Linh mục Tiziano Tosolini kể mong chờ của người Nhật nơi Đức Phanxicô

752

by phanxico.vn

acistampa.com, Simone Baroncia, Osaka, 2019-11-19

Linh mục truyền giáo, nhà văn kể niềm mong chờ Đức Phanxicô như thế nào của tín hữu kitô và kể cả người ngoài công giáo.

Với chủ đề “Bảo vệ mọi sự sống”, Đức Phanxicô sẽ đến thăm đất nước Nhật từ ngày 23 đến 26 tháng 11. Trong chuyến đi lần thứ 32 của mình, sau khi đến Thái Lan ngày 20 đến 23 tháng 11, Đức Phanxicô đến Nhật và ngài sẽ gặp các giám mục ở đây. Đức Tổng Giám mục giáo phận Nagasaki, Joseph Mitsuaki Takami, chủ tịch hội đồng giám mục Nhật giải thích:

“Chúng tôi mong chờ Đức Phanxicô, ngài là sự khích lệ mạnh mẽ cho đức tin của chúng tôi trong một xã hội có rất nhiều vấn đề: tỷ lệ tự tử gia tăng nơi người trẻ, vấn đề phá thai và án tử hình được ủng hộ mạnh mẽ”.

Vào cuối chuyến thăm, Đức Phanxicô sẽ gặp các tu sĩ Dòng Tên ở đây, một dấu ấn không phai mờ trong lịch sử công giáo ở đất nước này. Thái Lan và Nhật là hai nước có tỷ lệ người công giáo rất thấp, chỉ chiếm 0.5% dân số, nước Thái Lan có không đến 400 000 người công giáo, nước Nhật có khoảng 540 000 người, đa số theo Thần đạo và Phật giáo trong bối cảnh xã hội rất thế tục.

Để hiểu mong chờ của người Nhật trong chuyến đi này, chúng tôi phỏng vấn linh mục Tiziano Tosolini, cha đã sống ở Nhật trên 20 năm nay và là giám đốc Học viện Châu Á ở Osaka, tác giả sách về lịch sử các vụ trở lại đạo công giáo:

“Nước Nhật là nước có dân số gần như hoàn toàn theo Thần đạo và Phật giáo. Cùng với Thánh Phanxicô Xaviê, đạo công giáo đến Nhật năm 1549 và ngày nay có khoảng 400 000 tín hữu (0,1% dân số). Vì thế tác động của đạo công giáo trên mặt xã hội và truyền thông là rất ít. Đa số người Nhật chỉ thấy Đức Phanxicô hiếm hoi trên các đài truyền hình Nhật, ngay cả người dân cũng không biết vai trò lãnh đạo tinh thần của ngài trong Giáo hội công giáo.

Vì thế chuyến thăm của ngài được xem như chuyến thăm của một nhân vật danh tiếng, người dân không biết gì nhiều về ngài. Riêng đối với tín hữu kitô Nhật, chuyến tông du của giáo hoàng đến Nhật (lần thứ nhì sau chuyến tông du của Đức Gioan-Phaolô II năm 1981) là sự hỗ trợ và khích lệ quý báu cho đức tin của họ, đây cũng là dịp quan trọng để người dân biết đến đạo công giáo và chứng từ của đạo trong xã hội Nhật Bản”.

Khẩu hiệu của chuyến đi “Bảo vệ mọi sự sống” có ý nghĩa gì đối với người Nhật? 

“Bảo vệ mọi sự sống” là câu trích trong Thông điệp Chúc tụng Chúa Laudato Sì. Các giám mục Nhật giải thích, mỗi người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Chúa và giống Chúa và quả đất chúng ta được Chúa  tạo dựng, “Người dựng nên quả đất mà không để hoang vu, nặn ra nó cho muôn loài cư ngụ” (Is 45.18). Để bảo vệ sự sống, không những chỉ tôn trọng phẩm giá con người mà còn phải tôn trọng tạo dựng. Nhưng căn nhà chung của chúng ta đau khổ vì sự khai thác không trách nhiệm của con người, và Chúa cùng đau khổ với những người nghèo nhất và những người sống bên lề. Giáo hội Nhật bằng mọi cách dấn thân bảo vệ tất cả những gì đã được tạo dựng, đáp ứng các vấn đề làm thương tổn đến con người, loan báo Tin Mừng về sự sống và cầu nguyện cho hòa bình thế giới. 

