Phỏng vấn Đức Tổng Giám mục Michel Aupetit, tổng giáo phận Paris

1620

by phanxicovn

paris.catholique.fr, Caroline Pigozzi, 2018-01-10

Giám mục Michel Aupetit vừa được Đức Phanxicô bổ nhiệm làm Tổng Giám mục thứ 141 của thủ đô Paris, nước Pháp, cha nhìn thẳng người đối diện và thích người ta gọi mình là “cha” thay vì “đức cha”. Sau khi săn sóc phần xác, bây giờ cựu bác sĩ săn sóc phần hồn. Thân phụ cha là nhân viên hỏa xa vô thần, cha Aupetit đi tu trễ, chịu chức linh mục xong, cha làm cha phó, tuyên úy nhà trường, cha xứ, giám mục phụ tá Paris, rồi giám mục ở giáo phận Nanterre. Địa phận của cha rộng và đa dạng, có các giáo xứ ở Neuilly cũng như ở Gennevilliers. Với tấm lòng nhiệt huyết lây lan, giám mục Michel Aupetit tập hợp mọi thành phần tại đây, các người bảo thủ cũng như các người tiến bộ… Cách đây hai năm, cha cho báo Paris Match biết, cha mong “cuối đời mình làm cha xứ làng quê”. Nhưng bây giờ giáo phận thủ đô Paris được giao vào bàn tay cha.

Paris Match. Kính Giám mục, việc bổ nhiệm này có làm cha ngạc nhiên không?

Giám mục Michel Aupetit. Ngày tôi thề với ông tổ Hippocrate ngành y, tôi là bác sĩ, nhưng tôi không biết cuộc đời sẽ đưa tôi đi về đâu. Khi tôi nghe tiếng gọi của Chúa, lúc đó tôi mới biết chắc chắn, cuộc đời mình từ nay không còn do mình định đoạt, vì chính Chúa sẽ hướng dẫn con thuyền của tôi.

Bây giờ cha là tổng giám mục hàng đầu của nước Pháp!

Một cách nào đó, địa vị của tôi đặc biệt vì tòa giám mục Paris là một trong những nơi người ta để ý đến nhiều nhất. Mỗi giám mục đều có tiếng nói của mình, nhưng người ta ít nghe tiếng nói ở tỉnh cho bằng tiếng nói ở thủ đô Paris, đúng là Paris có một tiếng vang, như người ta thường nói, khi tòa giám mục Paris ho thì gây ra cơn bão. Thêm nữa, tòa giám mục Paris là chính tòa nên là đại diện chung cho các giám mục, để tất cả cùng hành động chung và suy nghĩ cho các dự án sáng tạo chung…

Ở chức vụ thế giá này, lương của cha là bao nhiêu?

Vì tôi đã 65 tuổi từ một năm nay, tôi được lương hưu bác sĩ, bảo đảm cho tôi được ba phần tư tiền hàng tháng. Một phần tư còn lại là quỹ hưu của các linh mục. Như vậy tổng cộng tôi có gần 1400 âu kim một tháng. Theo tôi thì cũng không thay đổi gì. Tôi không là gánh nặng cho Giáo hội. Đôi khi, để đùa, tôi nói tôi gần như làm thiện nguyện cho Giáo hội, nhưng một thiện nguyện viên được nuôi ở.

Giáo phận Paris nặng để điều hành?

Với 106 giáo xứ, 140 nhân viên ăn lương của tòa giám mục và hơn 800 nhân viên trong các giáo xứ được quản trị với nguồn tái chánh riêng của giáo xứ, như thế cần phải có đủ nguồn tiền. Các nguồn tiền chính yếu là từ lòng rộng lượng của giáo dân, tiền oi, tiền nến, quỹ Giáo hội, tiền ân nhân tặng, tiền ân nhân để lại di chúc.

Cha “cai quản” bao nhiêu linh mục?

Tôi phục vụ gần 600 linh mục triều, hơn 100 linh mục về hưu. Giáo phận cũng có hơn 500 linh mục thuộc các Dòng, khoảng 150 tu sĩ không phải là linh mục, 1200 nữ tu và khoảng 100 chủng sinh trong các chủng viện Paris, trong đó có 90 chủng sinh được đào tạo để phục vụ cho giáo phận. Tuy nhiên điều quan trọng không phải ở các con số, nhưng ở tình huynh đệ giữa những người đi tu, sự tôn kính giữa các thế hệ, các văn hóa, các môi trường sống cũng như các yếu tố khác, để họ được hạnh phúc trong sứ vụ họ được giao phó.

Còn việc đào tạo họ?

Các sinh viên y khoa, họ biết họ thành công hay không là qua các kỳ thi, còn ở các chủng viện, chúng tôi xem các ứng viên có tâm hồn linh mục không, có yêu giáo dân không, có thật sự muốn tận hiến đời mình không, chứ không phải chỉ nhìn ở số điểm của môn thần học. Có tiến sĩ thần học hay không, họ cũng là linh mục khi họ có ơn gọi. Mặt khác, cách đây vài năm, chúng tôi nhận vào chủng viện những người không có bằng cấp, xuất thân từ các gia đình có đời sống bấp bênh, nhưng họ có tâm hồn linh mục. Chính yếu, dù bây giờ công việc đào tạo dài bảy năm, nhưng không phải đào tạo một người trí thức, nhưng là đào tạo để phối hợp cái đầu và quả tim, có nghĩa trước hết phải học một tinh thần sẵn sàng phục vụ. Vì thế ở chủng viện, năm đầu tiên là năm dự bị. Năm mà chủng viện không chờ gì ở chủng sinh, năm chủng sinh có thì giờ để nghỉ ngơi, để suy nghĩ, để suy niệm về ơn gọi, để tĩnh tâm 30 ngày trong thinh lặng, để đi ra ngoài một tháng lo cho người nghèo. Về phần tôi, tôi ở với các Nhà truyền giáo bác ái, tôi ngủ gần những người vô gia cư. Những người khác đi giúp người khuyết tật và đặc biệt là để mình được đổi mới, được sáng tỏ. Từ kinh nghiệm này, tôi học được ở giáo phận Nanterre, tôi có một chủng sinh, sau thời gian phân định, anh hiểu đây không phải là con đường của anh, sau này anh mời tôi dự lễ cưới của anh.

Đâu là quan niệm của cha về thế tục?

Về phần tôi, tôi nhấn mạnh, tự do lương tâm không những chỉ trong lãnh vực tôn giáo nhưng còn trong tất cả các lãnh vực khác. Thế tục là Nhà nước bảo đảm cho mọi người quyền thể hiện tôn giáo của mình. Tuy nhiên, không được phép biểu lộ đức tin của mình trong lãnh vực công cộng, miễn là điều này không làm cản trở trật tự công cộng. Chẳng hạn, các cuộc đi đàng thánh giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và kiệu Đức Mẹ Lên Trời ngày 15 tháng 8, thì phải có sự đồng ý của nhà cầm quyền liên hệ.

Cha sẽ hành động cho người di dân?

Từ nhiều năm nay, Đức Hồng y Vingt-Trois đã quan tâm đến vấn đề này. Trong địa phận, hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Phanxicô năm 2015, tín hữu công giáo ở Paris đã có nhiều sáng kiến trong các giáo xứ, các phong trào, các hiệp hội. Ngày hôm trước ngày Thế giới người di dân và tị nạn, tôi sẽ đến Saint-Denys de la Chapelle để họp với các cha xứ, các hội đồng mục vụ của các giáo xứ để xem chúng tôi có thể tiếp tục hành động như thế nào, để luôn tạo thêm cộng hưởng.

Làm thế nào cha đảm đương các trách nhiệm này?

Ngoài vô số công việc của tôi ở địa phận, mỗi chiều chúa nhật tôi sẽ đến dâng thánh lễ ở Nhà thờ Đức Bà và buổi sáng ở một giáo xứ của thủ đô. Nhưng chắc chắn tôi cũng sẽ đi dâng thánh lễ trong tuần. Điều quan trọng là tham dự các buổi họp với các cha xứ để biết họ, nghe họ, biết niềm vui nỗi buồn của họ…

Làm thế nào để cha tiến hành đối thoại liên tôn giáo?

Vào thời Đức Hồng y Lustiger, ngài đã tiến hành đối thoại với cộng đồng do thái và dĩ nhiên là tôi muốn tiếp tục công việc này. Ở  Nanterre, trong các chuyến thăm giáo xứ của tôi, tôi thường đến thăm giáo sĩ ở nguyện đường hồi giáo và giáo sĩ thỉnh thoảng cũng có tham dự thánh lễ. Các việc đó nói lên lòng tôn kính nhau. Tuy nhiên phải vượt lên mức các cuộc gặp chính thức, cố gắng tạo cầu, tạo liên lạc. Khuyến khích người dân thành phố Paris có các sáng kiến cá nhân thì rất dễ, như đi chợ giùm cho người láng giềng, giúp đỡ họ… Theo tôi thì chuyện này cũng dễ làm ở một vài khu phố ở Paris như chúng ta đã thử làm ở các thị xã, các cộng đoàn ở ngoại ô… Nhiều giáo xứ cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, các cuộc gặp gỡ, các nơi học việc, các buổi trao đổi kiến thức…

Là Tổng Giám mục và bác sĩ, lại đậu chứng chỉ sinh hóa-luân lý, cha bước qua lãnh vực này như một người bảo thủ?

Dù ở dưới nhãn hiệu nào, tham vọng của tôi là để mọi người hiểu có một thách thức ở đây. Các ước muốn không giới hạn của xã hội ngày nay có nguy cơ làm hại cho hành tinh trong tương lai, làm cho hành tinh chết về mặt môi sinh cũng như sinh hóa. Tiền bạc có thể mua mọi chuyện. Chẳng hạn nông dân nghèo Nam Mỹ bán nội tạng cho người giàu Bắc Mỹ để có tiền nuôi con, phụ nữ các nước Đông Âu bán bụng mình cho các phụ nữ Tây Âu để họ có em bé trong những điều kiện bắt chúng ta phải suy nghĩ về sự hợp pháp của họ! Mà hợp pháp trước hết là quyền của các em bé. Và có phải trong công ước Liên Hiệp Quốc, được nước Pháp công nhận năm 1991, rằng “mọi em bé đều có quyền biết cha mẹ của mình và được cha mẹ nuôi dạy”, như vậy là trẻ em phải có một người cha, một người mẹ. Điều thiết yếu là bảo vệ một sinh vật yếu đuối. Ở các nước nghèo, điều tuyệt đối khẩn cấp, trước hết là sống còn: họ không nghĩ đến việc “sinh con trong ống nghiệm” hay “nhờ người khác sinh con”.

Đâu là chỗ cha dành cho việc giảng dạy công giáo?

Paris có 142 cơ sở, trường tiểu học, trường trung học, trường cao đẳng, hơn một phần ba trực thuộc các nhà dòng, các cơ sở khác trực thuộc giáo phận. Có nghĩa giáo phận lo cho 78 500 học sinh, 5 000 thầy cô giáo và khoảng 1000 thiện nguyện viên. Những người này thật sự làm việc với ban giám đốc giảng dạy công giáo của địa phận cùng với ban điều hành các cơ sở. Và họ là các tác nhân mục vụ, rao giảng Tin Mừng, giáo dục để có tự do, nhưng cũng là khám phá ý nghĩa cuộc sống để trao truyền cho gần 17 000 trẻ em học giáo lý trong trường nội trú hay ở các giáo xứ. Trường công giáo phải được mở ra cho tất cả các em. Bên cạnh các trường danh tiếng, cũng có các trường khác cũng tốt, các trường này nhận các em bình thường hơn, trong số các trường này có một trường do các cha Dòng Salê điều hành ở quận 20.

Ngành y khoa có làm cho cha nhìn cái chết một cách khác không?

Từ còn nhỏ, tôi đã mơ nghề này, vì tôi chịu không được khi thấy những người tôi yêu thương bị đau. Nhưng đức tin đã thay đổi tất cả. Đúng vậy, đối với người bác sĩ không có đức tin, cái chết chắc chắn là hết, dù họ có tiếp tục chiến đấu chống căn bệnh, nhưng họ biết, một ngày nào đó họ cũng sẽ thua. Như người hiệp sĩ trong phim của nhà đạo diễn Bergman “Dấu ấn thứ bảy”, nhân vật bác sĩ chơi cờ vua với tử thần và biết, cuối cùng thì thế nào tử thần cũng thắng. Là linh mục, đứng trước cái chết, lúc nào tôi cũng thắng. Đi cùng với các bệnh nhân ở cuối đời đã cho tôi học được rất nhiều bài học. Bây giờ, với việc săn sóc bệnh nhân ở giai đoạn cuối, nhất là ở nhà, tôi thường đến nhà, không những an ủi gia đình mà còn được tham dự vào gia đình như người nhà. Như thế gia đình không còn cảm giác hoàn toàn bất lực khi đứng trước đau khổ, lúc đó họ có thể có hành vi yêu thương. Và chính vì vậy mà phải hiến mình vào công việc này.

Cha có đủ thì giờ để cầu nguyện như trước?

Tôi không biết, thiên thần hộ thủ của tôi sẽ quyết định giùm cho tôi. Tôi vẫn tiếp tục thức dậy lúc 3 –  4 giờ sáng để cầu nguyện, sau đó tôi đi ngủ tiếp. Lời cầu nguyện nuôi dưỡng đời sống hàng ngày cho tôi. Và nếu tôi không còn cầu nguyện được, dù cả trong giấc mơ, tôi không nghĩ mình sẽ ở lại chức vụ ở tòa giám mục Paris được. Vì, nếu phải chọn lựa giữa cầu nguyện và tòa giám mục, tôi sẽ chọn cầu nguyện.

Tổng Giám mục giáo phận Paris được một ưu tiên có từ rất lâu, đó là có thể đậu xe ở sân danh dự khi đến điện Elysée…

(Cha cười.) A, vậy há… tôi chưa biết. Tôi có chiếc xe đạp mà bị mất cắp rồi. Tôi có chiếc xe Clio già hơn hai chục năm. Tôi thấy nó còn tốt nhưng tôi bị cấm không cho chạy với chiếc xe này. Vậy, chắc chắn là tôi sẽ đi bộ đến!

Marta An Nguyễn dịch