Các phụ kiện phụng vụ dành riêng cho giáo hoàng

1345

by phanxico.vn

cath.ch, I.Media , 2019-07-19

Nhà lãnh đạo tôn giáo và nguyên thủ quốc gia luôn có các thuộc tính riêng của mình. Mùa hè này ban biên tập I.Media có loạt bài về vị đại diện Chúa Kitô ở trần thế.

Kể từ khi được bầu chọn làm giáo hoàng từ năm 2013, Đức Phanxicô đã chọn phong cách đơn giản và tối thiểu nhất. Tuy nhiên nếu có một vài phẩm phục phụng vụ được để qua một bên thì cũng có một số khác được Đức Phanxicô giữ lại và thích nghi với nó.

Thuộc tính giáo hoàng tiêu biểu nhất được dùng trong các nghi thức phụng vụ là chiếc gậy thánh giá. Đây là thuộc tính mạnh mẽ nhất tượng trưng cho quyền uy thiêng liêng và quyền uy trần thế. Trước Đức Phaolô-VI, đó chỉ là cây gậy mục vụ đơn giản, nhưng các giáo hoàng kế tiếp đã dùng cây gậy này trong buổi lễ của Năm thánh như khi mở và đóng các cửa thánh.

Từ đó, gậy thánh giá được dùng trong mỗi buổi rước, khi ban phép lành trong các thánh lễ trọng thể, điều làm cho gậy thánh giá trở thành một biểu tượng thực sự, đó là chính giáo hoàng cầm gậy. Hồi đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Phanxicô tiếp tục dùng gậy thánh giá của Đức Bênêđictô XVI và của Đức Phaolô-VI với hình Chúa đóng đinh hiển thị trên gậy, ngài xen kẽ dùng hai gậy thánh giá này.

Gậy thánh giá có từ thời Đức Gioan-Phaolô II

Sau đó ngài dùng các gậy khác, cũng hơn hai mươi cái tùy theo dịp, tùy theo nơi đưa cho ngài. Có những chiếc gậy được làm bằng các nguyên liệu đặc biệt như chiếc gậy làm bằng vật liệu thô, gỗ kaoba, đồng và bạc của Honduras, chiếc khác làm bằng gỗ của chiếc tàu bị đắm ở Lampedusa. Chiếc gậy do các tù nhân ở nhà tù San Remo làm đi theo ngài ở nhiều nơi như ở Đất Thánh, ở Ecuađo và ở Paraguay. 

Gậy thánh giá làm bằng gỗ tàu bị đắm ở Lampedusa 

Gậy thánh giá tù nhân ở nhà tù San Remo làm 

Một biểu tượng bảo vệ đức tin

Một loại phụ kiện phụng vụ khác tô điểm cho trang phục giáo hoàng là dải mũ (fanon), phụ kiện này Đức Phanxicô ít dùng. Phẩm phục phụng vụ này gần như bị bỏ sau cải cách phụng vụ của công đồng, cho đến khi Đức Bênêđictô XVI dùng lại ít nhất cho đến triều giáo hoàng kế tiếp: dải mũ giáo hoàng là áo choàng đúp pelơrin may bằng lụa sọc trắng và vàng, đính vào cổ, mặc trên áo chùng và được đặt dưới dây pallium.

Cũng còn được gọi là “dải mũ” là hai dải băng bằng lụa sọc trắng và vàng có đường lót mịn màu tía có thêu thánh giá cùng màu gắn từ miện xuống. Trong những năm 1960 Đức Phaolô-VI đã không dùng, trong triều giáo hoàng của Đức Gioan-Phaolô II ngài chỉ dùng đúng một lần.

Hai tác giả Bernard Berthod và Pierre Blanchard nhắc lại trong tác phẩm Các kho tàng không được biết đến của Vatican (Trésors inconnus du Vatican, xuất bản năm  2001), dải mũ giáo hoàng có từ thế kỷ 12. Các dải mũ này đặc biệt có trong các bức khảm của danh họa Fra Angelico từ giữa thế kỷ 15.

Chỉ khi nào dâng các thánh lễ có tất cả các trang phục dành cho chức vụ giáo hoàng thì giáo hoàng mới mang dải mũ này: “Dải mũ này chỉ một mình giáo hoàng mang là biểu tượng cho việc bảo vệ đức tin” nhưng với các sọc dọc là tượng trưng cho “đơn vị hiệp nhất của các Giáo hội Đông phương và Tây phương”. 

Biểu tượng đặc biệt của người chăn dắt linh hồn

Còn dây pallium – dây trắng thêu thập giá đỏ dành riêng cho các giáo hoàng -, là dây được các giáo hoàng mang một cách có hệ thống, nhất là từ khi Đức Gioan-Phaolô I dùng để thay vương miện như một biểu tượng triều giáo hoàng của mình. Đức Gioan-Phaolô II , Đức Bênêđictô XVI và Đức Phanxicô tiếp tục truyền thống này.

Đức Phanxicô làm phép dây pallium 

Được xem là y phục của người chăn cừu vùng Trung Á, dây pallium là biểu tượng đặc biệt của các mục tử chăn dắt linh hồn. Dây pallium bằng len nhắc lại con chiên đi lạc được Mục tử Nhân lành vác trên vai đem về chuồng. Nó cũng là biểu tượng cho lòng khiêm nhường và sốt mến đến độ có thể hy sinh mình.Từ thế kỷ 15, cứ đến ngày lễ thánh Anê 21 tháng 1, giáo hoàng sẽ ban phép lành cho hai con cừu được nuôi trong một tu viện ở Rôma, len của hai con cừu này dùng để may dây pallium cho các giám mục sẽ được phong chức trong năm. Dây pallium của các giám mục được thêu thập giá màu đen, biểu tượng cho sự hiệp thông với giáo hoàng.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch