Bạo lực tiếp tục tăng mạnh trong dải Gaza và Bờ Tây
Đức Tổng Giám mục Auza: Tòa Thánh lo lắng về tinh hình ở Trung Đông
30 tháng Bảy, 2019 17:47
Ngày 25 tháng Bảy, Đức Tổng Giám mục Bernardito Auza, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại LHQ, có bài phát biểu trong Phiên Tranh luận Mở của Hội đồng Bảo an về Trung Đông, bao gồm Vấn đề về Palestine. Bài phát biểu được đọc bởi Đức ông David Charters.
Trong bài phát biểu, Đức Tổng Giám mục Auza lưu ý rằng bạo lực đang tiếp diễn trong dải Gaza và vùng Bờ Tây, cũng như sự thổi phồng sự hoài nghi, và hệ tư tưởng cực đoan đang gây nguy hiểm cho cả người Palestine và người Israel. Ngài nói cần phải có hành động, đặc biệt là việc chăm sóc cho người tị nạn Palestine cũng như động viên cả hai bên trở lại với những cuộc đàm phán. Ngài lưu ý đến tình hình nhân đạo ở Syria và nhắc đến lá thư của Đức Thánh Cha Phanxico gửi Tổng thống Assad về tình hình ở Idlib. Ngài nhắc đến tình hình ngày càng xấu đi ở Yemen và hoan nghênh Nghị quyết của Hội đồng Bảo an ngày 15 tháng Bảy (2481) để củng cố sự thi hành lệnh ngừng bắn và cung cấp sự tiếp cận được với những nguồn cung cấp quan trọng. Ngài nói rằng Iraq cho thấy một số hy vọng hòa giải và tái thiết.
Toàn văn phát biểu của Đức Tổng Giám mục
Thưa ông Chủ tịch,
Tháng trước trong bài trình bày trước Hội đồng Bảo an, Điều phối viên Đặc biệt về Tiến trình Hòa bình Trung Đông, Nickolay Mladenov, lưu ý đến sự leo thang bạo lực rất nguy hiểm ở dải Gaza cũng như những chia rẽ nội bộ đang thúc đẩy sự hoài nghi. Được tiếp thêm tính kích động bởi sự thổi phồng những hoài nghi và hệ tư tưởng cực đoan, thật đáng buồn sự thiếu tin tưởng này có thể nhanh chóng chuyển thành các hành vi bạo lực khiến cuộc sống của những người Palestine và Israel vô tội gặp nguy hiểm và tác động tiêu cực đến khu vực rộng lớn hơn. Một tình hình như vậy không thể cho phép Cuộc Tranh luận mở này chỉ đơn thuần là một buổi tường thuật lại các sự kiện và bình luận ồn ào về những thất bại và trở ngại đáng lo ngại để đạt được giải pháp hai Nhà nước trong các biên giới được quốc tế công nhận được như mong đợi. Nó phải dẫn đến hành động.
Thưa ông Chủ tịch,
Thông qua các khoản đóng góp quảng đại chủ yếu qua UNRWA, cộng đồng quốc tế tiếp tục bảo đảm rằng việc giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ cơ bản khác phải được được cung cấp cho người tị nạn Palestine vì sợ rằng tình hình trong vùng có thể trở nên khó lường. Hiện tỷ lệ thất nghiệp đã rất cao và có rất ít triển vọng cho các thế hệ trẻ, cùng với nhu cầu về thực phẩm và nước uống ngày càng tăng. Tuy nhiên, trong khi sự hỗ trợ nhân đạo và kinh tế vẫn là quan trọng để tạo môi trường cho các cuộc đàm phán, nhưng chúng không thể thay thế các cuộc đàm phán. Cần phải có ý chí chính trị và đối thoại mang tính xây dựng để thiết lập các điều kiện cho nền hòa bình lâu dài và một giải pháp toàn diện và bền vững. Một đóng góp quan trọng mà các quốc gia thành viên có thể thực hiện tại thời điểm này là khuyến khích các bên quay lại bàn đàm phán và cung cấp cho họ không gian và nguồn lực để cam kết đối thoại với tư cách là những vai chính trong tương lai hòa bình của chính họ, bên cạnh nhau.
Thưa ông Chủ tịch,
Khi xem xét về Trung Đông, chúng ta không thể bỏ qua các khu vực vẫn chưa được ổn định ở Syria, nơi nguy cơ của sự khủng hoảng nhân đạo xấu hơn vẫn còn cao. Chúng ta không thể trở nên điếc trước tiếng khóc của những người thiếu lương thực, chăm sóc y tế và học tập, hoặc của những đứa trẻ mồ côi, góa phụ và những người bị thương. Hôm qua, trong bức thư gửi Tổng thống Bachar El-Assad, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc của ngài đối với tình hình nhân đạo ở Syria, và đặc biệt đối với các điều kiện thảm kịch mà người dân thường ở Idlib phải đối mặt. Ngài lặp lại lời kêu gọi bảo vệ họ và tôn trọng luật nhân đạo quốc tế. Tình hình nhân đạo ngày càng tồi tệ ở Yemen cũng là một nguyên nhân gây lo ngại rất lớn, đặc biệt khi những người thiếu thốn nhất lại bị tước mất lương thực và sự chăm sóc y tế. Việc Hội đồng nhất trí thông qua Nghị quyết 2481 ngày 15 tháng Bảy để đổi mới nhiệm vụ của Phái bộ Liên Hợp Quốc về Hỗ trợ Thỏa thuận Hodeidah là một bước cần thiết để tăng cường việc thực hiện lệnh ngừng bắn trong vùng và để tạo điều kiện tiếp cận được các điều khoản và nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, cần có sự gắn kết. Làm thế nào chúng ta có thể đưa ra những lời kêu gọi hùng hồn cho hòa bình ở vùng Trung Đông và thậm chí cam kết hành động nhân đạo trong khi đồng thời lại tiếp tục cho phép bán vũ khí trong khu vực?
Thưa ông Chủ tịch,
Iraq, sau những tội ác không thể kể hết mà ISIL đã gây ra cho dân chúng, đặc biệt là thành viên của các nhóm sắc tộc thiểu số và tôn giáo, mang đến một hy vọng khi họ tiến đến con đường hòa giải và tái thiết “thông qua việc theo đuổi hòa bình và chia sẻ lợi ích chung đối với tất cả các thành phần của xã hội.” (1) Ngoài ra, điều cần thiết là cộng đồng quốc tế tiếp tục khuyến khích và tìm kiếm mọi cơ hội có thể có cho các cuộc đàm phán và giải pháp hòa bình cho các cuộc khủng hoảng hiện tại ở Vùng Vịnh.
Thưa ông Chủ tịch,
Đây là một thời điểm quan trọng, trong đó tất cả các quốc gia trong khu vực không được phung phí những bước tiến hòa bình bằng cách rơi vào tình trạng thù địch gây ra bởi các cuộc xung đột đầy tranh cãi của các thế lực trong khu vực. (2) Thay vào đó, điều cần thiết là phải thúc đẩy nhiều “đối thoại hơn nữa cho một văn hóa khoan dung, chấp nhận người khác và chung sống hòa bình; bằng cách này, họ có thể góp phần đáng kể vào việc giảm bớt nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường đang đè gánh nặng lên phần lớn nhân loại.” (3)
Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị.
(1) Trích Diễn từ của Đức Giáo hoàng Phanxico trước các tham dự viên của Hội nghị Reunion of Aid Agencies for the Oriental Churches (ROACO), 10 tháng Sáu, 2019
(2) Nt.
(3) Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân loại cho nền Hòa bình Thế giới và Chung sống, 4 tháng Hai, 2019.
Copyright © 2019 Permanent Observer Mission of the Holy See to the United Nations, All rights reserved.
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 31/7/2019]