Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ XXVIII của Đức Thánh Cha

732
Card. Parolin In Lourdes, The Day Of The Sick © Sanctuaire ND De Lourd

‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng’ (Mt 11:28)

03 tháng Một, 2020 13:33

ZENIT STAFF

‘Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28)’, là tiêu đề Sứ điệp Ngày Thế giới Bệnh nhân lần thứ 28, được tổ chức ngày 11 tháng Hai, Lễ Đức Mẹ Lộ Đức. Dưới đây là toàn văn Sứ điệp, được ký ngày 3 tháng Một năm 2020, Lễ kính Tên Cực trọng Chúa Giêsu:

“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề,
hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”
(Mt 11:28)

Anh chị em thân mến,

1. Lời Chúa Giê-su, “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11:28) chỉ ra con đường mầu nhiệm của ân sủng được tỏ lộ cho những người đơn sơ và trao ban sức mạnh cho những người kiệt sức và chán chường. Những lời này của Đức Ki-tô bày tỏ tình liên đới của Con Người với tất cả những ai bị tổn thương và đau khổ. Có bao nhiêu người đang phải gánh chịu đau khổ trên thân xác và linh hồn! Chúa Giê-su thúc giục mọi người hãy đến với Người – “Hãy đến cùng tôi!” – và Người hứa cho họ sự nghỉ ngơi bồi dưỡng. “Khi Chúa Giê-su nói lời này, trước mặt Ngài là những con người Ngài gặp gỡ hàng ngày trên các con đường của Ga-li-lê: tất cả họ là những con người đơn sơ, người nghèo, người bệnh, tội nhân, những người bị gạt ra bên lề bởi gánh nặng của luật pháp và hệ thống áp bức xã hội … Những người này luôn luôn đi theo Ngài và lắng nghe lời Ngài, một lời trao ban hy vọng! Lời của Chúa Giê-su luôn trao tặng hy vọng!” (Kinh Truyền Tin, 6 tháng Bảy năm 2014).

Trong ngày Người nghèo Thế giới lần XXVIII này, Chúa Giê-su cũng lặp lại những lời đó với các bệnh nhân, người bị áp bức, và người nghèo. Vì họ nhận biết rằng họ hoàn toàn phải cậy trông vào Thiên Chúa, và dưới ách nặng nề của những thử thách, họ cần sự chữa lành của Người. Chúa Giê-su không đưa ra đòi hỏi đối với những người trải qua các hoàn cảnh mong manh, đau khổ và yếu đuối, nhưng ban tặng lòng thương xót của Người và sự hiện diện ủi an của Người. Người nhìn đến nhân loại bị tổn thương bằng đôi mắt nhìn chăm chú vào tâm hồn của mỗi người. Cái nhìn đó không phải là cái nhìn thờ ơ; nhưng cái nhìn đó ôm lấy trọn vẹn con người, mỗi con người trong tình trạng sức khỏe của họ, không loại trừ bất kỳ ai, nhưng mời gọi mọi người chia sẻ sự sống của Người để trải nghiệm tình yêu dịu dàng của Người.

2. Tại sao Chúa Giê-su có những cảm nhận này? Vì chính Người đã trở nên mong manh, mang lấy sự đau khổ của con người và đón nhận sự ủi an từ Chúa Cha. Thật vậy, chỉ những ai bản thân đã trải qua đau khổ mới có khả năng an ủi người khác. Có quá nhiều hình thức đau khổ nặng nề: những căn bệnh không có thuốc chữa và mãn tính, những bệnh tâm lý, những hoàn cảnh cần sự hòa giải hoặc chăm sóc dịu dàng, nhiều hình thức khuyết tật, những căn bệnh của trẻ em hoặc tuổi già … Có những lúc hơi ấm của con người còn thiếu khi tiếp cận với những trường hợp này. Điều rất cần là một sự tiếp cận mang tính riêng tư đối với người bệnh, không chỉ là sự điều trị nhưng còn phải có sự chăm sóc, trong việc chữa lành con người toàn diện. Khi trải qua bệnh tật, các cá nhân không chỉ cảm thấy bị đe dọa đối với tính toàn vẹn thể lý, nhưng cả về những chiều kích thuộc quan hệ, trí tuệ, cảm xúc và tinh thần trong cuộc sống của họ. Vì lý do này, ngoài việc điều trị và hỗ trợ, họ mong chờ sự chăm sóc và quan tâm. Nói tóm lại là tình yêu. Bên cạnh mỗi người bệnh còn có gia đình của họ, bản thân gia đình cũng đau khổ và cần được hỗ trợ và an ủi.

3. Anh chị em bệnh nhân thân yêu, căn bệnh của anh chị em khiến anh chị em trở thành một trong những “người đang vất vả mang gánh nặng nề” theo một cách đặc biệt, và do đó thu hút ánh mắt và trái tim của Chúa Giê-su. Ở trong Người, anh chị em sẽ tìm thấy ánh sáng để làm bừng sáng những khoảnh khắc đen tối nhất của anh chị em và niềm hy vọng để làm dịu bớt nỗi đau khổ của anh chị em. Người thúc giục anh chị em: “Hãy đến với ta”. Ở trong Người, anh chị em sẽ tìm thấy sức mạnh để đương đầu với tất cả những lo lắng và những câu hỏi tấn công anh chị em trong suốt “đêm đen” của thân xác và tâm hồn. Đức Ki-tô không ban cho chúng ta những toa thuốc điều trị, nhưng qua cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của mình, Người đã giải thoát chúng ta khỏi sự kìm kẹp của sự ác.

Khi trải qua những căn bệnh, chắc chắn anh chị em cần một nơi để tìm được sự nghỉ ngơi. Giáo hội mong muốn ngày càng trở nên “nhà trọ” của người Sa-ma-ri Nhân lành là Đức Ki-tô (x. Lc 10:34), nghĩa là một ngôi nhà nơi anh chị em có thể gặp được ân sủng của Người, ân sủng đó thể hiện qua sự gần gũi, đón nhận và an ủi. Trong ngôi nhà này, anh chị em có thể gặp gỡ những người đã được chữa lành trong sự yếu đuối của họ bằng lòng thương xót của Chúa, sẽ giúp anh chị em vác thập giá của mình và làm cho sự đau khổ của anh chị em mang đến cho bản thân một viễn cảnh mới. Anh chị em có thể nhìn vượt xa hơn căn bệnh của mình đến một chân trời rộng lớn hơn của ánh sáng mới và sức mạnh tươi mới cho cuộc sống của anh chị em.

Vai trò then chốt trong nỗ lực cung cấp sự nghỉ ngơi và phục hồi cho anh chị em bệnh nhân của chúng ta được thực hiện bởi các nhân viên chăm sóc sức khỏe: những bác sĩ, y tá, những chuyên gia y tế và hành chính, trợ lý và tình nguyện viên. Nhờ chuyên môn của họ, họ có thể làm cho người bệnh cảm nhận được sự hiện diện của Đức Ki-tô là Đấng an ủi và chăm sóc người bệnh, và chữa lành mọi vết thương. Tuy nhiên, họ cũng là những con người với các khuyết điểm và thậm chí là bệnh tật. Họ cho thấy sự thật rằng “khi nhận được sự an ủi và nghỉ ngơi của Đức Ki-tô, để đáp lại chúng ta được mời gọi để trở thành sự nghỉ ngơi và an ủi cho anh chị em của chúng ta, với thái độ nhu mì và khiêm tốn noi theo mẫu gương của Thầy” (Kinh Truyền tin, 6 Tháng Bảy năm 2014).

4. Anh chị em chuyên gia chăm sóc sức khỏe thân mến, chúng ta hãy luôn nhớ rằng các phương pháp điều trị, nghiên cứu, chăm sóc và phục hồi luôn luôn là để phục vụ người bệnh; thật vậy, danh từ “người” phải được quyền ưu tiên hơn tính từ “bệnh”. Trong công việc của anh chị em, ước mong rằng anh chị em luôn luôn phấn đấu để thăng tiến phẩm giá và sự sống của mỗi con người, và chối bỏ mọi sự thỏa hiệp theo hướng trợ tử, hỗ trợ tự tử, ngay cả trong những trường hợp bệnh ở giai đoạn cuối.

