Đức Phanxicô bên ngoài chiếc chiếc lều truyền thống ‘ger’ của người Mông Cổ / Vatican Media
vaticannews.va, Andrea Tornielle, 2023-09-02
Sứ mạng của Giáo hội qua lời Đức Phanxicô nói với người công giáo Mông Cổ
Trong những lời Đức Phanxicô nói với Giáo hội Mông Cổ, tuy nhỏ về số lượng nhưng lớn lao về đức ái, có những ý tưởng quý giá, hữu ích vượt ngoài biên giới của vùng đất này, nơi mà tầm nhìn như mất hút về phía chân trời mênh mông của thảo nguyên. Với Giáo hội còn non trẻ này, ngài nhắc nhở sứ mệnh là “dành cả cuộc đời cho Tin Mừng”. Ngài nói : “Chính sự dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa được cảm nghiệm trong đời sống con người, mà Thiên Chúa, Đấng đã tỏ mình hữu hình, có thể chạm tới, có thể gặp gỡ trong Chúa Giêsu. Tin Mừng dành cho mọi dân tộc, Giáo hội không thể ngừng mang đến thông báo này, nó thể hiện trong cuộc sống và ‘thì thầm’ vào trái tim của các cá nhân và của các nền văn hóa.”
Hình ảnh “thì thầm vào lòng” mang một ý nghĩa gợi hình đặc biệt. Kitô giáo không lan rộng qua những cuộc chiến văn hóa ồn ào hay những lời tuyên bố; cũng không qua việc thích ứng với một tôn giáo trưởng giả, được tạo thành từ các nghi lễ, truyền thống và lối sống nhẹ nhàng đã bị nhà văn Pháp Charles Peguy tố cáo. Nhưng trước hết đây là lời loan báo được làm chứng bằng cuộc sống của mình, và vì thế là thì thầm vào trái tim của mọi người, vào văn hóa của họ. Động từ “thì thầm” gợi lại đoạn văn trong Sách Các Vua thứ nhất, trong đó Thiên Chúa không tỏ mình ra với tiên tri Êlia trong trận động đất hay trong đám cháy, nhưng trong “tiếng thì thầm của cơn gió nhẹ”.
Chỉ có âm vang của lời chứng mới có thể thực sự thu hút được. Không phải ngẫu nhiên mà triết gia Friedrich Nietzsche đã chê trách tín hữu kitô cùng thời với ông: “Đối với đức tin của các bạn, khuôn mặt của các bạn luôn có hại cho lý trí của chúng tôi nhiều hơn!”.
Được thể hiện trong thực tế của Giáo hội nhỏ bé ở Mông Cổ, con đường làm chứng ưu việt là lòng bác ái. Và Đức Phanxicô mời gọi người công giáo của đất nước này luôn tiếp xúc với khuôn mặt của Chúa Giêsu để luôn trở về với cái nhìn nguyên thủy mà từ đó mọi thứ được sinh ra. Mặt khác, dù cả việc dấn thân mục vụ cũng “có nguy cơ trở thành việc cung cấp các dịch vụ vô ích, nối tiếp nhau bằng các hành động thích hợp, để cuối cùng dẫn đến việc không còn truyền tải được điều gì nữa”.
Sau đó, Đức Phanxicô nhấn mạnh, Chúa Giêsu khi sai môn đệ đi truyền giáo, Ngài không sai họ “đi truyền bá một tư tưởng chính trị, nhưng sai họ đi làm chứng bằng chính cuộc sống của họ về sự mới lạ trong trong quan hệ với Cha của Ngài, Đấng đã trở thành “Cha chúng con”, từ đó mới khơi dậy tình huynh đệ cụ thể với mọi người. Vì thế Giáo hội sinh ra từ mệnh lệnh này là Giáo hội nghèo nàn, không dựa vào nguồn lực, cơ cấu và đặc quyền riêng của mình, không cần đến chiếc nạng quyền lực, mà “chỉ dựa vào đức tin chân chính, vào quyền năng tước vũ khí của Đấng Phục Sinh, có khả năng xoa dịu nỗi đau của một nhân loại bị tổn thương”. Đây là lý do vì sao, các chính phủ và các tổ chức thế tục “không có gì phải lo sợ trước hoạt động truyền giáo của Giáo hội, vì Giáo hội không có một chương trình nghị sự chính trị nào để theo đuổi, mà chỉ biết đến sức mạnh khiêm nhường của ân sủng Thiên Chúa và Lời của lòng thương xót và sự thật, có khả năng làm hữu ích cho thiện ích chung”.
Những lời nói đầy ý nghĩa không chỉ với một đất nước như Mông Cổ, nơi có truyền thống tôn trọng các tôn giáo khác nhau hàng thế kỷ, nhưng còn với những nước “láng giềng” rộng lớn của mình.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch