Tại Nhật, Kitô giáo có một hình ảnh tích cực

705

cath.ch, Raphael Zbinden, 2019-11-21

 

Linh mục Antoine de Monjour với các em rước lễ lần đầu ở giáo xứ Tokorozawa

Đức Phanxicô sẽ đến Nhật từ ngày 23 đến 26 tháng 11-2019. Linh mục Antoine de Monjour, linh mục truyền giáo từ 20 năm nay ở xứ mặt trời mọc, ngài ở giáo xứ Tokorozawa-Miyadera, ngoại ô thủ đô Tokyo, là thành viên của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris, hoạt động từ những năm đầu của năm 2000. Ngài là quan sát viên đặc biệt về sự phát triển đức tin tại Nhật trong mấy mươi năm vừa qua, linh mục cho biết: “Dù nhỏ, nhưng Giáo hội Nhật có uy thế và hội nhập tốt”.

Xin cha cho biết tình trạng người công giáo Nhật hiện nay.

Linh mục Antoine de Monjour: Giáo hội Nhật là một giáo hội rất nhỏ, thậm chí có người còn cho đây là giáo hội già nua và thu hẹp… Nhưng khó mà ước tính, vì đây là một Giáo hội rất “hỗn hợp” bao gồm không những người Nhật mà còn gồm những người nước ngoài đến làm việc tại Nhật từ những năm 1990. Họ đến khi còn trẻ, đôi khi họ đi cùng với gia đình, hoặc họ lập gia đình với người Nhật, có con được nuôi dạy và lớn lên tại Nhật.

Linh mục Antoine de Monjour là thành viên của Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) | © MEP

 

 

Vì thế Giáo hội Nhật có một năng lực…

Một thế hệ Công giáo mới bắt đầu tự mình lên căn tính của mình: Căn tính “đúp” của những người sinh ra từ cha mẹ “nhiều phía”, Nhật-Phi, Nhật-Việt Nam, Nhật-Pêru, Nhật-Ba Tây và các sắc dân khác…, họ là người Công giáo và trao truyền đức tin của mình cho con cái sinh ra trong bối cảnh văn hóa đúp này. Các em bé thường chịu đựng một số kỳ thị hoặc cách biệt nào đó ở trường vì sự “khác lạ” của chúng. Nhưng các em tìm thấy trong giáo xứ nơi cởi mở với các khác biệt của mình. Các khác biệt này không còn bị xem là yếu tố khó chịu, nhưng là một sự phong phú. Từ thế hệ này, với những người sẽ lập gia đình nay mai, chắc chắn trong tương lai sẽ hình thành một phần lớn khuôn mặt của Giáo hội Công giáo ở Nhật Bản.

So sánh với các nước Kitô giáo phát triển mạnh ở Viễn đông như Trung quốc, Hàn quốc thì nước Nhật trì trệ. Tại sao?

Lịch sử tôn giáo Nhật dính kết sâu đậm với đạo chaman (một loại đạo nhấn mạnh đến liên kết giữa con người với thần linh thiên nhiên, với tâm linh động vật, các em bé sắp sinh, các người bệnh cần chữa lành, giao kết với thần linh….) Đạo Phật đến nước Nhật vào thế kỷ thứ 7, thích ứng dễ dàng với hình thức đặc biệt này của xã hội Nhật, nơi thiên nhiên, văn hóa, thể thao truyền thống, các ngày lễ, ngày hội, các nghi thức của sự sống, tất cả tạo thành một “tinh thần tôn giáo”, hơi đồng bộ và đó là tinh thần của người Nhật. Một người Nhật đã giải thích cho tôi: “Nếu có sự sống là vì có thần linh”. 

“Người Nhật giữ một kỷ niệm đẹp và tôn kính với chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II”

Đứng trước tình trạng này, Kitô giáo cần phải có các chọn lựa để đi theo con đường của Chúa Kitô. Đó là một cái gì khó khăn trong xã hội này, khi đời sống đức tin và xã hội hòa lẫn vào nhau theo một nghĩa rộng. Một người tân tòng trong một lớp học Thánh Kinh đã lo lắng: “Nếu tôi trở thành người tín hữu Kitô, thì tôi lại càng phải là một ‘công dân Nhật tốt hơn’”.  Điều này cho thấy, đức tin Kitô chạm đến chính bản thể của họ. Cũng có nhiều người Nhật rất gần với Kitô giáo nhưng họ không rửa tội vì các lý do xã hội và gia đình.

Ngày nay có còn nhiều ngờ vực với tín hữu kitô giáo không?

Nói chung là không. Ngày nay Kitô giáo mang một hình ảnh tích cực. Một ngày nọ, có một học sinh trung học đến hỏi tôi. Trước hết tôi hỏi, đối với em, Kitô giáo có nghĩa là gì. Em trả lời cho tôi: “Đó là tình yêu cho người anh em”. Em không hiểu thêm điều này có nghĩa là gì, nhưng như thế cho biết em nghĩ Kitô giáo là một điều gì tốt!

Kitô hữu Nhật Bản có thể mang lại điều gì cho phần còn lại của người Nhật không?

Cũng giống như các nơi khác, Kitô giáo là chứng nhân của sự sống. Năm 1995 khi nước Nhật bị trận động đất Kobé, tín hữu Kitô đã cho thấy khả năng huy động và gởi thiện nguyện viên đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi quốc tịch đến giúp các nạn nhân. Và họ cũng cho thấy khả năng này trong lần động đất ngày 11 tháng 3 năm 2011.

Theo cha, chuyến viếng thăm của Đức Giáo hoàng có mang lại một thay đổi nào trong cái nhìn, trong sự quan tâm đến kitô giáo nơi người Nhật không?

Người Nhật giữ một kỷ niệm đẹp và tôn kính với chuyến đi của Đức Gioan-Phaolô II”. Do đó họ khá cởi mở và hiếu kỳ và họ cũng rất vinh dự được Đức Phanxicô đến thăm. Chắc chắn họ biết ngài sẽ tuyên bố một lời rõ ràng và kiên định về sự sống, về hòa bình, về vũ khí hạt nhân và về thiên nhiên, nhưng không phải để làm họ bất bình. Từ đó để có một bước “nhảy vọt” để quan tâm, tôi không thể nói điều này hôm nay.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: “Giáo hội Nhật Bản đang tìm một sức sống mới”

Linh mục Tiziano Tosolini kể mong chờ của người Nhật nơi Đức Phanxicô

Đức Phanxicô ở Nhật, đất nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới