Tại sao Đức Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống cây thông Giáng sinh ở Vatican

405

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh6.googleusercontent.com/Nw9UefWfdgN-fb_sZGI2glZ5X1eU_IRC3qgACQmdeloeGnFKBmXGD5aJ0YrcidjO8Lucn886ggUdQCnzmGgx-y6fq0nuiZFcOU4hlj9Rc29pJpRS76MrCqrbg6xUbLljkLiwSkd8=w640-h359
Antoine Mekary | ALETEIA

Philip Kosloski | 14/12/21

Thánh Gioan Phaolô II là vị giáo hoàng đầu tiên dựng cây thông Giáng sinh ở Vatican, bắt đầu truyền thống vào năm 1982.

Lễ Giáng sinh trước đây ở Vatican không phải luôn luôn có một cây khổng lồ dựng ở giữa Quảng trường Thánh Phêrô. Chính vị giáo hoàng người Ba Lan đã giới thiệu phong tục, hiện nay trở thành truyền thống hàng năm của Vatican.

Thánh Gioan Phaolô II yêu mến lễ Giáng sinh, đặc biệt là tất cả các truyền thống đến từ quê hương Ba Lan của ngài. Một người bạn của Đức Gioan Phaolô II giải thích trong quyển sách Những câu chuyện về Thánh Gioan Phaolô II (Stories About Saint John Paul II) của Wlodzimierz Redzioch rằng “Đức Thánh Cha rất nóng lòng muốn chúng tôi tổ chức các ngày lễ trong bầu không khí gia đình, theo truyền thống của Ba Lan… Đức Thánh Cha rất thích cây thông Giáng sinh”

Mãi đến gần đây thì người Ý mới chấp nhận truyền thống cây thông Giáng sinh, vì trước thế kỷ 20, đây là truyền thống chủ yếu của các nước Bắc Âu. Đây là lý do tại sao phải có vị giáo hoàng người Ba Lan giới thiệu truyền thống tại Vatican.

Các truyền thống cũng giúp gắn kết ngài trong tình liên đới với quê hương Ba Lan, quốc gia được thiết quân luật từ năm 1981-1983. Năm 1981, ngài đã áp dụng phong tục đặt một ngọn nến trên cửa sổ của ngài trong Mùa Vọng và Mùa Giáng sinh để thể hiện sự gần gũi của ngài với người dân Ba Lan đang bị áp bức tại quê hương.

Sau đó vào năm 1999, Đức Gioan Phaolô II đã giải thích về tính biểu tượng của cây Giáng sinh trong một bài diễn từ trước những người hành hương đến từ Cộng hòa Séc.

Cây thông Giáng sinh cùng với máng cỏ tạo nên một bầu không khí Giáng sinh riêng biệt và có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sứ điệp cứu độ mà Chúa Kitô đã mang đến cho chúng ta qua sự Nhập thể của Người.

Từ chuồng chiên lừa ở Bêlem đến Thập giá trên đồi Golgotha, bằng cả cuộc đời Người, Người đã làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Theo Thánh sử Gioan, Người là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (1:9).

Những bóng đèn lấp lánh trên cây thông Noel tượng trưng cho Ánh sáng này, để củng cố kiến thức của chúng ta về mầu nhiệm cao cả: Đức Kitô là ánh sáng có thể biến đổi trái tim con người.

Ngài bày tỏ sự yêu thích cây cối của mình trong một diễn từ năm 2000 và ngài thích ngắm nhìn cây Giáng sinh từ cửa sổ của ngài.

Trong những ngày qua, mỗi khi tôi nhìn ra cửa sổ phòng làm việc của mình tại Quảng trường Thánh Phêrô, cây thông Giáng sinh đã nâng tinh thần tôi lên. Tại quê nhà tôi luôn yêu thích cây cối. Khi một người ngắm nhìn chúng, theo một cách nào đó chúng bắt đầu nói. Một nhà thi sĩ đã xem cây cối như những người rao giảng với một thông điệp sâu sắc: “Chúng không rao giảng những giáo lý hay giới luật, nhưng công bố luật sống căn bản”.

Năm 2004, Đức Gioan Phaolô II nhắc lại tính biểu tượng của cây thông Giáng sinh như một dấu hiệu của sự sống trường tồn.

Bên cạnh máng cỏ, như ở Quảng trường Thánh Phêrô, chúng ta nhìn thấy “cây thông Giáng sinh” truyền thống. Đây cũng là một truyền thống xa xưa đề cao giá trị của sự sống, vì vào mùa đông, cây linh sam thường xanh trở thành dấu hiệu của sự sống bất diệt. Quà Giáng sinh thường được treo trên cây hoặc sắp xếp dưới gốc của nó. Vì thế, biểu tượng này trở nên hùng hồn theo ý nghĩa Kitô giáo điển hình: nó gợi nhớ đến “cây sự sống” (x. Ga 2:9), một hình bóng của Đức Kitô, món quà tối cao của Thiên Chúa cho nhân loại.

Do đó, thông điệp của cây thông Giáng sinh là sự sống sẽ mãi luôn “xanh tươi” nếu chúng ta đón nhận như một món quà: không phải về vật chất, mà là chính cuộc sống: trong tình bạn và tình cảm chân thành, trong sự giúp đỡ và tha thứ của tình huynh đệ, trong thời gian được chia sẻ và lắng nghe lẫn nhau.

Gần 40 năm sau, cây thông Giáng sinh vẫn tiếp tục là một hình ảnh mạnh mẽ ở Quảng trường Thánh Phêrô, tất cả đều từ vị giáo hoàng nhớ quê hương, muốn tổ chức lễ Giáng sinh như khi ngài còn ở quê nhà.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 15/12/2021]