Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

1050
Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla
© Vatican Media

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla
Lần viếng Hang Toại đạo đầu tiên của Đức Thánh Cha

02 tháng Mười Một, 2019 19:32

ZENIT STAFF

Chiều hôm nay, cầu cho tất cả các tín hữu đã qua đời, Đức Thánh Cha đến dâng Thánh Lễ tại Hang Toại đạo Priscilla, ở Via Salaria, Roma.

Lúc 4 giờ chiều Thánh Lễ được cử hành trong Tiểu Vương cung Thánh đường San Silvestro Papa. Các nữ tu Benedictine là những người trông coi Hang Toại đạo Priscilla và khoảng 100 người tham dự.

Cuối Thánh Lễ và trước khi trở về Vatican lúc 5.30 chiều, Đức Thánh Cha Phanxico thực hiện cuộc viếng ngắn xuống hang toại đạo ở phía dưới, dừng lại một lát trước biểu tượng của Đức Mẹ Madonna có niên đại giữa thế kỷ thứ 3, ở trong hành lang, phía trước nhà nguyện Hy Lạp. Khi trở về Vatican, Đức Thánh Cha Phanxico đến viếng Hầm mộ Vương cung Thánh đường Vatican để cầu nguyện riêng một lát cho các Giáo hoàng đã qua đời.

Dưới đây chúng tôi đăng văn bản bài giảng (tiếng Anh) của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ:

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla

Việc dâng Lễ cho tất cả những người đã qua đời trong một hang toại đạo nói cho chúng ta rất nhiều điều – với cha đây là lần đầu tiên trong đời cha đi vào một hang toại đạo, nó là một sự ngạc nhiên. Chúng ta có thể suy nghĩ đến cuộc sống của những con người đó, những người đã phải lẩn trốn, những người tạo ra văn hóa chôn cất người chết và dâng Thánh Lễ trong nơi này … Nó là một thời điểm lịch sử tồi tệ, nhưng nó vẫn chưa trôi qua: ngay cả hôm nay vẫn có, có nhiều. Có nhiều hang toại đạo trong những quốc gia khác, nơi mà người ta thậm chí phải giả vờ như đang tổ chức bữa tiệc hay một buổi sinh nhật để dâng Thánh Lễ, vì ở đó cấm làm những việc như vậy. Ngay cả hôm nay vẫn có những Ki-tô hữu bị bách hại, còn nhiều hơn cả những thế kỷ đầu, nhiều hơn. Nơi đây – hang toại đạo, sự bắt bớ, những Ki-tô hữu – và các Bài đọc, làm cha liên tưởng đến ba từ ngữ: căn cước, vị trí và niềm hy vọng.

Căn cước của những người đã tập họp ở đây để dâng Thánh Lễ và ca tụng Thiên Chúa, cũng giống như căn cước của những anh chị em chúng ta hôm nay ở rất nhiều, rất nhiều quốc gia nơi người Ki-tô hữu là một phạm nhân, vì Ki-tô giáo bị cấm cách, họ không có quyền gì. Chuyện cũng như vậy. Căn cước ở đây là điều mà chúng ta đã nghe: đó là Tám mối phúc. Căn cước của Ki-tô hữu là Bát phúc. Không có một Bát phúc khác. Nếu anh chị em thực thi điều này, nếu anh chị em sống như vậy, anh chị em là người Ki-tô hữu. “Không, nhưng mà tôi thuộc về hội đoàn kia, hội đoàn nọ …, tôi thuộc phong trào này …” Đúng, đúng, tất cả những điều tốt đẹp; nhưng đó là sự màu mè trước thực tại này. Căn cước của anh chị em là đây [chỉ vào Tin mừng], và nếu anh chị em không có điều này, thì các phong trào hay những sự thuộc về đó đều là vô ích. Hoặc bạn phải sống theo Tin mừng, hoặc bạn không phải là người Ki-tô hữu; đơn giản như vậy. Chúa đã nói điều đó. “Vâng, nhưng nó không hề dễ dàng, tôi không biết phải sống theo cách đó như thế nào …”. Có một trích đoạn khác trong Tin mừng giúp chúng ta hiểu rõ hơn điều này, và trích đoạn Tin mừng đó cũng sẽ là “nghị định thư vĩ đại” mà chúng ta sẽ bị phán xét căn cứ theo đó. Nó ở trong Tin mừng Mát-thêu 25. Với hai trình thuật Tin mừng, Tám Mối Phúc, và nghị định thư vĩ đại, chúng ta sẽ cho thấy căn cước của chúng ta là người Ki-tô hữu bằng lối sống như vậy. Không theo con đường đó thì sẽ không có căn cước. Đó chỉ là sự tưởng tượng là người Ki-tô hữu, nhưng không phải là căn cước.

Lễ các Linh hồn: Đức Thánh Cha Phanxico dâng Lễ trong Hang Toại đạo Priscilla
Đây là căn cước của người Ki-tô hữu. Từ ngữ thứ hai: vị trí. Những con người đó đến đây để lẩn trốn, để được an toàn, thậm chí là để chôn người chết; và những con người ngày nay phải cử hành Thánh Lễ trong bí mật, trong những quốc gia Ki-tô giáo bị cấm cách … Cha nghĩ đến người nữ tu đó ở Albania đã phải vào trại cải tạo, vào thời kỳ của chủ nghĩa cộng sản, và các linh mục bị cấm không được ban các bí tích, và người nữ tu này ở đó đã làm phép rửa trong bí mật. Người ta, những người Ki-tô hữu biết tin nữ tu làm phép rửa và những người mẹ mang con họ đến; nhưng chị nữ tu không có cái chén, một thứ để đựng nước … Chị (1) đã làm việc đó bằng những chiếc giày: chị (1) lấy nước từ sông và rửa tội bằng những chiếc giày. Vị trí của người Ki-tô hữu là ở mọi nơi, chúng ta không có một nơi đặc quyền trong cuộc sống. Một số người muốn có nó, họ là những Ki-tô hữu “đủ điều kiện.” Nhưng họ có nguy cơ an vị với tình trạng “đủ điều kiện” đó và bỏ rơi mất “tính Ki-tô hữu”. Người Ki-tô hữu, vị trí của họ ở đâu? “Linh hồn người công chính ở trong tay Thiên Chúa” (Kn 3,1): vị trí của người Ki-tô là ở trong tay Thiên Chúa, ở nơi Ngài muốn. Tay Thiên Chúa, là bàn tay của Con của Người là Đấng muốn mang những vết thương theo cùng với Ngài để trình lên với Chúa Cha và can thiệp cho chúng ta. Vị trí của người Ki-tô hữu là ở trong sự can thiệp của Chúa Giê-su trước mặt Chúa Cha, trong bàn tay của Chúa. Và chúng ta thật vững vàng khi ở đó, bất kể việc gì xảy ra, thậm chí có thánh giá xảy đến. Căn cước của chúng ta [chỉ vào Tin mừng] nói rằng chúng ta được phúc nếu người ta bắt bớ chúng ta, nếu họ nói mọi điều chống lại chúng ta; nhưng nếu chúng ta ở trong bàn tay Thiên Chúa, khẩn cầu tình thương, thì chúng ta trở nên vững vàng. Đây là vị trí của chúng ta. Và hôm nay chúng ta hãy tự hỏi mình: vậy tôi cảm thấy an toàn nhất ở nơi đâu? Trong bàn tay của Chúa hay với những thứ khác, với những an toàn khác mà chúng ta “thuê” nhưng cuối cùng sẽ đổ vỡ, những thứ không có sự kiên định?

Những người Ki-tô hữu này, với thẻ căn cước này, những người đã sống và đang sống trong bàn tay của Chúa, là những con người của hy vọng. Và đây là từ ngữ thứ ba hôm nay hiện lên trong tâm trí của cha: sự hy vọng. Chúng ta nghe thấy lời đó trong bài đọc hai: thị kiến sau cùng nơi mọi thứ được lập lại, nơi mọi điều được tái tạo, đó là quê hương nơi tất cả chúng ta cùng đi tới. Và để đi đến đó, chúng ta không cần những điều kỳ lạ, chúng ta không cần những thái độ sành điệu: chúng ta chỉ cần đưa ra thẻ căn cước của mình: “Được rồi, hãy tiến vào.” Niềm hy vọng của chúng ta trong nước Trời, niềm hy vọng của chúng ta được thả neo ở đó, và chúng ta với dây thừng trong tay, vững vàng nhìn đến bờ sông kia, nơi chúng ta phải vượt qua.

Căn cước: Bát phúc và Mát-thêu 25. Vị trí: nơi an toàn nhất là trong bàn tay của Chúa, được lây nhiễm bởi tình yêu. Niềm hy vọng, tương lai: neo chặt ở đó, nơi bờ sông bên kia, nhưng tôi bấu víu vào dây thừng. Điều này rất quan trọng, luôn luôn bám vào dây thừng! Rất nhiều lần chúng ta chỉ nhìn thấy dây thừng, thậm chí không thấy neo, thậm chí không nhìn thấy bờ bên kia; nhưng anh chị em, bám chắc vào dây thừng để anh chị em sẽ đến nơi an toàn.

[01741-IT.02] [Văn bản chính: tiếng Ý]

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 4/11/2019]