Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ cho Cộng đoàn Congo ở Roma

832
Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha bắt đầu cử hành Thánh lễ cho Cộng đoàn Congo ở Roma
Copyright: Vatican Media

Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha cử hành Thánh lễ cho Cộng đoàn Congo ở Roma

Toàn văn bản dịch tiếng Anh bài giảng

02 tháng Mười Hai, 2019 00:55
ZENIT STAFF

Lúc 9:50 sáng Chúa nhật Thứ Nhất Mùa Vọng, Đức Thánh Cha Phanxico chủ tế Thánh Lễ cho Cộng đoàn Công giáo Congo của Roma — tại Bàn thờ Ngai tòa của Vương cung Thánh đường Vatican –, nhân kỷ niệm 25 năm thành lập Chaplaincy Công giáo của Congo ở Roma.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của ZENIT bài giảng của Đức Thánh Cha sau bài Tin mừng.

* * *

ĐTC Phanxico: Boboto [Hòa bình]

Cộng đoàn: Bondeko [Huynh đệ]

ĐTC Phanxico: Bondeko [Huynh đệ]

Cộng đoàn: Esengo [Niềm vui]

Trong các Bài đọc hôm nay động từ đến xuất hiện thường xuyên, nó xuất hiện ba lần trong Bài đọc Một, và câu kết của Tin mừng nói rằng “Con Người sẽ đến” (Mt 24:44). Chúa Giê-su đến: Mùa Vọng nhắc nhở chúng ta về sự chắc chắn này theo đúng tên gọi của nó, vì từ Mùa Vọng có nghĩa là đến. Chúa đến: đây là gốc rễ cho niềm hy vọng của chúng ta, sự chắc chắn rằng niềm an ủi của Chúa đến với chúng ta giữa những khổ đau của thế giới, một niềm an ủi không phải bằng lời nói, nhưng bằng sự hiện diện, sự hiện diện của Ngài là Đấng đến giữa chúng ta.

Chúa đến. Hôm nay, ngày đầu tiên của Năm Phụng vụ, lời công bố này đánh dấu điểm khởi hành của chúng ta: chúng ta biết rằng ngoài mọi biến cố thuận lợi hay đối nghịch, Chúa không để chúng ta cô đơn. Ngài đã đến hai ngàn năm trước và sẽ trở lại vào thời gian sau hết, nhưng hôm nay Ngài cũng đến trong cuộc đời tôi, trong cuộc đời của bạn — vâng, cuộc sống của chúng ta, với tất cả những vấn đề, những nỗi thống khổ và những sự mong manh của nó, được Chúa viếng thăm. Chúng ta thấy ở đây nguồn gốc niềm vui của chúng ta: Chúa đã không mệt mỏi và sẽ không bao giờ mệt mỏi với chúng ta. Thật vậy, trong Bài đọc Một, ngôn sứ I-sai-a tiên báo: “Nước nước dập dìu kéo nhau đi. Rằng: ‘Đến đây, ta cùng lên núi Đức Chúa’” (2:3). Trong khi sự ác trên thế gian bắt nguồn từ việc mỗi người đi theo con đường riêng của mình mà không bao gồm người khác, ngôn sứ đưa ra một viễn cảnh tuyệt vời: tất cả cùng nhau lên núi của Chúa. Đền thờ ở trên núi, là Nhà của Thiên Chúa. Vì vậy, I-sai-a chuyển đến cho chúng ta một lời mời gọi thay mặt cho Thiên Chúa, đến Nhà của Ngài. Chúng ta là những vị khách mời của Thiên Chúa, và người được mời là người được mong đợi và khao khát. Hãy đến — Chúa nói — vì trong Nhà của Ta có đủ chỗ cho tất cả. Hãy đến, vì trong trái tim của Ta không chỉ có một dân tộc, nhưng là tất cả mọi dân tộc.”

Anh chị em thân mến, anh chị em đến đây từ rất xa. Anh chị em đã rời bỏ nhà của mình; anh chị em đã để lại những tình cảm và những điều thân yêu. Đến đây, anh chị em đã tìm thấy được lòng hiếu khách cùng với những khó khăn không lường trước được. Tuy nhiên, đối với Thiên Chúa, anh chị em luôn là những vị khách đáng yêu. Chúng ta không bao giờ là người xa lạ với Ngài nhưng là những đứa con được chờ đợi. Và Giáo hội là Nhà của Chúa: do đó, ở đây, hãy luôn cảm nhận như mình đang ở nhà. Chúng ta đến đây để cùng nhau tiến bước về phía Chúa và kiện toàn những lời mà tiên tri I-sai-a kết luận: “hãy đến đây, ta cùng đi nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường” (c. 5).

Tuy nhiên, bóng tối của thế gian có thể được ưa thích hơn ánh sáng của Chúa. Người ta có thể đáp lại lời Chúa, Đấng đã đến, và đáp lại lời mời đến với Ngài rằng: “Không, tôi không đi đâu”. Thông thường, nó không phải là một chữ “không” trực tiếp, không xấc xược nhưng là âm thầm. Đó là tiếng “không” mà Chúa Giê-su cảnh báo trong Tin mừng, dạy chúng ta đừng làm như “thời ông Nô-ê” (Mt 24:37). Chuyện gì đã xảy ra thời ông Nô-ê? Chuyện xảy ra rằng, trong khi một điều mới mẻ và bao trùm sắp xảy đến thì chẳng ai thèm chú ý đến nó, bởi vì tất cả họ chỉ nghĩ về việc ăn và uống (x. c. 38). Nói cách khác, tất cả mọi người chỉ nhắm sống theo nhu cầu của họ; họ hài lòng với một cuộc sống phẳng lặng, đi theo chiều ngang, không có nhiệt huyết. Chẳng có sự chờ đợi một người, chỉ đòi hỏi có được một cái gì đó cho riêng mình, để tiêu dùng. Chờ đợi Chúa đến, chứ không đòi hỏi phải có thứ gì đó để chúng ta tiêu dùng. Đây là chủ nghĩa hưởng thụ.

Chủ nghĩa hưởng thụ là một loại virus ăn mòn niềm tin tận gốc rễ, bởi vì nó khiến người ta tin rằng cuộc sống chỉ phụ thuộc vào những gì người ta có, và vì vậy người ta quên rằng Thiên Chúa đến để gặp từng người và người bên cạnh bạn. Chúa đến, nhưng người ta chạy theo sự thèm khát ăn uống; người anh em gõ cửa nhà bạn, nhưng bạn cảm thấy phiền toái vì anh ta làm xáo trộn kế hoạch của bạn — và đây là thái độ ích kỷ của chủ nghĩa hưởng thụ. Khi Chúa Giêsu chỉ ra trong Tin Mừng những mối nguy hiểm cho đức tin, Ngài không chú ý đến những kẻ thù đầy quyền lực, với những thù địch và bắt bớ. Tất cả những điều này đã có, đang có và sẽ có, nhưng nó không làm suy yếu đức tin. Thay vào đó, mối nguy hiểm thực sự là thứ làm tê liệt tâm hồn: nó lệ thuộc vào sự hưởng thụ, để cho bản thân bị đè nặng và làm bạc nhược tâm hồn với những nhu cầu (x. Lc 21:34).