Là kitô hữu ở Nhật có nghĩa là gì?

Là kitô hữu ở Nhật có nghĩa là sống Lời Chúa trong niềm vui đời sống hàng ngày. Tuy nhiên ơn gọi này mang một tầm quan trọng ở Nhật vì xã hội Nhật không phải là xã hội kitô giáo. Vì thế người công giáo Nhật ý thức hơn về đức tin của mình, họ có thể nói như Thánh Phaolô: ‘Tôi biết tôi tin vào ai’, đôi khi họ gặp các khó khăn khi làm chứng đức tin của mình với người khác. Các khó khăn này phát sinh từ các quy tắc đạo đức và quy tắc cộng đồng khác nhau của xã hội Nhật Bản.

Làm thế nào đức tin kitô giáo tồn tại được sau các cuộc đàn áp?

Đức tin kitô bị bách hại trong vòng 250 năm (từ năm 1614 đến năm 1873). Trong các thế kỷ này, đạo công giáo bị xem là “đạo xấu xa” và hàng ngàn người công giáo Nhật bị giết, bị tra tấn, họ buộc phải bội giáo. Rất nhiều tín hữu kitô vì tránh bách hại mà phải bỏ làng ra đi để sống ẩn náu, vì thế có hiện tượng được gọi là ‘kitô hữu ẩn giấu’ (kakure kurishitan), ngoài việc cử hành bí tích trong các phòng bí mật hay nhà riêng, các biểu tượng kitô giáo được ngụy trang theo các biểu tượng phật giáo. Năm 1865, sau khi nước Nhật mở cửa lại với thế giới Tây phương, các nhà truyền giáo Pháp tìm thấy các hậu duệ của các kitô hữu cổ đại trong một nhà thờ ở thành phố Nagasaki. Lúc đó họ có khoảng 20 000 người. 

Vì sao cha viết sách kể các kinh nghiệm trở lại đạo?

Trở lại đạo vẫn là một cái gì huyền ẩn, một phép lạ thực sự mà Chúa tiếp tục làm trong tâm hồn con người, một sự kiện chính xác, vì chỉ có Chúa là nguồn, không tùy thuộc vào ý chí, vào nguyên tắc, vào ý thức hệ của con người. Đọc hay nghe cách như thế nào mà những người được đánh động bởi tình yêu của Chúa, họ đã nhận ra văn hóa của mình, cũng như truyền thống, các mối quan hệ với người khác và với chính mình theo một cái nhìn khác, chính xác hơn, rõ ràng hơn, giúp chúng ta trước hết đối chiếu các câu chuyện kể này với lòng kính sợ, ngạc nhiên, với lòng tôn kính những gì họ đã sống qua. Các kinh nghiệm này cũng giúp chúng ta khám phá cách hỗ trợ cho các cuộc trở lại khác, học để tháp tùng những người này trên hành trình trưởng thành đức tin kitô giáo của mình.

Xin cha cho biết, dựa trên các cơ sở nào mà đối thoại liên tôn có thể tiếp tục?

Đối thoại liên tôn mà Giáo hội là người quảng bá duy nhất ở Nhật phải tiếp tục trong sự hiểu biết và gặp gỡ chân thành với các tôn giáo khác có trong nước. Phải cố gắng hợp tác với các tôn giáo khác để xây dựng một thế giới và thiết lập một cuộc gặp gỡ hòa bình hơn, cơ bản hơn và thực tế hơn. Nhưng đồng thời Giáo hội phải trung thành với nhiệm vụ loan báo Tin Mừng, với xác tín đây là câu trả lời cho những ai đi tìm cho những câu hỏi về đức tin và hiện sinh sâu đậm của mình.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Xin đọc thêm: Đức Phanxicô ở Nhật, đất nước có tỷ lệ người tự tử cao nhất thế giới

“Giáo hội Nhật Bản đang tìm một sức sống mới”