Một cô bé ở Nepal nghĩ gì về Thiên Chúa của Đức Hồng y Tagle

620
Antoine Mekary | ALETEIA

I.Media for Aleteia | 01/07/21

Trong bài phát biểu đầy cảm xúc, vị chức trách Vatican nói rằng khi đến thăm các trại tị nạn, ngài đã tìm thấy một phần của chính mình.

“Người di cư mà bạn từ chối có thể là người ông của một vị hồng y trong tương lai!”

Vị Tổng trưởng Bộ Truyền giảng Phúc âm cho các Dân tộc, Đức Hồng y Luis Antonio Tagle, gần đây đã đưa ra suy tư này, trong một báo cáo hội nghị về chương trình viện trợ cho người di cư.

Đức Hồng y Tagle đề cập đến lịch sử của chính ngài.

Ngài nói giọng đầy xúc động, “Những người tị nạn này đang đưa tôi trở về cội nguồn của mình,” ngài tiếp tục nói rơm rớm nước mắt: “Trong họ, tôi nhìn thấy ông của tôi sinh ra ở Trung Quốc, nhưng buộc phải rời quê hương để đến Philippines với chú của ông, khi ông vẫn còn là một đứa trẻ, để tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn.”

Trong sự kiện ngày 15 tháng Sáu, Đức Hồng Y Tagle đã nói đến sự gặp gỡ với những người di cư giúp chúng ta lớn lên trong đức tin và sự hiểu biết về người lân cận của mình.

Với vị trí là giám đốc phòng phụ trách việc truyền giảng phúc âm, Đức Hồng Y Tagle đã đến thăm các trại tị nạn trên khắp thế giới – Hy Lạp, Li Băng, Bangladesh. Tuy nhiên, ngài khẳng định rằng vấn đề người di cư phát sinh ở bất cứ nơi nào.

Về phần bản thân, ngài nói ngài đã tìm thấy một phần của mình trong những cuộc gặp gỡ đó.

Mở rộng lòng

Đức Hồng y nói: “Những điều đáng kinh ngạc” luôn xảy ra trong các cuộc gặp gỡ với người di cư — trong đó có thể có ai đó là một giáo hoàng trong tương lai.

Đức Hồng Y Tagle kể lại rằng có một năm, tại Tổng Giáo Phận Manila trước đây của ngài, ngài đã tổ chức Ngày Quốc Tế Di Dân vào Thứ Năm Tuần Thánh. Ngài quyết định đưa những người di cư này – một số người không phải là người Kitô hữu – vào nghi thức Rửa chân, một phần tùy chọn của phụng vụ vào ngày này trong Tuần Thánh.

Ngài giải thích rằng trong số họ có một phụ nữ người Eritrea đang mang thai. Đức hồng y nói, “Các giáo hữu nhìn thấy chị ấy đến — người cao, với dáng đi rất thanh lịch — và tự hỏi chị ấy là ai”. Ngài giải thích rằng chị ấy đến từ Eritrea, và họ “vô cùng ngạc nhiên vì họ thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của đất nước này”. Họ tự hỏi làm thế nào một người từ một vùng đất xa xôi như vậy lại có thể đặt chân đến Philippines.

Đức Hồng y Tagle kết luận rằng đó là lợi ích của việc làm cho người di cư được nhìn thấy. Nó khiến mọi người “tò mò” và sau đó “mở lòng”. Ngài kể, người phụ nữ Eritrea sau đó đã nhận được học bổng đào tạo, và có thể đón mẹ chị ta đến để giúp đỡ bà.

Một Thiên Chúa rất đẹp

Đức hồng y cũng kể lại việc những người di cư nhận được những ảnh hưởng rất lớn từ sự hỗ trợ của các thành viên trong Giáo hội Công giáo trên toàn thế giới.

Trong mỗi trại mà vị giám chức người Philippines đến thăm, ngài kể rằng ngài đã được đặt câu hỏi, “Tại sao ông lại giúp chúng tôi?” Ngài nói rằng câu trả lời của ngài chắc chắn luôn giống nhau: “Bởi vì tôi tin vào một Thiên Chúa là Đấng bảo tôi phải yêu thương anh chị em.”

Phản một ứng trước câu trả lời này với đôi mắt lại đẫm nước mắt, ngài nói, đặc biệt để lại dấu ấn cho ngài. Nó đến từ một cô bé trong trại tị nạn ở Nepal, cô bé nói với ngài: “Chúa của ông thật đẹp!”

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 5/7/2021]