Rồi người ta sống vì vật chất và họ không còn biết là vì cái gì; có rất nhiều của cải nhưng của cải chẳng để làm gì; nhà cửa đầy đủ mọi thứ nhưng vắng bóng con cái. Đây là thảm kịch của ngày nay: những căn nhà chứa đầy đồ đạc nhưng vắng bóng trẻ em, chúng ta đang trải qua mùa đông nhân khẩu. Thời gian bị vứt bỏ trong những trò tiêu khiển, nhưng không có thời gian cho Thiên Chúa và cho người khác. Và khi một người sống vì vật chất, thì vật chất sẽ không bao giờ là đủ, lòng tham tăng lên và tha nhân trở thành chướng ngại vật trong cuộc đua, và do đó dẫn đến cảm giác bị đe dọa, và luôn bất mãn và tức giận, mức độ thù hận tăng lên. “Tôi muốn thêm nữa, tôi muốn thêm nữa, tôi muốn thêm nữa …” Ngày nay chúng ta thấy điều đó ở nơi chủ nghĩa hưởng thụ ngự trị: không biết bao nhiêu bạo lực, cả bạo lực bằng lời nói, không biết bao nhiêu sự tức giận và thèm khát tìm kiếm kẻ thù bằng mọi giá! Vì vậy, trong khi thế giới đầy những loại vũ khí tạo ra cái chết, chúng ta không nhận ra rằng chúng ta đang tiếp tục vũ trang cho tâm hồn của mình bằng sự tức giận.

Chúa Giêsu muốn đánh thức chúng ta thoát khỏi tất cả những điều này. Người mô tả điều đó đó bằng một động từ: “Hãy canh thức” (Mt 24:42). “Hãy cảnh giác, hãy canh thức.” Canh thức là công việc của một nhân viên bảo vệ, người bảo vệ phải tỉnh thức trong khi tất cả mọi người ngủ. Canh thức là không đầu hàng trước giấc ngủ bao trùm xuống mọi người. Để có thể canh thức thì người ta phải có một hy vọng chắc chắn: rằng đêm sẽ không kéo dài mãi mãi, rằng bình minh sẽ đến sớm. Với chúng ta cũng như vậy: Thiên Chúa đến và ánh sáng của Ngài cũng sẽ tỏa rạng trong bóng tối dày đặc nhất. Tuy nhiên, với chúng ta ngày nay để canh thức, để canh thức: để vượt qua cám dỗ rằng ý nghĩa của cuộc sống là sự tích lũy — đây là một cám dỗ. Ý nghĩa của cuộc sống không phải là để tích lũy —, với chúng ta là phải vạch mặt sự lừa dối cho rằng người ta chỉ hạnh phúc nếu họ có nhiều thứ, để chống lại thứ ánh sáng chói chang của sự hưởng thụ kia, nó tỏa sáng khắp mọi nơi trong tháng này, và để tin rằng việc cầu nguyện và bác ái không phải là sự lãng phí thời gian, mà là những kho báu lớn nhất.

Khi chúng ta mở lòng ra với Thiên Chúa và với anh em, những điều quý báu sẽ đến, những điều mà vật chất không bao giờ có thể cho chúng ta và điều mà ngôn sứ I-sai-a công bố trong Bài đọc Một, sự bình an: Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2:4). Đó là những lời khiến chúng ta suy nghĩ về quê hương của anh chị em. Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho hòa bình, đang bị đe dọa nghiêm trọng ở phía Đông của đất nước, đặc biệt là ở các vùng lãnh thổ Beni và Minembwe, nơi những xung đột đang bùng lên, được tiếp thêm nhiên liệu từ bên ngoài, trong sự im lặng đồng lõa của rất nhiều người. Xung đột được thúc đẩy bởi những kẻ làm giàu bằng việc buôn bán vũ khí.

Hôm nay anh chị em kính nhớ một người rất đẹp, đó là Chân phước Marie-Clementine Anuarite Nengapeta, bị giết chết một cách tàn bạo mà vẫn không quên nói điều đầu tiên với người đao phủ của chị, như Chúa Giêsu đã làm: “Tôi tha thứ cho anh, vì anh không biết việc anh đang làm!” Chúng ta hãy cầu xin, qua sự can thiệp của Chân phước, để nhân danh Thiên Chúa là Tình yêu, và với sự giúp đỡ của các dân tộc chung quanh, vũ khí sẽ được từ bỏ vì một tương lai không còn người này chống lại người khác, mà là người này cùng với người khác, và có sự chuyển đổi từ một nền kinh tế lợi dụng chiến tranh trở thành một nền kinh tế phục vụ hòa bình.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 2/12/2019]