Tổng Giám mục Paul Gallagher – nhà ngoại giao thích kết giao

1387

by phanxicovn

Người Anh đầu tiên giữ chức “ngoại trưởng” là một nhân vật đặc biệt.

catholicherald.co.uk, Mark Drew, 13-11-2014

Việc thuyên chuyển hồng y Raymond Burke khỏi cương vị trưởng Tối cao Pháp viện Tòa thánh, vốn đã được nhiều người dự báo từ cách đây vài tháng, trước khi có quyết định chính thức vào ngày 08 tháng 11, đã tạo nên một hệ quả không ngờ, đầy phấn khởi với người Công giáo ở Anh quốc. Hồng y Burke được thay thế bởi Tổng Giám mục người Pháp Dominique Mamberti, 64 tuổi, chuyên gia về giáo luật và luật dân sự. Đi kèm với việc đề bạt giám mục Mamberti, là sự ngạc nhiên trong việc chọn người thay thế vị trí Thư ký Quan hệ các Quốc gia. Tổng Giám mục gốc Liverpool, Paul Gallagher, đã trở thành ngoại trưởng của Vatican.

Trong lúc xung khắc dữ dội và căng thẳng bè phái đang dấy lên trong Giáo hội, đồng thời các nhà bình luận, ngay cả những người Công giáo nữa, đang dùng những từ ám chỉ tình trạng chiến tranh, thì thật là nhẹ nhõm khi có thể nói dứt khoát rằng việc bổ nhiệm Tổng Giám mục Gallagher không có vẻ gì là do các động cơ nghị trình theo kiểu hệ tư tưởng. Ngài luôn nhận được sự ái mộ, từ những người đã quen biết với ngài từ thưở còn là một linh mục tận tụy, không bao giờ kết bè với bất kỳ phái nào trong Giáo hội. Chắc chắn, tính chẳng ngả theo phái nào và ít định kiến, cùng với nhân cách niềm nở và thích giao thiệp, khả năng làm việc cật lực cùng việc chú ý đến từng chi tiết, đã làm cho ngài phù hợp hoàn hảo cho công tác ngoại giao Tòa Thánh.

Bây giờ, ngài nhận vai trò lãnh đạo Phần thứ hai của Phủ Quốc vụ khanh, chịu trách nhiệm cho các đường hướng chung của mạng lưới công vụ ngoại giao mà Tòa thánh đã thiết lập với các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Về cơ bản, đây là việc cố vấn cho Giáo hoàng về cách hành xử với các chính phủ và các tổ chức như Liên hiệp quốc, cũng như điều hướng cho hành động của các tòa sứ thần tòa thánh tại các thủ đô trên khắp thế giới. Tổng Giám mục Gallagher sẽ gặp giáo hoàng theo lịch hàng tuần, tóm tắt với ngài các vấn đề mà Giáo hội phải đối diện trên khắp thế giới, và chuẩn bị cho giáo hoàng những buổi hội kiến với các lãnh đạo thế giới, cũng như các chuyến tông du đang dần là một đặc nét thông thường trong mục vụ của giáo hoàng thời này.

Lần đầu tiên tôi gặp Gallagher là vào năm 1979, khi tôi đến học tại trường Anh ngữ, và ngài là một linh mục trẻ vừa về lại Liverpool, sau khi hoàn tất nghiên cứu thần học với bằng giảng dạy về linh đạo. Tôi đã thấy con người nồng hậu và khiêm tốn của ngài, và tại trường ai đã học với ngài đều hết lời khen ngợi. Dường như ngài chẳng có ai thù địch, và điều này đặc biệt đáng chú ý khi ở trong một môi trường chẳng lạ gì óc bè phái. Ngài phục vụ vài năm tại Fazakerley, một khu vực dân lao động ở phía Bắc Liverpool, nơi có một bệnh viện lớn mà ngài đảm trách công tác tuyên úy. Nhưng Tổng Giám mục Worlock đã chú ý đến tài năng của ngài và vào năm 1982, ngài được đưa trở lại Roma, học Giáo luật và được đào tạo tại Học viện Roma, trường đào tạo ưu tú cho các linh mục được dự trù phục vụ trong công tác ngoại giao Tòa thánh.

Học viện Hội thánh, từng là một chủng viện đặc biệt cho các “Con người Cao quý của Hội thánh” được dự định đảm nhiệm cho các chức vị cao, do địa vị xã hội đặc quyền của mình. Nhưng ngày nay, việc tuyển sinh dựa vào khả năng chứ không phải do địa vị xã hội ban đầu. Các sinh viên, hầu hết là các linh mục đã được phong chức, học các kỹ năng xã hội giúp cho họ thoải mái tự nhiên khi đứng giữa những người có ảnh hưởng trong thế giới. Tổng Giám mục Gallagher có lẽ thoải mái trong nhóm được đề cao này, nhưng ngài không bao giờ quên cội rễ của mình, và vẫn giữ liên lạc với các linh mục và giáo dân ở tổng giáo phận Liverpool. Tôi thấy ngài có mặt trong lễ phong Tổng Giám mục Malcolm McMahon hồi tháng 5 vừa qua.

Có thể nói rằng, Tân Quốc vụ khanh, hồng y Pietro Parolin, đã chú ý đến các kỹ năng ngoại giao của tổng giám mục Gallagher, khi ngài có vô số cơ hội quan sát trong suốt nhiều năm qua. Hai người đã kề vai sát cánh trong Học viện, và quan trọng hơn là trong thập kỷ 1990, đã cùng nhau phục vụ trong Phần thứ hai của Phủ Quốc vụ khanh, mà bây giờ Tổng Giám mục Gallagher đang lãnh đạo. Dưới triều giáo hoàng Bênêđictô XVI, các nhà ngoại giao dường như bị đặt xuống hàng thứ yếu, ví dụ như việc cắt cử hồng y Tarcisio Bertone, một thần học gia chứ không phải nhà ngoại giao, làm trưởng Quốc vụ khanh. Với hồng y Parolin và tổng giám mục Gallagher nắm quyền hiện nay, có vẻ như các nhà ngoại giao đã trở lại, ít nhất là trong lĩnh vực của mình. Điều còn chưa rõ lắm là liệu Quốc vụ khanh sẽ có được ưu thế vượt trội xưa nay của mình hay không, vì Giáo hoàng Phanxicô dường như không chỉ đĩnh đạc trong việc đại tu toàn bộ hệ thống Giáo triều, mà còn có các mạng lưới riêng làm việc song song với các cơ cấu truyền thống, đồng thời ngài còn có những cách tổ chức riêng của mình, thường là rất không theo quy ước.

Tổng Giám mục Gallagher nhận nhiệm sở trong thời kỳ đầy hỗn loạn trên chính trường thế giới, và có một điều đáng chú ý là, sau khi làm việc thành công tại Tanzania, Uruguay, Phi Luật Tân, và Strasbourg, ngài được bổ nhiệm làm sứ thần tòa thánh đầu tiên là ở Burundi hồi năm 2004. Người tiền nhiệm của ngài, tổng giám mục Michael Courtney, đã bị ám sát vào cuối năm 2003, trong một cuộc nã súng có liên quan đến sự bất ổn chính trị lâu dài ở nước này. Vatican có vẻ là một nơi an toàn hơn, nhưng Quốc vụ khanh nhận thức sâu sắc mối nguy hiểm mà các Kitô hữu phải đối diện ở những vùng nóng xung đột quốc tế ngày nay. Một nguyên do đặc biệt để quan ngại, chính là cảnh ngộ của các Kitô hữu ở Trung Đông, nơi các nỗ lực ngoại giao mong tìm kiếm giải pháp cho tình hình bi đát đang đe dọa xóa sổ các cộng đoàn Kitô giáo lâu đời, và đây có lẽ là ưu tiên hàng đầu của phủ quốc vụ khanh. Tình trạng bị đát ở Đông Ukraine, và những chuyện ảnh hưởng đến người Công giáo ở đây, cũng là chuyện đáng phải lo lắng. Có nhiều người trách Vatican đã không lên án dữ dội nạn bạo lực và bất công đang diễn ra, nhưng thực tế thì Tòa Thánh luôn xem một chính sách ngoại giao âm thầm sẽ có tác dụng hơn những lời lên án khó nghe. Khả năng của Tổng Giám mục Gallagher sẽ được thử thách ở mức cao nhất, khi ngài nhận nhiệm sở trong thời kỳ bất ổn toàn cầu cao nhất trong lịch sử.

Sự vươn lên của ngài hầu như chưa từng có một người Anh nào làm được trong Giáo triều Roma, nhắc cho chúng ta về sự áp đảo của tiếng Anh, một ngôn ngữ toàn cầu. Hai người tiền nhiệm của Tổng Giám mục Gallagher là người Pháp, nói ngôn ngữ ngoại giao kiểu xưa. Nhưng việc dùng tiếng Anh trong các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, có nghĩa là những người nói tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ đang phục vụ Giáo hội Hoàn vũ, có thể có đóng góp với tầm quan trọng chưa được rõ ràng trong thế hệ trước, khi Đức Phaolô VI cân nhắc chính sách quốc tế hóa Giáo triều và chấm dứt sự thống trị của người Ý. Sự cộng tác giữa hồng y Parolin và tổng giám mục Gallagher, là sự kết hợp giữa kinh nghiệm lâu đời của Ý quốc, và tầm quan trọng mới nổi của các giáo hội nói tiếng Anh, không những chỉ ở Anh quốc và Bắc Mỹ, mà còn ở châu Phi và châu Á nữa. (Có những chuyện mâu thuẫn về sự nồng hậu, hay xa lánh, trong quan hệ giữa tổng giám mục Gallagher và hồng y Pell, vị giám mục nói tiếng Anh có ảnh hưởng nhất ở Roma lúc này, và là tổng giám mục Sydney trong thời gian Gallagher làm sứ thần tòa thánh ở Úc).

Nhiều người tiền nhiệm của tổng giám mục Gallagher đã được phong hồng y. Và mọi dự đoán đều cho rằng, ngài sẽ tiếp nối tiền lệ này, cho dù với Giáo hoàng Phanxicô, không còn chuyện tự động nâng bậc cho các nhân vật cấp cao trong giáo triều nữa. Điều chắc chắn là Paul Gallagher, người trong cuộc phỏng vấn mới đây, đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc liên hệ đời thường (một đồng bạn biết rõ ngài nói, “mỏ neo trong đời sống mục vụ của ngài vô cùng vững chãi”), sẽ không phải là một nhân vật không có cá tính. Tôi tin rằng ngài sẽ vẫn như xưa nay: một linh mục Anh đến từ Liverpool, vươn lên trung tâm điều hành của Giáo hội, một chứng minh cho đức tin của những người Công giáo bình dân, tại thế, những con người làm nên con người của ngài.

Linh mục Mark Drew, tiến sĩ thần học đại kết ở Học viện Công giáo Paris, và đã nghiên cứu ở Đức và Roma. Cha đang mục vụ tại giáo xứ St Wilfrid, York, Anh quốc.

J.B. Thái Hòa dịch