Tri Khoan chuyển ngữ
24/04/22 – updated on 04/24/22
Đức Cha Jan Sobillo, Giám mục phụ tá giáo phận Kharkiv và Zaporozhye, nói, “Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi.”
“Tại Zaporozhye có khoảng 10.000 lính Nga và rất nhiều thiết bị quân sự. Chúng tôi đã chứng kiến những trận giao tranh ác liệt ở đây và bây giờ chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới; chúng tôi cần lời cầu nguyện của các bạn!” Đức Cha Jan Sobillo tha thiết kêu gọi. Ngài đã trung thành ở lại với đoàn chiên của ngài kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Donbass vào năm 2014.
Lễ Phục sinh diễn ra tương đối yên bình ở Zaporozhye, mặc dù có những khó khăn. Thủ hiến khu vực yêu cầu người dân không tụ tập thành các nhóm lớn để tổ chức những lễ nghi tôn giáo do mối đe dọa từ súng đạn của Nga. Do đó, các linh mục đã tăng thêm số lượng Thánh lễ, và được các tín hữu trong các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng theo dõi trực tuyến.
“Thiên Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi”
Đức Cha phụ tá giáo phận Kharkiv và Zaporozhye cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Vatican: “Miền Đông Ukraine đang ở trong thời kỳ khó khăn nhất kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Chúng tôi biết rằng mỗi ngày đều có thể là ngày cuối cùng của chúng tôi. Chúa là niềm hy vọng duy nhất của chúng tôi”.
Đức Cha Sobillo cho biết, “Người Nga đã rút khỏi khu vực Kyiv và tập trung vào vùng Donbass. Tại Zaporozhye có khoảng 10.000 quân Nga và rất nhiều thiết bị quân sự – xe tăng, đại bác và xe bọc thép. Chúng tôi đã chứng kiến những trận giao tranh ác liệt ở đây, nhưng chúng tôi đang chứng kiến một cuộc tấn công dữ dội hơn nữa. Vì vậy, các tín hữu của chúng tôi, mặc dù vẫn đến nhà thờ, nhưng họ ý thức rằng bất cứ lúc nào cuộc giao tranh cũng có thể trở nên quá khốc liệt đến mức chúng tôi không thể tập trung trong nhà thờ được. Đó là lý do tại sao họ tranh thủ thời gian để tham dự Thánh lễ ngay cả trong những ngày thường, vì họ hiểu rằng rằng điều này có thể không còn là cơ hội trong tương lai.
Chúng tôi hy vọng vẫn có thể sơ tán người dân khỏi Mariupol, nơi có tình hình thảm khốc nhất, và sơ tán người khỏi các ngôi làng bị chiếm đóng. Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới, đặc biệt là Ba Lan.
Zaporozhye tiếp tục nhận được viện trợ, để chúng tôi có gì đó để chia sẻ với mọi người. Do đó, chúng tôi có mọi thứ cần cho cuộc sống hàng ngày nhưng chúng tôi ý thức ngày mai điều này có thể thay đổi hoàn toàn. Vì vậy, chúng tôi cảm tạ Chúa mỗi ngày, nhưng thời gian thì khó khăn, chưa thấy một chút tín hiệu của việc kết thúc chiến tranh.
Lực lượng chiếm đóng ngày càng mạnh, nhưng tinh thần của người dân Ukraine thực sự là bất khả chiến bại. Do đó, chúng tôi hy vọng rằng Ukraine sẽ giành chiến thắng trong cuộc chiến, điều này sẽ không chỉ mang đến lợi ích cho đất nước chúng tôi, là quốc gia cuối cùng sẽ thoát khỏi tay kẻ áp bức, nhưng cho cả châu Âu và toàn thế giới”.
Lễ Phục sinh trong bóng đen của chiến tranh
Đức Giám mục nói rằng vì lý do an toàn nên không thể ăn bữa sáng chung trong lễ Phục sinh, tuy nhiên tất cả mọi người đều nhận được các giỏ quà từ các tổ chức cứu trợ nhân đạo. Chẳng hạn, người Ý đã gửi đến bánh Phục sinh.
Đức Cha nói: “Chúa nhật tới sẽ là một ngày lễ đại kết; Người Công giáo sẽ cử hành Chúa nhật Lòng Chúa Thương xót và Chính thống giáo sẽ tưởng niệm Sự Phục sinh của Chúa.” Ngài hứa rằng bất cứ khi nào có thể, các gói hàng viện trợ nhân đạo sẽ lại được phân phát cho người dân Ukraine.
“Chúng tôi muốn tất cả mọi người cảm nhận rằng Lòng Thương Xót của Chúa quan tâm đến sự thanh sạch và sức mạnh tinh thần của chúng tôi, nhưng Chúa Giêsu Nhân từ còn quan tâm đến những lương thực chúng tôi ăn.”
Đức Giám mục cho biết số người có cần được giúp đỡ đang tăng lên theo từng ngày. Họ nhận được những bữa ăn nóng từ nhà bếp của các tu sĩ Albertine. Một làn sóng sơ tán thứ hai đang diễn ra; trong đó chủ yếu là phụ nữ và trẻ em muốn tìm nơi trú ẩn ở những khu vực yên bình hơn của Ukraine trước cuộc tấn công sắp xảy ra của quân đội Nga.
“Tất cả những gì gắn kết chúng tôi lại với nhau là lời cầu nguyện và sự đoàn kết của toàn thế giới; Chúng tôi khẩn thiết cần lời cầu nguyện của các bạn,” Đức Cha Sobillo kêu gọi. Ngài đã sống ở miền Đông Ukraine trong suốt 8 năm chiến tranh bắt đầu từ năm 2014.
[Nguồn: aleteia]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/4/2022]