cuối cùng, xin lập lại,  đức tin kiên trì của dân nữ nầy đã thắng sự thử thách hay thách đố từ Chúa Giêsu như trong bài Phúc Âm. Chúa Giêsu đã bị thuyết phục. Bà nầy cũng là con cháu Abraham, không phải bằng sắc tộc, hay DNA di truyền, mà bằng niềm tin do Thánh Linh thổi hơi và  dẫn lối. Nên Chúa Giêsu đã phải nói: “Này bà, bà có lòng tin mạnh mẽ. Bà muốn sao thì được vậy”. Nên con của bà được chữa lành.

Đôi dòng tâm kinh.

Con chưa có được đức tin như bà lương nữ nầy Chúa ơi. Trong gian nan khổ sở, con hay thất vọng và trách móc Chúa lắm. Có những lúc con liều mình mà cả lòng bỏ Chúa luôn. 

Nhưng rồi, không có Ngài con ở với ai. Xin giúp con hiểu rằng gian khổ nào ở đời nầy rồi cũng qua đi. Những thử thách con gặp không bao giờ quá sức con chịu vì Chúa đã vác phần nặng rồi, con chỉ còn phần nhẹ. 

Xin cho chúng con biết tôn trọng và đối  xử với mọi người mọi sắc tộc như là hình ảnh của Chúa. 

Xin giúp chúng con tôn trọng những người khác tôn giáo, vì tất cả đều là con của một Chúa, một Cha.

Xin ban cho chúng con tấm lòng quảng đại bao la của Chúa, để biết kính trọng và yêu thương hết mọi người như Chúa đã yêu thương.  

— — —

Xem bài liên quan: