Ali Ağca và “cô bé” của Cha Piô

1433

by phanxicovn

Trích sách “Bí mật của Cha Piô”, Antonio Socci, Nxb Pierre Téqui

Các sử gia thường thiên vị (…) Câu chuyện thực tế thì không có. Chỉ có câu chuyện thiêng liêng mới có thể là câu chuyện thật. Cha Piô 

Các quyển sách xứng đáng gọi là thần học không còn luân lưu nữa (…), và đó là lý do vì sao các chính trị gia đã có những lúc sai lầm (…), bởi vì các chính trị gia tầm thường không biết lý do vì sao thần học thống trị lịch sử. Hồng y Giuseppe Siri

Ngày 13 tháng 5 1981, vào khoảng 17 h 17, tại quảng trường Thánh Phêrô, Mehmet Ali Ağca một tên giết mướn bị các lực đen tối và cực mạnh thuê bắn Đức Gioan-Phaolô II. Tên “sói xám” thứ 23 là xạ thủ chuyên nghiệp, hắn ở đó để giết người. Hắn ở đằng sau dãy đầu tiên, chỉ cách Đức Thánh Cha không đầy ba mét. Hắn rất bình thản và dứt khoát; mục tiêu của hắn, không phương tiện đề kháng, không có lối thoát, hắn không thương xót.

Nhưng bằng cách nào và tại sao cuộc mưu sát lại thất bại? Nếu giáo hoàng bị giết, và khả năng bị giết là 99.99 %, thì triều giáo hoàng của ngài chấm dứt lúc hừng đông của ngài. Lịch sử Giáo hội sẽ khác và nhất là lịch sử thế giới cũng sẽ khác.  Đúng vậy, vì vai trò sau này của “giáo hoàng Ba Lan” đã làm chế độ cộng sản sụp đổ, một sự sụp đổ không đổ máu, khổng lồ và quyết định. Tất cả sẽ phải khác đi và chắc chắn, sẽ bi thảm cho toàn nhân loại.

Như thế vấn đề được đặt ra: làm thế nào và tại sao vụ mưu sát lại thất bại? Ai ngăn bàn tay sát thủ phạm tội ác trong khi đang ở trong tầm tay của hắn, vào 17h 17 chiều hôm đó, ở Quảng trường Thánh Phêrô, nơi 19 thế kỷ trước Thánh Phêrô đã tử đạo?

Giáo hoàng Wojtyla luôn khẳng định mình được cứu nhờ sự can thiệp siêu nhiên của Đức Mẹ. Bằng chứng là ngài cho vẽ tượng Đức Mẹ ở quảng trường Thánh Phêrô, chính nơi ngài bị ám sát và năm sau ngài mang viên đạn mưu sát đến đền thờ Fatima để khắc vào vương miện của Nữ Vương Hòa Bình như lễ tạ ơn. Và đúng thật, ngày ngài bị 13 tháng 5 mưu sát trùng với ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên ở Fatima, ngày 13 tháng 5-1917. Một trùng hợp như vậy liên tưởng đến sự bảo vệ siêu nhiên để Đức Giáo hoàng thoát chết.

Đó là điều không thể giải thích được cho một tay giết người chuyên nghiệp, rất khéo léo, quyết tâm lại bắn hụt ở một khoảng cách gần như thế, lại chỉ bắn được có hai phát. Thêm nữa đường đi của viên đạn trúng bụng có vẻ như không tự nhiên, ngay các bác sĩ giải phẫu cũng ngạc nhiên. Một bàn tay huyền bí đã làm trệch lằn đạn để cứu ngài không phải là xác quyết chủ quan của Karol Wojtyla, đó là sự kiện khách quan, và một cách nào đó được khoa học chứng minh: “Giáo sư Crucitti đã quan sát một chuyện tuyệt đối bất bình thường và không giải thích được”. Đường đạn bị lệch díc-dắc trong bụng giáo hoàng, tránh các cơ quan chính yếu. Nó chỉ cách động mạch một ly: nếu nó đụng đến động mạch thì giáo hoàng sẽ bị chết vì xuất huyết trước khi đến bệnh viện. Đường đạn cũng tránh cột sống và các đường dây thần kinh: nếu nó chạm đến những nơi này thì Đức Gioan-Phaolô II sẽ bị liệt. Giáo sư Crucitti kết luận: “Gần như đường đạn này đã được hướng dẫn để nó không gây một tổn thương nào để rồi không thể lành được”.

Vì thế ngày 13 tháng 5 năm 1994, khi nói với các giám mục Ý, Đức Gioan-Phaolô II mới có lý do khẳng định: “Đó là bàn tay của người Mẹ đã hướng dẫn đường đạn và giáo hoàng đang hấp hối ngừng ở ngưỡng cửa cái chết (…). Đường đạn giết người đã ngừng và giáo hoàng sống, sống để phục vụ!”

Bàn tay huyền bí này là bàn tay của Mẹ Thiên Chúa mà chúng ta mừng ngày Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, đó là điều Đức Wojtyla xác quyết. Ngài viết trong quyển Ký ức và căn tính: “Tôi đi Fatima để tạ ơn Đức Mẹ” Ngày 13 tháng 5 năm 1982, năm đầu tiên sau năm bị ám sát, Đức Gioan-Phaolô II tuyên bố: “Tôi thấy trong tất cả những chuyện này có bàn tay che chở của người mẹ, Mẹ Maria. Vào giờ này, tại đây, đền thánh Fatima, tôi muốn lặp lại trước mặt tất cả anh chị em: ‘Tất cả là của Mẹ, Mẹ Maria!’” Sau đó Đức Gioan-Phaolô II cũng lặp lại nhiều lần: “Một bàn tay bắn, một bàn tay làm lệch viên đạn.”

Đương nhiên chưa có một ai đi tìm các nhân chứng cho vụ can thiệp siêu nhiên này. Không một ai có thể hình dung có một bàn tay thật đã ngăn bàn tay Ağca bắn các phát đạn trí mạng này. Cho đến một ngày tháng 7 năm 2007, tôi đọc các tài liệu mà tôi nhận vào tháng 5 năm 2005, nhưng tôi để qua một bên chẳng chú ý tới.

Khi sắp xếp lại sách vở, tôi mở một hồ sơ mà tôi còn không biết nó có ở đó, hồ sơ này là câu chuyện lạ thường của Cristina Montella, “cô bé” của Cha Piô. Tôi đọc ngấu nghiến đọc và tôi khám phá một đại lục chưa ai biết đến. Vài ngày sau tôi đi tìm người đã thu tập các chứng từ và tài liệu về người phụ nữ này.

Vào một ngày nóng gắt và ánh sáng chói chang mùa hè, tôi lái xe đến thung lũng Spolète, hướng nam thành phố Axixi. Tôi có cảm tưởng như đi hành hương: tôi đi ngang đền thờ Đức Mẹ các Thiên thần, một đền thờ rất lớn trong đó có nhà nguyện Portioncule, rồi tôi đi ngang Rivotorto (một ngôi nhà thờ nhỏ trên chuồng mà Thánh Phanxicô sống vài tháng với các bạn của ngài), rồi đến Spello và cuối cùng là đến Trevi. Khi đi về hướng Montefalco vùng đồng quê, tôi thấy đền thánh Madonna della Stella.

Chính nơi đây là nơi linh mục Franco D’Anastasio Dòng Thương Khó ở, cha là nhà chú giải Thánh Kinh, là cha quản nhiệm đền thánh Saint-Gabriel, Addolorata trong nhiều năm. Cha viết nhiều sách giá trị về vị Thánh Gabriel và đặc biệt về đặc sủng của ngài, các tác phẩm này làm cho cha bây giờ là nhà sử học và người viết tiểu sử của Thánh Gabriel. Một trong các sách gần đây của cha là quyển nói về các điểm tương đồng giữa Thánh Gabriel và Cha Piô.

Những năm gần đây, cha Anastasio tiến hành một cuộc nghiên cứu quan trọng, gom lại các tài liệu và chứng từ về nữ tu thánh thiện Rita Montella (tên ngoài đời là Cristina Montella), một nữ tu Dòng Thánh Âugutinô, chết ngày 26 tháng 11 năm 1992 tại tu viện Santa Croce sull’Arno ở Toscane, nước Ý.

Ngay từ đầu đời sống của nữ tu  Rita, nhất là ơn gọi của nữ tu liên hệ chặt chẽ với ơn gọi của Cha Piô, đặc biệt là “ơn chữa lành”: cũng như Cha Piô, xơ có nhiều ơn và đặc sủng cao quý (ơn ở nhiều nơi một lúc). Như chúng ta sẽ thấy, mối liên hệ của Cha Piô với xơ thật đặc biệt; một trong các chứng nhân của mối liên hệ này là cha Teofilo dal Pozzo (tên thật là Rizieri Bennati) – cha Dòng Phanxicô đáng kính và có nhiều ảnh hưởng – cha là cha hướng dẫn thiêng liêng của xơ Rita và là cha bề trên tỉnh dòng Capuxinô ở Foggia, bề trên trực tiếp và là bạn của Cha Piô.

Cha Teófilo là nhân chứng trực tiếp của những “sứ mệnh” huyền bí kết hợp của Cha Piô và xơ Rita. Cùng với các nhân vật tu sĩ đáng kính khác, cha là người đầu tiên nghiên cứu kỹ lưỡng và sâu đậm các đặc sủng và sự thánh thiện của nữ tu Rita. Để thu thập các chứng từ này, cha Anastasio có thể dựa trên sự quen biết cá nhân với xơ, và qua năm tháng cha đã đưa xơ tham dự vào các thông tin quan trọng. Một trong các thông tin này thật sự làm đảo lộn, đó là thông tin về vụ ám sát Đức Gioan-Phaolô II, người cùng tuổi với xơ Rita (Đức Gioan-Phaolô II sinh ngày 18 tháng 5-1920, xơ sinh ngày 3 tháng 4-1920).

Marta An Nguyễn dịch

Ngày 27 tháng 12-1983, Đức Gioan-Phaolô II vào nhà tù Rebibbia thăm và tha tội cho Mehmet Ali Ağca, người Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn ngài ngày 13 tháng 5-1981