Khi đứng trước những giới hạn và thậm chí cả những thất bại của khoa học y khoa khi những trường hợp lâm sàng biến chứng ngày càng xấu và những chẩn đoán u ám, anh chị em được kêu gọi mở lòng ra với chiều kích siêu việt của nghề nghiệp chuyên môn để cho thấy ý nghĩa tối hậu của nó. Chúng ta hãy nhớ rằng sự sống là thánh thiêng và thuộc về Thiên Chúa; vì vậy nó là bất khả xâm phạm và không ai được quyền tự do vứt bỏ nó (x. Donum Vitae, 5; Evangelium Vitae, 29-53). Sự sống phải được chào đón, được bảo vệ, tôn trọng và được phục vụ từ khi nó bắt đầu đến lúc chết: cả theo lý trí con người và niềm tin vào Thiên Chúa, tác giả của sự sống, đều đòi hỏi điều này. Trong một số trường hợp, sự phản đối theo lẽ phải sẽ trở thành một quyết định cần thiết nếu anh chị em cương quyết nói “có” với sự sống và nhân vị. Tính chuyên nghiệp của anh chị em, được gìn giữ bởi đức ái của Ki-tô giáo, sẽ trở thành một sự phục vụ tốt nhất mà anh chị em có thể cung cấp để bảo vệ quyền thật nhất của con người, đó là quyền sống. Khi anh chị em không còn khả năng chữa khỏi, anh chị em vẫn có thể chăm sóc và điều trị, thông qua những cử chỉ và quy trình mang lại sự an ủi và an lòng cho người bệnh.

Thật đáng buồn, trong một số bối cảnh chiến tranh và xung đột bạo lực, những nhà chuyên môn chăm sóc sức khỏe và các cơ sở tiếp nhận và hỗ trợ người bệnh bị tấn công. Ở một số khu vực khác cũng vậy, các giới chức chính trị cố gắng thao túng việc chăm sóc y tế vì lợi ích riêng của họ, do đó làm hạn chế quyền tự quyết hợp pháp của ngành y tế. Tuy nhiên, việc tấn công những người cống hiến bản thân để phục vụ cho những thành viên đau khổ trong xã hội chẳng phục vụ lợi ích cho bất kỳ ai.

5. Trong Ngày Thế giới Người bệnh lần XXVIII này, cha nghĩ đến nhiều anh chị em của chúng ta trên khắp thế giới không được tiếp cận với sự chăm sóc y tế vì họ sống trong nghèo khổ. Vì lý do này, tôi kêu gọi các tổ chức chăm sóc sức khỏe và các nhà lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới không lãng quên sự công bằng xã hội mà chỉ chú ý đến các mối quan tâm tài chính. Tôi hy vọng rằng, bằng cách kết hợp các nguyên tắc đoàn kết và nguyên tắc phân quyền, các nỗ lực sẽ được thực hiện để cùng chung sức bảo đảm rằng mọi người đều có quyền tiếp cận với các phương pháp điều trị phù hợp để duy trì và phục hồi sức khỏe. Cha xin gửi lời cảm ơn chân thành đến tất cả những người thiện nguyện phục vụ bệnh nhân, thường thường để bù đắp cho những thiếu hụt về cơ cấu, đồng thời phản ánh hình ảnh của Đức Ki-tô, là Người Sa-ma-ri nhân hậu, bằng những hành động yêu thương dịu dàng và gần gũi của họ.

Cha xin phó thác tất cả những người đang vất vả mang gánh nặng của bệnh tật, cùng với gia đình của họ và tất cả các nhân viên chăm sóc sức khỏe, cho Mẹ Maria Đồng trinh Diễm phúc, là Sức khỏe của người bệnh. Cùng với lời cầu nguyện, cha ban phép lành Tòa Thánh cho tất cả anh chị em.

Vatican ngày 3 tháng Một năm 2020,

Kính nhớ Danh Cực trọng Chúa Giê-su

PHANXICO

[Văn bản chính: tiếng Ý]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/1/2019]